Multimedia

Nu ơi!. Truyện ngắn dự thi của Vũ Ngọc Giao

Đọc truyện
08:59 | 22/04/2023
Không ai còn nhớ ngày ông tôi dắt con Nu về nhà, chỉ nhớ đó là một buổi chiều hanh hao rưới xuống vườn những giọt nắng vàng như mật
aa

TẬP ĐOÀN THACO HÂN HẠNH TÀI TRỢ CUỘC THI TRUYỆN NGẮN BÁO VĂN NGHỆ 2022-2024

Không ai còn nhớ ngày ông tôi dắt con Nu về nhà, chỉ nhớ đó là một buổi chiều hanh hao rưới xuống vườn những giọt nắng vàng như mật, ngoài đồng xa chim chèo bẻo kéo về từng đàn đậu trên cây thầu đâu trước ngõ, tiếng ríu ran rộn cả con đường vắng lầy bùn. Ông tôi từ ngoài đủng đỉnh đi vào, giọng sang sảng “Thằng Sáu đâu, rút rơm bỏ vô chuồng bò, lẹ đi!”. Chú tôi đang ngồi chỏn hỏn trên ghế, mồ hôi mồ kê nhễ nhại với bọc chà là vừa hái trên rẫy về còn chưa kịp ăn, nghe tiếng ông, chú thảy bọc chà là vô cái nón cời, phăm phăm chạy ra.

Minh họa: Nguyễn Đăng Phú

“Cha mẹ ơi là con bò nó đẹp!” chú kêu lên khi nhìn thấy ông Năm Đảnh xóm trên, tay nắm sợi dây thừng dắt theo sau một con bò lông vàng mướt. Con bò đủng đỉnh đi vào với dáng vẻ đĩnh đạc được đưa rước chứ chẳng phải loại tầm thường. Ông tôi tay chắp sau đít, ngắm nghía con bò từ phía sau ra chiều ưng ý. Bà tôi đang lúi húi làm cỏ vườn, nghe tiếng lao xao, quay ra thấy con bò, bà vất cái bồ cào vô góc, chùi hai bàn tay lấm lem đất vô cái ống quần đang xăn quá gối, bươn bả chạy ra: “Mô phật! Bò ở đâu vậy ông?”.

Ông tôi thủng thẳng “Con Đen nay già rồi, tui mua con này của Năm Đảnh, kiếm được nó tui ưng bụng quá chừng, đáng cái công tui tìm cả tháng nay” ông tôi trả lời nhưng không nhìn bà, tay bận bấm đốt, đầu gật gù lẩm bẩm “Tuổi thằng Sáu hạp” đoạn ông quay qua chú tôi đang ôm bó rơm đứng xớ rớ bên con bò “Thằng Sáu, dắt con Nu vô chuồng lấy vía!”.

“A! Con bò mới tên Nu!” tôi hét lên sung sướng, chạy vô bếp kêu bà vú ra coi.

Bên cái cối đá mốc cời, bà vú già đang ngồi giã chuối, cái quần đen vải thô bạc phếch xếp ly như lò xo lên tới gối, cái áo yếm màu bã trầu mỏng tang không che nổi hai bầu vú lép kẹp dính sát vào da. Ngày còn nhỏ, cha tôi và các chú được bà cho bú mớm nên ai cũng quấn rịt bên bà, mỗi người một vú mà nhây cho tới khi chẳng còn giọt sữa nào.

