Một sáng cuối tháng tư năm 1983, tôi bước xuống Ga Sài Gòn lúc bình minh trong tiếng nhạc bài Tiến về Sài Gòn từ chiếc loa đâu đó khiến lòng tôi bừng lên nỗi niềm khó tả. Ga Sài gòn không đông đúc nhưng xôn xao. 2 nhánh đường ray dừng lại nơi đây. Ngày xưa, tuyến đường sắt này còn đi tiếp về phía nam, xuyên qua tỉnh Chợ Lớn - Tân An về tận thành phố Mỹ Tho. Tàn tích đoạn cuối tuyến đường không còn trên mặt đất dù là dưới dạng bảo tồn. Sài Gòn, miền Tây là vậy. Nghĩa tình nhiều, mênh mang như biển cả; nhưng điều gì trở thành vô ích sẽ không được giữ gìn. Để cho cái mới, cái phù hợp vươn lên. Nhà ga cũ kỹ chào đón rồi nhanh chóng tiễn hành khách buổi bình minh, ra khỏi sân ga đã thấy nhịp sống người Sài Gòn khẩn trương, như tự nhiên với nhịp triều ngày 2 lần lên xuống.
Dinh Độc Lập là một biểu tượng của chiến thắng, hòa bình và sự toàn vẹn lãnh thổ của đất nước Việt Nam |
Tuần sau, tôi đến làm việc ở Phân Viện thiết kế Bộ Giao thông Vận tải đóng ở số 92 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, phường Bến Nghé, Quận 1, trong căn nhà cũ dưới bóng cây dừa âm u. Bến Nghé là bến nước đầu tiên kênh Tàu Hủ - Bến Nghé, con kênh chảy qua trung tâm thành phố và nối với sông Bến Nghé - tên gọi đoạn sông Sài Gòn chảy qua Thành phố Hồ Chí Minh trước khi hợp lưu với sông Đồng Nai ở Nhà Bè rồi đổ vào Biển Đông.
Bến Nghé cũng là trung tâm thành phố. Địa danh này gợi ý cho ta có bến thuyền “ghé” lại thuở hồng hoang. Có vẻ như người xưa, ngược Biển Đông vào đến đây, thấy dãy Trường sơn xa mờ phía Bắc. Cây cối rậm rạp che mặt sông. Rảo vài bước đã ở trong rừng rậm miền đồng bằng. Cảm giác yên tâm trước miền sinh thái rừng ngập mặn được nối tiếp với miền đồi núi trung du phía Tây Bắc (Gò Vấp bây giờ). Cắm con thuyền, đi sâu về phía Bắc (nay là Thủ Đức), nơi cuối cùng của dãy Trường Sơn xanh mờ trong nắng. Trông về phía đông có cửa sông Sài Gòn nối với biển mênh mông. Cảm giác đứng giữa vùng rừng đồng bằng, tựa lưng vào núi và nhìn ra biển cả; thế đất đẹp, họ vững lòng “ghé” vào đây khai khẩn lập nghiệp…
*
Sài Gòn ban đầu có tên “Thành trong rừng” (tiếng Khmer là Prey Nokor) do người dân bản địa gọi theo hiện trạng vùng đất nhỏ bé này. Đế chế Khmer sụp đổ, Nam Bộ thành đất vô chủ, về sau được sáp nhập vào Đại Việt nhờ công cuộc khai phá miền cực nam bán đảo Đông Dương của chúa Nguyễn. Các nhà sử học cho là bắt đầu từ năm 1623. Năm 1674, Thống suất Nguyễn Dương Lâm vâng lệnh chúa Nguyễn đánh Cao Miên, phá vỡ “Lũy Sài Gòn” (theo Hán Nho viết là “Sài Côn”). Vì thiếu chữ viết nên chữ Hán “Côn” được dùng thế cho “Gòn” và lần đầu tiên chữ “Sài Gòn” xuất hiện trong sử sách.
