Sáng tác

Những cánh chim Chua Sa. Truyện ngắn của Trung Long

Trung Long
Truyện
06:00 | 23/11/2024
Baovannghe.vn- Ở Chua Sa có hai biệt thự lớn, người xây chúng từng là thợ săn, sau mấy chục năm lưu lạc ông trở về xây hai biệt thự rồi biến mất. Nghe kể, ông biến thành ma, mình đầy lá chân gấu, tay cầm cây lao dài trôi dạt trên những cánh rừng quanh Chua Sa.
aa

Đêm. Trời đầy sao, trăng nhợt nhạt, đêm hoang vắng, gió lang thang mang theo những tiếng thì thầm từ quá khứ. Bóng người ẩn khuất trong những cánh rừng hoang tàn và tăm tối đang thầm gọi tên. Chua Sa Chua Sa. Tôi ngồi, mắt nhìn ra mênh mông. Hắn đứng như đang đổ người xuống vực thẳm, một bàn tay nhẹ từ trong gió đủ làm hắn biến mất. Tôi lên tiếng. Không mấy người còn nhớ về một Chua Sa cũ, êm đềm và buồn chán, nơi những cánh rừng phủ bóng lên con người. Con người chôn vùi đời mình trên những nương ngô cằn cỗi. Nó đang thay đổi. Tao thì thấy nó đang chết dần. Hắn nói, con người gắn chặt với mảnh đất này như một sinh thể. Khi mảnh đất đang hấp hối con người không còn điểm tựa, họ hoang mang.

Cha tôi bảo, tôi là đứa con hoang của rừng. Ông đi săn, nhặt được ở gốc cây mang về nuôi. Tôi hư hay không ngoan, ông đá đít. Biến, vào rừng mà ở. Tôi sợ rừng. Ông mang rừng ra dọa nhiều hơn.

Những cánh chim Chua Sa. Truyện ngắn của Trung Long
Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet

Năm mười tuổi tôi đi săn cùng cha. Tôi cầm chiếc nỏ bé, theo sát ông. Ông đi nhanh như muốn để tôi lạc giữa rừng. Tôi bị bỏ xa phía sau. Sợ lạc, tôi phải chạy. Đó là lúc tôi thấy chúng. Tiếng động khe khẽ trong những bụi cây, trong hốc đá, trên cành cao. Chúng vươn cổ nhìn tôi. Chúng di chuyển về phía tôi từ mọi hướng. Tôi cố sức chạy thật nhanh. Tôi gọi cha. Ông dừng lại. Tôi chỉ tay về phía chúng, sợ hãi. Ông lắc đầu bảo không thấy gì. Chúng lại gần, tôi chạy. Chúng bò lên người tôi, siết chặt. Tôi không thở được, ngã lăn ra đất, quần quại. Tôi nghe thấy tiếng cha hét. Quỷ rừng! Ông ôm chặt lấy tôi. Đúng lúc ấy, một đàn chim xanh khổng lồ bay ngang rừng, hất văng cha con tôi xuống đất. Tôi bất tỉnh, lúc dậy không thấy chúng, nhưng máu từ những vết cắn thì vẫn còn. Cha đứng nhìn sang phía núi đá. Nơi có một người đàn ông, tay cầm cây lao dài, mặt hướng nhìn đàn chim bay lượn. Tôi hỏi cha về chúng. Cha bảo, quỷ rừng. Lúc sau ông bảo, con phải tranh xa rừng, mãi mãi. Về nhà đi. Ông bảo tôi về, còn ông đi về phía núi đá. Đó là lần cuối cùng tôi nhìn thấy ông.

Ông ấy nói đúng, mày không được bước vào rừng. Quỷ rừng sẽ giết những ai nhìn thấy chúng. Đó là tao nghe nói vậy, ở cái đất này người ta vẫn phải tin vào những điều dù là vớ vẩn nhất. Hắn cười nhếch mép. Mà cha mày cũng giống cha tao, những con người mang trong mình đầy những niềm tin ngu ngốc và ảo tưởng.

