Diễn đàn lý luận

Những khả thể và quyền năng của văn chương

Trần Ngọc Hiếu
Lý luận phê bình
11:32 | 17/12/2024
Baovannghe.vn - Trao giải cho một nhà văn, theo đó, cũng đồng nghĩa với việc củng cố giá trị, quyền năng và những khả thể của văn học mà nhà văn ấy
aa

Con số những tài năng kiệt xuất của văn chương nhân loại bị giải thưởng này bỏ qua lớn hơn nhiều so với những tên tuổi được vinh danh kịp thời. Tuy nhiên, giải Nobel vẫn là một tiêu điểm tốt để quan sát những giá trị nào khiến văn chương vẫn giữ được vị thế trong một bối cảnh tưởng như nó đã bị ngoại biên hóa, trở nên “yếu đuối, cô độc và bất lực” như lời của Diêm Liên Khoa.

Những khả thể và quyền năng của văn chương
Annie Ernaux. Tranh: https://southwestreview.com

(Nhìn từ giải thưởng Nobel Văn học những năm gần đây)

1. Dẫu thường gây thất vọng đối với một bộ phận nhỏ công chúng còn dành mối quan tâm cho văn chương đặc tuyển nhưng giải thưởng Nobel vẫn cứ là sự kiện văn học được chờ đón bậc nhất thường niên. Có thể hơi nghiệt ngã nhưng không thể phủ nhận khía cạnh thực tế này: uy tín của giải Nobel Văn học được đảm bảo bằng giá trị vật chất mà nó đem đến cho một nhà văn đã ở đỉnh cao sự nghiệp hơn là bằng danh tiếng của các thành viên trong Viện Hàn lâm Hoàng gia Thụy Điển – những người thường nhận về chỉ trích bởi sự thiên vị mà họ dành cho văn chương châu Âu, sự bảo thủ khi họ trao giải cho những nhà văn an toàn thay vì những kẻ tìm tòi thể nghiệm, sự thỏa hiệp của họ trong những tình thế chính trị phức tạp. Con số những tài năng kiệt xuất của văn chương nhân loại bị giải thưởng này bỏ qua lớn hơn nhiều so với những tên tuổi được vinh danh kịp thời. Tuy nhiên, giải Nobel vẫn là một tiêu điểm tốt để quan sát những giá trị nào khiến văn chương vẫn giữ được vị thế của nó trong một bối cảnh tưởng như nó đã bị ngoại biên hóa, trở nên “yếu đuối, cô độc và bất lực” như lời của Diêm Liên Khoa. Trao giải cho một nhà văn, theo đó, cũng đồng nghĩa với việc củng cố giá trị, quyền năng và những khả thể của văn học mà nhà văn ấy đại diện. Bài viết này thể hiện góc quan sát của người viết về khía cạnh nói trên thông qua ba nhà văn gần đây nhất được nhận giải Nobel Văn học – Annie Ernaux (nhà văn Pháp, năm 2022), Jon Fosse (nhà văn Na Uy, năm 2023) và Han Kang (nhà văn Hàn Quốc, năm 2024).

2. Annie Ernaux và Han Kang đã được dịch sang tiếng Việt trước khi họ trở thành chủ nhân giải thưởng Nobel Văn học. Nhưng trước giải thưởng này, họ không phải là nhà văn nhận được nhiều sự quan tâm của độc giả Việt Nam. Họ không phải là những nhà văn kiến tạo một thế giới nghệ thuật đồ sộ, bề thế, phức hợp. Kỹ thuật tự sự trong tác phẩm của họ không phải là thứ gây kinh ngạc cho độc giả. Họ gần với một hình dung khá phổ biến về văn chương nữ: đó là thứ văn chương “viết nhỏ” (chữ của Phạm Thị Hoài); viết, với họ, nhiều khi, là sự vật lộn với một trải nghiệm riêng tư nào đó – một cơn trầm cảm, một ký ức hổ thẹn, một cơn say nắng về tình cảm. Và đến khi họ được xướng tên tại giải thưởng Nobel, những độc giả khắc nghiệt nhất của văn học vẫn có cảm giác không phục. Một giải thưởng lớn như thế nên được trao cho những tên tuổi khác xứng đáng hơn, những người khiến văn chương còn có thể được chiêm ngưỡng như một vẻ đẹp lớn, chứ không phải chỉ như những tự sự nhỏ, dù sâu sắc và thấm thía. Có người thậm chí còn cho rằng văn chương kiểu Annie Ernaux hay Han Kang chỉ ở dạng “tầm tầm”, thậm chí dưới cả mức ấy.