“Chững chàng cái đã nà!” bà vú chống tay vào gối đứng lên, càm ràm “Thứ gì mà coi hổng biết nữa!”. Ra tới hiên bà còn sực nhớ quay vô biểu tôi nhớ khuấy nồi cám heo đương sôi trên bếp. Tới trước con bò, bà nhướng con mắt mờ đục lên nhìn cho rõ, sau một hồi đi quanh, lom lom ngó nghiêng như thể không bỏ sót một cọng lông của con bò, bà rờ rẫm cái cẳng nó, vỗ vào mông nó rồi đưa ngón tay cái quệt vệt trầu đang lem ra bên mép, gục gặc “Con này được! Đẻ cũng dày, cày cũng khỏe đây!” bà nhổ bãi nước trầu vô gốc cây, như sực nhớ ra, bà băm bổ đi vào xùy xùy đuổi đàn gà vừa rủ nhau bươi tanh bành cái bếp làm mớ muội tro văng ra tung tóe.

*

Mới đầu đông đã lạnh ngắt, tôi co ro ra giếng thả gàu múc hai xô nước, ì ạch một lúc mới xách vô được tới bếp, tôi rút nắm cỏ tranh trên mái xuống quấn một mồi lửa. Mớ củi dựng bên bếp ẩm sì vì đợt mưa dầm tuần trước, nước mắt tôi tèm lem nhưng miệng vẫn cố thổi phù phù, muội tro bay tứ tung, hơn nửa tiếng đồng hồ bếp vẫn mù mịt khói, tôi bực bội bỏ ra hiên.

Ông tôi đi từ sớm, nghe đâu qua Gia Hội khánh thành nhà thờ tộc. Mới tờ mờ sáng ông đã thức dậy ra chuồng thủ thỉ với con Nu vài ba câu, trước khi đi còn không quên dặn tôi nhớ nấu nồi nước ấm cho Nu uống: “Chớ trời này uống nước lạnh nó lăn ra đau ông cho mày ăn đòn!”. Tôi dạ nhưng bụng ấm ách, có con bò mà ông làm gì căng, giờ cho nó uống nước lạnh ông cũng đâu có biết. Tôi đứng tần ngần nhìn ra.

Trong chuồng, con Nu đứng cạ sừng cộc cộc vào thanh gỗ chắn đòi ra, đôi mắt hiền lành hướng về phía tôi như chờ đợi. Nhìn nó, tôi thôi ý định để nó uống nước lạnh, sực nhớ sau hè có mớ củi gộc bà chất đống phía trong để dành cuối năm nấu nồi bánh tét. Kiểu gì cũng phải có nước ấm cho Nu. Tôi chạy ra ì ạch vác vài cây vô bếp, củi khô chỉ một lúc đã bén lửa cháy phừng phừng, thò ngón tay vô nghe nồi nước đã âm ấm, tôi khệ nệ khiêng ra chuồng đổ vô máng cho Nu. Con Nu lúc lắc đuôi, cắm mặt vào máng uống nước cứ như thể tôi bỏ khát nó từ lâu lắm rồi.

Quanh năm Nu ở ngoài đồng. Mùa mưa đồng lầy, mùa hè đồng khô nứt nẻ, một mình Nu cày xới hết mấy thửa ruộng của nội tôi. Mỗi sáng, đằng đông mặt trời vừa nhú lên, chú tôi ra chuồng nhấc thanh gỗ chắn, gõ cốc cốc ba lần, con Nu ngúc ngoắc đôi sừng thủng thẳng bước ra. “Sáng nay ăn ở Gò Cao nghen!” đứng bên hiên ông tôi nói vọng ra.

Nu lững thững đi ra, đến bên cánh cổng tre, nó quay lại ngúc ngoắc cái đầu có ý sốt ruột, chú tôi cặp cây hèo vào nách, hối hả chạy lên nhấc cánh cổng, Nu ra ngõ rẽ phải, cứ vậy đi về hướng Gò Cao, không cần chú tôi lùa, nó đã quen đoạn đường từ nhà lên Gò Cao. Có bữa ông tôi biểu “Nay ăn ở Hóc Muồng nghen!” nó lại ra ngõ rẽ trái, lững thững đi về hướng Hóc Muồng. Chú tôi theo sau, vừa đi vừa nhẩn nha vấn kèn lá thổi tu tu, thổi chán, chú lại giắt nó vào tai rồi hái cái lá khác vấn chiếc kèn mới… Chiều xuống, khi màn trời chưa ngả qua màu sẩm hoàng hôn, chẳng đợi chú tôi lùa, con Nu tự động rời bãi, lững thững trở về. Nu đi trước, chú tôi lẽo đẽo theo sau với cây hèo cặp bên nách, cái dáng cao gầy liêu xiêu bên con bò bụng no tròn như cái trống.