Cha tôi không ảo tưởng.

Rồi, sau đó thì sao? Hắn hỏi.

Trên đường về tôi bị lạc. Không thức ăn, nước uống, khóc hết nước mắt vì sợ. Tôi vẫn nhìn thấy chúng ở mọi nơi nhưng chúng không lao vào cắn xé như trước. Sau hai ngày tôi gặp một người đàn ông đi cùng một bé gái. Tôi ở trong rừng cùng họ vài ngày rồi họ đưa tôi ra khỏi rừng.

Tôi dừng kể. Hắn nằm ra cỏ. Ngủ đi, sáng mai theo anh.

Sáng. Hắn đèo tôi đi một đoạn đường khá xa, rồi trèo lên ngọn núi đá gần như thẳng đứng.

Chua Sa đấy!

Hắn chỉ tay, tôi nhìn theo. Phía xa nhất là núi đá có hình khuôn mặt người con gái với mái tóc dài thả xuống vực như vô tận. Sau đó là ngọn núi thiêng cao nhất vùng Chua Sa. Xuống dưới là những bản người Mông. Vùng trũng, tôi tối, có đường quốc lộ chạy qua, có con sông nhỏ chảy dọc là khu chợ, nơi tập trung nhiều dân cư. Phía trên là hai sườn núi chạy song song.

Giống hình một người con gái nằm ngửa, hai đầu gối nâng cao, eo thon, ngực nở, đầu ngửa phía sau. Tôi nói.

Hắn cười. Đẹp đúng không nào.

Hẳn nào gái Chua Sa lại đẹp tới vậy.

Vợ anh cũng là gái Chua Sa.

Có một vệt dài, màu đỏ kéo từ đỉnh núi thiêng dọc xuống những bản người Mông, kéo thẳng xuống khu chợ. Giống như có một bàn tay khổng lồ từ trên bầu trời cào xuống mặt đất. Dấu tích của trận lũ lịch sự làm Chua Sa tan hoang.

Thiên nhiên đôi khi cũng tàn bạo. Tôi nói.

Con người cả đấy. Hắn chỉ tay. Phía núi Cốc kia kìa, là những cánh rừng đầu nguồn của Chua Sa. Giờ là những cánh rừng chết, do phá rừng và đãi vàng mà ra.

*

Ở Chua Sa có hai biệt thự lớn, người xây chúng từng là thợ săn, sau mấy chục năm lưu lạc ông trở về xây hai biệt thự rồi biến mất. Nghe kể, ông biến thành ma, mình đầy lá chân gấu, tay cầm cây lao dài trôi dạt trên những cánh rừng quanh Chua Sa. Biệt thự giữa bản có màu xanh xám, được xây bằng đá giờ bỏ hoang. Biệt thự dưới chợ, nằm tựa lưng vào núi có màu tro xám, âm u và buồn. Nó đã qua tay sáu chủ, người chủ đang sở hữu từng là ca ve chúa có tiếng, giờ ở ẩn, sửa biệt thự thành nhà nghỉ cho khách vãng lai.

Tôi bước vào, bên trong tối, sâu, ồn ào bởi tiếng người và tiếng nhạc. Tiếng cửa cót két và tiếng bước chân của tôi không làm phiền ai. Giữa phòng khách, bà chủ nhà nghỉ và đám người đang ngồi trên tấm phản nói chuyện, cười đùa. Họ thôi cười đùa, quay sang nhìn tôi. Tôi nhìn họ, từng người một. Họ nhìn tôi, nụ cười tắt. Tiếng nhạc biến mất, tự tay bà chủ tắt nhạc, tươi cười mời khách lên phòng nghỉ. Vừa bước lên cầu thang họ vừa nhìn tôi, ánh mắt không thân thiện.

Anh đến đây làm gì? Nàng hỏi.

Họ là ai?

Thợ săn.

Săn chim xanh?

Không. Săn người.

Gái Chua Sa?

Và người gác rừng.

Giờ anh hiểu sao họ lại nhìn anh như vậy.

