Multimedia

Những ngọn gió trời. Truyện ngắn dự thi của Phạm Xuân Hùng

Đọc truyện
08:11 | 08/04/2023
Nhiều lần ở dưới thung sâu của dãy Giăng Màn, Phong nhìn lên chóp núi Sương Mãi. Sương Mãi là ngọn núi cao nhất trong số những ngọn núi cao của dãy Giăng Màn.
aa

TẬP ĐOÀN THACO HÂN HẠNH TÀI TRỢ CUỘC THI TRUYỆN NGẮN BÁO VĂN NGHỆ 2022-2024

Nhiều lần ở dưới thung sâu của dãy Giăng Màn, Phong nhìn lên chóp núi Sương Mãi. Sương Mãi là ngọn núi cao nhất trong số những ngọn núi cao của dãy Giăng Màn. Quanh năm mây vần vũ, chỉ những ngày quang tạnh, nắng đẹp mới nhìn thấy đỉnh núi uy nghi. Phong nhìn và thầm nghĩ trên cao chắc nhiều gió lắm. Nếu mình lên được trên ấy hẳn tóc tai sẽ rối bù vì cuồng phong, mắt có khi còn mở ra không nổi. Rồi Phong lại nghĩ về thung sâu, nơi Phong đứng. Nơi đây thảng hoặc cũng có những luồng gió mạnh, thổi thốc từ dưới những dòng khe nhỏ ngược lên. Nhiều cơn gió nhỏ gặp vật cản như lèn đá, rừng cây cao chắn lối bèn góp nhau tạo thành cơn gió mạnh. Như nước từ các khe nhỏ gặp nhau tạo thành suối, rồi tạo thành sông. Phong cũng nghe người ta nói, trời đất còn có nhiều bí ẩn không mấy ai biết. Như gió. Thấy vậy nhưng cũng có những ngọn gió cô đơn. Những ngọn gió này sinh ra một mình, lang thang một mình, cứ thổi hoài vào một nơi nào đó. Thổi mãi cho đến khi kiệt sức. Ngọn gió chết đi để lại hình hài trong những cây gỗ dó hoá trầm.

Minh họa: Tô Chiêm

Băng tìm trầm của Phong có 5 điệu. Xứ này người đi trầm người ta gọi là đi điệu. Người chỉ huy các điệu gọi là bầu. Bầu Thịnh ngoài năm mươi tuổi nhưng sức vóc như thanh niên, nhanh nhẹn, tháo vát. Ngoài Phong nhỏ tuổi nhất, mới đi điệu vài chuyến còn lại thêm ba người nữa thuộc diện điệu chuyên nghiệp, xếp theo tuổi tác từ lớn đến nhỏ là Nhân, Lễ, Nghĩa. Khi lập nhóm, bầu Thịnh càm ràm: Làm cái nghề này, đi vài chuyến mà không có trầm thì nhân lễ nghĩa trí tín gì gì cũng chết. Nhân nhiều tuổi nhất, đâu khoảng bốn mươi, cười hơ hơ: Nói chi thì nói luôn đi. Vô cội rồi cấm nói, lỡ miệng bị thần núi quở thì ăn cám. Lễ nhỏ tuổi hơn Nhân, tầm ba lăm, ôn tồn: Mấy cha đi cội ý tứ giùm chút. Nghĩa lớn hơn Phong, tầm ba mươi tuổi, thường uống rượu vặt, chỉ gục gặc đầu không nói năng.

Theo lệnh bầu Thịnh, trước ngày đi các điệu giữ mình chay tịnh. Phong chưa vợ nên chẳng ai quan tâm. Bầu Thịnh lo cho ba điệu còn lại, nhất là Nghĩa, cứ dặn dò mãi: Mày phải ráng nhịn ba ngày trước khi đi nghe con. Vô cội, có chuyện gì mà truy ra do mày là tau xẻo chim. Nghĩa gườm gườm: Chú đừng lo, thân tôi tôi giữ. Bầu Thịnh còn cẩn thận đi coi thầy ngày giờ xuất hành, cúng bái nghiêm chỉnh. Hôm xuất hành, bầu Thịnh dẫn cả nhóm ngược sông Hiếu rẽ vào Khe Giỏ rồi cứ nhằm hướng động Chinh Hinh nằm ở nhánh núi phía tây dãy Giăng Màn mà đi. Mất ròng rã hai ngày vượt núi băng khe mới đến được chân cội là nơi bầu Thịnh chọn đóng trại. Thông thường, khi chọn được cội, cả nhóm sẽ dựng trại rồi toả đi các hướng gọi là đạp cội, tìm cây dó là cây có trầm. Nếu tìm được sẽ phát tín hiệu để cả nhóm cùng triệt hạ. Cội nào không tìm được trầm thì tầm vài hôm sau sẽ tìm cội khác để dựng trại, rồi lại tiếp tục đạp cội tìm cây dó.

