Hơn 30 năm trở lại đây, Bảo Ninh đã trở thành một hiện tượng vô cùng đặc biệt của văn học Việt Nam đương đại. Ông được biết đến như là nhà văn của một cuốn tiểu thuyết, nhưng đó lại là cuốn tiểu thuyết làm thay đổi cách nhìn hiện thực, cách viết văn xuôi. Cuốn tiểu thuyết ấy cũng đặc biệt bởi một “lịch sử thân phận” dưới những cái tên khác nhau, ban đầu là Thân phận tình yêu, và sau đó, là Nỗi buồn chiến tranh.
Tác phẩm được xuất bản trọn vẹn lần đầu tiên năm 1990, chọn điểm kể từ dòng hồi ức bất tận của nhân vật Kiên - người lính Bắc Việt từng đi qua cuộc kháng chiến chống Mỹ. Từ góc nhìn ấy, nhiều câu chuyện đã được lắp ghép, đồng hiện trong mạch truyện. Theo nhà phê bình Hoàng Ngọc Hiến, ba chủ đề nổi bật ở cuốn tiểu thuyết này là chiến tranh, tình yêu và sáng tạo nghệ thuật. Tiếp cận từ phương diện giới, Nỗi buồn chiến tranh lại là một diễn ngôn khẳng định tiếng nói nữ giới qua những tín hiệu về nữ dung, nữ tính, nữ quyền.
Nỗi buồn chiến tranh trước hết cho thấy một cách nhìn về nữ dung - vẻ đẹp ngoại hình của người phụ nữ Việt. Nữ nhân vật chính, Phương, được khắc họa qua những đặc điểm tính nữ nổi trội. Cô sở hữu thân hình gợi cảm và tràn đầy sức hấp dẫn giới tính. Đó là vẻ đẹp “lồ lộ, hừng hực, đẹp một cách liều lĩnh, nổi trội”. Bảo Ninh tái hiện đặc điểm ngoại hình của Phương qua những chi tiết sắc nét: “màu da trắng lóa”, “khuôn mặt trắng mịn”, “mắt nâu, long lanh bất tử”, “mái tóc ướt nặng, bờ vai, đôi chân dài, thân thiết, tuyệt mĩ”, “thân hình mềm mại, thơm mát và nóng hổi”, mái tóc “để rất dài, xõa rộng […] ấm và thơm lạ lùng”. Đó là những yếu tố hội tụ nên dung nhan tuyệt sắc của người con gái Hà Nội - người con gái với vẻ đẹp thuần túy nữ tính và vô cùng gợi cảm.
Nhân vật Phương trong Trái tim người Hà Nội - vở kịch cảm tác từ tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh |
Trong cuốn tiểu thuyết, Bảo Ninh đồng thời mô tả đặc điểm thiên tính nữ đằm sâu của Phương ở những phẩm chất mẫu tính. Tình yêu giữa Phương và Kiên ngay từ thuở học trò đã mang bóng dáng của tình mẫu tử. Chi tiết Kiên hồi tưởng về kỷ niệm đêm hồ Tây trong ký ức tình yêu tuổi 17, Phương gợi nhắc ấn tượng về một người mẹ hơn là một người tình. Phương được so sánh giống “một người mẹ trẻ” đang “kể chuyện về người cha” và Kiên được mô tả trong trạng thái “gối đầu lên tay cô”, “áp chặt mình vào cô”. Câu chuyện Phương kể về cha Kiên trong đêm hồ Tây thiết lập một ngôn ngữ mới, thứ ngôn ngữ được tạo ra theo luật của mẹ, luật của nữ giới. Kiên với tư thế “ngậm chặt đầu vú” như thể “mới ra đời người ta bú” là một ẩn dụ về sự trao truyền sức mạnh của tình mẫu tử. Khi Kiên đã trở thành một người lính, chính “vị