Sự kiện & Bình luận

Những hành trình tháng Bảy

Bút ký phóng sự
09:14 | 27/07/2019
Tháng 7, mùa mưa vẫn còn gửi đến những cơn giông quần thảo bầu trời Tây Nguyên. Trên những cánh rừng biên giới dọc tuyến Việt Nam – Lào – Campuchia, bình minh thường đến sớm và hoàng hôn đổ bóng muộn.
aa

Tháng 7, mùa mưa vẫn còn gửi đến những cơn giông quần thảo bầu trời Tây Nguyên. Trên những cánh rừng biên giới dọc tuyến Việt Nam – Lào – Campuchia, bình minh thường đến sớm và hoàng hôn đổ bóng muộn. Ban ngày trời nắng như nung và đêm đến lại buốt lạnh từng cơn khiến con thú trên rừng cũng ngại rời tổ kiếm ăn trong vùng rừng xơ xác. Vậy mà đã mấy mươi năm nay, vào những tháng ngày khắc nghiệt nhất, những đội tìm kiếm và quy tập hài cốt liệt sĩ của các Quân khu, các Bộ chỉ huy quân sự tỉnh lại chia quân về các hướng để tìm kiếm và quy tập hài cốt các liệt sĩ đã hy sinh tại chiến trường Lào và Campuchia trong những năm chiến tranh ác liệt.

Chờ đón các anh bên kia biên giới để cùng bước vào hành trình mùa khô năm 2019 chính là những cán bộ chiến sĩ thuộc đội công tác đặc biệt của nước CHDCND Lào và Vương quốc Campuchia. Sau 25 năm thực hiện nhiệm vụ trên đất Lào (1994-2018) và 17 năm trên đất Campuachia (2001-2018), với sự giúp đỡ chí tình, chí nghĩa của Ban công tác đặc biệt và lực lượng vũ trang hai nước bạn, Việt Nam đã tìm kiếm, quy tập được gần 17.500 hài cốt liệt sĩ ở Lào và gần 18.000 hài cốt liệt sĩ ở Campuchia đưa về an táng tại các nghĩa trang liệt sĩ trong nước. Những người lính Việt Nam, Lào, Campuchia tham gia hành trình tâm linh và thấm đẫm nhân văn ấy đang lặng lẽ viết thêm những trang sử đẹp về tình đoàn kết chiến đấu, thực hiện nhiệm vụ của quân đội ba nước Đông Dương.

Ban công tác chuyên trách của Việt Nam và Campuchia

Trong niềm rưng rưng xúc động, cựu chiến binh Dương Mạnh Việt kể cho chúng tôi nghe về những tháng ngày cùng Đội công tác đặc biệt Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thanh Hóa làm nhiệm vụ tìm kiếm hài cốt liệt sĩ tại điểm cao Pha Thí, thuộc tỉnh Hủa Phăn, Lào. Từ Nậm Păng, Mường Hiềm, Mường Phằng, Phà Cạt, Phu Lao, Na Khằng, Na Mon… những cứ điểm năm xưa từng cùng đồng đội chiến đấu đến viên đạn cuối cùng, giọt máu cuối cùng giờ đây lại in dấu chân ông cùng những người lính thế hệ sau. Mấy thập kỉ vượt rú, qua truông trên đất bạn để đi tìm đồng đội khắp nẻo chiến trường, lặng lẽ đồng hành cùng ăn, cùng ở và thực hiện nhiệm vụ bảo vệ ông và đội công tác đặc biệt là những chiến sĩ của Tiểu đoàn 163, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Hủa Phăn.

Ông bảo trong kháng chiến, quân đội và nhân dân hai nước nương tựa vào nhau cùng làm nên chiến thắng giải phóng dân tộc, giờ hòa bình rồi nhưng tình nghĩa ấy chưa hề phai nhạt. Ông nhớ những gương mặt còn rất trẻ đẫm mồ hôi khi vượt đỉnh cao, rà phá bom mìn của những chiến sĩ bảo vệ thuộc đại đội 18, tiểu đoàn 163, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Hủa Phăn; nhớ ánh mắt ấm áp và giọng nói chí tình của Trung tá Và Po Lâu, chính trị viên tiểu đoàn 163 khi anh nói rằng, anh vô cùng trân trọng tình cảm Việt - Lào và rất yêu quý người Việt Nam, nên khi được giao nhiệm vụ kết hợp với các chiến sĩ Việt Nam tìm kiếm hài cốt liệt sĩ Việt Nam, anh luôn nỗ lực hết mình để các chiến sĩ Việt Nam đã hy sinh trên đất Lào được trở về quê hương, đoàn tụ với đồng đội, với gia đình.

