Chuyên đề

Con đường ước mơ. Truyện ngắn của Võ Thu Hương

Võ Thu Hương
Văn học thiếu nhi
15:00 | 24/11/2024
Baovannghe.vn - Lần đầu tiên xem những cô mặc váy công chúa, kéo đàn vĩ cầm trên sân khấu được trang hoàng như một căn phòng tựa như từ lâu đài cổ tích, Đan đã muốn lịm đi.
aa

Cô nhỏ mắt mở xoe tròn như không buồn chớp mắt. Người lắc lư theo từng giai điệu âm thanh trầm bổng. Nào Đan có hiểu âm thanh ấy có ý nghĩa gì đâu, nhưng nó như được kết từ vị ngọt của kẹo, khiến cô nhỏ mê tít.

Những lần Đan khóc to, mẹ chỉ cần mở những chương trình kéo đàn, thể nào cô nhỏ cũng nín bặt. Tay quệt nước mắt, người lại đu đưa. Ngày các bạn trong lớp lá được bố mẹ cho đi học múa hát, vẽ, nhạc, mẹ Đan cũng đưa con đến lớp học nhạc. Đó là một lớp dạy piano cho trẻ em đối diện trường mẫu giáo. Mẹ nghĩ vậy cho tiện.

- Con thích học cây đàn kéo kéo như đàn của ông ngoại, con không thích học cây bấm bấm này – Đan phụng phịu.

Mẹ vui vẻ chiều ý tìm thầy dạy vĩ cầm cho Đan. Học gì cũng khó, nhưng nếu thực sự có niềm yêu thích từ nhỏ, nhất định con gái sẽ có một nhịp đà để hào hứng vượt qua những khó khăn.

Bà ngoại thường đứng lặng nhìn theo Đan kéo đàn. Dù những bài hát đầu tiên Đan có thể kéo chỉ rất đơn giản như “Đàn gà con”, “Bé lên ba”… tiếng đàn cò cưa méo xẹo chẳng hay, chẳng mượt được như các cô trên ti vi nhưng bà vẫn luôn vỗ tay. Có khi mắt còn rơm rớm nước mắt. Bà nói, ai cũng có những lần đầu tiên như thế cả. Chỉ cần không bỏ cuộc, tiếng đàn sẽ dần mượt mà như các cô mà thôi.

Điều bà nói, Đan tin lắm. Vì bà kể, khi xưa ông cũng y như thế. Đan thường cười toe toét, gãi gãi đầu tỏ ra ngại ngần sau những tràng pháo tay động viên của bà. Cô nhỏ vẫn nuôi mơ ước sẽ được mặc váy đẹp, bước lên sân khấu lộng lẫy kéo đàn như những cô nghệ sĩ nổi tiếng kia.

Con đường ước mơ. Truyện ngắn của Võ Thu Hương
Trong buổi biểu diễn mùa Thu ấy, Đan ẵm giải quán quân - Ảnh minh họa từ Pixabay

Chẳng biết từ lúc nào, niềm yêu thích âm nhạc của Đan trở thành áp lực. Để có thể trở thành nghệ sĩ kéo đàn, nhất định Đan phải vượt qua các kì thi ở trường Nhạc với kết quả tốt. Buổi chiều, thay vì được nghỉ ngơi sau khi ra khỏi trường Tiểu học thì Đan lại phải đến trường Nhạc học tới tối mịt mới tan trường. Đã thế, thi thoảng mẹ lại đăng kí cho Đan tham gia biểu diễn để làm quen sân khấu. Lẽ ra không học đàn, Đan sẽ thỏa sức đi bơi, trượt patin cùng đám bạn trong chung cư như dạo còn bé tí.

-Con sẽ không tham gia chương trình biểu diễn mùa Hè nữa. Con mệt rồi - Đan dứt khoát nói với mẹ.

-Tùy con thôi. “Con đường thành công không bao giờ có dấu chân của kẻ lười biếng”. - Mẹ Đan thường nhắc lại câu danh ngôn quen thuộc.