Thứ văn chương kiểu Fosse gợi nhớ đến một thời các nhà văn có thể dựng lên cả một mê cung ngôn từ mênh mông gây ngợp cho công chúng. Đọc thứ văn chương ấy là tham gia vào rất nhiều các trò chơi ngôn từ vừa phiêu lưu, lôi cuốn mà cũng vừa đánh đố, thách thức.

Jon Fosse thì khác. Giải Nobel Văn học có lẽ chất xúc tác quan trọng để ông sớm được dịch sang tiếng Việt hơn. Trước giải thưởng này, đây đó trong những cộng đồng đọc sách văn học ở Việt Nam, đã có người nói về ông, trích dịch ông nhưng nếu như giải Nobel 2023 chưa gọi tên ông, có thể đến thời điểm này, giới xuất bản vẫn chưa đưa ông đến với công chúng rộng rãi. Bởi lẽ văn chương của ông, nhìn trên bề mặt, đã không dễ tiếp cận. Cho dù tác phẩm được xem như kiệt tác quan trọng nhất của ông là Septology chỉ gồm một câu văn kéo dài đến 700 trang chắc phải mất nhiều thời gian nữa mới có thể có bản dịch tiếng Việt (tất nhiên, việc này cần đến những dịch giả giàu tham vọng và có trình độ lão luyện), nhìn vào những tác phẩm của Fosse đã được dịch, ta phần nào hình dung được phong cách đặc dị của nhà văn Na Uy này. Một mặt, tiểu thuyết của ông cơ hồ chẳng kể được câu chuyện gì đáng kể, nhân vật của ông hầu như chẳng làm gì cả ngoài lang thang, trôi dạt, vẩn vơ, ngôn từ của ông dường như chảy trôi trong trạng thái mộng du. Chúng đối lập gay gắt với thứ văn chương “page-turner” – thứ văn chương tạo ra sự hứng khởi cho việc đọc bằng cách cho phép đọc lướt, lật sang trang nhanh chóng để đón bắt diễn tiến của các sự kiện. Mặt khác, chúng ám thị một điều gì đó phức tạp, u uẩn, siêu nghiệm, không nói được bằng ngôn ngữ thông thường ngay trong thực tại ta đang sống – một thứ mà chỉ có lẽ nghệ thuật mới tiệm cận được và đó là lý do để nghệ thuật còn làm con người khao khát.

Không có những phân cực trong cộng đồng người đọc văn học về giải Nobel được trao cho Fosse. Văn chương của Fosse làm tôi liên hệ đến văn chương của Proust hay Joyce – những nhà văn mà giải Nobel đã bỏ qua bởi họ đại diện cho một kinh nghiệm thẩm mỹ vượt xa thời đại của mình. Thứ văn chương kiểu Fosse gợi nhớ đến một thời các nhà văn có thể dựng lên cả một mê cung ngôn từ mênh mông gây ngợp cho công chúng. Đọc thứ văn chương ấy là tham gia vào rất nhiều các trò chơi ngôn từ vừa phiêu lưu, lôi cuốn mà cũng vừa đánh đố, thách thức. Tôn vinh thứ văn chương như vậy ở thời điểm này, thiết nghĩ, là tôn vinh một thứ quyền dễ bị xem như “xa xỉ” của nó trong bối cảnh chủ nghĩa thực dụng xâm nhập vào mọi lĩnh vực đời sống, kể cả nghệ thuật: quyền được duy mỹ, quyền được thể nghiệm hình thức. Đó cũng là sự tôn vinh những khả thể còn chưa bị vắt kiệt của hành động viết: viết như một nỗ lực (có lẽ gần như vô vọng) để cưỡng lại quá trình con người bị phân tâm, phân mảnh trong xã hội tiêu thụ thông tin, để bắt độc giả chống lại cơn buồn ngủ, sự thiếu kiên nhẫn để chăm chú, chậm rãi nghe, nhìn, cảm nhận đời sống và nhạc điệu ngôn từ. Những nhà duy mỹ của văn chương đương đại thế giới có thể chỉ còn lại ở con số khiêm tốn.