Nu làm mẹ.

Năm tháng trôi, từng đứa con ra đời xinh đẹp và khỏe mạnh, chúng lớn lên, rồi theo mẹ ra đồng, lên Hóc Muồng, Gò Cao…

Mười lăm năm trôi qua như một cái chớp mắt, mới đó Nu đã về nhà nội tôi chừng đó thời gian. Răng Nu nay đã mòn, chỉ còn bộ nướu nhợt nhạt. Nu ăn ít, ngủ nhiều hơn và ngày càng chậm chạp, thay vào đó, những đứa con đã lớn, chúng ra đồng cày thay mẹ.

Mỗi sáng, chú tôi lùa đàn con Nu ra đồng, trong này ông tôi cũng túc tắc dắt Nu ra bãi cỏ, cột vô gốc duối để Nu đỡ buồn, đứng chỗ này nó được nhìn thấy đàn con và cả cánh đồng rộng. Có vẻ như Nu rất thích, chân dẫm cộp cộp rồi ọ lên từng tràng dài. Chiều về, đến bữa ăn, Nu cũng được ăn ngon như những chú bò đang tuổi lao động, những bó rơm vàng được ông tôi rải lên một rỉ mật, Nu thong thả nhai bên đàn con đang đùa giỡn chạy quanh.

Không còn ăn cỏ đồng xa nhưng mỗi chiều biết đến giờ đàn con sắp sửa trở về, đứng trong này Nu ngóng ra. Nu nay mắt mờ, chân yếu nhưng khi nghe tiếng con kêu la, bằng linh cảm của người mẹ, Nu biết ngoài kia con đang bị bò xóm bên hiếp đáp, Nu xông ra nhưng chẳng làm được gì vì không còn sức, chỉ đứng nhìn con bò kia bằng đôi mắt giận dữ như một cách Nu bảo vệ con mình…

Sau một trận đau nặng, bà vú già cũng trở nên mù lòa, nghễnh ngãng. Mù nhưng nhìn gì bà cũng “thấy”. Nắng vừa rọi qua cái sân gạch, bà hối tôi “Trưa trầy trưa trật rồi, mau đem bắp ra phơi!”, cái cổng tre xa tít ngoài ngõ ai đi về quên đóng, bà càm ràm hối tôi ra đóng lại. Cả ngày bà ngồi trong chái bếp, lăm lăm cây sào chực đuổi gà. Nghe tiếng gà mổ cục cục trên cái nong phơi, trong này bà huơ cây sào lia lịa. Có bà, đàn gà biết sợ, không dám vào bếp bươi tro hay ra sân mổ bắp.

Tôi ra đồng thả diều, chơi banh đất… mấy cái trò cũ rích chơi hoài cũng chán, tôi lại rủ thằng Thờn, con Xiu qua nhà nội chơi, ba đứa lấy cây roi thúc nhè nhẹ vô bồ lúa, tiếng cục cục phát ra như gà mổ, bà vú dỏng tai nghe ngóng, tay huơ cây sào, xùy xùy đuổi, đuổi hoài không thấy “gà” đi, bà lại mò mẫm đứng lên ra hiên đuổi tiếp. Một lần thấy tôi nghịch kiểu gà mổ, ông nội tôi kêu vô nằm lên phản quất năm roi cho chừa cái tật chọc người già.

