Văn hóa nghệ thuật

Những bìa sách có thể giết người: Khi cái đẹp trở thành chất độc

Phúc Lâm
Sách 11:24 | 07/06/2025
Không phải mọi kho báu trong thư viện đều vô hại. Một sắc xanh từng được tôn sùng vì vẻ đẹp rực rỡ trong thế kỷ 19 - được tạo từ hợp chất đồng và asen - nay đang trở thành mối đe dọa độc chất tiềm tàng trong các bìa sách cổ. Từ những cuộc khảo sát ban đầu ở Mỹ đến bước đột phá công nghệ tại Đại học St Andrews, các nhà nghiên cứu đang từng bước vén bức màn lịch sử, nơi thẩm mỹ và cái chết từng đồng hành trong im lặng.
aa

Người Victoria rất yêu màu xanh lá. Đặc biệt, họ say mê một sắc ngọc lục bảo rực rỡ được tạo ra từ hỗn hợp đồng và asen, thứ từng được dùng để nhuộm mọi thứ từ giấy dán tường cho đến đồ chơi trẻ em. “Màu sắc này cực kỳ thịnh hành trong phần lớn thế kỷ 19 vì độ tươi sáng và khả năng chống phai màu dưới ánh sáng,” Erica Kotze, chuyên gia bảo tồn vật liệu tại Đại học St Andrews, cho biết. “Chúng ta biết rằng rất nhiều vật dụng gia đình đã từng được nhuộm bằng sắc tố xanh có chứa asen. Thậm chí, nó còn từng được sử dụng trong bánh kẹo.”

Những bìa sách có thể giết người: Khi cái đẹp trở thành chất độc
Những người đóng sách thời Victoria đã sử dụng asen, thủy ngân và crôm để tạo nên những bìa sách nổi bật. Ảnh: The Poison Book Project

Vấn đề nằm ở chỗ: sự kết hợp giữa các nguyên tố này là độc hại, và điều đó vẫn là mối nguy cho đến tận ngày nay. Đặc biệt là khi nói đến sách cổ. Những người đóng sách thời Victoria đã sử dụng asen, thủy ngân và crôm để tạo nên những bìa sách nổi bật. Và không giống các vật dụng gia đình dễ hư hỏng, sách lại được lưu trữ lâu dài trong các kho lưu trữ trên khắp thế giới, khiến cho thời trang thế kỷ 19 nay trở thành mối đe dọa của thế kỷ 21. Việc tiếp xúc lâu dài với nhiều cuốn sách có màu xanh này có thể dẫn đến tình trạng nhiễm độc asen ở mức độ thấp. Phơi nhiễm lâu dài có thể gây biến đổi da, tổn thương gan và thận, đồng thời làm giảm số lượng hồng cầu và bạch cầu, dẫn đến thiếu máu và tăng nguy cơ nhiễm trùng. Năm 2019, một nỗ lực nhằm giải quyết vấn đề này đã được khởi xướng tại Delaware, giữa Bảo tàng Winterthur và trường đại học bang.

Những bìa sách có thể giết người: Khi cái đẹp trở thành chất độc
Ảnh: The Poison Book Project

Dự án Sách có Độc (The Poison Book Project) đã tiến hành kiểm tra sách và lập danh sách những tựa sách có khả năng gây hại cho con người. Trong số đó có bốn cuốn sách nằm trong Thư viện Quốc gia Pháp, ngay lập tức đã bị thu hồi. Lấy cảm hứng từ dự án này, Erica Kotze đã liên hệ với đồng nghiệp của mình – Tiến sĩ Pilar Gil, người từng được đào tạo như một nhà hóa sinh học trước khi làm việc tại Bộ sưu tập Đặc biệt của Đại học St Andrews. Tiến sĩ Gil tiếp cận vấn đề theo hướng thực tiễn, tiến hành khảo sát hàng nghìn cuốn sách cổ trong bộ sưu tập. “Việc quan trọng nhất là tìm ra một thiết bị di động, không gây hư hại cho sách, có thể giúp chúng tôi xác định liệu đó có phải là cuốn sách có độc hay không,” bà nói.

Bà loại trừ công nghệ chụp X-quang vì sách quá mong manh và dễ tổn thương, thay vào đó chuyển hướng sang khoa địa chất. Ở đó, họ có một thiết bị quang phổ, dùng để đo sự phân bố các bước sóng ánh sáng khác nhau, nhằm xác định khoáng chất trong đá. “Khoáng chất và sắc tố rất giống nhau,” Tiến sĩ Gil giải thích, “vì vậy tôi đã mượn thiết bị đó và bắt đầu tìm kiếm sắc xanh ngọc trong các cuốn sách.” Bà đã kiểm tra hàng trăm cuốn sách và rồi nhận ra mình đang đứng trước một phát hiện quan trọng. “Tôi nhận ra có một mô hình đặc trưng trong những cuốn sách độc. Đó là một khoảnh khắc ‘eureka’, tôi hiểu rằng mình đang thấy điều mà chưa ai từng thấy trước đó.”

