Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và phu nhân vừa tới thủ đô Moskva, bắt đầu chuyến thăm chính thức Nga theo lời mời của Tổng thống Vladimir Putin. Chuyến thăm của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc có ý nghĩa hết sức quan trọng với quan hệ hai nước, làm sâu sắc hơn nữa quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt - Nga trên tất cả lĩnh vực và nâng tầm lên trong tình hình mới.
Bài viết sau đây của nhà văn Trình Quang Phú nhắc lại những kỷ niệm của một thế hệ trí thức Việt Nam với nước Nga một thời, như một sự khẳng định mối quan hệ Việt - Nga là quan hệ thủy chung, gắn bó chặt chẽ đặc biệt.
Kỷ niệm Liên Xô
Năm 1968, từ mặt trận Khe Sanh về, tôi được cử tham gia đoàn đại biểu Thanh niên giải phóng miền Nam đi dự đại hội Thanh niên sinh viên Thế giới lần thứ 9 ở Sophia (Bungari). Đây là lần đầu tiên Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam cử một đoàn đông như vậy, hơn 80 người, có cả đoàn văn công giải phóng tháp tùng đi dự đại hội quốc tế. Những năm ấy, do ảnh hưởng cách mạng văn hóa ở Trung Quốc nên đường sắt liên vận quốc tế không đi được. Liên Xô đưa 1 con tàu chở khách lớn sang Hải Phòng đón ba đoàn Lào, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (miền Bắc) và đoàn của Mặt trận Dân tộc Giải phóng. Cả 3 đoàn lên đến 250 người. Tất cả chúng tôi lên con tàu du lịch màu trắng, 3 tầng, có nhà hàng, hồ bơi như một khách sạn 5 sao. Hai đoàn Việt Nam có đủ anh hùng dũng sĩ của các vùng miền. Sau 8 ngày vượt biển qua Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc và Triều Tiên, tàu cặp bến ở Cảng Vlapostok ở cực đông Liên Xô. Chúng tôi được đặt chân lên đất nước Xô Viết từ thành phố này. Từ đây, một đoàn tàu lửa 12 toa dành riêng cho đoàn miền Nam, tất cả đều là toa 2 giường nằm. Đoàn tàu xuyên Sibéria đưa chúng tôi về Moscow. Tháng 8 mùa thu nắng đẹp. Chúng tôi dừng chân ở nhiều thành phố: Khabarop, Baikal, Irkutsk, Novoxibiec... kể cả các ga nhỏ tàu cũng dừng và dù là 2-3 giờ sáng ở sân ga vẫn có Thanh niên và cả các cụ già chờ đón tặng hoa cho chúng tôi, nồng nhiệt… Chúng tôi về đến Moscow cũng trong tình cảm nồng cháy của thanh niên Liên Xô… Lần đầu tiên đến Liên Xô đã để lại trong tôi những ấn tượng sâu sắc về tình cảm của nhân dân Liên Xô đối với Việt Nam. Sau này, trong công tác cũng như học tập, tôi đã nhiều lần ghé lại Liên Xô, ghé lại Moscow, có những lần về đa-cha khu nghỉ cuối tuần chờ đoàn công tác sang đi tiếp, rảnh rỗi rảo hết Moscow… nhưng những kỷ niệm đầu tiên là rất sâu đậm khó quên.
Ngày nay Liên Xô không còn nữa. Với tôi, tôi vẫn thấy một Liên Xô vẫn còn nguyên trong lòng người dân Nga ngày nay, nhất là lớp lớn tuổi vẫn một tình cảm trước sau với Việt Nam, vẫn một ý chí vì dân tộc Nga hùng cường. Tôi biết rằng trong ngăn kéo của tổng thống Putin, tấm thẻ Đảng viên Cộng sản Liên Xô vẫn còn đó như một kỷ niệm của một thời đáng nhớ. Những gì nước Nga đang làm hôm nay phải chăng là sự mở cửa đổi mới từ nền tảng oai hùng và truyền thống cao đẹp đó..