Không còn trò gì chơi, tôi lang thang ra vườn, đến bên Nu tôi vuốt ve bộ lông giờ đã xác xơ đi nhiều, tôi nói chuyện với Nu, tôi gọi Nu bằng em, xưng chị dù biết Nu nhiều tuổi hơn mình. Tôi thầm thì hỏi Nu “Nay em không được ra đồng nữa, có buồn không?”, tôi thấy Nu như gật đầu, đôi mắt ươn ướt khẽ thở dài. Tôi được thể nói thêm “Em có đôi mắt thật đẹp và hiền!” Nu nhẹ nhàng lúc lắc đuôi ra chiều thích chí. Có lần thằng Thờn, con Xiu rình nghe được, tụi nó lăn ra cười, đợi lúc thả bò lên Gò Duối, tụi nó kể chuyện tôi nói chuyện với Nu, cả bọn lăn ra cười. Một tuần sau đó tôi không nhìn mặt hai đứa nó.

Chiều Đông. Gió bấc. Mưa phùn. Mưa lâm râm nhưng cũng đủ ướt vạt tía tô nội tôi trồng trong cái lu mẻ trước sân. Cả nhà ra đồng, trong bếp chỉ còn bà vú già sờ soạng với cây sào đuổi gà. Ngoài chuồng, sau thanh gỗ chắn, Nu chậm chạp hớp từng ngụm nước, ba ngày rồi Nu bỏ ăn, những cái nướu đã mòn, rệu rã không còn muốn làm việc. Ông tôi giấu nỗi lo lắng sau gương mặt trầm tư.

Đêm. Xóm làng yên ngủ, ông lại thắp cây đèn dầu phụng lom khom ra vườn. Nu nằm phủ phục bên đống rơm, hơi thở yếu dần, nhưng thấy ông Nu gượng dậy nghển đầu lên, đôi mắt ướt nay đã mờ, nó nhìn ông chan chứa biết ơn. Hình như Nu hiểu, chuyện chiều nay giữa ông tôi và ông Bốn Hơn lái bò xóm dưới. Nghe tin Nu bỏ ăn vì già yếu, ông Bốn Hơn phóc lên cái xe đạp thồ tức tốc chạy qua, vừa vô sân đã ghé tai ông tôi khào khào:

“Nó già quá rồi, kiểu gì cũng không qua khỏi, anh để tui mổ thịt, tui gửi anh chút đỉnh…”.

“Tầm bậy! Liệu hồn tao!” ông tôi trợn mắt đùng đùng đứng lên khi ông Bốn Hơn chưa nói xong câu. Coi bộ ông tôi khó nguôi cơn giận, Bốn Hơn sè sẹ phóc lên xe quắn quíu đạp về.

… Ông tôi để cây đèn lên thanh chắn, ngồi chồm hổm bên Nu, bàn tay gầy run run xoa sống lưng Nu “Mày già rồi, tao cũng già rồi…” ông tôi thở dài “ráng ở với tao chừng năm nữa, tao ưng, con mày cũng ưng!”. Nu ngước đôi mắt mờ đục nhìn ông, từ mũi nó phả ra hơi thở âm ấm, cái thân già mỏi mệt nằm rệp trên mớ rơm khô chú tôi vừa mới lót lại chiều nay. Ông tôi ngồi bên Nu thiệt lâu, cho đến khi tiếng gà eo óc gáy canh hai, ông chầm chậm đứng lên vào nhà, thổi phụt cây đèn rồi lên phản nằm gác tay lên trán, tiếng thở dài sườn sượt trong đêm nghe nẫu nuột.

Buổi chiều trở về, từ đầu ngõ chân vừa đặt lên viên đá dậm, linh cảm, ông tôi lao về phía chuồng bò. Nu nằm đó, đôi mắt khép hờ, hai giọt nước ứa ra bên khóe chảy thành dòng xuống gương mặt già nua, từ miệng Nu bọt mép sùi ra trắng xóa bên nắm rơm còn nhai dở. Dù đã chuẩn bị tinh thần đón đợi điều này, nhưng ông tôi vẫn lặng đi đau đớn.