Họ biết về anh nhiều hơn anh nghĩ, em tin một ngày họ sẽ giết anh. Về thành phố đi. Nàng nói và nằm trườn người trên tấm phản, vẻ mệt mỏi.

Anh sẽ chết ở đây, đấy là định mệnh. Tôi cười, tay sờ sờ tấm phản, mặt bằng đá, cong cong và mịn. Nhưng anh chọn cái chết cho mình. Cong cong như lưng người. Phản đá đẹp quá! Nó đáng giá bạc tỷ nếu mang được về thành phố.

Định làm dân buôn à? Nàng cười. Anh biết em lấy nó ở đâu không?

Tôi lắc đầu, nằm úp mặt xuống phản. Mắt nhắm. Anh muốn ngủ một giấc thật dài trên phản.

Em lấy lại của đám thợ làm đường. Nó vốn là phần lưng của bức tượng Phật to như đỉnh núi nằm chắn ngang dòng sông. Nhiều người tin rằng, nhờ bức tượng chắn ngang cơn lũ mà họ còn sống…

Tôi đứng vụt dậy bước cách xa tấm phản.

Có sao đâu anh, đất này không có Phật, tượng Phật cũng chỉ là đá.

Tôi hay mơ về cái chết của mình. Đã có lần tôi mơ thấy mình chết nằm úp mặt trên lưng một bức tượng Phật khổng lồ.

Công việc làm ăn của em giờ tốt chứ? Tôi hỏi, nàng cười. Nhờ trời, chừng nào người ta vẫn còn đến đây để phá, chừng đó em còn kiếm ăn được. Anh không đến để phá. Anh hiếu kỳ và gì nữa thì cũng thế cả mà thôi. Anh uống chút rượu nhá, rượu ngâm lưỡi chim xanh. Nàng mang ra một bình, trong có những vẩn nhỏ trôi, chúng là lưỡi chim non, lưỡi chim bố mẹ nặng hơn, chìm dưới đáy. Không biết tin đồn từ đâu, rằng rượu ngâm lưỡi chim xanh có thể chữa bách bệnh. Từ bệnh đàn ông đàn bà, tới bệnh tim, ung thư và cả “ết”. Rồi một cuộc truy lùng và tận diệt loài chim này nổ ra. Giờ mùa mưa, thèm nghe một tiếng “chua sa chua sa” vang trên bầu trời mà không có.

*

Trời mưa, mưa cả ngày không tạnh. Tôi muốn đến Chua Sa vào mùa mưa, vì mưa ở đây luôn khiến tôi cảm thấy như ngày tận thế đang đến gần. Đẩy cửa bước vào, căn nhà ẩm, mốc và tối. Mặt hốc hác, da xanh nhợt, nhìn kỹ mới nhận ra đó là người. Tôi đã thoáng giật mình nghĩ rằng một con ma xanh từ rừng tre đi lạc vào nhà hắn. Hắn ngồi một mình uống rượu với măng và mấy con chim nướng. Cách đây vài năm hắn to béo, bụng xệ. Tôi hay đưa tác phẩm của mình cho hắn đọc. Hiện thực à? Nó chỉ khiến người đọc cảm thấy nhàm chán và bất lực. Tôi cười xòa, gần như câu cửa miệng rồi. Sao anh không viết về Chua Sa. Người Chua Sa có được đọc đâu mà tao viết. Đọc xong hắn vứt lại. Mày viết như cứt. Sao cơ? Ở đất này không có hai thằng người Mông nói chuyện với nhau bằng tiếng Kinh. Ừ nhỉ? Thế thì vứt. Mày vứt cho anh. Anh lấy làm gì? Hắn cười. Hắn sửa đăng ở vài báo, rồi truyện dựng thành phim. Trong phim không chỉ hai thằng mà cả bản người Mông nói chuyện với nhau bằng tiếng Kinh. Tôi cạch mặt hắn mà không hỏi lý do vì sao hắn khác xưa tới vậy, giờ mới gặp lại. Hắn cười khẩy, vẫy tay.