Năm 1698, chúa Nguyễn Phúc Tần sai Thống suất Nguyễn Hữu Cảnh vào kinh lý miền Nam, thấy nơi đây đất mở mang đến hàng ngàn dặm và có dân trên 4 vạn hộ. Để quản lý, ông lấy xứ Đồng Nai làm huyện Phước Long và xứ Sài Gòn làm huyện Tân Bình (nghĩa là Quảng Bình mới, do Nguyễn Hữu Cảnh quê gốc Quảng Bình). Lại đặt ra hai dinh Trấn Biên (Biên Hoà) và Phiên Trấn (Gia Định); xin Triều đình bổ quan cai trị. Đây là hành động pháp lý khẳng định chủ quyền của nước Đại Việt đối với xứ Đồng Nai. Từ đó, xứ Sài Gòn trở thành huyện Tân Bình và huyện sở đặt ở làng Tân Khai (mé sông cầu Mống), là trụ sở của dinh Phiên Trấn. Những xóm làng đầu tiên của Sài Gòn là xóm Hòa, xóm Tân Khai, xóm Long Điền, xóm Than, xóm Bàu Sen, xóm Phú Giáo, xóm Lò Bún, xóm Cây Củi, xóm Rẫy Cải, xóm Ụ Ghe. Sài Gòn trở thành thị trấn đông đúc, hơn một vạn dân, trở thành thủ phủ dinh Phiên Trấn - Sau đó, Thành gia Định là thủ phủ của xứ Đồng Nai.
Võ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh là người có công mở rộng bờ cõi xuống phía Nam. Được Chúa Nguyễn đồng ý, Nguyễn Hữu Cảnh đã tổ chức một cuộc di dân lớn nhất trong lịch sử, đưa dân vùng ngũ Quảng (Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Đức, Quảng Nam, Quảng Ngãi) vào khai phá vùng đất Đồng Nai. Ông có công giữ vững miền biên thùy phía Nam. Nhân dân Nam Bộ, Trung Bộ dựng vô số đền thờ Ông, không chỉ của người Kinh, cả người Khơ Me cũng có. Ở Quận 9, có đền thờ lớn ở Công viên lịch sử văn hóa dân tộc cạnh Đền Hùng. Ở quê, đền thờ nhỏ hơn; đang chuẩn bị xây đền thờ ở thôn Đại Phúc nâng số đền thờ của Ông ở Quảng Bình có ở 3 nơi.
*
Chợ Bến Thành, một trong những biểu tượng của Sài Gòn - Tp. Hồ Chí Minh |
Khi thực dân Pháp đánh chiếm Sài Gòn, cụ Đồ Chiểu có 2 câu thơ tả thực: “Bến Nghé của tiền tan bọt nước/ Đồng Nai tranh ngói nhuốm màu mây”… Bến Nghé, nơi buôn bán và giàu có, cả xứ Đồng Nai sầm uất nên cảm giác của cụ Đồ Chiểu: thôi hết thời vàng son.
Sau khi chiếm thành Gia Định, ngày 11/4/1861, Phó Đô đốc Léonard Charner ra nghị định xác định địa giới thành phố Sài Gòn (tiếng Pháp: Ville de Saigon) bao gồm cả vùng Sài Gòn và Bến Nghé. Đến ngày 03/10/1865, quyền thống đốc Nam Kỳ, chuẩn đô đốc Pierre Roze ký nghị định quy định lại diện tích của thành phố Sài Gòn chỉ còn 3km2 tại khu Bến Nghé cũ, đồng thời cũng quy định thành phố Chợ Lớn (tiếng Pháp: Ville de Cholon) tại khu vực Sài Gòn cũ. Ngày 08/01/1877, Tổng thống Pháp ra Sắc lệnh thành lập thành phố cấp 1 Sài Gòn, đứng đầu là Thị trưởng. Năm 1879, người Pháp đặt chức vụ Thống đốc Nam Kỳ để cai trị Nam Kỳ. Trụ sở của Dinh Thống đốc đặt tại Sài Gòn, về sau gọi là Dinh Gia Long, là nơi xây dựng Dinh Độc Lập. Từ năm 1887 đến năm 1901, Sài Gòn là thủ đô của Liên bang Đông Dương. Mỹ từ “Hòn ngọc Viễn đông” do người Pháp đặt ra. Người Sài Gòn vốn thật thà, ghét khoe khoang, họ biết Sài Gòn chưa bao giờ đạt đến mức hoa lệ đến vậy.
