Nhà thơ Trương Vĩnh Tuấn sinh ngày 19 tháng 12 năm 1946. Quê nội ông ở làng Giảng Võ, Hà Nội; còn quê ngoại, cũng là nơi gắn bó chủ yếu với ông suốt từ nhỏ đến tận cuối đời, là ở xã Nam Viêm, huyện Mê Linh, tỉnh Vĩnh Phúc. Sinh trưởng trong một gia đình yêu nước, cha và chú ông đều là liệt sĩ chống Pháp, mẹ làm y tá phục vụ kháng chiến. Tuổi thơ của ông được nuôi dưỡng bởi sự thơ mộng hào phóng của thiên nhiên tại một vùng quê giàu truyền thống cách mạng, và sự giao thoa đầy nhạy cảm của cuộc sống trong thời kháng chiến. Tất cả những điều ấy đã góp phần làm nên khí chất linh hoạt của một người lính báo vụ, và một tâm hồn nhạy cảm của một nhà thơ sau này… |
Năm 1965, khi mới 19 tuổi, cùng với tinh thần dấn thân của cả một thế hệ thanh niên khi ấy, Trương Vĩnh Tuấn lên đường nhập ngũ, trở thành lính báo vụ thuộc C150 là một đơn vị trinh sát kỹ thuật thuộc Ban Quân báo B3, hoạt động trên chiến trường Tây Nguyên với nhiệm vụ nắm tình hình địch bằng việc bắt, giải mã và phân tích các thông tin của chúng qua hệ thống vô tuyến điện để phục vụ các trận đánh. Công tác tình báo kỹ thuật với những đặc thù của nó, cộng thêm với niềm đam mê sẵn có được dung dưỡng từ mảnh đất trung du quê hương, đã giúp cho ông trong suốt 10 năm binh nghiệp, vẫn luôn được tiếp cận với không khí và đời sống văn chương của cả nước thông qua những bản tin trên Đài Tiếng nói Việt Nam, hay qua những tờ báo Văn nghệ gửi từ miền Bắc vào qua đường quân bưu mà nhiều khi vào đến chiến trường thì đã nát nhàu và ám mùi khói bụi, còn ngày xuất bản in trên báo thì đã xa tít tắp… Ấy vậy mà chừng đó cũng đủ để Trương Vĩnh Tuấn âm thầm gom góp nên một hành trang văn chương đầy từng trải sau này.
Năm 1975, sau khi đất nước hoàn thoàn thống nhất, người lính Trương Vĩnh Tuấn hoàn thành nhiệm vụ, trở về Hà Nội theo học khóa 2 trường viết văn Nguyễn Du rồi về công tác tại báo Văn nghệ. Sự nghiệp văn chương của ông gắn với tờ báo Văn nghệ từ đó cho đến khi nghỉ hưu, lần lượt qua các vị trí công tác từ Biên tập viên tới Trưởng ban Văn học thiếu nhi; rồi Trưởng phòng Hành chính - Trị sự kiêm Chánh văn phòng, rồi Phó Tổng biên tập báo Văn nghệ.
*
Khởi đầu bằng những bài thơ, truyện ngắn viết cho thiếu nhi, có vẻ như tuổi thơ chính là những dấu ấn sâu đậm nhất trong cuộc đời và tâm hồn Trương Vĩnh Tuấn. Bắt đầu từ tập truyện ngắn Bắt hổ in năm 1982 cho đến tập thơ Chỉ tại ngọn gió in năm 1992, độc giả dường như đã thấy định hình một tác giả chuyên viết cho thiếu nhi hết sức ấn tượng và cá tính… Thế nhưng không phải chỉ có thế. Cho đến khi Rừng, lính và thơ ra đời năm 1995, thì dường như quãng đời 10 năm quân ngũ của Trương Vĩnh Tuấn đã thức dậy sau 20 năm trầm tích. Tập thơ mỏng thôi, và cũng nhỏ nhắn cả về nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, nhưng đã thấy rõ bóng dáng một nhà thơ sở hữu một gia tài là những ký ức không thể ngủ quên
Thế nhưng cũng phải hơn 10 năm sau độc giả mới thấy Trương Vĩnh Tuấn xuất hiện trở lại trên văn đàn với tập thơ Ru em ru tôi vào năm 2002. Ấy là thời gian ông mất khá nhiều tâm sức với công tác quản lý ở báo Văn nghệ. Ru em ru tôi thoạt nghe như tên một tập thơ tình. Nhưng chỉ khi đọc rồi mới thấy, cái lý do để nhà thơ đem ra RU ấy, không phải chỉ là những xao xuyến của hôm nay, mà còn là những thổn thức của ngày xưa.
“... Anh chôn bạn dưới cánh rừng vắng lặng
Không biết cỏ xanh rờn đã lấp lối lâu chưa...”
