12 truyện, tác giả viết chủ yếu trong những năm dịch Covid-19 trở thành đại dịch (2018-2022). Đây không phải là toàn bộ những gì Đặng Chương Ngạn đã viết trong thời gian ấy, vì năm 2019 thấy anh in tiểu thuyết Chiếc vòng cổ màu xanh ở Nxb Văn hóa - Văn nghệ Tp. Hồ Chí Minh. Một số truyện ngắn của anh xuất hiện trên các báo trung ương và địa phương trong nước thời gian ấy cũng không thấy trong tập. Nhưng đây rõ ràng là một tập hợp truyện ngắn đầy đủ nhất của anh những năm qua. Tập viết đều tay. Vẫn còn hương nhãn; Trên cao kia, trời xanh mây trắng; Người hát xẩm ở Trì Câu; Sông An Nhiên; Mái tranh nghèo của mẹ; Mười hai bến nước… trong tập đều là những truyện ngắn hay. Song đáng chú ý nhất có Giá có một con ma. Cốt truyện như sau, nhân vật (xưng tôi) tốt nghiệp Đại học, xin việc làm mãi không được, cuối cùng “Chuột chạy cùng sào, chui vào… khí tượng” với công việc cụ thể (không ai dám nhận) là đo mưa trên núi cao, hưởng lương trung cấp. Năm 1970, việc đong đếm lượng nước từ trên trời rơi xuống đất ấy của những người khí tượng đã được nhà văn Nguyễn Thành Long miêu tả rất hay trong truyện ngắn nổi tiếng Lặng lẽ Sapa. Vẫn là motif “nỗi nhớ con người” nhưng thời thế thay đổi, người viết thay đổi nên tất cả đều thay đổi. Cùng sống trong cảnh cô đơn, quanh năm bạn bè với cỏ cây, mưa nắng mà cái nhìn của anh khí tượng trong Lặng lẽ Sapa trước cuộc đời là một cái nhìn tích cực; còn cái nhìn của anh khí tượng trong Giá có một con ma là cái nhìn của kẻ bất đắc chí. Tuy nhiên do bị dồn đến ngõ tận, nên anh vẫn trụ vững hết thời hạn hai năm. Khi nhớ tiếng người quá, thay vì xô cây chặn đường ô tô qua như anh khí tượng Sapa thì anh chạy quanh co xuống chợ cách đấy vài chục cây số. Uống rượu một mình. Hát to một mình… Và ước“Giá có một con ma”. Cầu được ước thấy, “con ma” xuất hiện. Đấy là một cụ già ngoài 70, lưng hơi còng, tóc bạc trắng. Trong khuôn viên trạm đo mưa có nhiều cây sứ. Cụ đến nhặt hoa sứ về phơi khô, bán cho các tiệm thuốc để chữa tiêu đờm, trừ ho, hạ huyết áp. Giữa hai người có sự giao cảm. Anh khí tượng than với cụ già về việc hết thời hạn công tác mà cấp trên vẫn chưa cho người lên thay. Cụ già thì khuyên anh phải kiên nhẫn... Bất ngờ anh khí tượng phát bệnh “Dị ứng phấn hoa”, khắp người nổi ban đỏ, phải xuống bệnh viện dưới thành phố điều trị. Tại đây anh gặp cô y tá cũng xuất thân từ một trại trẻ mồ côi như mình. Rồi tình yêu, rồi đám cưới. Khi đứa con đầu lòng ra đời, cần có osin hỗ trợ. Nhớ đến cụ già nhặt hoa sứ ngày nào, anh khí tượng trở lại trạm đo mưa. Trò chuyện với người nhân viên mới, anh được cho biết không có cụ già nào đến đây nhặt hoa sứ. Ngày con trai đầy tuổi tôi, bất ngờ mẹ vợ của anh định cư bên Úc trở về. Câu chuyện quay về 20 năm trước… Mẹ vợ mua cho hai con một ngôi nhà. Mua đầy đủ các vật gia dụng và một cái tủ thờ, trên đó có chưng sẵn ảnh bên ngoại. Khi bước đến thắp hương trước di ảnh ngoại, anh khí tượng chợt sững người. Người đàn bà trong ảnh nhìn anh, đôi mắt hấp háy cười… chính là bà cụ nhặt hoa sứ trên núi ngày nào.
Tính “độ lớn”, Giá có một con ma không bằng Người hát xẩm ở Trì Câu hay Mái tranh nghèo của mẹ… Song cái hay của nó là ở yếu tố hiện thực huyền ảo. Thấy chỉ bằng cách đó, tác giả mới xử lý được, một cách thật tự nhiên, thuyết phục những vấn đề mình đã đặt ra. Chờ đợi hóa thân cũng thế, yếu tố hiện thực huyền ảo là xương sống giúp truyện đứng được.
Cái khác của Giá có một con ma với các truyện khác trong tập là kết thúc vui vẻ. Còn Người hát xẩm ở Trì Câu; Mái tranh nghèo của mẹ; Mười hai bến nước; Vẫn còn hương nhãn; Trên cao kia, trời xanh mây trắng; Sông An nhiên… buồn đến không thể buồn hơn. Nhân vật Dân trong Sông An nhiên là một. Sống khổ quá, em trẫm mình, vì tin sau khi chết qua được sông An nhiên là được ăn no. Người hát xẩm ở Trì Câu… lại buồn theo cách khác, đấy là dù đã được Người hát xẩm cảnh báo, cảnh tỉnh mà từng đoàn người vẫn đổ xô lên những “đồi triệu, đồi tỷ” của đất Trì Câu để rồi thân xác bị đày đọa trong những địa ngục trần gian. Người chết vùi thây dưới những hầm sâu, người sống trở về thân tàn ma dại. Rồi nữa, hình ảnh bà Rịa ngày ngày cúng tượng thần Si, cầu cho người thân bình yên trở về. Nhưng hết chồng, đến anh, em, cháu, chắt, chút, chít của bà nối nhau ra trận… nối nhau chết, để lại bà một mình với tuổi già và sự mất niềm tin vào thần thánh. Trong lúc đó “Trên cao kia, vẫn trời xanh mây trắng”. Những chuyện buồn được tác giả viết bằng một cái tâm sáng, nên đọc xong không cảm thấy bị tan rã, rữa mục. Và tôi gọi đó là những nỗi buồn thức tỉnh!
Yếu tố quan trọng bậc nhất của truyện ngắn là chi tiết nghệ thuật và cách hành văn của người viết. Văn Đặng Chương Ngạn viết kỹ, không có sạn sỏi, sâu sắc, giản dị, giàu chất thơ. Anh thuộc truyện, thuộc nhân vật. Đọc, thấy anh sống nhiều, là người trong cuộc của những chuyện làm ăn đương thời.
_______
* Đọc Người hát xẩm ở Trì Câu, tập truyện ngắn của Đặng Chương Ngạn, Nxb Tổng hợp TP.HCM, 2023
Ngô Xuân Hội
Nguồn Văn nghệ số 29/2023