Tưởng anh chết, tôi đến viếng.

Vàng hương đâu?

Đọc một bài thơ thay lễ.

Khỏi, mày đọc thơ tao bật nắp quan tài sống dậy. Tao chết mày đến có mặt là được rồi.

Câu nói thành thực khiến tôi không đùa nổi. Tao đang thèm được chết!

Tôi hiểu cái cảm giác thèm được chết ấy. Khao khát cái chết như những kẻ sắp chết khao khát được sống, nó mãnh liệt lắm. Nhìn hắn, tôi biết hắn sẽ chết, sẽ tự giết mình mà không ai có thể ngăn nổi.

Làm sao đến nông nỗi này?

Tre, tre ma!

Trên tường treo nhiều tranh ảnh và báo. Những bài báo viết về hắn, về những cánh rừng tre dự án xanh mượt. Trong ảnh hắn đứng cạnh những người có thể gọi là nổi tiếng, tôi gọi họ là “những người tốt vô tội”. Thời điểm đấy khắp Chua Sa trồng tre, tre từ nơi khác mang đến, gặp đất tốt nó to cao khác thường. Tre lan rộng từ cánh rừng này sang cánh rừng khác. Nhưng tre trồng ra để làm gì, bán cho ai thì không ai quan tâm. Giờ Chua Sa bạt ngàn những cánh rừng tre, trong rừng tre xuất hiện sinh vật lạ, dân ở đây gọi là những con ma xanh. Tôi có truyện ngắn tên là “Ma tre” muốn đưa hắn đọc, nhưng có lẽ không nên. Nếu đọc hắn sẽ chết nhanh hơn.

Anh trồng bao nhiêu?

Tất, mười “hắt”, toàn tre ma. Không một ma nào mua, hay hỏi han tới mấy năm nay. Tre cứ lan dần, lan dần, một ngày nó giết đỉnh Chua Sa. Tao phải chết trước ngày ấy. Hắn đưa chiếc măng to như bắp chân lên miệng gặm. Hắn đưa tôi một chiếc. Mày ăn đi, nhà tao giờ chỉ có măng.

Chị nhà đâu rồi? Tôi vụt nhớ ra và hỏi.

Đi làm ca ve rồi, đi để lấy tiền cho tao uống rượu. Nào uống đi, rượu ngâm lưỡi chim xanh đấy. Tao săn, ngày nào cũng săn.

Uống thế chó nào được! Tôi hét lên.

Uống, uống chứ, còn sống là còn uống.

*

Những kể săn người đi lướt qua. Chúng không nhìn tôi, tôi nhìn chúng. Chúng mặc bộ quần áo màu đen, bước chân rộng, đi nhẹ, hướng về phía cửa. Nàng nói, họ cũng là dân ở đây, hết kế sinh nhai, làm thuê để có tiền nuôi vợ con. Nhưng chúng săn người gác rừng cho những kẻ nhiều tiền muốn biến ông thành sinh vật cảnh. Ở thành phố tôi có biết tới một Chua Sa thu nhỏ nằm trong vườn sau của một đại gia. Nghe kể đại gia này đã nhiều năm làm chủ bãi vàng trên núi Cốc. Vợ con hắn chết trong trận lũ ở Chua Sa. Hắn thì vẫn sống và ngày càng giầu có. Không gì hoàn hảo hơn một người gác rừng thật, bằng xương bằng thịt đứng canh cho mô hình nhỏ bé và xinh xắn ấy.

Chúng ở đây nghĩa là người gác rừng cũng ở đây. Tôi nói. Nàng quay nhìn tôi. Anh tin người gác rừng có thật sao? Anh tưởng em đã từng gặp. Theo anh ông ấy bao nhiêu tuổi rồi? Khoảng ba trăm tuổi, có thể hơn. Nàng cười, đúng là anh chẳng biết gì về Chua Sa cả.