Những khả thể và quyền năng của văn chương
Han Kang. Tranh: Siegfried Woldhek/The New York Review

3. Trong tương quan với Fosse, phải chăng văn chương kiểu Ernaux hay Han Kang chỉ ở dạng “tầm tầm”, cùng lắm chỉ là thứ văn chương “nhỏ xinh”, không tiên phong mở ra những khả thể mới cũng chẳng bướng bỉnh để bắt độc giả phải thực hành thiền định khi đọc?

Sự đánh giá phán xét đơn cực như vậy luôn có sức hấp dẫn nhất định, thậm chí còn dễ được xem như một lối phê bình thẳng thắn, không thỏa hiệp. Nhưng sự đơn cực cũng làm người ta thiếu đi sự rộng lượng trong nhãn quan để nhìn ra những quyền năng và khả thể đáng tôn trọng khác của văn chương. Trong bối cảnh Việt Năm, sự đơn cực này trong phê bình văn hóa, văn học dễ được đẩy đến độ căng thẳng, do vậy, tự nó lại ngăn trở việc xây dựng một không gian đối thoại.

Annie Ernaux có thể xếp vào dòng mạch của những nhà văn luôn ý thức rõ về ý nghĩa xã hội của hành động viết: viết, dù khởi đi từ việc mổ xẻ một trải nghiệm riêng tư, cuối cùng vẫn phải đi đến trực diện và chất vấn xã hội của mình, nhất là phát lộ những cơ chế gây đau ẩn tàng của nó. Thể loại autofition (tự truyện hư cấu) vốn là một “thể loại đặc sản” của văn học Pháp hiện đại đã được bà khai thác để kết hợp giữa việc phân tích chính mình và phân tích xã hội. Tác phẩm Nỗi nhục của bà cho thấy những cách thức tinh vi mà xã hội tư sản bằng ngôn ngữ kiến tạo nên cảm xúc của con người như thế nào, từ đó, bắt người ta phải chịu đựng logic vận hành của nó, chấp nhận những sự bất bình đẳng về giai tầng như những thứ đương nhiên. Trong Hồi ức thiếu nữ, Ernaux khiến người ta hình dung được cuộc đấu tranh nghẹt thở của người phụ nữ với một mạng lưới các diễn ngôn vô hình của xã hội nhưng đè nặng lên chính cơ thể mình, khiến mình luôn có cảm giác chính mình tự làm đau bản thân. Đấy là cách xã hội rũ bỏ trách nhiệm của nó đối với cá nhân. Với những cách tiếp cận xã hội như thế, tác phẩm của Ernaux rất gần với những gì mà các học giả trong lĩnh vực nghiên cứu nhân văn đang theo đuổi: làm lộ diện những gì bị vô hình hóa, bị câm giọng trong cấu trúc xã hội. Mà để làm được điều ấy, nhà văn phải là người mổ xẻ chính mình trong sự thành thực đến tàn nhẫn.

Trong thông cáo của Viện Hàn lâm Hoàng gia Thụy Điển, Han Kang được đề cao bởi một thứ “văn xuôi giàu tính thơ mãnh liệt trực diện những chấn thương lịch sử và phơi bày sự mong manh của đời sống con người.” Có thể phàn nàn rằng lời tuyên dương ấy dành cho nhiều nhà văn khác cũng được, kể cả những nhà văn bị xem là “tầm tầm”. Nhưng tình trạng dễ tổn thương của con người, nhất là những “phận người riêng lẻ” (chữ của Nguyễn Huy Thiệp), chưa bao giờ là vấn đề văn chương không cần phải đau đáu nữa vì nó đã được nói đến rồi, miêu tả rồi. Viết, trong trường hợp của Han Kang, là cách để bóc trần những cơ chế bạo lực gây đau cho con người, dù chúng núp dưới mác lịch sử hay cái bình thường hằng ngày.