Từ hôm xuất hành đến giờ đã gần mười ngày mà vẫn chưa thấy tăm hơi của trầm. Cả nhóm đã hạ sáu cây dó thuộc hàng cổ thụ, mắt nhánh nổi cục u na u nần, cành lá xum xuê. Vậy mà, khi ngã cây xuống, vạc ra chẳng có nổi mạch trầm nhỏ bằng sợi tóc. Đêm xuống, bầu Thịnh thở dài bảo, chắc phải tính toán lại hướng đạp cội. Nhân nói, anh lo gì, gạo đem đủ cả tháng, nếu chịu khó đào thêm củ rừng, măng rừng thì sống thêm được ngần ấy nữa thời gian, cứ từ từ đừng vội. Nghĩa gầm gừ, kháng chiến phải trường kỳ, bầu Thịnh phải làm gương, đừng để anh em nản chí. Phong, đang ngồi canh ông Lớn (đi điệu gọi hổ là ông Lớn) nói vọng vào, mấy anh ngủ đi còn thay phiên canh ông Lớn. Nói xong nghêu ngao, ta vượt trên đỉnh núi cao Trường Sơn, đá mòn mà đôi gót không mòn. Ta đi về phương xa...

Khi gạo muối mang đi đã vơi phân nửa thì bất thần bầu Thịnh đạp được cây dó bên một bờ suối nhỏ tận trong thung sâu. Cây dó có hình thù kỳ lạ, thân cây không to, đường kính chỉ cỡ ba gang tay nhưng vặn vẹo ngay từ gốc. Cành nhánh phía trên cao xoắn vào nhau như thể dây leo, Kinh nghiệm đi trầm cho thấy những cây dó khác thường hay có trầm. Nhân nói, nhìn cây dó này tôi chắc nhiều ít cũng phải có trầm. Lễ tiếp, lạy trời cho anh em con có chút lộc rừng, bọn con hứa lễ lạt đầy đủ.

Bầu Thịnh hạ lệnh dời trại đến dưới gốc cây dó vừa tìm thấy, bày lễ cúng kính. Cả bọn đốt hương rồi đồng loạt đập đầu xuống đất cầu khấn. Vào đúng lúc cả bọn thành kính dâng hương trời bỗng nổi cơn gió mạnh. Ngọn cuồng phong như con trăn khổng lồ lướt trên tán cây rừng. Những cây cổ thụ vặn mình răng rắc, lá vàng lá xanh rụng tối mắt. Nghe rất gần tiếng những cành cây gãy đổ, níu vào nhau rơi xuống ầm ào. Thung sâu bỗng chốc như có cả bầy voi chạy qua, tiếng cây gãy, đá lở dội vào vách rừng, trời đất đen sẫm. Ngọn cuồng phong càn nhanh đến nỗi cả bọn chỉ kịp níu tay nhau vòng quanh gốc cây dó. Cây dó cũng ngã nghiêng nhưng rồi vẫn đứng vững. Chỉ chưa đầy mươi phút, trời đất bừng sáng trở lại, ngọn cuồng phong không còn dấu vết, tựa hồ như chưa hề có. Bầu Thịnh nói, ngọn gió kỳ lạ thật, mùa này ở đây hiếm khi có gió to. Chẳng biết điềm báo gì đây.

Buổi trưa cúng xong, cuồng phong cũng đã tan. Cả bọn nghỉ ngơi rồi bắt tay vào việc. Do vách núi bên bờ suối cheo leo nên theo lệnh bầu Thịnh, Nhân, Lễ, Nghĩa chặt cây nhỏ bắc giàn đốn cây. Gốc cây dó không lớn nên việc chặt hạ cũng dễ, khó là cách đưa rìu “mở miệng” sao cho thân cây khi hạ xong phải đổ về hướng thuận lợi nhất. Dĩ nhiên, hướng thuận là hướng dễ dứt đoạn thân cây, các mắt cây để tìm trầm. Khoảng tầm nửa buổi, thân cây dó đã đổ, ngã về phía cả bọn mong muốn. Gốc cây bật ra, thịt gỗ trắng phớ. Cả bọn xúm lại nhìn ngó, đưa mũi ngửi nhưng chẳng thấy tăm hơi mùi trầm. Bầu Thịnh động viên, không phải lúc nào trầm cũng nằm ở gốc, mọi việc cứ từ từ. Nhân leo lên thân cây đi từ gốc lên phía ngọn, vạch lá cây rậm rạp rồi bất thần hét lên:

- Trên ngọn cây có cái gì lạ lắm anh Thịnh ơi !