Hắn cũng nói với tôi câu tương tự. Mày chẳng biết gì về Chua Sa cả, muốn biết, đi theo tao. Đi đâu? Đừng hỏi hay nói bất kì điều gì, chỉ nghe và nhìn thôi mới thấy được. Buổi chiều hôm ấy trời trong, đẹp lạ thường. Sau mấy hôm mưa, núi rừng như được gột rửa, tôi cảm thấy như Chua Sa lại sáng đẹp như ngày nào. Tôi đi theo hắn, chỉ nghe và nhìn. Hắn dẫn tôi tới những dãy núi đá cao. Hắn trèo lên chỉ bằng một sơi dây. Hắn trèo cao, rất cao rồi đu từ vách đá này sang vách đá khác. Chỉ những thợ leo núi lâu năm mới làm được như hắn. Nhìn hắn treo leo giữa vách đá, tôi biết hắn đã chọn được cách chết cho mình. Khoảng hơn tiếng sau hắn xuống, đứng cạnh bên tôi và nhìn lên bầu trời. Hắn chờ đợi, tôi cũng chờ đợi. Người hắn đẫm mồ hôi phả ra thứ mùi tanh chua chua của măng tre. Bầu trời chuyển sang màu đỏ rực, gió ào ào qua rừng. Hàng đàn chim xanh bay phủ kín bầu trời, chúng lượn theo từng đàn như đan xen, quyện chặt vào nhau. Giống một cơn lốc xoáy màu xanh giữa bầu trời. Tôi quay lại nhìn hắn, khuôn mặt hiền từ và quen thuộc. Hắn đang ngắm đàn chim xanh. Rồi chúng hót, núi rừng như rung chuyển. Lúc sau cơn lốc vỡ ra, chúng bay vòng một lúc rồi xà xuống những vách núi. Từ vách núi vang lên nhưng tiếng kêu, chúng bay khỏi vách núi, kêu trong hoảng loạn. Chúng bay chấp chới, loạn xạ, va vào nhau. Tôi nhìn theo, thấy hoang mang. Mắt hắn lin dim, hai tay mở rộng, miệng như đang cười. Nghe đi, bài ca của đàn chim xanh, bài ca về nỗi đau và cái chết. Chúng hét lên những tiếng thất thanh. Bỗng hàng ngàn con chim bay vút lên, cao hơn vách đá, cao hơn đỉnh Chua Sa, biến mất khỏi bầu trời. Im lặng giây lát, chúng lao xuống, lao thẳng vào vách núi đá, lã chã rơi. Tôi vẫn nhìn và nghe dù lúc này không có gì để tôi nhìn và nghe, ngoài hắn. Hắn giơ chiếc túi ở cạp quần ra. Lưỡi của chim non, tao rút lưỡi của chúng để bố mẹ chúng cảm nhận nỗi đau. Những con chim xanh, mỏng manh, nằm la liệt trên đá. Đôi cánh vẫn dang rộng. Hắn tới nhặt những con chim, lưỡi vẫn nguyên dù đầu bị dập nát. Hắn bước chậm và nặng nhọc như đang lê lết. Từng bước, từng bước, từng con, từng con một, hắn ngắm nghía, vuốt nhẹ lưng và rút lưỡi. Tôi nhìn hắn, hắn đang cảm nhận nỗi đau của chim xanh. Hắn nói đúng, tôi không hiểu gì về Chua Sa.

Anh ấy chết như thế nào? Tôi hỏi.

Không rõ, mọi người tìm thấy dưới vách núi, người nát, mặt mũi biến dạng. Nàng lắc nhẹ đầu. Thời gian ấy em ở ngoài thành phố, chỉ nghe kể lại. Có người bảo tận mắt thấy người gác rừng giết anh ấy bằng một mũi lao. Người thì bảo, anh đi săn sai thời điểm, đúng lúc đàn chim về, chúng tấn công. Nàng dẫn tôi vào một gian phòng nhỏ, cạnh phòng khách. Căn phòng giữ những gì còn lại của một người đã chết. Có sách, tranh ảnh và báo. Báo hắn viết, viết về hắn và cả những bài về tre ma. Ảnh hắn đứng cùng “những người tốt vô tội” sau là cánh rừng tre xanh mượt được phóng to, treo giữa phòng. Trong ảnh hắn cười tít mắt, tôi thích cái mặt của hắn khi còn sống hơn, cái mặt khi hắn ngắm đàn chim xanh. Lưu giữ quá khứ cũng là một cách tốt để sống tiếp. Nhưng với nàng nó không có nhiều ý nghĩa, ngoài một gian phòng nhìn đèm đẹp chứa những thứ mà nàng sẽ chẳng bao giờ đọc.