Người Pháp cai trị xứ Nam Kỳ có khác chút ít với hai xứ còn lại. Họ dùng sức dân ta và trí tuệ của họ để đào kinh, mở lộ, xây dựng các công trình nhằm phục vụ cai trị và bóc lột. Tuy bóc lột dân ta thậm tệ, nhưng vẫn làm cho miền đất Nam Bộ phát triển nhanh. Lúc đó, Nam Bộ gọi là “thuộc địa của Pháp”, được hưởng nhiều quy chế và văn minh của nước Pháp. Đèn điện, xe đạp, tàu sắt, súng nổ, bánh mỳ, cây cao su v.v… tràn vào. Phố phường Sài Gòn hình thành bởi trí tuệ người Pháp: kiến thức quy hoạch, kỹ thuật khảo sát, thiết kế thi công… các vật tư xây dựng hiện đại nhập từ Pháp cộng với sức lao động người Việt Nam. Về quy hoạch, cơ bản là khoa học, hợp lý và cho đến nay, vẫn không bị thời gian làm cho lạc hậu.
Người Pháp đã hình thành bộ máy hành chính cho Sài Gòn theo mô hình nước Pháp văn minh. Cảnh sát, nhà nước hành chánh phương Tây được lập ra với công báo, cho lập báo tư nhân. Ban hành các nghị định, quyết định để quản lý hành chính… làm cho xứ này hiện đại, văn minh nhất nước. Người dân có căn cước cũng được hưởng quyền công dân của Pháp, được lên tàu vào nước Pháp học hành, làm ăn, lập hội, đấu tranh cho dân chủ ngay tại “Chính quốc”… và đi các xứ thuộc địa của Pháp, các nước có quan hệ ngoại giao với Pháp…
Tháng 8/1910, Thầy giáo trẻ Nguyễn Tất Thành từ Huế vào dạy ở Trường Dục Thanh (Phan Thiết – Bình Thuận). Tháng 2/1911, Nguyễn Tất Thành vào Sài Gòn xuất ngoại ở bến Nhà Rồng. Ai giúp và làm sao Nguyễn Ái Quốc làm được thẻ căn cước thì chưa thấy tư liệu nào về vấn đề này. Nhưng hồi đó có tiền không mua được thẻ căn cước. Căn cứ vào tính cách của Bác Hồ, sẽ không có chuyện lo lót để làm một việc gì. Chúng ta có quyền lập luận rằng: Bác Hồ có thẻ căn cước để lên tàu chắc chắn là nhờ lòng tốt và sự giúp đỡ của vài người Sài Gòn. Nét văn hóa ngàn đời đó, đến nay vẫn không hề thay đổi.
Sau năm 1956, tên gọi Sài Gòn được dùng chung để chỉ cả hai vùng đất này. Người Mỹ đưa vào các tiến bộ kỹ thuật tốt nhất lúc bấy giờ và phương thức quản lý kinh doanh hiện đại. Họ tiếp tục xây dựng mô hình xã hội tự do nửa vời đề cao tính thực dụng với sự phồn vinh giả tạo do viện trợ của Hoa Kỳ tạo ra. Các em bé bán báo Sài Gòn lúc đó cống hiến cho kho tàng ngôn ngữ tiếng Anh - Mỹ từ “Number One - số một”. Nó có thể thay cho từ “The first - thứ nhất”. Tuy nó là một từ hoàn toàn sai về mặt ngữ pháp và từ vựng, nhưng nó dễ thương nên được lính Mỹ đem về chính quốc và nhanh chóng trở nên thông dụng. Đó là sự hội nhập văn hoá của Người Sài Gòn với Hoa Kỳ mang tính chất thực dụng và giản tiện.