Nghe tiếng hét của Nhân, bầu Thịnh bươn bả tìm đến, lấy rựa phát bớt cành nhánh. Thì ra, vật lạ mà Nhân tìm thấy là nửa chiếc võng lính màu xanh Tô Châu. Bầu Thịnh cầm rũ rũ, nhìn ngắm rồi bảo:

- Đây là võng lính, bộ đội hay dùng ở Trường Sơn, gọi là võng Tô Châu.

Lễ nói:

- Võng lính sao mắc tít trên ngọn cây thế này. Chẳng lẽ phải leo lên chục mét nằm ngủ á ?

Bầu Thinh trả lời:

- Thì biết đâu. Mấy chục năm rồi. Có khi cây dó này ngày ấy còn thấp, bộ đội mắc võng nằm ngủ. Sau này cây thành cổ thụ thì dấu võng cũng cao lên theo cây.

Nghĩa gục gặc đầu tiếp tục săm soi những cành cây xung quanh. Rồi cũng bất thần hét to:

- Ơ, có cái gì đây nữa này !

Bầu Thịnh cùng cả bọn ùa tới. Một vật tròn kim loại rỉ sét lỗ chỗ, một bên còn đính nửa chiếc quai tòng ten, mục rã. Bầu Thịnh cầm trên tay, xoay tứ phía, ướm thử lên đầu. Xong quay ra nói với cả bọn:

- Đây là chiếc mũ lính của bên kia. Mũ này hay lắm, khi chiến đấu nếu đạn bắn vào đầu thì chiếc mũ sẽ xoay tròn, đạn không xuyên được.

Phong nãy giờ chưa nói câu nào, thán phục nhìn bầu Thịnh:

- Anh Thịnh giỏi thật, gì cũng biết.

Bầu Thịnh bảo:

- Giỏi con mẹ gì. Trước khi đi điệu tao làm nghề đào tìm phế liệu, hút chết biết mấy lần mà kể. Vậy nên từ linh kiện trực thăng như ổ bạc chong chóng, vành mâm mạ vàng đến thiết giáp, đại pháo 105 ly, cối 80, 81, lựu pháo M79, cây nhiệt đới... thứ gì cũng qua tay tao. Quen rồi, giờ nhìn là biết.

Nhân, Lễ, Nghĩa im lặng hồi lâu, chẳng nói năng chi nhưng đều cùng thắc mắc. Giữa rừng sâu sao lại có vật dụng của người lính cả hai bên, bộ đội và lính Việt Nam cộng hoà. Họ, hai phía chiến tuyến đối nghịch, xem nhau như kẻ thù, phút giây sinh tử sao lại nằm kề bên nhau. Trầm tư một lúc, bầu Thịnh thủng thẳng nói:

- Tao cũng không hiểu. Nhưng mà chiến tranh thì mọi chuyện đều có thể xảy ra. Là tao giả dụ hai bên đánh nhau ác liệt, bất phân thắng bại. Rồi thì hai bên cùng rút lui, trong lúc hiểm nguy đã bỏ sót hai người này. Họ cùng bị thương, lết lại gần nhau dưới gốc cây dó... Hoặc giả, một trong hai ông bị thương nặng, ông nhẹ hơn phải chăm sóc, giữa rừng hoang vu thì chỉ có đếm ngày chờ chết.

Nghĩa gục gặc đầu, nói trỏng trỏng:

- Anh kể nghe như phim. Có mà xỉa súng bắn toác đầu nhau ra thì có.

Phong cũng ngơ ngác:

- Em học ở trường thầy cô bảo, ta với địch không đội trời chung. Lính bên kia đánh thuê cho Mỹ, bên ta chính nghĩa, bên kia phi nghĩa, trái nhau như âm dương mà anh.

Bỗng dưng bầu Thịnh gắt gỏng:

- Là tao giả dụ thế. Bọn bay trẻ, học hành có chữ mà nói chuyện ngu như bò. Chính nghĩa, phi nghĩa gì thì cũng là người cùng một nước. Tao ít học nhưng nghe cha ông nói, gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau. Biết đâu khi sắp chết cả hai thấu ra điều đó thì sao. Mà thôi, không nói nữa. Ở đây tao là Bầu. Thằng Phong đi chuẩn bị bữa tối. Còn lại, theo tao tìm xung quanh gốc cây xem có gì không, mai hẵng dứt đoạn, xẻ nhánh tìm trầm.