Cựu chiến binh Dương Mạnh Việt

Còn T rung tá Trịnh Xuân Cả, Đội trưởng đội công tác đặc biệt của Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Thanh Hóa sẽ không bao giờ quên những lần tìm đồng đội trên dải đất biên giới của tỉnh Hủa Phăn, nước bạn Lào, trong đó có khu vực điểm cao Pha Thí, huyện Sầm Nưa. Anh Cả nhớ lại: “Khi nhận được thông tin từ Ban công tác đặc biệt của Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Hủa Phăn cung cấp, ngay lập tức, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo cho các phòng ban chức năng chuẩn bị chu đáo cho một hành trình dài và vất vả. Sau hơn 40 năm, rừng Pha Thí hiện nay còn rậm rạp hơn trước đây và ẩn họa rất nhiều bom mìn, vật liệu nổ. Điều chúng tôi day dứt nhất là hầu hết hài cốt các bác được an táng tại Pha Thí đều không còn nguyên vẹn hay được quấn trong tăng, võng, các hố chôn được vùi lấp vội vàng bởi chiến tranh khốc liệt không cho phép. Có bác khi khai quật lên thì chỉ còn lại dăm mảnh xương nhỏ mặc dù các di vật các vẫn khá nguyên vẹn.”

Được biết, nhiều năm qua, bản nhỏ Huổi Mạ, huyện Sầm Nưa đã trở thành ngôi nhà thứ hai của các anh bởi đây cũng chính là đại bản doanh của Đại đội 18, tiểu đoàn 163, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Hủa Phăn. Từ tháng 10 năm trước tới tháng 5 năm sau, các anh đều tạm trú tại đây để tiện chia hướng đường mở rộng phạm vi khảo sát, tìm kiếm. Dẫu doanh trại đã xuống cấp, hệ thống phòng nghỉ hạn chế xong bạn rất thịnh tình sắp xếp nơi ăn nghỉ phù hợp cho Đội công tác. Những ngày đông tháng giá nơi biên giới, những chiến sĩ của hai nước cùng kề cận bên nhau, giúp đỡ nhau hoàn thành nhiệm vụ. Bạn không chỉ giúp ta tìm kiếm, xác nhận thông tin mà còn hỗ trợ thăm dò địa bàn, rà phá bom mìn, cung cấp nước cùng các nhu yếu phẩm không thể mang theo dài ngày.

Mới đây nhất, trong chương trình Giao lưu hữu nghị biên giới Việt – Lào tại tỉnh Sơn La, tôi có dịp gặp Đại tá Su Ly Phon Khăm Pạt Chăm - Chính ủy Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Hủa Phăn. Đồng chí Văn-xay Pheng-xum-xa – Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư, Tỉnh trưởng tỉnh Hủa Phăn nói với tôi rằng, đại tá Su Ly Phon Khăm Pạt Chăm là người đặc biệt tích cực trong công tác tìm kiếm quy tập mộ liệt sĩ Việt Nam trên đất Lào. Nghe vậy, chính ủy Su Ly Phon chỉ cười rất hiền, bảo: “Nhân dân Lào luôn biết ơn các chiến sĩ quân đội hai nước đã hi sinh vì nền độc lập. Là một người lính, luôn biết ơn những người đã đi trước, biết ơn những chiến sĩ tình nguyện Việt Nam đã hy sinh vì sự hòa bình của hai dân tộc. Vì vậy, tôi luôn nói với anh em trong Bộ chỉ huy quân sự tỉnh là, làm được gì để giúp đỡ các đội công tác thuộc Quân khu 2, quân khu 4 của Việt Nam thì đều phải cố gắng hết mức.”