*
Cuối năm 1987, tôi được tòa soạn phân công viết bài bút ký về mảng kinh doanh của người Hoa. Anh Tấn, chủ một doanh nghiệp đón tôi ở Phân xưởng lông vũ. Lông mua về phân xưởng, được phơi. Bụi theo lông, ruồi nhặng bu theo, bốc mùi hôi thối. Anh dẫn tôi qua buồng đảo lông mù mịt bụi để đến buồng phân lông ở cuối dây chuyền. Khi mở cửa buồng, một màu trắng tinh khiết làm tôi lóa mắt. Những sợi tơ trắng mịn bám vào nhau thành chùm nho nhỏ cỡ hạt đậu, mềm và nhẹ. Đó là sản phẩm quý nhất của nghề lông vũ. Những sợi nhung gãy cần phải thổi bay đi để không giảm chất lượng của nhung. Cầm nắm nhung không trọng lượng, mềm, mượt và mát rượi bàn tay. Một vài chùm bung ra nhẹ nhàng bay theo nhịp thở. Nó là sản phẩm từ đống lông vịt ướt nhèm hôi hám, làm áo khoác cao cấp có tác dụng điều hoà nhiệt độ: đông ấm, hè mát. Hiện chưa có loại vật liệu nào có những tính chất quý và trái ngược nhau như sản phẩm tự nhiên này. Mặc vào cảm nhận được sự êm ái, nhẹ nhàng.
Bài bút ký được đăng số xuân năm 1988. Anh Tấn trầm ngâm bảo văn chương viết hay, nhưng anh cần các đối tác nước ngoài biết để tìm đầu ra cho mặt hàng này ở nhiều quốc gia. Tôi viết thư và gửi bài bút ký cho nhà văn Trần Phương Trà, lúc đó làm ở Ban văn nghệ Đài tiếng nói Việt Nam, nói rõ sự tình. Tuần sau, bài bút ký được phát trong buổi phát thanh bằng tiếng nước ngoài. Bà con Việt kiều gọi điện kể cho anh Tấn đã nghe bài viết Phân xưởng lông vũ của anh. Sau đó, nhiều đối tác nước ngoài liên hệ với anh. Vậy là anh mời tôi đến thăm nhà anh ở quận 5. Căn nhà nhiều tầng. Một bà già móm mém hướng dẫn tôi cách dùng các thiết bị trong phòng khách, nhà vệ sinh... Bằng giọng trìu mến, anh Tấn gọi là Vú. Tôi tò mò hỏi Vú nuôi có phải là người thay mẹ cho anh Tấn bú thời bé phải không. Anh Tấn giải thích: dân Sài Gòn gọi những người ở với mình cho đến già mà không có gia đình là “Vú nuôi”; đối xử như mẹ ruột. Chờ bà cụ ra khỏi phòng, anh tiếp: khi mất đi gia đình lo tang lễ và thờ tự như người của gia đình. Miếng cơm ăn giữa chừng nghẹn lại. Thấy tôi buông bát, anh bảo ăn vậy được rồi. Lát nữa ra tiệm Tàu, ở đó mới có món ngon. Tôi thành thật hỏi anh có phải là người Hoa không. Lại phân bua vì tôi cảm nhận rõ ràng anh là người Việt Nam, dân Sài Gòn chính gốc.
Anh Tấn bảo mình là người Minh Hương. “Ngày Trung Quốc đánh chiếm Hoàng Sa, chúng tôi đều giận dữ như nhau và đều mong được cầm súng giành lại”. Người Minh Hương từ lâu đã trở thành người Việt nên cũng không còn tính là người Việt gốc Hoa. Còn người Việt gốc Hoa là những người Trung Quốc đến lập nghiệp sau này.