Nu chết vào một buổi chiều Đông, mưa phùn phủ ướt cỏ cây. Cổng chuồng Nu, ông tôi treo một dải tang trắng. Cây vú sữa sau nhà đổ lá sạch cành, cây lê trước sân hoa cũng rụng trắng trời. Ông tôi mắt đỏ hoe, lặng thinh xé thêm khăn cho hàng loạt cây, cả khu vườn im lìm trong dải khăn trắng phất phơ. Bên chuồng Nu, hàng ớt mọi héo rũ xuống, gãy ngọn như vừa qua một cơn giông. Cả nhà nội tôi lặng lẽ. Tôi ngơ ngác vào ra, cây cỏ trong vườn tiêu điều như ngủ, viên đá dậm đầu ngõ cũng dâm dấp nước như ứa khóc.

Ông tôi chôn Nu ở vườn sau, nơi ngày ngày bà tôi ra tỉa bắp, nơi ông tôi ngồi trầm ngâm sau những cuộc thế thái nhân tình.

Bà vú già nghễnh ngãng mắt mù không thể nhìn thấy buổi chiều Đông mưa phùn đó, nhưng ông Trời lại cho bà đôi tai nghe được hết cả. Bà ngơ ngác, thẫn thờ khi tiếng cuốc xẻng phầm phập vào đất, bà sụp xuống khi nắm đất cuối cùng lấp lại.

Nu về với đất, bà cũng lùi sâu vào chái bếp thu lu ngồi giữa mớ muội tro, đến bữa ăn bà chỉ khều khều vài đũa, đôi mắt mờ đục lại nhìn ra vườn sau, nơi Nu nằm đó. Bà vú nghễnh ngãng hơn, ai nói gì cũng không còn hiểu được nhưng thói quen dậy sớm vẫn vậy. Gà gáy canh ba, bà lọ mọ thức dậy nhen lửa bắc ấm nước chè rồi lom khom ra chuồng bò rút nắm rơm. Nu có còn ở đó đâu mà ăn? Nắm rơm trong tay bà lại rung lên nức nở. Trong này, cả nhà nội tôi thức giấc từ bao giờ, không ai bảo ai, cùng nhìn ra chuồng bò, nén tiếng thở như đêm.

Bà vú ra đi sau ngày Nu về với đất đúng ba tháng trời, bà đi nhẹ nhàng như ngủ sau ba ngày bỏ ăn. Bà nằm im lìm, đến ngày thứ ba mới gượng dậy đòi ăn, đòi bà nội tôi chải tóc, thay áo mới. Bà tôi vừa chải tóc cho vú già vừa khóc, chiếc lược cứ rung lên dưới lọn tóc xác xơ, có lẽ bà biết một người thân yêu nữa lại sắp sửa ra đi. Cả nhà nội tôi không ai dám đi xa, chỉ quanh quẩn bên vú già, mong được bên bà nhiều thêm chút nữa. Nghe tiếng chân tôi lăng xăng chạy quanh, bà run run đưa bàn tay gầy chỉ còn da bọc xương, muốn tôi nắm nó. Tôi lại gần úp mặt vào bàn tay bà nghẹn ngào, từ bàn tay bà một mùi hương thoảng nhẹ, cái mùi mà hơn hai mươi năm sau tôi vẫn nhớ, vẫn thương. Mùi của tro củi, của vôi trầu, mùi của rơm rạ, của đồng bãi quê tôi…