Đội công tác đặc biệt Quân khu 2 thắp hương tại khu vực tập kết hài cốt liệt sĩ tại tỉnh U đôm xay - Lào

Còn Thiếu tướng Bun Chăn Vi Lay Chít, Chỉ huy trưởng Quân sự Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Luông Pha Băng cho biết: “Theo tinh thần chỉ đạo của Đảng, Nhà nước và Bộ Quốc phòng Lào, chính quyền, nhân dân cùng lực lượng vũ trang các tỉnh Bắc Lào nói chung và Luông Pha Băng nói riêng đã và đang tạo mọi điều kiện để phối hợp, giúp đỡ các đội tìm kiếm, quy tập một liệt sĩ của Quân khu 2, Bộ Quốc phòng Việt Nam tìm kiếm, cất bốc hài cốt liệt sĩ Việt Nam. Tại các địa phương nơi Đội quy tập mộ liệt sĩ làm việc, chính quyền các tỉnh đều cử cán bộ quân đội và công an hỗ trợ đảm bảo công tác an ninh, phiên dịch và hậu cần. Hàng năm, các tỉnh đều phát động phong trào tìm kiếm, cung cấp thông tin về mộ liệt sĩ quân tình nguyện Việt Nam trong nhân dân.”

Bạn đã cùng ta triển khai làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân, giúp bà con hiểu về chính sách của hai Đảng, hai chính phủ về công tác tìm kiếm và qui tập mộ liệt sĩ của bộ đội Việt Nam, đồng thời “ba cùng” giúp đỡ nhân dân nước bạn chăm sóc sức khỏe, phát triển kinh tế, vượt qua thiên tai, dịch bệnh… Bạn giúp ta học tiếng Lào, tìm hiểu phong tục tập quán của các dân tộc để dễ dàng hòa nhập cùng bà con. Từ đó, đội nhận được sự giúp đỡ nhiệt tình cùng với những tình cảm thân thiện của nhân dân nước bạn. Và thông qua các biện pháp đa dạng trong tìm kiếm, cất bốc, từ cuối năm 1994 đến nay, Đội quy tập mộ liệt sĩ Quân khu đã tìm kiếm, quy tập được 1.668 mộ liệt sĩ, trong đó 123 ngôi mộ có đủ họ tên, quê quán liệt sĩ được bàn giao cho các địa phương, gia đình.

Các cán bộ của Đội quy tập Quân khu 2 luôn nhắc nhau về tấm gương của Pheo Kho, 82 tuổi ở huyện Mường Long tỉnh Luông Nậm Thà để động viên mình cố gắng noi theo. Năm 1969, cụ Pheo Kho là trưởng bản, nên đã tận mắt chứng kiến nhiều trận đánh mà bộ đội Việt Nam anh dũng chiến đấu và hi sinh Khi các cán bộ của Ban công tác đặc biệt tỉnh Luông Thậm Thà đưa các cán bộ Việt Nam sang thăm, cụ đã không quản ngại tuổi cao, sức yếu, hăng hái dẫn cán bộ leo núi đi tìm được nhiều ngôi mộ liệt sĩ. Có lần vượt cả ngày đường rừng lên tới đỉnh núi thì cụ bị đau chân không tiếp tục đi được, anh em bộ đội Việt nam phải dùng võng khiêng cụ về bản. Vậy mà chỉ nửa tháng sau, cụ lại tiếp tục đồng hành cùng đội.

Trở lại với rừng khộp Tây Nguyên đang vào mùa “chết”, để cùng rừng hoài niệm lại 22 mùa khô mà các thế hệ cán bộ chiến sĩ Đội quy tập hài cốt liệt sĩ tỉnh Kon Tum, nay là Đội K53 Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Kon Tum đã trải qua trong hành trình không mệt mỏi khắp các vùng rừng núi tỉnh Rat-ta-na-ki-ri, Vương quốc Campuchia và các tỉnh Attôpư, Sêkông, Chămpasắc của nước bạn Lào. Trung tá Lê Công Khoa, Đội trưởng đội K53 khẳng định, phương châm làm việc của mọi thành viên trong đội là không quản núi rừng hiểm trở, vực sâu thăm thẳm hay thú dữ, bom mìn ẩn họa dưới đất nâu và bất cứ một manh mối nào cũng không được lơ là, một mét đất nào cũng không được bỏ sót. Có lẽ chính bởi tinh thần trách nhiệm cao độ và ý chí sắt đá ấy đã giúp cho những người lính “không quân phục” của đội K53 tìm kiếm, quy tập, hồi hương được 1.259 hài cốt liệt sĩ tại Lào và Campuchia.