*

Tôi và hắn xuống xe, hắn bước tới một nấm mộ nằm cạnh bờ sông. Ngôi mộ có tấm bia nhỏ không ghi tên. Hắn đứng lúc lâu rồi nhìn lên bầu trời tìm kiếm đàn chim.

Anh biết ai nằm đây sao?

Biết, một nhà thơ vĩ đại và là người cha tồi. Tao ghét đàn chim xanh, ghét thơ và cả ông ấy nữa. Hắn nói nhỏ, nghe không nặng nề mà nhẹ lắm, như tiếng gió thoảng qua.

Hắn kể cho tôi nghe về cha hắn, một huyền thoại của núi rừng. Tôi sẽ kể cho các bạn nghe về con người vĩ đại này trong câu chuyện dành riêng cho ông, về ông. Giờ chỉ xin kể qua vài dòng. Năm hắn sáu tuổi, ông đi rừng về với một khuôn mặt đầy máu và một con mắt hõm sâu. Ông đặt bàn tay hắn lên con mắt hõm sâu rồi ôm hắn vào lòng. Ông bị chim xanh tấn công, mất một mắt. Từ đấy ông nghe được tiếng của loài vật, nghe được bài hát của đàn chim xanh, nghe được tiếng thủ thỉ của đàn hắc tinh trong núi. Ông bỏ vợ con lại và đi. Ông đi từ bản làng này sang bản làng khác, ông dừng lại ở đâu ở đó vang lên những bài hát, bài thơ và những câu chuyện về con người và rừng núi. Nghe kể, thơ và bài hát của ông hay đến nỗi chim và thú rừng cũng muốn nghe và đi theo. Những ngày cuối của Chua Sa, mưa bẩy ngày đêm không rứt, dòng sông đỏ như máu. Ông dựng túp lều nhỏ bên sông, suốt bẩy ngày ngồi hát. Cơn lũ qua, nhiều ngày sau nước rút người dân mới tìm thấy ông. Lạ là ông không bị nước cuối trôi như những người khác mà xác vẫn nằm nguyên, như đang ngủ. Ba bốn chục người tìm cách kéo ông lên nhưng không được. Họ bảo xác nặng nắm, bám chặt vào mặt đất. Họ lấp đất và đặt lên tâm bia nhỏ, không ghi tên.

*

Đêm, cốc rượu lưỡi chim xanh làm tôi không ngủ được. Văng vẳng tiếng sáo ngoài đường, phải chăng đấy là tiếng sáo của chàng trai đi tìm người yêu. Nghe kể, có chàng trai bản, yêu người con gái đẹp nhất vùng Chua Sa. Một ngày cuối mùa đông cô gái đột nhiên biến mất. Chàng trai khi ấy đang ở trên núi cúng thần rừng. Hôm sau chàng đi tìm, đi hết các bản làng, núi rừng. Đêm đến chàng cất tiếng sáo tìm gọi người yêu.

Cửa vụt mở, mặt tái, nàng nói như hét. Cứu, người gác rừng! Tôi vụt chạy theo. Trời lạnh, đường vắng. Ánh sáng mờ mờ của đèn cao áp soi rõ đám người phía xa. Tám người, mặc bộ quần áo màu đen đang vây quanh hai người. Chúng có súng và dao, chúng di chuyển quanh hai người. Người đàn ông to cao, không rõ khuôn mặt bởi chiếc khăn chùm đầu, tay cầm cây lao dài, tay chắn ngang che cô gái sau lưng. Tay cô gái bị trói, chiếc áo rách hở ra khuôn ngực.

