Tôi ra Cô Tô từ mùa hè năm 2005, đến nay vừa trọn 15 năm. Lần ấy, tôi ra đảo dự lễ Kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng Khu mỏ Quảng Ninh (25/4/1955-25/4/2005) và khánh thành đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đảo Cô Tô, huyện Cô Tô tỉnh Quảng Ninh. Anh Trường, vốn là cán bộ văn hóa của đảo bảo: “Hồi ấy ông đi công tác vội vội vàng vàng “cưỡi ngựa xem hoa”, lần này, “đi tư tác” ông phải đi hết “ngọn nguồn lạch sông” nhé, đi chơi mà”! Lại nói thêm: “Cô Tô bây giờ khác xa hồi nào ông đến, đi thử xem nhé ông bạn già!”…
Nói rồi anh gọi cho tôi chiếc xe ôm. Người lái xe ôm đưa tôi đi là một bác đứng tuổi tóc muối tiêu da dẻ đỏ đắn, chắc khỏe rõ ra người miền biển… Bác bảo, thực ra Cô Tô “nhà bác” là một quần đảo gồm đảo Cô Tô con, Cô Tô lớn, và nhiều đảo nhỏ khác gọi là cồn, như cồn Chân Kiểng, cồn Con Ngựa, cồn Đuôi Cá Chép, cồn Gạc Hươu, cồn Hang Chuột, cồn Tai Khỉ, cồn Vó Ngựa… là đá, như đá Bắc Ba Đỉnh, đá Chân Hương, đá Chuột Nhắt, đá Nam Ba Đỉnh, đá Ngầm Nam, đá Ngầm Sâu, đá Quả Thông… hoặc hòn: hòn Ngoài, hòn Ba Bái, hòn Bắc Đẩu, hòn Bát Hương, hòn Bầu Rượu, hòn Bảy Sao, hòn Chòi Canh, hòn Con Chuột, hòn Đèn, hòn Đồi Mồi, hòn Khoai Lang… Nghe bác tài nói thế tôi nghĩ, là anh bạn tôi nói thì nói thế, chứ “tư tác” gì, chơi nghỉ gì cũng làm sao “đi hết ngọn nguồn lạch sông” của hòn đảo đẹp rộng hơn 40 cây số vuông, lại ở vị trí tiền tiêu của Tổ quốc này. Hiện nay Cô Tô là một huyện đảo của tỉnh Quang Ninh gồm có 3 đơn vị hành chính: thị trấn Cô Tô (huyện lỵ) và 2 xã: Đồng Tiến, Thanh Lân, đi hết, biết cả có mà làm cả một tập sách!...
Trên biển Hồng Vàn |
Trước hôm ra đảo, tôi đã tra cứu một số sách sử về biển đảo nước ta và được biết, Cô Tô có tên cổ là Chàng Sơn (Núi Chàng), từ lâu đã là nơi neo đậu và trú ngụ của thuyền bè ngư dân Vùng Đông Bắc, nhưng ít người có ý định định cư lâu dài vì luôn bị những toán cướp biển người Tàu quấy phá… Năm 1832, Nguyễn Công Trứ với cương vị Tổng đốc Hải An (Hải Dương - An Quảng) đã xin triều đình nhà Nguyễn cho thành lập vài ba làng xã, cắt cử người cai quản. Làng đầu tiên ở đây được Nguyễn Công Trứ đặt là làng Hướng Hoá. Ít lâu sau, triều đình cho thu thuế và lập đồn Hướng Hoá canh phòng giặc biển. Dân cư đông dần, tất cả đều là người dân tộc thiểu số ở vùng ven biển Quảng Ninh, một số người Hoa ở Quảng Đông, Phúc Kiến và đảo Hải Nam lánh nạn phiêu bạt đến ở. Thời Pháp thuộc, Cô Tô là một tổng có năm xã thuộc châu Hà Cối phủ Hải Đông tỉnh Hải Ninh. Sau ngày Nhật đảo chính, Pháp quay lại chiếm đóng Cô Tô. Từ Cô Tô và cảng Vạn Hoa trên đảo Cái Bầu, tàu chiến Pháp vào quấy rối vùng biển Hòn Gai và cảng Hải Phòng. Tháng 11 năm 1946, Đại đội giải phóng quân Ký Con từ Hòn Gai dùng tàu chiến mới chiếm được của Hải quân Pháp tiến ra giải phóng Cô Tô, nhưng không thành công. Cho đến cuối năm 1955, thực hiện Hiệp định Genève, quân Pháp mới rút khỏi đảo…