Thấy tôi háo hức muốn biết về cộng đồng người Việt gốc Hoa, anh dẫn tôi thăm đình Minh Hương ở giữa Chợ Lớn, (số 380 đường Trần Hưng Đạo, Quận 5), xây theo kiến trúc cổ Việt Nam, xong năm 1789, trùng tu năm 1839 và 1901. Mọi văn tự trong đình viết chữ Nôm, thờ danh tướng Nguyễn Hữu Cảnh và những bậc tiền bối Minh Hương có công khẩn đất lập làng. Nơi đây năm 1698, hình thành làng Minh Hương ở Gia Thạnh, Chợ Lớn thuộc vùng Phiên Trấn Bến Nghé - Sài Gòn.
Chợ Lớn có nhiều di tích của người Hoa: Hội Quán, Chùa, Phố Cổ người Quảng, người Triều Châu, người Phúc Kiến… Chen lẫn trong đó là các di tích lịch sử của người Miên, người Chàm, người Hồi giáo, người Singapore, người Malaysia, người Pháp; tồn tại bình đẳng bên nhau. Sài Gòn là đô thị đa sắc tộc nhưng không có nạn phân biệt chủng tộc. Người Việt gốc Hoa có đóng góp nhiều cho nền kinh tế thời khai khẩn và cả trong chiều dài lịch sử. Người Minh Hương trung thành với nhà Minh chống lại nhà Thanh, họ trốn xuống miền Nam, được người Sài Gòn cưu mang, trở thành người Việt Nam từ trong máu thịt. Lại đi theo chúa Nguyễn đánh Tây Sơn, có công lớn trong việc mở mang bờ cõi về phía Nam. Vì thế Vua Gia Long trao cho họ nhiều đặc ân như quyền tự trị, bớt thuế khóa, miễn phu dịch và không phải đóng thuế thân. Gần giống mô hình đặc khu hành chính thời nay… Các đời vua sau tiếp tục duy trì.
Ngày 06/6/1865, Pháp cho thành lập Thành phố Chợ Lớn. Tiếp tục các đặc ân, Chợ Lớn do các bang trưởng người Hoa quản trị về hành chính. Giao thương tự do, thuế thấp, người Pháp ít can thiệp. Những đặc quyền trên bị chính quyền của Tổng thống Ngô Đình Diệm bãi bỏ. Từ tháng 12/1955 đến tháng 6/1956, Chính quyền ra 4 sắc lệnh hành chính này khẳng định lại vị thế người Hoa sống ở miền Nam Việt Nam là người Việt Nam. Nhưng đã gây hậu quả là Hoa kiều ồ ạt chuyển ngân, chuyển cơ sở sản xuất, kinh doanh qua Đài Loan, Hong Kong, Singapore... Nhiều thương gia chống đối bằng cách đầu cơ. Nền kinh tế miền Nam bị ảnh hưởng nặng nề. Đến năm 1954, làn sóng di dân từ miền Bắc mang vào nhiều doanh nhân. Họ chớp lấy cơ hội này để nhanh chóng thay thế Hoa kiều; khiến cơ hội làm ăn của Hoa Kiều trở nên khó khăn.
Người Hoa bình dân, lao động, vốn nhỏ, đã an cư lạc nghiệp nhiều đời tại Việt Nam và hầu hết bà con Minh Hương ở lại Việt Nam. Trải bao biến cố lịch sử, người Sài Gòn biết rõ: họ không còn là người Trung Quốc, họ là người Việt Nam, có Tổ quốc Việt Nam.