Người gác rừng! Tôi nói như reo. Một khẩu súng quay về phía tôi. Đừng bắt ông ấy. Tiếng lách cách lên đạn. Tôi đứng khự lại. Cô gái ngước nhìn tôi, gió thốc ngang tung manh áo, khuôn ngực trắng mở rộng, một vệt dài màu đỏ như tay ai đó cào từ ngực dọc xuống dưới.

Nàng và nhiều người khác chạy tới, người cầm dao, người cầm gậy. Thêm khẩu súng nữa quay lại, lên đạn. Mọi người dừng lại. Chúng xiết chặt vòng tròn quanh hai người. Người gác rừng lùi dần, tránh ánh sáng từ đèn cao áp, mũi lao hướng về phía đám thợ săn. Cô gái vẫn nhìn tôi, đôi mắt quen.

Bỗng xuất hiện những tiếng gió rít, tiếng chim kêu thất thanh. Rừng cây rung chuyển. Mọi người nằm dạp xuống đất, đàn chim xanh ào ào bay qua, ngang mặt đất. Khi nhìn lên không ai thấy người gác rừng và cô gái đâu. Đám thợ săn vùng dậy, chạy đuổi theo về phía rừng. Tôi chạy theo họ. Tiếng bước chân thoăn thoắt, vội vã, tiếng súng nổ vang rừng.

Tôi đuổi theo tiếng súng vào sâu trong rừng. Tôi dừng lại khi nhận ra mình đã đi quá xa. Lúc ấy tôi mới nghe thấy âm thanh của chúng, trong những lùm cây, trên những tán lá, dưới mặt đất. Chúng ở khắp mọi nơi, mọi hướng đang di chuyển về phía tôi. Định mệnh và cái chết của tôi. Chúng đã chờ tôi quá lâu. Chưa phải bây giờ, chưa phải lúc tôi chết. Tôi vùng bỏ chạy, chúng ào tới quấn chặt lấy tôi. Tôi ngã ra đất. Tôi hoảng sợ nghĩ về giây phút năm tôi mười tuổi. Giờ chúng sẽ cắn sé tôi từng mảnh, tôi sẽ đau đớn tới tận cùng rồi mới chết. Bỗng chúng buông tôi ra, rời khỏi cơ thể tôi, chạy tản ra mọi hướng. Tôi mở mắt, một mũi lao cắm dưới đất, ngay trước mặt. Người gác rừng bước lại. Ông không có khuôn mặt. Ông cầm cây lao lên và ấn mũi lao sắc nhọn vào cổ tôi. Có phải cha đấy không? Ông không trả lời, mũi lao ấn mạnh hơn.

VN1+2/2016

Học - Thơ Nam Thanh

Học - Thơ Nam Thanh

Baovannghe.vn- Khi em nhìn bùn đen/ Có thấy hoa sen nở?
Cỏ sớm nay mướt hơn - Thơ Đoàn Thị Ký

Cỏ sớm nay mướt hơn - Thơ Đoàn Thị Ký

Baovannghe.vn- Tóc bạc, chân chậm rồi/ Thả trôi ý nghĩ cũng là đủ
Chân dung âm bản - Thơ Thi Hoàng

Chân dung âm bản - Thơ Thi Hoàng

Baovannghe.vn - Có hồn ai đó bay về trời/ Mặt người cùng mặt nước bay hơi
Tiếng chuông chùa Nội - Thơ Thy Nguyên

Tiếng chuông chùa Nội - Thơ Thy Nguyên

Baovannghe.vn- Sớm nay mùa đông/ Trườn qua xao nhãng
Thời tiết ngày 23/11: Bắc Bộ duy trì nắng hanh. Nam Bộ mưa rào vài nơi

Thời tiết ngày 23/11: Bắc Bộ duy trì nắng hanh. Nam Bộ mưa rào vài nơi

Baovannghe.vn - Theo Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, thời tiết ngày 23/11: Bắc Bộ đêm không mưa, ngày nắng. Nam Bộ mưa rào vài nơi.