Nhân, Lễ, Nghĩa dạt ra, đứng vòng quanh gốc cây. Dùng rựa phát hết cây nhỏ rồi dùng xẻng đào đất xung quanh gốc cây. Chỉ vài nhát xẻng sâu ở phía dưới lớp lá rừng hoai mục bỗng cả ba rợn gáy. Gạt lớp đất mùn thấy rõ hai bộ xương người nằm sát nhau, xương còn nguyên không phải màu trắng mà vàng khè. Chỉ mới thấy bầu Thịnh đã giật giọng:

- Lấp, lấp ngay. Lấp lại ngay.

Nghe bầu Thịnh ra lệnh, cả ba vội vã xúc lớp đất mùn lấp trở lại. Giây phút ấy Phong nghe một cơn gió nhẹ, rất nhẹ trườn qua vai. Không phải gió, cái gì đó mơ hồ, mong manh như làn khói hương mới cúng lúc trưa, thoang thoảng mùi hoa rừng. Cái gì đó rất nhẹ mà bỗng dưng rùng cả châu thân. Về sau, khi kể lại, bầu Thịnh và Nhân, Lễ, Nghĩa cũng xác nhận cảm giác giống như Phong.

Cả bọn tránh chỗ hai bộ xương người nhưng vẫn đào rộng ra xung quanh tìm kiếm. Cuối giờ chiều đã tìm thấy nhiều vật dụng, tất cả đều rỉ rét. Cả bọn nhìn chẳng biết ất giáp, chỉ nghe bầu Thịnh chỉ chỏ:

- Đây là phần nòng của khẩu AK báng xếp, chắc của anh lính bộ đội. Đây là phần thân của khẩu AR15, của anh lính bên kia. Còn lại mấy mảnh kia là bi đông, cà mèn... Toàn thứ quân dụng của cả hai bên.

Buổi tối, ăn xong, Phong đốt đống lửa to. Cả bọn vây quanh đống lửa ngồi nghe bầu Thịnh nói:

- Sở dĩ lúc chiều tao bảo ba đứa bây lấp lại là vì sao biết không? Là vì gặp mả kết. Thường người chết, sau khi chôn vài mươi năm, có khi ít hơn là xương đã mục nát, nếu còn cũng chỉ có vài khúc xương trắng. Chỉ trừ khi mả kết thì xương còn nguyên, trở màu thành vàng. Mả kết quý lắm, dòng họ nào có ông bà, cha mẹ được mả kết thì ăn nên làm ra. Nhưng biết được mả kết hay không phải chờ lúc cải táng. Nếu gặp thì phải lấp lại ngay để giữ. Bằng không, để mả kết phơi ra thì chừng nửa giờ sau xương sẽ rục, hoá mùn tức khắc.

Câu chuyện trên tôi tình cờ nghe được khi dự trại sáng tác văn học do tạp chí văn nghệ Hồn Việt tổ chức. Trại sáng tác dài ngày, rảnh rỗi tôi bèn một mình đón xe đò lên vùng núi Thượng Lâm chơi. Phong ở Thượng Lâm, là bà con xa với tôi trong họ. Nhiều năm trước nghe đồn Phong trúng trầm, giàu có. Cũng vì nghe đồn Phong giàu có mà tôi đâm ngại liên lạc, kiểu như sợ Phong nghĩ thấy người sang bắt quàng làm họ. Nào ngờ thấy tôi lên Phong tay bắt mặt mừng. Trời đất, bao năm mới gặp anh. Nghe anh trở thành nhà văn tiếng tăm, cứ nghĩ chẳng đời nào gặp được.

Vài ba ly rượu, chếnh choáng rồi Phong kể:

- Năm đó, nhóm điệu em trúng trầm. Cây dó tuy nhỏ nhưng trầm tụ ở mắt cây và mấy cành nhánh sát gốc nên xoi cũng được kha khá. Bán chia mỗi người gần cả trăm triệu, thời đó trăm triệu là cả gia tài. Bầu Thịnh bảo, lộc trời cho đừng ham. Nghe lời, anh em về chuyến đó bỏ luôn nghề tìm trầm. Có chút vốn, mấy anh em về mua đất làm trang trại, trồng rừng, chăn nuôi... Tất cả cũng sống nhờ rừng nhưng ở cách xa nhau. Em ở đây, anh Thịnh, anh Nhân ở Cao Sơn, anh Lễ, anh Nghĩa ở Viên Tây.

Tôi hỏi:

- Nhưng ngôi mộ chung hai người lính đó sau này thì sao?