… Nơi ông tôi chôn Nu giờ đây người ta trồng một vườn bạch đàn rợp bóng. Mỗi khi về quê nội tôi lại lội vào vườn lang thang khắp các xó xỉnh, khu vườn giờ đã tiêu điều, chân tôi bùn nhem nhép dính. Tôi như thấy linh hồn Nu vẫn còn đâu đó, vấn vít bên cái nền nhà xưa của nội, mà giờ đây đã là một cái vườn hoang. Con chim chèo bẻo vẫn về trên cây duối sau hè, tiếng nó kêu lên từng hồi lạnh lẽo. Tôi ngỡ như linh hồn Nu lại tìm về vấn vít, neo vào tiếng chèo bẻo kêu mà về, nơi ngày xưa Nu một đời gắn bó, làm lụng, sinh con và được cả nhà nội tôi yêu thương, đối đãi như một con người…

Chiều nay, lại trở về quê cha, tôi ngồi bên bậc thềm đá ong mục ruỗng, bên cái sân gạch đã loang lổ rêu phong. Cái sân giờ đây đã không còn nắng vì cỏ cây um tùm phủ kín như một rừng hoang. Ông bà tôi và bà vú già đã về trên Gò Cao nằm đó nghe mùi đồng bãi cùng tiếng gió thì thào qua những vòm cây, để lại căn nhà vắng không người, đất khô nứt nẻ. Bên gốc cây lê già ngày xưa bà tôi thường ngồi chải tóc, cái sân gạch ông tôi ngồi vót tre đan rổ… Tất cả còn nguyên sơ ở đó. Tôi như nghe tiếng Nu nhai rơm, Nu ậm ò vào mỗi chiều trở về, tôi như thấy nụ cười ông tôi phảng phất đâu đây, có cả tiếng của bà tôi váng vất “Cha mẹ ơi là con bò nó đẹp!”

Nu ơi!...

Truyện ngắn dự thi của Vũ Ngọc Giao

Nguồn Văn nghệ số 15/2023


Quốc hội thông qua Luật Di sản Văn hóa (sửa đổi) với 9 điểm mới mang tính đột phá

Quốc hội thông qua Luật Di sản Văn hóa (sửa đổi) với 9 điểm mới mang tính đột phá

Baovannghe.vn - Chiều 23/11, tại Kỳ họp thứ Tám Quốc hội khóa XV đã biểu quyết thông qua Dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) với 9 điểm mới so với luật hiện hành.
50 năm sau ngày đất nước thống nhất - Lý luận, phê bình Văn học, nghệ thuật TP.HCM có gì?

50 năm sau ngày đất nước thống nhất - Lý luận, phê bình Văn học, nghệ thuật TP.HCM có gì?

Baovannghe.vn - Toạ đàm “Lý luận, phê bình Văn học, nghệ thuật TP.HCM 50 năm sau ngày đất nước thống nhất: Thực trạng và giải pháp” do Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM tổ chức sáng 23/11
Bờ sông trăng lặn - Truyện ngắn của Vũ Ngọc Giao

Bờ sông trăng lặn - Truyện ngắn của Vũ Ngọc Giao

Baovannghe.vn - Ngần ngồi bên thềm, nghe đâu đây tiếng sóng ầm ào cuộn lên từ đáy sông. Trong tiếng lóc bóc vỗ vào bờ có cả tiếng cụ Mương khàn khàn hát, tưởng như gương mặt cụ đang ở trước Ngần, buồn rượi, khắc khoải trong sắc áo nâu trầm.
Bể rộng sông dài trong thơ Trần Ninh Hồ

Bể rộng sông dài trong thơ Trần Ninh Hồ

Baovannghe.vn - Trần Ninh Hồ là tác giả những "từ điển" thơ, với những bài rất thơ, tập hợp theo chuyên đề, để thơ chuyên sâu hơn trong đời sống ngày một phân hóa kỹ hơn "gu" thưởng thức.
Thông cáo báo chí số 24, Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội khóa XV

Thông cáo báo chí số 24, Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội khóa XV

Baovannghe.vn - Thứ Bảy, ngày 23/11/2024, Quốc hội tiếp tục ngày làm việc thứ 24 (Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV) tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội.