|
NSND Mỹ Hằng tên thật là Phạm Thị Mỹ Hằng, sinh năm 1975 trong một gia đình lao động nghèo, không có ai theo nghệ thuật. Trong hoàn cảnh như vậy, theo đuổi nghề hát dường như là ước mơ xa vời, phù du bởi con gái lớn trong nhà như Mỹ Hằng thường được cho đi học may, hoặc làm công nhân. Ấy thế mà, ba của chị lại là người ủng hộ và đồng hành cùng con gái trong những ngày đầu tiên bước chân lên sân khấu cải lương.
Tài năng nghệ thuật của Mỹ Hằng được nhạc sĩ Út Trong nhận ra và rèn cặp từ lúc còn nhỏ tại lớp dạy nghề ca cổ và đờn cổ. Những tháng ngày không có tiền đóng học, cô đành nói với thầy của mình: “Tháng này cho con đóng trễ”. Lúc ấy thầy đang rửa tay, quay lại nói “Mày làm gì vậy Hằng, có thì mày đưa, không có thì thôi. Thầy có đòi đâu mà mày nói vậy”. NSND Mỹ Hằng xúc động nhớ lại: “Những lúc khó khăn nhất, nữ nghệ sĩ luôn có những người bên cạnh mình. Nhưng khi mình đạt được thành quả thì những người đó không còn nữa”.
May mắn khi học trong trường, Mỹ Hằng được thầy cô thương, khi về công tác tại Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang lại được đồng nghiệp tận tình chỉ bảo, giúp đỡ. Cô thường được giao đóng những vai đào thương, đẹp người đẹp nết nhưng có số phận khổ cực, đa đoan, tình duyên trắc trở. Bởi thế khi nhắc đến cái tên Mỹ Hằng, người ta lại nhớ vai cô đào hát đa sầu đa cảm Cầm Thanh trong vở Cô đào hát tham dự giải thưởng Trần Hữu Trang 20 năm trước.
Đây cũng là vai diễn mà sau bao năm, nữ nghệ sĩ vẫn luôn muốn được diễn lại. “Tôi nhận một vai chỉ 15 phút nhưng đủ mọi cung bậc hỉ nộ ái ố; từ tỉnh qua điên, từ điên qua tỉnh. Vai Cầm Thanh rất khó vì phải diễn làm sao để khán giả tin là nhân vật điên thật.Và khi tỉnh lại, tôi phải diễn như thế nào để cho khán giả tin là lúc này nhân vật đã tỉnh táo. Vai diễn vừa cực vừa khó; diễn xong thì mệt lắm nhưng khi mồ hôi đổ ra thì tôi lại cảm thấy hạnh phúc. Tôi thấy ‘đã’, cứ diễn và cháy hết mình trên sân khấu còn sau đó có đổ bệnh cũng được, không sao hết” - NSND Mỹ Hằng nói.
Vai bà Hoán trong vở Nhân danh công lý tại Liên hoan nghệ thuật sân khấu hình tượng người chiến sĩ công an năm 2020 đánh dấu sự thay đổi trong cách diễn xuất của NSND Mỹ Hằng. Lần đầu tiên cô được giao đảm nhận một vai diễn ghê gớm, sắc sảo, chuyên thực hiện các phi vụ gửi gắm trong chuyện làm ăn, buôn lậu, nhận của hối lộ và thay đổi khẩu cung, tìm người nhận tội cho con mình dù biết đó là phạm pháp. Nhân vật của Mỹ Hằng đời hơn trong diễn biến tâm lý phức tạp của một người mẹ vì con mà bao che tội ác, tìm mọi cách thay đổi bản án từ đen thành trắng. Nhân danh công lý là một tác phẩm mang tính thời sự, như một phép thử cho sân khấu cải lương trong giai đoạn thiếu kịch bản trầm trọng, nhất là kịch bản phản ánh đời sống xã hội đương đại.
NSND Mỹ Hằng nhớ lại: “Khi nhận vai tôi rất lo, cũng cố gắng chăm chút cho vai diễn bởi tự biết đây không phải là sở trường. Ngoài góp ý của đạo diễn, tôi cũng nhận được sự góp ý của các đồng nghiệp để mình nhận vai cho tròn. Các anh chị nói tôi có gương mặt trẻ con, mang tóc giả để cố gắng chững chạc, già đi. Đây là một nhân vật giàu sang, tôi cố hóa trang sao cho khéo để người ta tin vào nhân vật”.
Không chỉ tham gia biểu diễn, NSND Mỹ Hằng còn tham gia công tác giảng dạy tại Khoa Cải lương, Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh. Chị xem đó là sự tiếp nối để hướng dẫn, khơi dậy ở lớp sau tình yêu nghệ thuật truyền thống. Chị tâm niệm, chút vốn nghề và công sức của mình sẽ góp phần tiếp lửa cho các bạn trẻ gắn bó với cải lương, khôi phục lại bộ môn nghệ thuật này sau một thời gian im hơi, lặng tiếng. Không chỉ giảng dạy ở trường, chị còn cùng với các nghệ sĩ của Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang tổ chức các khóa học đào tạo nhằm truyền dạy cải lương cho thanh thiếu niên, góp phần sản sinh một bộ phận diễn viên trẻ, có trình độ, có kiến thức và được khán giả đón nhận. Bởi cải lương không chỉ là hát mà còn kết hợp nhiều kỹ năng, để thể hiện hình ảnh nhân vật, với nhiều cung bậc cảm xúc… sao cho “đến tai” khán giả.
Anh Phan Quốc Kiệt, Giám đốc Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang chia sẻ rằng, nét riêng trong kỹ thuật diễn xuất của Mỹ Hằng chính là sự chân thành. “Đó là chất mộc mạc, sự chân thật. Việc tích lũy kinh nghiệm qua các vai diễn, cách thể hiện của nghệ sĩ Mỹ Hằng có nhiều điều đáng để khen ngợi. Tôi đánh giá cao nhất ở cô ấy là những vai diễn hết mình, sống trong nhân vật một cách trọn vẹn; thể hiện tốt nhất kỹ năng nghề nghiệp, lời thoại, phong thái…”.
Gắn bó với cải lương, nghệ sĩ Mỹ Hằng đã gặt hái nhiều thành công, trong đó phải kể đến Huy chương vàng giải triển vọng Trần Hữu Trang; Huy chương vàng giải chuyên nghiệp toàn quốc. Mới đây Mỹ Hằng đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu NSND. Sau 30 năm học hỏi không ngừng, danh hiệu này với Mỹ Hằng vừa là niềm tự hào, vừa là trách nhiệm, bởi sự cống hiến của người nghệ sĩ với nhân dân, với việc bảo tồn vốn cổ của cha ông sẽ không bao giờ dừng lại.