Khác với Ernaux, Han Kang không thể hiện trực tiếp tư duy phân tích xã hội trong sáng tác của mình. Tôi luôn hình dung sáng tác của Han Kang có mối liên hệ mật thiết với các hình thái của nghệ thuật đương đại mà bà cũng là người thực hành. Bà thường phát triển cốt truyện của mình bằng một tình huống rất đặc dị: một người phụ nữ một ngày nọ thấy những khoanh thịt ngay ngắn, hồng hào trong tủ lạnh bỗng sợ hãi như thể đối diện với những thực thể kinh dị để rồi từ đó quyết định nhịn ăn và dần dần muốn toàn bộ đời sống của mình chuyển hóa sang trạng thái trở thành cây; một ông giáo sư mất thị lực và một cô học trò mất khả năng nói gắn kết với nhau trong những buổi học tiếng Hy Lạp… Các chương, các đoạn trong những tiểu thuyết như Trắng hay Bài học tiếng Hy Lạp giống như những đơn vị nghệ thuật được bày biện, sắp xếp không có một đường dẫn nối dễ thấy trong một triển lãm sắp đặt. Thế giới nghệ thuật Han Kang giống như không gian triển lãm sắp đặt ấy: thâm trầm, lặng lẽ nhưng vẫn có cái gì đó nhức nhối nhói lên, rất khẽ nhưng buốt.

Thế giới nghệ thuật Han Kang giống như không gian triển lãm sắp đặt ấy: thâm trầm, lặng lẽ nhưng vẫn có cái gì đó nhức nhối nhói lên, rất khẽ nhưng buốt. Tác phẩm của Ernaux rất gần với những gì mà các học giả trong lĩnh vực nghiên cứu nhân văn đang theo đuổi: làm lộ diện những gì bị vô hình hóa, bị câm giọng trong cấu trúc xã hội. Mà để làm được điều ấy, nhà văn phải là người mổ xẻ chính mình trong sự thành thực đến tàn nhẫn.

Không phải vô cớ khi tiểu thuyết của Han Kang lại trở thành chất liệu dồi dào cho những thực hành lý thuyết đương đại từ phê bình chấn thương, phê bình giới, phê bình sinh thái, phê bình cảm xúc đến thuyết hậu nhân loại. Các nhà nghiên cứu không chỉ đọc bà để minh họa cho các luận điểm lý thuyết mà còn để thách thức những khung khổ tư duy đang được mặc định. Quyền năng hư cấu, tưởng tượng của văn chương thường gợi ý cho nhà nghiên cứu hình dung về những khả thể khác vượt thoát những khung khổ ấy. Những hình dung táo bạo của Han Kang về những tình huống hiện sinh đặc dị không chỉ tạo được hấp lực đối với độc giả đại chúng mà còn khơi dậy những sáng tạo về tư tưởng trong học thuật nhân văn.

4. Annie Ernaux, Jon Fosse và Han Kang, xét đến cùng, đều có chung một mối bận tâm trong sáng tác của mình: ký ức. Tất nhiên, không chỉ những nhà văn này ứng xử với ký ức như là kho tàng chất liệu nghệ thuật. Hầu như không nhà văn nào lại bỏ qua kho tàng bên trong mình này. Nhưng nhìn vào cách mà ba nhà văn ứng xử với ký ức, ta cũng có thể hình dung được những dòng mạch quan trọng của văn chương đương đại.

Những khả thể và quyền năng của văn chương
Minh họa cho tiểu thuyết Ánh sáng trắng của Jon Fosse. Tranh: Dora Kisteleki/Financial Times.