(Viết riêng cho em)
Ấy là khi ông viết cho EM…
Còn khi viết cho TÔI, nhà thơ đã mượn hình ảnh những con khỉ ở rừng Trường Sơn, trong những năm tháng kháng chiến. Những con khỉ không biết nói tiếng người, nhưng lại biết ném cho người lính những chùm quả ngọt ngào khi đang đói, mách cho họ biết nguồn nước sạch khi đang khát, chỉ cho họ những lá cây để rịt vết thương!... Trong cuộc kháng chiến trường kỳ gian khổ, ác liệt ấy, người lính và con khỉ gắn bó sống chết bên nhau: “... Ta - chúng ta như những người bạn thân...”. Thế rồi bài thơ đóng lại với 3 câu kết thật bất ngờ làm lòng ta se thắt:
“... Cho đến một hôm
Chợt thấy chúng mày trong cũi sắt
Ta se lòng như một kẻ vô ơn!...”
(Trong vườn bách thú)
Những câu thơ giản dị như một câu nói đời thường, nhưng lại thành dao sắc cứa vào lòng...
… Và lời ru ấy đã không dừng lại với EM, với TÔI, mặc dù nó xuất phát từ thăm thẳm. Không lâu sau đó, năm 2004, tập thơ Đồng đội ơi của Trương Vĩnh Tuấn ra đời như một tiếng ru nữa được cất lên. Tiếng ru đồng đội…
Tôi gọi mãi sao đồng đội không thưa
Mà mưa cứ rơi gió cứ gào cứ thét
Mà cứ thẳng hàng ngang hàng dọc
Hết giặc rồi sao không dậy mà vui.
Tôi gọi mãi sao không ai trả lời
Lạnh trắng một màu cắt da cắt thịt…
…
Thời gian và sự gian khổ đã làm nên sự từng trải của những người lính. Và cũng chính thời gian đã lại kiểm chứng những ân tình thuỷ chung của người lính. Nhà văn Trương Vĩnh Tuấn, trước hết cũng là một người lính thủy chung như vậy. Sinh thời, không ít lần nhà thơ bộc bạch: “Chiến tranh, cả dân tộc mất mát đau thương. Còn mình trở về hôm nay là được lớn lắm, được tất cả…”. Có lẽ chính vì thế mà trong con tim ông, dù chiến tranh đã lùi sâu vào quá vãng, nhưng nỗi nhớ thương đồng đội vẫn không lúc nào yên…
*
10 năm sau ngày chia tay, năm 1985, lần đầu tiên những người lính tình báo kỹ thuật gặp lại nhau vào đúng dịp 30 tháng 4. Đó cũng là thời điểm Ban liên lạc C150 ra đời tại căn phòng chưa đầy 20m2 của nhà văn Trương Vĩnh Tuấn tại số 5 Trương Hán Siêu (Hà Nội), với tất cả những bề bộn, túng thiếu của cuộc sống nói chung thời đó. Có thể xem ông chính là một trong những hạt nhân của sự kết nối này. Từ đó về sau, cũng vào thời gian này, tại địa chỉ này, họ lại cùng ôn lại những kỷ niện của ngày hôm qua, đã cùng dìu dắt nhau trong cuộc sống hôm nay. Và cũng từ đó, từng ngày, từng ngày, từ khắp mọi miền của Tổ quốc, họ đón nhau về với vòng tay đồng đội, cả người còn sống, cả người đã khuất…
Dù năm tháng không nguôi
Xin hãy để cho tôi được khóc
Với những ngôi mộ có tên không tên
hàng ngang hàng dọc
Vì chúng tôi là đồng đội của nhau.
…
(Đồng đội ơi)
Một người lính sau cuộc chiến trở về làm một nhà văn, đó là dấu ấn của một thời đại. Một nhà văn thủy chung đau đáu với cuộc chiến mà mình vừa đi qua, đó là dấu ấn của một thế hệ. Trương Vĩnh Tuấn và rất nhiều nhà văn thế hệ của ông là những người đã làm nên một hành trang cho mình và cho văn học bằng những dấu ấn như vậy. Không chỉ có thế, những dấu ấn đó còn thể hiện ngay trong những ứng xử hàng ngày, trong công việc mà họ đảm nhiệm. Trên những trang báo Văn nghệ trong suốt một thời gian dài, bạn đọc trẻ tuổi vẫn chưa quên những trang viết dí dỏm, trẻ trung, thấm đẫm tình người và vốn sống của một nhà văn mang tên Trương Vĩnh Tuấn. Cũng ở báo Văn nghệ, nhiều thế hệ cán bộ, biên tập viên, nhân viên vẫn chưa quên hình ảnh một ông Trưởng phòng Hành chính năng động sát sao, rồi một ông Phó Tổng Biên tập quyết đoán, nhạy bén, đôi khi hơi ồn ào, gay gắt kiểu “con nhà lính” thời ông đảm nhiệm những vị trí này… Thế nhưng chính tất cả những điều đó lại khiến ông trở thành