Đan gắn bó với cây đàn đã hơn 5 năm rồi. Ngoài Đan, người duy nhất trong nhà biết đàn là ông ngoại. Nhưng sau trận tai biến, ông nằm một nơi nhiều năm nay. Trong phòng ông còn lại kỉ niệm là cây đàn violin lâu năm vẫn bóng lên màu gỗ nâu và tấm hình ông biểu diễn trong dàn nhạc. Cả đời nghệ sĩ, ông chỉ có thể biểu diễn vài lần. Vì gánh nặng mưu sinh, lo cho đàn con nhỏ, ông ngừng chơi đàn, đi làm những việc có thể nhanh kiếm tiền hơn trong lúc khó khăn. Ngày ấy còn khó khan, chẳng mấy khi sân khấu sáng đèn. Ông không ngại cởi áo nghệ sĩ trong dàn nhạc có tiếng vào các quán cà phê kéo đàn, đến nhà khách quen kéo đàn trong những buổi tiệc, miễn là không để con cái thiếu thốn.

Ông đã mong mẹ Đan biết chơi đàn nhưng mẹ chọn một hướng đi khác. Tình cờ làm sao, một lần vào phòng ông, nhìn ngắm cây đàn, chính xác là cây đàn những cô xinh đẹp mặc váy áo công chúa biểu diễn mê hoặc trên ti vi đây rồi. Đan đã xin mẹ cho học vì yêu mến nó.

Đan ngồi thật lâu trong phòng ông ngoại sau khi trò chuyện cùng mẹ. Ông ngoại nằm bất động, không thể nói gì nhưng Đan biết ông vẫn nghe được. Thi thoảng Đan vẫn ngồi bên ông, đàn cho ông nghe một giai điệu thật ngọt.

Một dòng nước mắt chảy ra từ khóe mắt già nua, cằn khô của ông ngoại sau khi tiếng đàn ngưng. Đan đưa tay lau dòng nước mắt cho ông. Bất giác Đan rưng rưng, nước mắt nóng hổi lăn theo. Nhất định Đan sẽ tiếp tục hành trình mơ ước của mình.

Trong buổi biểu diễn mùa Thu ấy, Đan ẵm giải quán quân. Con đường ước mơ vẫn còn dài. Nhưng Đan tin, bằng sự nỗ lực của mình và sự ấm áp, tin yêu của mẹ và ông ngoại, nhất định Đan sẽ viết tiếp được ước mơ của mình.

Võ Thu Hương | Báo Văn nghệ

Bài thơ “Sông Thương tóc dài” của Hoàng Nhuận Cầm

Bài thơ “Sông Thương tóc dài” của Hoàng Nhuận Cầm

Baovannghe.vn - Hoàng Nhuận Cầm thi sĩ đã thành công khi nói về nỗi cô đơn khi đứng ở bên dòng sông Thương. Sông Thương êm đềm đấy, nhưng không khỏa lấp được cái cô đơn trong lòng nhà thơ...
Tôn vinh  “Áo dài - Sắc thắm Cố đô” qua Tuần lễ Áo dài cộng đồng Huế

Tôn vinh “Áo dài - Sắc thắm Cố đô” qua Tuần lễ Áo dài cộng đồng Huế

Baovannghe.vn - Tuần lễ Áo dài cộng đồng Huế với lễ hội trọng tâm “Áo dài - Sắc thắm Cố đô” sẽ diễn ra từ ngày 6 đến 15/6. Đây là hoạt động trong khuôn khổ Năm Du lịch Quốc gia và Festival Huế 2025.
Cần cách làm mới, đột phá mới trong nhận thức lý luận

Cần cách làm mới, đột phá mới trong nhận thức lý luận

Baovannghe.vn - Ngày 17/3, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương phối hợp với Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Tạp chí Cộng sản, Hội đồng Lý luận Trung ương tổ chức Hội thảo quốc gia “Công tác lý luận của Đảng và những định hướng nghiên cứu quan trọng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.
Bài ca mới- Thơ Trần Vạn Giã

Bài ca mới- Thơ Trần Vạn Giã

Baovannghe.vn-Mẹ cõng tuổi thơ con qua sông/ Nước xoáy phù sa đang khóc
Món tráng miệng. Truyện ngắn của Giang Nghiệp

Món tráng miệng. Truyện ngắn của Giang Nghiệp

Baovannghe.vn - Cứ đến ngày hai ba tháng chạp, gia đình ông lại tổ chức bữa cơm thân mật. Việc đó đã trở thành thông lệ. Ông bảo, trước hết là đưa Ông Táo về trời, sau nữa là dịp để bạn bè thân hữu ngồi lại với nhau sau cả năm trời vật lộn trong dòng xoáy của công việc.