Là người gắn bó với công tác này từ ngày đầu thành lập đội, trải qua hàng chục đợt công tác trên nước bạn, Trung tá Trần Kiệm, nguyên Đội trưởng K53 nhớ nhiều hơn cả là hành trình đi kiếm liệt sĩ của Đoàn đặc công 1A hy sinh năm 1977 ở bản Pêu, huyện Munla Pamộc, tỉnh Chămpasắc, Lào. Đằng đẵng 16 năm trời mới tìm thấy 5 liệt sĩ, nhiệm vụ ấy khó có thể hoàn thành nếu không có sự ủng hộ của các cán bộ trong Ban công tác đặc biệt của bạn. Vào những năm đầu thế kỉ 20, điều kiện kinh tế của bạn còn rất khó khăn, song đội đã được bạn sử dụng máy bay đưa từ Chămpasắc đi đến tận huyện Mường Mun. Năm nào, vào dịp lễ tết của Việt Nam hay của Lào, cán bộ của bạn lại đến khu vực đội đang đóng quân để thăm hỏi, động viên.

Trên địa bàn tỉnh Rat-ta-na-ki-ri, Vương quốc Campuchia, dù điều kiện địa hình hiểm trở, khí hậu khắc nghiệt và điều kiện cơ sở vật chất của bạn còn hạn chế, nhân dân tỉnh bạn rất nghèo khó song Đội công tác K53 không vì thế mà nhận được ít hơn sự quan tâm, hỗ trợ. Tại các cuộc làm việc giữa n Ban Chuyên trách tỉnh Kon Tum và Ban Chuyên trách tỉnh Rat-ta-na-ki-ri, ông Ông Thoong Sa Vun, Phó Bí thư, Phó tỉnh trưởng, Trưởng Ban công tác đặc biệt tỉnh Ratanakiri đều khẳng định, công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh trên đất Campuchia là một nhiệm vụ chính trị cao cả, thể hiện lòng biết ơn của Đảng, chính quyền, quân đội và nhân dân tỉnh Ratanakiri nói riêng, đất nước Campuchia nói chung đối với các liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam đã không tiếc máu xương hy sinh vì nền độc lập của nhân dân Campuchia.

Mùa khô năm 2019 này cũng đánh dấu tình bạn 18 năm gắn bó giữa những cán bộ Đội K53 với một chiến sĩ công an phòng cháy chữa cháy Campuchia có cái tên thật giản dị là Khiêu Rưm. Các cán bộ của Đội K53 vẫn luôn kể với bạn bè, gia đình và cánh phóng viên chúng tôi về người đồng chí đáng yêu ấy. Năm 2001, khi Đội K53 chính thức sang Ratanakiri làm nhiệm vụ theo Hiệp định đã kí kết của Chính phủ hai nước, Khiêu Rưm lúc đó đang là cán bộ của Ty công an tỉnh. Anh đề nghị xin được đi bảo vệ Đội K53 làm nhiệm vụ bởi anh luôn trân trọng những hi sinh của "Đội quân nhà Phật" đã giúp quân đội và nhân dân Campuchia đánh đuổi bon diệt chủng Khmer Đỏ.

Nhiệm vụ bảo vệ an ninh của Khiêu Rưm không hề đơn giản, những đồng chí Việt Nam đi đến đâu thì anh có mặt ở đó. Nhiều đợt hành quân đi bộ cả tuần liền, nước uống phải dành dụm từng chút còn lương thực thì cạn kiệt, phải nhịn đói cả ngày. Mùa khô nóng nung người, muỗi vắt đêm rừng nhiều vô kể. Khiêu Rưm từ chỗ không hiểu anh em Việt Nam nói gì thì nay đã nói tiếng việc “chuẩn không cần chỉnh”. 18 năm vui buồn cùng những người đồng chí Việt Nam, Khiêu Rưm đã đồng cam cộng khổ nhiều tới mức chính những người đồng chí của anh cũng vô cùng khâm phục và xúc động. Trung tá Lê Công Khoa bảo, không những tích cự bảo vệ an ninh mọi mặt cho cho Đội K53, Khiêu Rưm còn tích cực giúp đội nắm bắt thông tin từ quần chúng nhân dân nước bạn cung cấp về khu vực mộ chí liệt sĩ. Khi đội không tìm thấy hài cốt liệt sĩ, Khiêu Rưm cũng buồn so, ăn không ngon ngủ không yên như các thành viên của đội. Còn lúc đào trúng điểm mộ thì anh ấy vui mừng khôn xiết.

Một câu chuyện ấn tượng khác mà chúng tôi được nghe về tình đoàn kết gắn bó giữa những cán bộ quân đội Việt Nam và Campuchia trong nhiệm vụ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ lại chính từ kí ức của những người đồng chí bên kia biên giới. Trung tá Miết Sộ Phết, Tiểu đoàn trưởng Biên phòng 204, Tiểu khu Quân sự tỉnh Ka-ra-chê, Campuchia thì kể về tình đồng đội bền gan trong chiến đấu và gắn bó trong nhiệm vụ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ của anh với Đại tá Nguyễn Văn Bình, nguyên Đội trưởng đội K72. Những năm quân đội hai nước sát cánh tiêu diệt kẻ thù Pôn Pốt, Trung tá Miết Sộ Phết cùng đại tá Nguyễn Văn Bình cùng đồng đội đã tham dự trận đánh Núi Chi thuộc tỉnh Ka-ra-chê. Phối hợp ăn ý và yểm trợ nhau chiến đấu ngoan cường, tại trận đánh này, họ đã tiêu diệt 17 tên, vận động 56 tàn quân khác ra đầu hàng. Khi nhận nhiệm vụ bảo vệ cho đội K72, Trung tá Miết Sộ Phết vô cùng bất ngờ khi gặp đại tá Bình, người đồng chí Việt Nam năm xưa chung chiến hào, nay trở lại chiến trường xưa tìm đồng đội.

Anh tâm sự: “Tôi và anh Bình đã có khoảng thời gian gắn bó, chia sẻ cho nhau những khó khăn ngọt bùi. Ngày ấy chúng tôi còn rất trẻ, tuổi đời vừa mới mười tám, đôi mươi với nhiều ước mơ, hoài bão, tôi còn nhớ khi tôi bị cơn sốt rét rừng hành hạ. thời điểm đó tôi nghĩ rằng, tôi và anh Bình sẽ phải hi sinh tại chiến trường. Nhưng không ngờ hơn 20 năm sau, chúng tôi lại gặp nhau với nhiệm vụ mới. Từ tình cảm với anh Bình, mà tôi cũng như những đồng chí tham gia bảo vệ đội K72 của tiều đoàn biên phòng 204 gắn bó với các đồng chí Việt Nam như người một nhà. Anh em không chỉ đồng hành với Đội suốt mùa khô mà cả sau khi Đội rút về Việt Nam vào mùa mưa, anh em lại tranh thủ vào các phum sóc vận động nhân dân và các nhân chứng tham gia cung cấp thông tin tìm mộ liệt sỹ. Chúng tôi coi nhiêm vụ của Đội K72 chính là nhiệm vụ của mình.”

Vậy là qua những người bạn Campuchia, dù chưa có cơ hội gặp gỡ Đội K72, song tôi đã biết thêm rất nhiều về hành trình lặng lẽ mà vô cùng hiệu quả của các anh trên địa phận các tỉnh Ka-ra-chê, Công-pông-thơm và Mun-đun-ki-ri nước bạn. Những lần luồn rừng cả tuần giữa cái nắng chang chang không lùi bước, những lần ngược dòng Mê Kông cả chục cây số, những điểm khai quật ròng rã nhiều năm trời mà không nản chí, những khoảnh khắc vỡ òa khi tìm thấy di vật đầu tiên, mảnh xương đầu tiên… Hành trang của các anh chỉ là một chiếc xe chuyên dụng cùng cuốc xẻng, nhang nến, vải niệm… Nhưng các anh có đôi tay cần mẫn vạch lá tìm đường, tỉ mẫn bóp từng viên đất để tìm bằng được những mảnh xương dù là nhỏ nhất. Các anh có trái tim ấm nóng và linh giác chỉ lối dẫn đường tìm đồng đội.