Tháng 7/1976 Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đổi tên Sài Gòn là Thành phố Hồ Chí Minh. Cách đặt tên này cũng tương tự với Leningrad và Stalingrad. Hiện nay, tên gọi Sài Gòn vẫn được dùng phổ biến và được nhắc đến như tên chính thức thứ nhất. Trên thế giới, hiếm thành phố nào mang hai tên gọi khác nhau, ai cũng hiểu, cũng trân trọng như nhau. Tờ báo của Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh vẫn mang tên Sài Gòn Giải phóng. Đến nay, khi viết tên Thành phố Hồ Chí Minh thì trong não người viết hiện lên chữ “Sài Gòn”. Khi trao đổi với nhau, người Việt Nam, người ngoại quốc vẫn dùng tên “Sài Gòn”. Do đó, tên cũ “Sài Gòn” vẫn luôn luôn thân thuộc. Địa giới hành chính Sài Gòn cũng có nhiều biến động, nhập tách. Đến tháng 12 năm 1978 huyện Cần Giờ, tỉnh Đồng Nai được nhập về Sài Gòn và không còn biến động. Kể từ đó, Sài Gòn theo chiều dài khoảng 80km, theo chiều rộng khoảng 45km. Trung tâm địa lý chuyển từ khu vực ngã tư An Sương về quận 1, trùng hợp một cách kì diệu với trung tâm hành chính là phường Bến Nghé, Quận 1.
*
Tháng 7/1979, Nhà văn Gabriel Garcia Marquez cùng với vợ và hai con trai đến Việt Nam trong gần một tháng. Ông đã đi thăm nhiều nơi, có đến thăm thành phố Hồ Chí Minh. Trở về Mexico, Marquez viết thiên phóng sự dài Việt Nam nhìn từ bên trong đăng trên báo Proceso. Ông nhận xét bi quan về Sài Gòn: “… Dưới thời Mỹ chiếm đóng, thành phố không còn giữ được bản sắc văn hóa của mình, trở thành một thiên đường nhân tạo được bao bọc bởi quân đội và sự trợ giúp của Mỹ, của hàng tấn đồ tiếp tế. Người dân Sài Gòn cuối cùng lại tin rằng đây là cuộc sống thực của họ. Vì thế, chiến tranh kết thúc khiến họ trở nên lạc lõng và xa rời thực tế, để rồi 4 năm sau khi người Mỹ cuối cùng rút đi, họ không thể gượng dậy được…”. Marquez nhìn thấy sau chiến tranh, giữ Sài Gòn tồn tại quả là khó khăn. Những người giàu tìm cách vượt biên, trộm cướp hoành hành, đời sống lao dốc. Các tổ chức phản động tìm mọi cách quay về trong tuyệt vọng, bị bắt đưa đi cải tạo… đã tạo hoàn cảnh giống nước sôi lửa bỏng. Giai đoạn này Sài Gòn xuất hiện những kiến trúc sư đổi mới nổi tiếng: Cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh quê Hải Dương, Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt quê Vĩnh Long. Họ đã tạo tiền lệ cho lớp cán bộ tiếp theo cũng từ các địa phương khác đến như Nguyên Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang quê Long An, Nguyên Chủ tịch Nước Nguyễn Minh Triết quê Bình Dương…
Sài Gòn gượng dậy từ cú sốc không viện trợ Mỹ bằng tự lực cánh sinh. Những năm 2000, thành phố bước vào công cuộc đổi mới cơ bản về hạ tầng giao thông vận tải, tiến hành xây dựng và khởi công nhiều công trình trọng điểm như Đại lộ Nguyễn Văn Linh, Đại lộ Đông Tây, cầu Phú Mỹ… Thành phố Hồ Chí Minh chỉ với 9 triệu dân (chiếm 10% dân số cả nước), diện tích 2 061km2 (chiếm 0,6% diện tích quốc gia) tổng sản phẩm năm 2018: 57 tỷ USD, đóng góp hơn 23% GDP cho kinh tế cả nước.