Phong ngậm ngùi:

- Chừng một năm sau, anh Thịnh bảo, thôi để họ nằm giữa rừng sâu tội nghiệp. Cả nhóm đùm gạo mắm đi lại lần nữa nhưng tuyệt dấu. Núi rừng mênh mông, đi lạc mấy lần, đến tận con suối ấy nhưng vết tích cây dó không còn. Hoặc mối rừng đùn kín hết, hoặc thần Kỳ Nam che mắt không cho ai nhìn ra.

Phong kể thêm:

- Bọn em trồng rừng, ngoài mấy loại keo, tràm... để lấy gỗ còn lại đều dành đất trồng dó rồi tìm cách tạo trầm. Rừng dó của em giờ cũng hơn 10 năm, nhiều cây đã có dầu, hy vọng tương lại sẽ có trầm.

Tàn cuộc rượu, nghỉ lại đêm sáng mai tôi chia tay Phong. Trước khi tôi ra về, Phong cầm tay kéo tôi vào gian giữa của căn nhà rồi nói, có điều này nữa kể luôn để anh biết. Thì ra, năm nào cũng vậy, đúng vào ngày tìm gặp cây dó trầm và đào thấy hai bộ xương người, cả nhóm lại về đây cúng giỗ. Phong với tay lên bàn thờ lấy xuống một hộp kính nhỏ, cẩn thận mở nắp. Tôi nhìn thấy trên tay Phong một chiếc thẻ bài bằng inox nhưng đã cháy vàng vì nhiệt, không còn nhìn ra mặt chữ. Trên tay còn lại là lọ penicilin đựng mảnh giấy cũng đã ố vàng, cảm giác như đụng vào là mủn ra như cám.

Chia tay Phong tôi hứa sẽ lên lại vào ngày giỗ năm sau, để gặp đầy đủ anh em. Phong cầm tay tôi lắc lắc tạm biệt, bỗng dưng nói như nhà hiền triết:

- Gặp lại anh nhé! Đời người thấy vậy mà như gió, đến đi nhanh lắm…

Tôi gật đầu. Ừ, đời người như gió. Mà đâu chỉ đời người. Chiến tranh ly loạn, sinh tử vô kỳ, thời gian mải miết... như gió trời ngang qua.

Chỉ là những ngọn gió thì vẫn nối nhau, ngưng rồi lại thổi.

Truyện ngắn dự thi của Phạm Xuân Hùng

Nguồn Văn nghệ số 13/2023a


Quà tặng của chiến tranh - Truyện ngắn của Hoài Hương

Quà tặng của chiến tranh - Truyện ngắn của Hoài Hương

Baovannghe.vn - Chiến dịch thần tốc như một cơn lốc không ngày không đêm, đơn vị vừa đánh vừa hành quân gần như xuyên dọc theo Quốc lộ 13 hướng về Sài Gòn mỗi ngày một gần thêm.
Lĩnh vực báo chí cần có những ưu đãi về thuế

Lĩnh vực báo chí cần có những ưu đãi về thuế

Baovannghe.vn - Quốc hội tiếp tục chương trình làm việc ngày 22/11 với phiên thảo luận tổ về dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) và dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi).
Trôi giữa hương sen nghịch mùa - Truyện ngắn của Đinh Thành Trung

Trôi giữa hương sen nghịch mùa - Truyện ngắn của Đinh Thành Trung

Baovannghe.vn - Mây đen tan. Nắng nhẹ. Hương sen còn sót hòa cùng hương bùn đánh dạt mùi khói xe, đưa nụ cười của hai người đàn ông lấp đầy mi mắt đang nhìn về phía mặt trời.
Nhà thơ Anh Ngọc bình thơ "Thề non nước"

Nhà thơ Anh Ngọc bình thơ "Thề non nước"

Baovannghe.vn - Bài thơ Thề non nước không chỉ là lời tự tình đằm thắm của một tâm hồn thủy chung, tin cậy mà còn cất giấu trong mình một bức tranh thiên nhiên tráng lệ và quyến rũ mê hồn vì một vẻ đẹp như sinh ra bởi con người và cũng chỉ dành để cho con người.
Nhà văn Nguyễn Chí Trung

Nhà văn Nguyễn Chí Trung

Baovannghe.vn - Nhà văn Nguyễn Chí Trung trưởng thành từ thiếu sinh quân. Đi lính từ bé và làm cán bộ đại đội từ trẻ - ngày nền nông nghiệp của ta xứng danh với cái tên “nghèo nàn và lạc hậu” thì ông hòa nhập vào lớp thanh niên “vượt lên hàng đầu, vượt là vượt như tên bay”...