Annie Ernaux chăm chăm nhìn vào ký ức cá nhân của mình, níu lại những chi tiết nhỏ nhất, vụn vặt nhất để lý giải điều gì làm nên mình. Jon Fosse xem ký ức như là thứ có thể dẫn dụ con người đến một trạng thái siêu nghiệm, điều mà ngôn ngữ nghệ thuật vẫn là phương tiện hữu hiệu nhất để gợi tả nó. Trên phương diện ấy, văn chương của Fosse mang một niềm bi cảm gần với tinh thần của chủ nghĩa hiện đại nhiều hơn. Sáng tác của Han Kang, ở góc độ nào đó, gợi tôi nhớ đến sự bướng bỉnh của Antigone trong bi kịch cổ đại Hy Lạp: viết là thực hành điều mà Antigone yêu sách – tôi viết để đòi quyền được khóc, tôi viết bởi vì tôi không thể quên, tôi viết để tôi kêu tên nỗi đau. Trong bối cảnh thế giới đương đại, nơi tình trạng vong ký (amnesia) đang có dấu hiệu trở thành căn bệnh của thời đại, nhất là khi dòng thác thông tin ào ạt khiến ký ức của con người trở nên bấp bênh, văn chương kiểu Ernaux, Fosse hay Han Kang là cứ điểm ít ỏi còn lại để kháng cự tình trạng ấy.

Trong bối cảnh thế giới đương đại, nơi tình trạng vong ký (amnesia) đang có dấu hiệu trở thành căn bệnh của thời đại, nhất là khi dòng thác thông tin ào ạt khiến ký ức của con người trở nên bấp bênh, văn chương kiểu Ernaux, Fosse hay Han Kang là cứ điểm ít ỏi còn lại để kháng cự tình trạng ấy.

Viện Hàn lâm hoàng gia Thụy Điển không đại diện cho thẩm quyền tối cao trong lĩnh vực văn chương. Bản thân giải thưởng văn học là một thiết chế đáng phân tích để chất vấn. Nhưng có lẽ nhìn vào những tên tuổi mà giải Nobel Văn học đã ghi nhận, ta có thể yên tâm rằng những khả thể của sự viết vẫn còn chưa cạn kiệt, từ đó, sự đọc vẫn luôn có thể được làm mới và nhờ vậy, đọc văn đem đến những khoái cảm mà xã hội thông tin không thay thế hết được. Và chừng nào con người còn ý thức về tình trạng mong manh của đời sống này, chừng nào con người vẫn còn phải quẫy đạp khỏi những khung mẫu xã hội để nhận diện mình như một cá nhân, văn chương vẫn là thứ ở lại bên con người trong trải nghiệm sống nhọc lòng này..□

Bài đăng Tia Sáng số 23/2024

Dừng chân trong khu vườn... - Thơ Vương Cường

Dừng chân trong khu vườn... - Thơ Vương Cường

Baovannghe.vn- Mười ngày đêm cơm vắt ngang lưng/ nước uống không kịp lọc
Đọc truyện: Về nơi cỏ ngọt. Truyện ngắn dự thi của Trần Thủy

Đọc truyện: Về nơi cỏ ngọt. Truyện ngắn dự thi của Trần Thủy

Baovannghe.vn - Giọng đọc: Hà Phương; Đồ họa: Thùy Dương
Bài ca về người đàn bà - Thơ Bình Nguyên trang

Bài ca về người đàn bà - Thơ Bình Nguyên trang

Baovannghe.vn- Người đàn bà rũ rượi nhìn tôi trong cơn đau sinh nở/ Đôi mắt ngân lên thứ hạnh phúc đợi chờ
Khoai nướng. Truyện ngắn của Dương Nữ Khánh Thương

Khoai nướng. Truyện ngắn của Dương Nữ Khánh Thương

Baovannghe.vn - Mùa khoai nướng đến từ lúc nào thì không biết nữa. Tháng ba thì lưng chừng/Tháng tư thì lỡ cỡ. Mà ngọn khoai đâm từ đất bò ngang, mướt mát xanh đã đổ dồn từ ngọn xuống gốc cái mỡ màng ấy để trở thành củ khoai múp míp lẫn cả đất sổn sảng nhìn đến béo cả mắt.
Người Rơ Măm ở làng Le

Người Rơ Măm ở làng Le

Baovannghe.vn - Người Rơ Măm có điệu múa riêng, có nhạc cụ riêng, đời sống âm nhạc cũng rất đa dạng. Nhạc cụ chủ yếu là cồng chiêng.