*
Cuộc di dân lần thứ tư của người nhập cư vào Thành phố Hồ Chí Minh sau năm 2000; họ có mặt khắp nhà máy, công trường làm nên giá trị và sự phát triển. Họ mang đến đây tạp nham phong tục tập quán và lối sống; làm thay đổi văn hóa Sài Gòn rất nhiều…. Thành phố Hồ Chí Minh lúc này có những nét kém phát triển: khu trung tâm cao ốc tài chính thương mại được bao quanh bằng các khu dân cư mới, lộn xộn nhếch nhác đang loang dần ra. Dân Sài Gòn chống đỡ âm thầm nhưng hiệu quả. Cảnh móc túi bị bà con hợp lực chặn bắt. Nhiều hiệp sỹ đường phố Sài Gòn hy sinh trong lúc bắt cướp nhưng không ai run sợ. Gặp buôn gian, bán lận, họ mua một lần và không quay lại. Vậy là sạt nghiệp.
Người dân xứ Đồng Nai cưu mang những người xa xứ cùng chung tay xây dựng quê hương. Cho đến nay, người Sài Gòn luôn chào đón, dành tình cảm và chở che cho những người di dân với tiêu chuẩn họ cần: sống thực lòng, chân tình, giản tiện. Họ cạnh tranh nhưng không phải là chiến tranh; để đất cho mọi người cùng mình tồn tại và phát triển. Sài Gòn có cách thanh lọc tự nhiên nhằm để cho những người chân thật trụ lại được, cùng nhau làm nên bộ mặt Sài Gòn hiện đại và giàu có hiện nay. Vốn nhà nước đổ vào các cơ sở hạ tầng, giao thông… tạo nền móng vững chắc cho sự phát triển của thành phố, để các công trình của tư nhân hiện đại và đẹp hơn thực sự tạo nên dấu ấn và tồn tại lâu dài, như tháp tài chính (Bitexco Financial Tower) 63 tầng ở trung tâm quận 1. Khu vực ven sông Sài Gòn, phường 22 quận Bình Thạnh; trước đây là đầm lầy ven sông ken đầy nhà ổ chuột. Tập đoàn Vingoup của Phạm Nhật Vượng đã biến nơi này thành Vinhomes Central Park. Phức hợp được đầu tư hiện đại như một tiểu đô thị mà điểm nhấn là Tòa nhà Landmark (Cột mốc) 81 tầng cao 461,3m; là tòa nhà cao nhất Đông Nam Á cho đến thời điểm hôm nay, với chi phí xây dựng 300 triệu USD (khoảng 7000 tỷ Việt Nam đồng). Vào buổi tối, toà nhà Landmark cùng với sông Sài Gòn phản chiếu ánh điện lung linh tạo cảm giác thành phố đang vươn lên tầm cao mới…
*
Khi biết tôi mua quà thăm bệnh, người phụ nữ không quen chọn hàng, trả giá cho tôi. Cô ấy chỉ dẫn cặn kẽ: Thăm bịnh cho tiền, họ không dùng cho trị bịnh. Dành tiền đó mua những thứ người bệnh cần, ít nhưng phải tốt, phải để được lâu. Đừng vào thăm chỉ vì nghĩa vụ. Năng vào thăm. Không có điều kiện thì điện thăm hỏi hằng ngày...
Hằng ngày, đi về giữa Sài Gòn, tôi thường thấy người Sài Gòn cưu mang người gặp hoạn nạn. Sống lâu mới hiểu người Sài Gòn thông minh nên họ chọn cách sống chân thật, tránh khoe khoang. Họ ít tranh luận vì sợ dẫn đến tranh cãi để phân định thắng thua do đó không tìm ra cái đúng. Khi biết người nghe không thay đổi thì họ không nói. Khi nói thì họ rành mạch, có lý có tình. Họ sống thực tế nên có tư duy logic và coi trọng sự công bằng, cốt lõi của tư duy phản biện. Nhưng đối xử với nhau thì bằng tấm lòng. Giữa những tấm lòng chân thành có vô vàn con đường. Những con đường đó đều về đến những con tim chân thật…
Nguồn Văn nghệ số 17+18/2020