Ra đảo, điều đặc biệt dễ nhận thấy ở đây là tấm lòng người dân đất đảo với Bác Hồ. Người dân trên đảo rất tự hào vì được Người đặc biệt quan tâm: Ấy là sáng ngày 9/5/1961, Bác Hồ đến thăm và nói chuyện với đồng bào, cán bộ, chiến sĩ trên đảo. Bấy giờ Cô Tô còn là một xã đảo thuộc huyện Cẩm Phả, tỉnh Hải Ninh. Cuối năm 1962, khi Bác Hồ trở lại thăm quân và dân vùng Đông Bắc, lãnh đạo tỉnh Hải Ninh lúc bấy giờ đã thưa với Bác nguyện vọng của đồng bào Cô Tô là muốn được dựng bức tượng của Bác để ngày ngày được gần gũi Bác hơn nữa. Nguyện vọng ấy đã được Người đồng ý. Sau một thời gian chuẩn bị, năm Mậu Thân 1968 bức tượng bán thân Bác Hồ được khánh thành ngay tại nơi Người đứng nói chuyện với quân và dân Cô Tô 8 năm trước. Năm 1976, kỷ niệm 15 năm Bác Hồ ra thăm đảo, Khu di tích lưu niệm Bác Hồ được tôn tạo thêm và bức tượng bán thân của Người được thay bằng tượng toàn thân. Đến năm 1995, Khu di tích lưu niệm Bác Hồ gồm nhà bia ghi nhớ ngày Bác ra thăm đảo; đền thờ Bác được tôn tạo xây mới; tượng Bác và công viên Cây Tùng… được tôn tạo và xây mới thành một địa chỉ văn hóa - lịch sử đẹp và khang trang bậc nhất trên đảo, được xếp hạng Di tích lịch sử cấp quốc gia. Tại đây, tượng đài Bác Hồ cao 4,4m, đặt trên khối bệ cao 4,6m, tất cả đều bằng đá xanh. Bóng của Người, dưới bóng cờ Tổ quốc phần phật bay cao như tươi cười giơ tay vẫy chào những chuyến tàu vào ra bến cảng Cô Tô, cùng những dòng người tấp nập ngược xuôi lên bờ, xuống bến... Người dân trên đảo thường tự hào giới thiệu cùng du khách ra thăm đảo: đây là bức tượng Bác duy nhất trên cả nước được Người đồng ý cho xây dựng lúc Bác còn sống. Niềm kiêu hãnh ấy, hình bóng Bác kia như nhắc nhở, khích lệ mọi người quyết tâm xây dựng huyện đảo ngày càng giàu mạnh, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Cô Tô không chỉ có biển mà còn có cả rừng nguyên sinh và núi. Nơi cao nhất của Cô Tô là Đèn biển Cô Tô. Từ đây có thể phóng tầm mắt toàn cảnh Cô Tô và bao quát một vùng biển trời bao la rộng lớn.
Ông Soàn người thôn Hồng Hải ven bãi biển Hồng Vàn (đường Lạc Long Quân, xã Đồng Tiến) người đưa tôi đi thăm đảo bảo trên đường về biển Hồng Và nên ghé qua thăm đèn biển Cô Tô và đưa chúng tôi lên thẳng chân tháp một cách ngon lành. Ông lái xe kiêm hướng dẫn viên du lịch bảo, nhờ có du lịch mà người quê ông trở nên có của ăn của để, có xe máy tivi nhà hộp. Tôi biết ông đã bước vào tuổi “xưa nay hiếm” nên đọc câu thơ: “Nợ nần đâu chỉ riêng ta/ Mấy ai thành được ông già bảy mươi!”. Ông cười, đúng thế và cho biết: Hải đăng Cô Tô là một trong số hơn 30 “con mắt biển đêm” của vùng lãnh hải thiêng liên của Tổ quốc Việt Nam đang hoạt động. Với vị trí quan trọng, ngọn hải đăng Cô Tô như một nét chấm phá, là điểm đến lý tưởng trong tour du lịch ra đảo.