Công việc tiếp theo là thảo luận với khoa Vật lý để chế tạo nguyên mẫu thiết bị riêng của họ. Tiến sĩ Graham Bruce, quản lý phòng thí nghiệm nghiên cứu cấp cao, giải thích cách thiết bị hoạt động: “Nó chiếu ánh sáng lên cuốn sách và đo lượng ánh sáng phản xạ trở lại,” ông nói. “Nó sử dụng ánh sáng xanh, có thể nhìn thấy và ánh sáng hồng ngoại, không thể nhìn thấy bằng mắt thường. Nếu không có mảnh vụn asen, đèn sẽ nháy xanh; còn nếu phát hiện sắc tố chứa độc, đèn sẽ chuyển sang đỏ.”

Thiết bị kiểm tra mới này nhỏ gọn hơn và có chi phí sản xuất, sử dụng thấp hơn nhiều so với một máy quang phổ toàn phần. Hiện thiết bị đã được dùng để khảo sát hàng nghìn cuốn sách trong bộ sưu tập của Đại học St Andrews và Thư viện Quốc gia Scotland. Nhóm nghiên cứu hy vọng sẽ chia sẻ thiết kế này với các tổ chức khác trên toàn thế giới.

Những bìa sách có thể giết người: Khi cái đẹp trở thành chất độc
Ảnh: The Poison Book Project.

“Chúng tôi thật may mắn khi là một tổ chức lớn, có đủ thiết bị đắt tiền để kiểm tra các cuốn sách có khả năng chứa độc tố từ thế kỷ 19,” Tiến sĩ Jessica Burge, Phó Giám đốc Thư viện và Bảo tàng Đại học St Andrews, chia sẻ. “Nhưng nhiều tổ chức khác với những bộ sưu tập đồ sộ lại không có được nguồn lực như vậy, nên chúng tôi muốn tạo ra một thiết bị vừa rẻ, vừa dễ sử dụng. Nó không đòi hỏi phải có chuyên gia bảo tồn hay phân tích kỹ thuật, và cho kết quả ngay lập tức.” Đây cũng là một vấn đề không thể lờ đi, ngược lại, những cuốn sách độc có thể sẽ càng nguy hiểm hơn khi chúng tiếp tục mục nát theo thời gian.

Việc xác định được những cuốn sách này cho phép chúng được lưu trữ an toàn và vẫn có thể phục vụ bạn đọc thông qua những biện pháp kiểm soát như đeo găng tay và truy cập có giới hạn. “Đây sẽ tiếp tục là một vấn đề tồn tại lâu dài,” Tiến sĩ Burge nhận định. “Nhưng tôi cho rằng vấn đề lớn nhất hiện nay đối với các tổ chức là bất kỳ cuốn sách nào có bìa xanh từ thế kỷ 19 đều bị hạn chế truy cập, vì người ta không biết nó có độc hay không. “Mà với thư viện và bảo tàng, điều đó đi ngược lại tinh thần của chúng tôi. Chúng tôi muốn mọi người có thể sử dụng sách và từng bước khôi phục quyền tiếp cận các bộ sưu tập, thay vì đóng cửa chúng.”

Phúc Lâm (dịch từ BBC)

Ruộng, rừng, và hành trình đời người

Ruộng, rừng, và hành trình đời người

Ra mắt lần đầu vào năm 2006, Màu rừng ruộng - tiểu thuyết đầu tay của Đỗ Tiến Thụy - đến nay vẫn là tác phẩm gây ám ảnh nhất trong văn nghiệp của anh. Trên nền không gian kép Ruộng và Rừng, nhà văn không chỉ tái hiện một thế giới nông thôn Bắc Bộ và Tây Nguyên hậu chiến bằng lối kể truyền thống ngồn ngộn chi tiết, mà còn mạnh mẽ đặt ra câu hỏi về sự lạc hậu, mông muội và bi kịch tinh thần mà con người phải gánh chịu dưới ách tập tục, luật tục và ký ức tập thể.
Tự do của loài chim - Thơ Vi Thùy Linh

Tự do của loài chim - Thơ Vi Thùy Linh

Baovannghe.vn- Loài chim nào bay cao, nhanh nhất/ Loài chim nào nhiều sức mạnh
Nhà văn, nhà báo Hồ Quang Lợi ra mắt cuốn sách thứ 11 "Sự thật, Lẽ phải và Ngọn bút"

Nhà văn, nhà báo Hồ Quang Lợi ra mắt cuốn sách thứ 11 "Sự thật, Lẽ phải và Ngọn bút"

Baovannghe.vn - Sáng 12/6, nhân dịp kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2025), Thư viện Quân đội phối hợp Nhà xuất bản Hà Nội tổ chức lễ ra mắt cuốn sách Sự thật, Lẽ phải và Ngọn bút của nhà văn, nhà báo Hồ Quang Lợi.
Vai trò của thanh niên trong bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc

Vai trò của thanh niên trong bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc

Baovannghe.vn - Chiều 12/6, tại Hà Nội, Trung ương Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam tổ chức Hội nghị lấy ý kiến góp ý dự thảo Đề án Thanh niên tham gia bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam giai đoạn 2024-2029.
Triển lãm "Chân dung thời gian" của họa sĩ Phạm Duy Quỳnh

Triển lãm "Chân dung thời gian" của họa sĩ Phạm Duy Quỳnh

Baovannghe.vn - Triển lãm Chân dung thời gian của họa sĩ Phạm Duy Quỳnh giới thiệu tới công chúng 24 tác phẩm sơn dầu và 12 tác phẩm sơn mài khổ lớn trong bộ sưu tập của họa sĩ.