Nâng niu hài cốt đồng đội vừa tìm được

Vĩ thanh

Quyết tâm và ý chí của ba Đảng, ba Nhà nước, và ba dân tộc là mệnh lệnh từ trái tim đối với mỗi cán bộ chiến sĩ làm nhiệm vụ tìm kiếm, quy tập mộ liệt sĩ của quân đội ba nước Việt Nam – Lào – Campuchia. Chạm ngõ tháng 7, mùa mưa sắp qua, mùa khô đang mời gọi các anh bắt đầu một hành trình tìm kiếm mới. Hành trang lên đường vẫn giản dị với cuốc, xẻng, vải niệm cùng đôi tay, trái tim ấm nóng ân tình. Trong suốt ngàn vạn ngày đêm đã qua và những ngày đang tới, nghị lực, ý chí và sự kiên tâm của những cán bộ Việt Nam khiến bạn nể phục, tình cảm trách nhiệm, gắn bó, mộc mạc của những cán bộ Lào, Campuchia khiến các đội công tác đặc biệt của Việt Nam cảm thấy xiết bao ấm áp, thêm động lực tiến lên. Mỗi hành trình không còn đơn thuần là tìm lại hài cốt người ngã xuống mà chính là khơi gợi lại tình đoàn kết chiến đấu giữa quân dân ba nước, nhân lên tinh thần đoàn kết giữa ba lãnh thổ, ba dân tộc.


Thời tiết ngày 20/9: Thanh Hóa - Quảng Trị tiếp tục có mưa lớn diện rộng

Thời tiết ngày 20/9: Thanh Hóa - Quảng Trị tiếp tục có mưa lớn diện rộng

Baovannghe.vn - Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, từ đêm 19/9 - 20/9, mưa lớn xảy ra tại khu vực từ Thanh Hóa - Quảng Trị
Báo Văn nghệ nhận Tặng thưởng của Ban Bí thư về hoạt động tuyên truyền lý luận, phê bình VHNT năm 2023

Báo Văn nghệ nhận Tặng thưởng của Ban Bí thư về hoạt động tuyên truyền lý luận, phê bình VHNT năm 2023

Baovannghe.vn - Tối ngày 19.9.2024 Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương đã tổ chức lễ trao Tặng thưởng các tác phẩm lý luận, phê bình VHNT năm 2023, tại Nhà hát Hồ Gươm (Hà Nội)
Đọc truyện: Cây cột nhà bay trên sông. Truyện ngắn dự thi của Lê Hòa

Đọc truyện: Cây cột nhà bay trên sông. Truyện ngắn dự thi của Lê Hòa

Baovannghe.vn - Đọc truyện: Hà Phương; Đồ họa: Thùy Dương
Công điện của Thủ tướng Phạm Minh Chính: Ứng phó bão số 4 và hoàn lưu sau bão

Công điện của Thủ tướng Phạm Minh Chính: Ứng phó bão số 4 và hoàn lưu sau bão

Baovannghe.vn - Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 98/CĐ-TTg ngày 18/9/2024 chỉ đạo tập trung ứng phó áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão và mưa lũ.
Tái hiện lịch sử từ khảo cổ học

Tái hiện lịch sử từ khảo cổ học

Trong số các nhà văn nữ Việt Nam đương đại, nhà văn Vũ Thanh Lịch, Phó giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình, là cây bút văn xuôi có nội lực sung mãn. Chị là tác giả của nhiều truyện ngắn hay, ghi dấu trong lòng bạn đọc mà “Nhà Thánh” - giải nhất Cuộc thi truyện ngắn Lửa mới 2018-2019 do Tạp chí Văn nghệ Quân đội tổ chức là một minh chứng tiêu biểu.