Hải đăng Cô Tô được xây dựng từ cuối thế kỷ 19. Tháp đèn có chiều cao 118m so với mặt nước biển. Leo lên 72 bậc thang xoáy trôn ốc lên đến đỉnh ngọn hải đăng, phóng tầm mắt ra xa, có thể chiêm ngưỡng không gian khoáng đạt cùng vẻ đẹp bất tận thiên nhiên ban tặng cho “hòn ngọc xanh” Cô Tô. Khác với ngày trước, giờ đây những người thắp đèn biển không còn phải chèo thuyền nan đi đốt đèn biển bằng dầu hoả. Đèn biển đã được đầu tư chiếu sáng bằng pin năng lượng mặt trời; có hệ thống tự động, bán tự động điều khiển. Nhưng điều đó không có nghĩa là cuộc sống, công việc của họ đã hết khó khăn, vất vả.
Đến hải đăng Cô Tô, ngoài việc leo lên tháp đèn biển, thu vào tầm mắt quang cảnh tuyệt đẹp của một vùng đảo, biển còn hoang sơ, thanh bình, hai xe ôm tiếp tục dẫn chúng tôi về bãi biển Hồng Vàn – nơi ông có một cơ ngơi riêng bên bãi biển,
Hồng Vàn là một bãi biển không những đẹp, yên bình mà còn lãng mạn nhất đảo Cô Tô. Bãi biển Hồng Vàn nằm cách xa so với khu dân cư đông đúc, náo nhiệt (cách thị trấn Cô Tô chừng 7km) thuộc thôn Hồng Hải, xã Đồng Tiến, huyện Cô Tô. Ngay từ khi đặt chân tới bãi biển Hồng Vàn, người ta đã cảm thấy bãi biển này không nhộn nhịp như bãi biển Vàn Chảy hay bãi Tình Yêu. Hồng Vàn là bãi biển lặng sóng, nước biển trong xanh, bãi cát trắng mịn trải dài… Đi dạo trên bờ cát ngắm nhìn những ngôi nhà gỗ được thiết kế công phu, thân thiện thấy sao mà gần gũi. Nghỉ trong những ngôi nhà này, mở cửa là có thể tận hưởng những làn gió biển dịu nhẹ và tươi mát, ngắm cảnh bình minh lên và khi hoàng hôn đang dần tắt… Từ biển Hồng Vàn, du khách có thể nhìn rất rõ đảo Cô Tô con. Đảo Cô Tô con là một hòn đảo nhỏ, rộng khoảng 200 hecta, nằm ở phía Đông Bắc xã Đồng Tiến, huyện Cô Tô, tỉnh Quảng Ninh. Chỉ cách Cô Tô lớn khoảng 1 km, nên đứng từ đảo Cô Tô lớn bạn có thể nhìn thấy rất rõ ràng sự hiện diện của hòn đảo xinh đẹp này. Cô Tô con được mệnh danh là “thiên đường du lịch”.
Buổi tối là thời gian lãng mạn nhất ở nơi này. Ở đây du khách có thể thưởng thức bữa tiệc hải sản với mực tươi, tôm tích, cá vược hay ốc móng tay… những đặc sản nổi tiếng ở Cô Tô. Đến Hồng Vàn nay mà không ăn đêm, xài đồ nướng bên bờ sòng thì coi như chưa đến Cô Tô. Người ta bảo vậy.
