Người Thầy đầu tiên của “Những người Thầy” là một ngôi sao Khuê bừng sáng trên bầu trời văn hiến nước nhà, “một hiền tài tuấn kiệt giữa đời Trần”, tỏa bóng xuống nghiệp Trồng Người Việt Nam suốt 700 năm qua: thầy Chu Văn An, “niềm tự hào của Giáo Giới Việt Nam”. Thiên truyện giới thiệu bậc Đại trưởng lão của Giáo giới viết thật kỹ không chỉ về tư liệu mà còn đặt ra cho người đọc nhiều điều đáng suy ngẫm. Ví như, sách Đăng Khoa Lục soạn cuối đời Lê, viết Chu Văn An đậu Thái học sinh (tức Tiến sĩ), nhưng thực Chu tiên sinh không có bằng cấp khoa bảng, vì cụ không ứng thí trường quy. Không ứng thí, không bằng sắc mà dân gian vẫn cung kính coi là Thầy Lớn của thiên hạ, vì cụ đã rèn dạy nên những học trò rất giỏi giang, thành đạt cỡ Phạm Sư Mạnh đỗ Thái học sinh (Tiến sĩ) làm quan đến chức Nhập nội hành khiển tri khu mật, hay Lê Bá Quát (Lê Quát) đỗ Đệ nhất giáp Tiến sĩ. Đệ nhất danh làm đến Thượng thư Nhập nội hành khiển. Giỏi thế, làm to đến thế, mà mỗi lần về thăm thầy Chu vẫn giữ đạo làm trò, được Thầy dành cho ít thời gian trò chuyện đã lấy làm vinh hạnh lắm. Vua Trần Minh Tông trân trọng mời Thầy Chu vào triều làm Tư nghiệp Quốc tử giám, dạy Thái tử học. Qua sự trọng vọng, tôn vinh của toàn xã hội với thầy Chu Văn An, cho thấy một bài học sáng đến ngày nay: Sự tự học là vô cùng quan trọng, và dân tộc ta, từ xa xưa đã thật sự trọng thức tài. Điều lớn thứ hai qua thiên truyện về Thầy Chu là bản lĩnh, khí phách của người Thầy, qua việc Thầy dũng cảm dâng sớ xin vua chém đầu bảy tên quan nịnh thần đang làm điên đảo triều chính, lại ở gần vua nhất. Bởi thế mà “Thất trảm sớ” của thầy mới lưu danh muôn thủơ.
Văn Miếu - Quốc Tử Giám về đêm. Ảnh Internet |
Sau bậc trưởng lão Chu Văn An là các Thầy Phan Phù Tiên, Nguyễn Trực, Thân Nhiên Trung, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Phùng Khắc Khoan, Nguyễn Duy Thì, đến dòng tộc lừng danh có ba ông cháu nổi tiếng của nhà giáo Nguyễn Quý Đức... Nhà tôi nép trong một ngách nhỏ thuộc phố Khương Trung. Cái nhánh mở thêm ấy ban đầu được treo biển “Khương Trung mới”, sau thay bằng tấm biển trang trọng “Phố Vũ Tông Phan”. Đọc “Những người Thầy” tôi mới hay: Cụ Vũ Tông Phan đậu Tam giáp tại khoa thi năm 1826, đời Minh Mạng thứ 7, đồng Tiến sĩ với Phan Thanh Giản (gần đây mới biết cụ Giản chính là cụ nội cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt), khi mới 23 tuổi mụ. Sau khi cáo quan, mở trường dạy học, một tay Thầy Phan đã đào tạo nên bao nhân tài cho đất nước. Đó là Tiến sĩ Nguyễn Tư Giản, Tiến sĩ Lê Đình Diên, Tiến sĩ Nguyễn Trọng Hợp và các Phó bảng Phạm Hy Lượng, Nguyễn Huy Đức, Ngô Văn Dạng... Nguyễn Huy Đức chính là cụ cử Vũ Thạch, sau này cùng cụ cử Kim Cổ dạy Lương Văn Can, Thục trưởng của Đông Kinh Nghĩa Thục muôn đời danh thơm. Nhưng công lớn của Thầy Vũ Tông Phan không chỉ sáng trong việc dạy học. Thầy còn được xem là nhà Văn hóa lớn, có công giữ gìn, bồi đắp, tôn tạo Văn hiến Thăng Long. Chính Thầy Phan cho xây dựng lại đền Ngọc Sơn, lấy nơi này để giáo hóa kẻ sĩ và chúng dân đất kinh kỳ bằng cách biến ngôi đền thành trụ sở của Hội Hướng Thiện của giới sĩ phu Bắc Hà, với tôn chỉ: Nâng cao dân trí, đổi mới dân sinh. Để làm được điều đó, Thầy Phan chủ trì việc biên tập và khắc in nên bộ sách Cổ văn hợp tuyển dày 8000 trang và các bộ sách lừng tiếng khác như Kinh đạo nam, Tang thương ngẫu lục của Phạm Đình Hổ, Phương sơn từ chí lược của Nguyễn Thu, Khán sơn đình thi tập của Đặng Huy Tá, đặc biệt là bộ Tổng tập đồ sộ của Nguyễn Văn Siêu (Thần Siêu) là Phương Đình văn loại, Phương Đình tùy bút, Anh ngôn tập, Văn ký tập. Nhờ công Thầy Phan mà đến nay đền Ngọc Sơn còn lưu giữ được hơn một ngàn bản ván khắc in sách, chưa kể số ván khắc được lưu tại chùa Liên Phái - Bạch Mai do dòng họ Vũ cất giữ.
Còn chuyện Thầy Đặng Xuân Bảng? Quê tôi là xã Trực Bình, nay là xã Việt Hùng, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định, bên này cây cầu Lạc Quần vắt ngang sông Ninh Cơ. Qua cầu, ngược lên đất Xuân Trường, đến ngã ba rẽ đi Giao Thủy có một dốc dài gọi là dốc Xuân Bảng. Thời còn ở quê, qua lại nhiều lần dốc đó, tôi đâu hay tên dốc ghi danh một tên tuổi lớn không chỉ của Xuân Trường (Ngày nay, trên bán đảo Linh Đàm của Thủ đô Hà Nội cũng đã có một tên phố mang tên cụ). Người ấy, 8 tuổi đã đọc sách thánh hiền, 12 tuổi đã nhuần kinh sử, nhưng nhà nghèo chỉ ở nhà học cha mà không được đến trường, và năm 19 tuổi mới lần đầu ứng thí, đỗ ngay Tù tài. Ba năm sau, thi lần hai, đậu cử nhân. Sáu năm sau, lều chõng thi Hội đậu, được vào thi Đình, đỗ Đệ tam giáp Tiến sĩ. Sách kể rằng, lẽ ra kỳ thi ấy cụ đậu Hoàng giáp, nhưng vì cương trực, ngay thẳng, trong bài thi dám bày tỏ lời can vua chúa phải tránh xa “Thanh - Sắc”, thế là bài phạm “húy”, bị hạ điểm xuống chỉ đỗ Đệ tam giáp thôi. Tài ấy, khí tiết ấy khiến hoạn đồ trải suốt 8 đời vua, sau phải xin từ quan về quê viết sách và dạy học. Viết sách thì để lại chồng cao những trước tác. Ngay năm đầu (1857) được Tự Đức vời vào triều giao cho chức Bí thư văn phòng Nội các, cụ đã được giao soạn bộ sách Nhân sự kim giáo (loại sách Nhân vật chí, như sách về Danh nhân ngày nay). Sau hai năm biên soạn, biên tập, san định, cụ hoàn thành bộ sách được vua khen. Năng khiếu trời cho đó, khi được rũ bỏ mọi việc để chuyên vào việc soạn sách, sao chẳng để lại nhiều trước tác cho đời. Cụ Đặng để lại số trước tác không chỉ lớn về số đầu sách, mà lớn cả về đề tài. Các lĩnh vực từ Lịch sử đến Giáo dục, Thiên văn, Địa lý, Tướng số, Lý dịch bói toán, cả đến sách về Binh thư, Từ điển cụ đều có sách để lại.
Công lớn thứ hai của cụ Đặng Xuân Bảng được lưu đời truyền tụng là cống hiến cho Giáo dục. Mươi hai năm chuyên tâm dạy học, ngoài công soạn sách cho việc dạy và học, Thầy Đặng đã rèn dạy được 57 môn sinh đỗ đạt cao, có khoa thi riêng trường Thầy đỗ 11 người, một kết quả có lẽ vô tiền khoáng hậu thời ấy và cả thời nay.
Người Thầy lừng danh đó sinh ra ở làng Hành Thiện, huyện Xuân Trường. Làng nổi tiếng này, thời Cựu học có đến 419 người đỗ đạt, trong đó bảy người đỗ đạt cao (3 Tiến sĩ , 4 Phó bảng), 97 Cử nhân, 315 Tú tài. Tiến sĩ Đặng Xuân Bảng là người có bằng cấp cao nhất làng. Ngày nay, Hành Thiện có hơn sáu ngàn dân mà có hơn 600 Cử nhân, còn Tú tài thì nhà nào cũng có. Thống kê mới đây cho biết, Hành Thiện có 88 người được phong học hàm, học vị Giáo sư, Phó giáo sư, Tiến sĩ; 4 người mang hàm Bộ trưởng (thời Cựu học, Hành Thiện cũng có 4 người được phong Thượng thư). Đất phát sinh người tài, hay ngược lại ? Chỉ biết từ khi có Đặng tiên sinh khai mở con đường học vấn và bước vào quan trường, Hành Thiện thành đất học, đất quan. Mới có những câu ca truyền tụng trong dân gian về đất làng Địa linh Nhân kiệt này: “Bắc Cổ Am, nam Hành Thiện !” (phía bắc có đất Cổ Am sinh ra Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, phía nam có đất Hành Thiện sinh ra Đặng Xuân Bảng và các bậc tài danh khác); “Đất học Nghệ An, đất quan Hành Thiện !”; “Đậu phụ Thủy Nhai, Tú tài Hành Thiện !”
Đặc biệt thú vị và đáng để mọi người ngẫm về dòng tộc của Đặng tiên sinh và làng Hành Thiện, là cụ sinh cho đất nước một Nhà văn có bút lực mạnh mẽ là Đặng Xuân Viện, người đã tham gia Nam Việt đồng thiên hội, viết bộ sách Minh đô sử 100 cuốn, và sáng tác nhiều bộ tiểu thuyết , trong đó có bộ “Trần - Nguyễn chiến kỷ” nổi tiếng viết về ba lần đánh thắng quân xâm lược Nguyên - Mông của quân dân nhà Trần. Rồi Nhà văn Đặng Xuân Viện lại sinh cho đất nước một người con xuất chúng thời nay. Đó là Trường Chinh, tên thật là Đặng Xuân Khu, hai lần giữ chức Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam, cũng từng giữ các chức Chủ tịch Hội đồng Nhà nước (Chủ tịch nước) và Chủ tịch Quốc hội nước Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh, tác giả của ba sản phẩm trí tuệ siêu việt ứng vào ba thời điểm có tính bước ngoặt của cách mạng Việt Nam.
Đọc tiếp 34 thiên truyện về 34 tấm gương Nhà Giáo thời Tân học, càng đọc càng thấy mừng cho dân nước mình đời nối đời có những Nhà Giáo tâm trong trí sáng gánh vác Nghiệp Học nước nhà. Nói thời Tân học là nói thời bút sắt viết chữ Quốc ngữ mới của nước ta, với công đầu của Trương Vĩnh Ký trong việc truyền bá Quốc ngữ, mà tác giả Nguyễn Hải đặt ông lên vị trí đầu tiên của đội ngũ những người Thầy thời Tân học.
Mở đầu là Thầy Trương Vĩnh Ký, khép lại là Giáo sư Nguyễn Đình Tứ, một Nhà khoa học, một Nhà giáo, đồng thời là Nhà lãnh đạo có uy tín lớn được bầu là Ủy viên Bộ chính trị, Trưởng ban Khoa giáo Trung ương. Bên trong là những tên tuổi lừng danh của làng Giáo nước nhà: Nguyễn Bá Học, Nguyễn Quyền, Phan Kế Bính, Nguyễn Văn Vĩnh, Trần Trọng Kim... Rồi Phạm Quỳnh, Hoàng Ngọc Phách, Dương Quảng Hàm ... Rồi Trần Văn Giàu, Võ Nguyên Giáp, Vũ Đình Hòe, Nguyễn Hiển Lê... vân vân và vân vân.
Riêng tôi dừng lại ngẫm nghĩ nhiều về bốn người Thầy thời Tân học đầy biến động: Phạm Quỳnh, Trần Trọng Kim và Vũ Đình Hòe, Võ Nguyên Giáp. Vũ Đình Hòe - Võ Nguyên Giáp có nhiều sự tương đồng lạ lùng. Thời cắp sách, cả hai cùng học giỏi có tiếng. Khi có bằng Tú tài, cả hai cùng thi vào học khoa Luật của Viện đại học Đông Dương, cùng học giỏi để rồi mỗi người đều có bằng Cử nhân Luật trong tay. Cùng kính phục, tôn thờ lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và cả hai cùng được Người yêu quý, trọng dụng. Nhưng trớ trêu thay, cả hai cùng bị lịch sử chơi trò đùa ác, như để thử thách cái tầm mức vĩ nhân. Thêm sự lạ nữa: cả hai cùng nghe theo lời Chủ tịch Hồ Chí Minh để tự hóa giải vấn nạn.
Cặp thứ hai là Trần Trọng Kim và Phạm Quỳnh. Nhà giáo Trần Trọng Kim từng tốt nghiệp trường Sư phạm Me Lum bên Pháp tháng 7/1911, từng dạy học ở trường Bưởi, rồi trường hậu bổ (Trường dạy phép làm quan). Trường Sư phạm, sau này làm Thanh tra Tiểu học, Giám đốc Hội đồng soạn thảo sách giáo khoa Tiểu học... Ông cũng là người soạn sách có tiếng, để lại hai tác phẩm tầm cỡ là Việt Nam lược sử và Nho giáo, cùng hàng loạt cuốn sách viết về Giáo dục học. Tiếc thay, vì ngây thơ chính trị, ông đã tham gia chính trường, nhận đứng ra thành lập Chính phủ thân Nhật với vai trò làm Thủ tướng, đi ngược lại lợi ích dân tộc. Việc đó, dù chỉ kéo dài 4 tháng trời, và như ông tự than trước khi nhắm mắt: “Tay không lại hoàn tay không!”
Thượng thư Bộ học Phạm Quỳnh lại có sự éo le khác. Con người có xuất thân không may mắn. 9 tháng tuổi mồ côi mẹ, 9 năm tuổi mô côi cha, ốm đau quặt quẹo tưởng chết, may được trời phú cho sự thông minh hơn người, 16 tuổi đã có bằng Thành chung, vào làm việc tại trường Viễn Đông bác cổ và tham gia viết báo, 25 tuổi đã làm Chủ bút tờ tạp chí Nam Phong, dùng Nam Phong cổ súy cho Nghiệp học nước nhà. Lại cùng Nguyễn Văn Vĩnh sáng lập Hội khai trí tiến đức, làm Tổng thư ký Hội đó. Có đến 8 năm làm giảng sư trường Cao đẳng Đông Dương, tiền thân trường Đại học Quốc gia Việt Nam ngày nay (mặc dù chưa từng có tấm bằng tốt nghiệp Đại học nào trong tay). Và là chủ xướng thuyết “Lập hiến” cũng là tác giả của nhiều trước tác có giá trị học thuật về nhiều ngành: Triết học, Văn học, Giáo dục, Lịch sử, Tôn giáo... Con người của những tuyên ngôn lay động lòng người: “Muốn xây dựng Quốc gia phải bắt đầu từ xây dựng văn hóa...”; “Truyện Kiều còn, tiếng ta còn. Tiếng ta còn, nước ta còn!” Nhận thức chính trị của người đó thế nào? Ông từng tuyên bố ngay trên diễn đàn của Viện Hàn lâm Pháp ngày 22/7/1922: “Không một cộng đồng dân cư nào chịu được nữa cảnh bảo hộ!”, và chính ông từ chối sự ủy thác của Bảo Đại, không đứng ra lập Chính phủ mới. Nhà giáo Phạm Quỳnh là vậy. Cho nên, kết thúc thiên truyện, tác giả Nguyễn Hải đã nhắc lại cách đánh giá của Giáo sư Nguyễn Huệ Chi: “Phạm Quỳnh là người theo chủ nghĩa Quốc gia, lấy việc cách tân văn hóa để làm sống lại cái hồn dân tộc”, và Nguyễn Hải mạnh dạn viết thêm: “Phạm Quỳnh là người có tinh thần dân tộc, yêu nước thương nòi !”.