ngọt của giọt sữa trinh nữ” đã cho Kiên sức mạnh và “hồng phúc”, giúp anh vượt qua “những cái chết”, vượt qua “tai họa và đau khổ” để được “sống sót”. Giọt sữa ấy gợi nhắc câu chuyện huyền thoại về thần Antaeus và mẹ đất Gaia. Những lúc phải đối mặt với khó khăn thử thách, những khi thất bại, gục ngã, vô thức đứa con tìm về với mẹ để được chở che, bao bọc, yêu thương, để được tiếp thêm sức mạnh. Mối quan hệ tình yêu mang hơi hướng của tình mẫu tử giữa Phương và Kiên liên quan tới kiểu tư duy mà các nhà phê bình nữ quyền gọi là tư duy hồi mẫu. Nó hình thành khi đối tượng mẫu tính được tái hiện qua cái nhìn của nhân vật khác, tạo liên tưởng tới mẹ. Về phương thức tư duy này, nhà phê bình Phần Lan Keskinen Mikko khẳng định: “Giọng nói của mẹ mà em bé nghe là giọng của phụ nữ nhưng mang hợp âm giọng nói chung; đó là tiếng nói của một người cố vấn, người cầm quyền, chủ nhân và sau đó được chỉ định là của một tình nhân”. Có sự nối kết chặt chẽ giữa mẹ và tình nhân trong mô hình mà Mikko đã chỉ ra: giọng nói của mẹ/ giọng của người cố vấn, người cầm quyền, chủ nhân/ giọng của tình nhân. Nhà phê bình nữ quyền phân tâm học người Pháp Hélène Cixous cũng lập luận: “Phụ nữ là hiện thân của người Mẹ tôn kính mang giọng nói nguyên thủy, giống như bầu sữa dành cho con trẻ”. Cách đọc này làm nảy nở những nét nghĩa mới của Nỗi buồn chiến tranh trong việc xác lập cấu trúc giọng nữ, cho thấy mối liên hệ tiềm tàng giữa hình tượng nhân vật Phương với diễn ngôn phê bình nữ quyền phương Tây về tư duy hồi mẫu. Nỗi buồn chiến tranh, vì thế, biểu thị quan niệm về vẻ đẹp tính nữ trong thế đồng nhất với sự phong nhiêu tính mẫu.
Khắc họa nhân vật Phương với vẻ quyến rũ kiểu dịu dàng, nữ tính, tuy nhiên, Bảo Ninh từ chối đưa nhân vật vào không gian trong nhà, khuôn mình ở bổn phận truyền thống: chăm lo đời sống gia đình. Nhà văn đã đặt nữ nhân vật vào trường biến động dữ dội của thời đại để từ đó, nhân vật bộc lộ tính cách vừa sắc sảo, vừa sâu lắng trong những dự cảm thấu thị “nỗi buồn chiến tranh” và “thân phận tình yêu”. Khi quân đội Mỹ chuẩn bị “leo thang” chiến tranh phá hoại miền Bắc, Phương đã có những tiên cảm mơ hồ nhưng vô cùng khốc liệt. Lời bài hát mà Phương cất lên trên bãi biển Đồ Sơn tháng 8 năm 1964 như một báo hiệu ứng vào thời cuộc, “trên thế giới từ nay, ngọn gió phũ phàng nào sẽ thổi…”. Ngọn gió phũ phàng khi đó chưa được định danh rõ nét, nhưng có một điều chắc chắn là, nó sẽ thổi bất tận những tăm tối, mất mát: “Chỉ sợ chúng mình sẽ không kịp sống và yêu… Không kịp, đã mất hết!”. Phương đã dự cảm được tương lai, đã kinh hãi trước tương lai, và sau đó, đã phản ứng để thích ứng với tình huống chiến tranh.