Ở Hồng Vàn, tôi có nghỉ tại một homestay cách bãi tắm Hồng Vàn chừng 200m. Ở mấy ngày rồi mới hay đây là cơ sở của anh Vũ Thanh Minh, đương kim Chủ tịch Hội Du lịch huyện Cô Tô (Coto Travel Association). Anh là một thanh niên có dáng vẻ nhanh nhẹn, phong cách rất trí thức và ra dáng là một người “làm du lịch” của thời đại 4.0. Minh còn rất trẻ (sinh 1983), người Hạ Long chính gốc và cũng là cư dân xã Đồng Tiến chính hiệu. Ở phòng lễ tân tôi thấy có rất nhiều giấy khen, bằng khen. Anh cũng là người được Chủ tịch huyện Cô Tô khen thưởng trong chống dịch Covid-19 vừa qua với tư cách là tổ viên tổ kiểm tra y tế giám sát dịch tại cầu cảng Cái Rồng. Gia đình anh được cấp giấy chứng nhận Gia đình văn hóa… Với tư cách là chủ tịch Hội Du lịch huyện, Minh cho biết, đây đang là thời điểm “bùng nổ” của du lịch Quảng Ninh nói chung và du lịch Cô Tô nói riêng. Sau dịch Covid-19, nhất là mấy ngày nghỉ hè vừa qua, du lịch Cô Tô như bị “vỡ trận”, chỗ nào cũng nườm nượp người và xe, dẫn đến tình trạng thiếu nước ngọt, sụt điện áp và “cháy phòng”… Ông “tư lệnh” ngành du lịch đảo cho biết thêm: Cô Tô mỗi năm chỉ đón khách du lịch được chừng vài tháng mùa hè, nên việc kêu gọi đầu tư xây dựng hệ thống khách sạn cao cấp gặp nhiều khó khăn (giá đất tăng phi mã, giá một mét vuông xây dựng cao gấp 2,3 lần giá trong đất liền)… Mô hình thích hợp nhất là phát triển dịch vụ phòng nghỉ trong nhà dân (homestay), khẩu hiệu thích hợp nhất là “toàn dân làm du lịch” - du lịch nhân dân và huyện đã chính thức bật đèn xanh cho cán bộ làm “mô hình mẫu” để dân làm theo; trước hết là xây dựng văn hóa du lịch, bảo đảm an ninh trật tự, vệ sinh môi trường và an toàn thực phẩm… Nhờ những “mô hình mẫu” về văn hóa du lịch này, mà homestay ở Cô Tô đang dần dần trở thành “đặc sản” được nhiều người biết đến. Ngoài kinh doanh nhà nghỉ, khách sạn, du lịch Cô Tô còn chú trọng kinh doanh vận tải trên bộ, dưới sông, ngoài biển với nhiều loại phương tiện từ tàu bè, ô tô khách, ô tô điện cùng với cả xe ôm… Qua câu chuyện vội vàng với ông Chủ tịch Hội Du lịch Cô Tô, tôi được biết Hội này mới thành lập năm 2016 nhưng đã có cả trăm hội viên và có những hội viên làm nghề rất thành công như anh Tùng, anh Hùng, anh Nghĩa… có người doanh thu tới cả tỷ đồng một mùa, cao nhất có hộ doanh thu tới 3,4 tỷ VNĐ/mùa…
Trò chuyện với anh Minh, qua câu chuyện chọn nghề, chọn cách làm ăn tôi lại biết thêm về tuổi trẻ hôm nay. Anh vốn học du lịch tại trường Đại học Đông Đô, nhưng chưa học hết khóa học thì ra đảo “hành nghề”, anh bảo nghề chọn anh, đời chọn anh… Hai cơ ngơi nhà nghỉ ở thị trấn và cái homstay ở bãi biển Hồng Vàn mà anh và tôi đang ngồi trò chuyện là từ một tay anh làm. Từ vật liệu, thiết kế thi công, giám sát xây dựng, thiết bị trang trí nội ngoại thất… tất tật đều do anh. Anh còn tiết lộ thêm, không chỉ một anh dám ra đảo, tay không làm du lịch mà anh còn “kéo” được cả một cô gái Hà Nội, là chị Thu Trang, người vùng Bưởi, ra cùng, làm cùng. Ba đứa con của anh còn nhỏ, nhưng đã mang những nét của người cha: sáng sủa, xinh đẹp và chưa chi đã ra dáng của con nhà “làm du lịch”...
Tôi nói với anh, đó là những công dân tương lai của đảo đẹp Cô Tô…
Nguồn Văn nghệ số 32/2020