chỗ dựa tin cậy, an tâm cho mọi người trước những khó khăn mà một tờ báo văn chương không thể không gặp phải, đặc biệt là trong hoàn cảnh kinh tế và xã hội thời đó; để rồi sau khi tất cả qua đi, cái còn lại mà người ta nhận thấy ở ông vẫn là sự chân tình, gần gũi và nồng nhiệt của một nhà văn. Bạn bè ghi nhận ở ông sự thủy chung và hào sảng, đồng nghiệp tin cậy nơi ông là một người dám nghĩ, dám làm, và hơn thế nữa là dám chịu trách nhiệm trước những vấn đề hết sức “chênh vênh”. Cái chất lính ngang tàng pha chút phớt đời nghệ sỹ khiến ông không ngại dấn thân vào những chênh vênh. Người đời yêu ghét ông không để ý. Và ông cũng không ít phen điêu đứng vì điều đó…
Sau tập thơ Đồng đội ơi xuất bản năm 2004, Trương Vĩnh Tuấn tiếp tục cho ra mắt tập truyện thiếu nhi Tựa vào tuổi thơ năm 2006 như một sự trả nghĩa cho tuổi thơ của mình, mà ngay tên tập sách cũng phần nào nói lên điều đó. Nhưng đến Kiếp người, tập thơ xuất bản năm 2010 của ông, người ta thấy Trương Vĩnh Tuấn đã có những chiêm nghiệm khác. Thời gian này sức khỏe của ông đã có những dấu hiệu kém đi nhiều, nên có vẻ ông không “ngại” nói về những điều có tính dự báo:
Nằm bệnh viện nhìn ra nhà tang lễ
Nhớ ngày ở rừng lặng lẽ đặt bạn dưới gốc cây
Tiếng loa trầm hùng ngợi ca sao giống nhau
đến thế
Ngày xưa chỉ một cái nghiêng mình mà
đau tận hôm nay
Nếu tôi có mệnh hệ nào xin đừng đưa tôi
đến đó
Tôi không thích nghe bản nhạc buồn đã ru
triệu linh hồn
Tôi ao ước trong một căn phòng nhỏ
Đôi mắt tròn đang ngóng đợi trăng lên
… (Nếu)
Cái tâm trạng ấy của nhà thơ không phải đến bấy giờ mới có. Từ nhiều năm trước, ông đã từng chia sẻ trong một bài thơ có tên là Trở lại trong tập Ru em ru tôi:
“... Sẽ đến một ngày, rất gần thôi có thể
Anh xa em trở lại với rừng
Gửi nơi này một chút nhớ nhung
Một ít khổ đau, một phần trách móc...”
Nói lời lâng lâng nhẹ nhàng mà lòng ông lại trĩu nặng! Cái trĩu nặng của một con người sắp sửa từ giã cõi đời để đi xa. Nhưng trong thơ Trương Vĩnh Tuấn, chết không phải là ra đi mà là trở về, trở về với đồng đội đã yên nghỉ ngàn thu trong các cánh rừng Trường Sơn đầy mưa rơi gió thổi. Về với những con khỉ không biết nói tiếng người nhưng đã một thời cưu mang nhau vượt qua đạn bom, vượt qua cái chết!... Con người trước lúc đi xa bao giờ cũng cất lên những lời nói thật!... Câu thơ không có nước mắt nhưng nghẹn ngào đến rưng rưng…
*
Sinh thời, một người bạn khi viết về thơ ông từng nói: “Cuộc đời nhiều khi như một trận đồ bát quái, đã vào rồi không tìm thấy đường ra, bởi 8 cửa đều giống nhau, như đùa như thật, như có như không... Nhà thơ Trương Vĩnh Tuấn đã có lúc cảm thấy mình lạc lõng nhỏ bé và yếu ớt như một loài hoa dại, nở ra một bông buồn, chưa kịp hái, hoa đã trôi về dĩ vãng... Dường như cuộc đời đã lấy đi của ông tất cả, chỉ để lại sự nuối tiếc mỏng manh trong gió chiều ào ạt, khiến ông chỉ biết than thở: “... Ở trong anh có bông hoa không tên/ Chưa kịp hái đã trôi về dĩ vãng!...” (Bài thơ Hoa không tên của TVT).
Thế rồi chiều nay, bông hoa không tên ấy cũng đã trôi qua dĩ vãng để chìm vào vô định. Trái tim mang nặng nỗi đau đời của ông đã được thảnh thơi yên nghỉ, như câu thơ ông đã từng viết:
“... Bỗng tất cả đều trở thành vô nghĩa
Cái trong tay trở thành cái vô cùng
Ước có một nấm mồ xanh cỏ
Để chiều chiều khao khát một dòng sông!...”
Khi mà ước mơ của con người lại nằm ở phía bên kia thế giới, nơi mà ta vẫn gọi là cõi vĩnh hằng, thì cỏ xanh chính là thứ thuốc màu nhiệm để chữa lành tất cả những thương đau, thù hận, và mang lại sự bình yên thanh thản cho những trái tim từng khổ đau đang ngày đêm rỉ máu!...
Hà nội, 11/2024