Ở phương diện nữ quyền, Nỗi buồn chiến tranh cho thấy cách nhà văn đảo ngược cái nhìn nhị nguyên, kiến tạo một trật tự quyền uy giới khác: người đàn ông liên tiếp bị đẩy vào tình huống bị động, và ngược lại, phụ nữ trở thành người nắm thế chủ động. Phương vừa tự nguyện hiến dâng cho tình yêu tuổi học trò, vừa nổi loạn lựa chọn lối sống phá phách, buông thả sau khi rời xa Kiên. Không chỉ chủ động trong tình yêu, Phương còn chủ động cả trong tai họa. Bị cướp đi sự trinh trắng tại ga Thanh Hóa vào đêm trước chiến tranh, Phương đã nhanh chóng vượt qua nỗi đau đớn kinh hoàng để thách thức số phận bằng một thái độ điềm nhiên đến khinh nhờn. Cô “ngửa cổ tu những ngụm nước dài” và “bẻ lương khô đưa lên miệng nhai nhem nhẻm”. Những chi tiết “ngửa cổ tu”, “nhai nhem nhẻm” không đơn thuần là sự mô tả hành vi ăn uống thông thường, nó còn là việc ăn uống với thái độ bất cần, tự nhiên, tự tại. Thoát khỏi những chuẩn mực giá trị được định đặt từ bên ngoài theo trục nam giới trung tâm, Phương thiết lập hệ giá trị cho riêng mình. Thay vì tự tra vấn mình như một kẻ tội đồ, xấu xa, ô nhục, cô bình thản thích nghi. Phản ứng của Phương thể hiện thái độ kháng cự cái nhìn nam quyền vốn coi phụ nữ là đối tượng bị động và phục tùng. Nó bộc lộ một hiện thực khác trong đời sống nữ giới, đem lại cho cuốn tiểu thuyết của Bảo Ninh khả năng kiến tạo giá trị đạo đức, thẩm mĩ mới: người phụ nữ có quyền sống theo hệ giá trị do chính họ thiết lập nên. Đó là biểu hiện sự hoán vị quyền uy giới trong quan hệ nam - nữ. Tác phẩm vì thế như một tiếng nói phủ nhận trật tự thống trị nam quyền, khẳng định khả năng tạo nên trật tự thống trị nữ quyền.
Trong Nỗi buồn chiến tranh, nhân vật Phương chủ yếu thể hiện sức mạnh giới qua một dạng thức đặc biệt: dạng thức người đàn bà vắng mặt. Phương gần như vắng mặt trong truyện kể song đó là sự vắng mặt đầy quyền uy. Cô liên tục hiện diện qua dòng hồi ức của Kiên. Trước chiến tranh, Kiên chủ động lựa chọn rời xa Phương, nhưng suốt 10 năm binh nghiệp phải đối mặt với chết chóc, đau thương, anh vẫn không nguôi nhớ về cô. Sau chiến tranh, chính Phương là người lựa chọn rời xa Kiên. Cuộc rời bỏ “đột ngột, đau đớn và độc địa” của Phương như một đòn giáng chí mạng khiến Kiên trở nên suy tàn kiệt lực. Sự vắng mặt của Phương có mối liên hệ với một dạng thức tồn tại mà các nhà nghiên cứu nữ quyền gọi là “im lặng”. Im lặng, ở thế tương phản với trạng thái cất giọng, như là biểu hiện của sự phục tùng, bất lực. Trong trường hợp này, sự vắng mặt - trạng thái im lặng tuyệt đối của Phương đại diện cho việc phụ nữ không chịu khuất phục trước ý chí của nam giới. Ngược lại, sự vắng mặt của Phương chi phối gần như toàn bộ đời sống tinh thần của Kiên, để lại cho người đàn ông này nỗi nhớ mong khôn nguôi và niềm đau khổ tột cùng. Từ ý nghĩa biểu tượng, sự vắng mặt ấy củng cố vị thế của nữ giới với sức mạnh phản kháng, sức mạnh hiện diện trong im lặng.
Nhà triết học đương đại Mỹ Elizabeth Minnich từng so sánh ý thức nữ quyền ngang hàng với thuyết địa tâm của Copernicus và thuyết tiến hóa của Darwin bởi những luận điểm của lý thuyết nữ quyền đánh dấu một bước ngoặt trong lịch sử nhân loại, làm đổi thay hoàn toàn quan niệm về giới. Nỗi buồn chiến tranh từ góc nhìn giới đã cho thấy tình huống kháng cự không ngừng trật tự nam quyền thống trị. Sự hoán đổi thứ bậc giữa nam và nữ trong cuốn tiểu thuyết ngầm ngụ ý tới khả năng kiến tạo vị thế nữ, đó là quyền năng chi phối trật tự quan hệ nam - nữ theo kinh nghiệm, quyền lực, tri thức của nữ giới.
Đặng Thị Bích Hồng
Nguồn Văn nghệ số 17+18/2024