Moscow, mùa thu vàng
Moscow, chúng tôi vẫn quen gọi theo âm dịch ra từ tiếng Trung Quốc ngày xưa là Mạc-Tư-Khoa. Tôi đã đến Moscow không còn nhớ là bao nhiêu lần, có những lần giữa mùa đông tuyết phủ, phủ trên nóc nhà, trên đường, chúng tôi đứng giữa Hồng trường tuyết dày đến mấy mươi phân và cả những mùa xuân với những cây bạch dương, cây sồi nẩy lộc và hoa muôn sắc ở các công viên, nhưng có lẽ khó quên khi đến Moscow giữa mùa thu, tôi vẫn quen gọi là mùa thu vàng. Vì mùa này rừng bạch dương Nga lá ngả màu vàng thẩm. Ở Nga dù là vùng nào cũng có bạch dương, loài cây vỏ trắng đứng thẳng đến mùa thu lá ngả vàng và rụng chỉ còn trơ cành chịu đựng giá tuyết của mùa đông, và sang xuân lại đâm chồi nẩy lộc. Cả một con đường lên đồi Lênin, cây bạch dương đứng thong dong vàng rực, lá vàng bay lảng đảng như những nốt nhạc trong bản Hồ thiên nga của Traicopsky, như những lời thơ của Pushkin. Lá phủ cả nền đường vàng ánh, tôi bước từng bước nhẹ thật nhẹ.. Gió mùa thu của Moscow cũng nhẹ nhàng từ tốn như làm tăng thêm nét êm đềm của mùa thu vàng, gió chỉ nhẹ nâng những chiếc lá vàng bay, bay, gió mát nhẹ phả vào mặt lữ khách như sự mơn man của tình yêu. Họa sĩ tài ba của Nga I.Levitan đã vẽ nên bức tranh tuyệt tác Mùa thu vàng, nhưng xem ra bức tranh đang trước mặt tôi, những lá vàng rơi lác đác trên đường và treo trên cây, một bức tranh không gian ba chiều mà chiều đứng thẳng vẫn đưa tâm hồn con người bay bổng…
Moscow, một trong những thành phố lớn nhất thế giới, là lãnh thổ tiếp giáp giữa Á và Âu, là nơi khởi nguồn phát triển của nước Nga. Moscow đẹp bởi dòng sông Moscow uốn lượn, được các triều đại qui hoạch và đào nối những dòng kênh để thoát nước và làm hệ thống giao thông đầu tiên, hệ thống sông ngòi cùng với hệ thống Metro - tàu điện ngầm với 170 nhà ga nguy nga như những cung điện tráng lệ đã tạo thành cuộc sống náo nhiệt khác dưới lòng đất, sông ngòi. Metro và hệ thống đường sá của Moscow, chính nó là mạch máu, là cuống phổi của Moscow.
Những công trình xây dựng ở Moscow thì rất nhiều và rất đáng nói, nhưng có lẽ phải nói trước tiên là điện Kremlin. Kremlin có nghĩa là thành nội. Ngày nay Kremlin vẫn là nơi làm việc của Tổng thống như các triều đại xưa, nhưng nó là khu cho khách thăm quan, là nhà bảo tàng lớn của nhân loại bởi vì nó lưu giữ nhiều biểu tượng và kỷ vật vô giá của các triều đại Nga Hoàng, của cách mạng Xô Viết, nơi Lênin, Stalin và các lãnh tụ Xô Viết làm việc hơn ba phần tư thế kỷ. Kremlin với tháp Spasskaya được kiến trúc sư Pietro Antonio Solari xây dựng năm 1491 với những quả chuông đồng được đúc từ thế kỷ 16, cùng với 19 ngọn tháp khác tạo nên quần thể cung điện uy nghi. Kremlin được UNESCO công nhận là di sản thế giới. Tháp Spasskaya có đồng hồ 4 mặt óng ánh kim và chữ số màu vàng cao nhất Kremlin như được cao thêm bởi ngôi sao 5 cánh làm bằng đá cẩm thạch đỏ do chính Stalin cho lắp đặt, luôn là biểu tượng của những ngôi sao sáng của thế giới mà không có gì sánh nổi. Ở Moscow có những tòa nhà được xây dựng có tầm cao, người Nga gọi là moden Stalin. Nghe nói sau khi chiến thắng phát xít (thế chiến thứ 2), Stalin cho xây dựng 40 công trình để kỷ niệm. Nhưng tiếc rằng chỉ mới xây 7 công trình thì Stalin qua đời. Bảy công trình đó ngày nay vẫn còn là: Trường đại học Lomonoxop đồ sộ nhất Liên Xô, khách sạn Ukraina, trụ sở Bộ ngoại giao, Bộ hải quân… Thời gian trôi qua ba phần tư thế kỷ, bao ngôi nhà chọc trời với các mô-đen tân tiến mọc lên, nhưng những tháp cao trên đỉnh với ngôi sao bằng đá cẩm thạch màu tím vẫn toát lên sức mạnh, tầm cao, nó biểu hiện ý chí thượng phong, vô địch. Trường đại học Lomonoxop vẫn là công trình mang dấu ấn lịch sử được mọi người yêu thích. Tôi đã đi giữa mùa thu vàng trên đồi Lênin, ngắm nhìn tháp chính của đại học Lomonoxop và ăn những trái táo xanh có vị chua chua ngọt ngọt hái bên đường để suy gẫm về một công trình đồ sộ. Trường có trên 6.500 phòng học và ở, người ta tính một đứa bé sinh ra cứ mỗi ngày ở 1 phòng, khi ra khỏi phòng cuối cùng của trường sẽ là một thanh niên18 tuổi. Nhiều cán bộ Việt Nam đã học tập và trưởng thành từ ngôi trường này. Phải thấy rằng Liên Xô trước đây và nước Nga ngày nay luôn quí trọng trí thức và coi trọng sự nghiệp giáo dục. Có người nói Liên Xô là chính quyền coi trọng trí thức nhất thế giới. Một người viết văn khi trở thành hội viên Hội nhà văn Liên Xô lập tức được nhiều đãi ngộ. Những nghệ sĩ công huân hoặc được giải thưởng nhà nước đều được ưu đãi. Trụ sở làm việc của các cơ quan khoa học, văn học nghệ thuật đều khang trang lộng lẫy. Trên đường phố dù to hay nhỏ, các nhà văn, nhà thơ có tên tuổi luôn được dựng tượng, được ghi dấu tích lúc sinh thời mà tiêu biểu như Maiacopxki, Pushkin, Gorki, Nikolai Alekseyevich Ostrovsky, Lep Tonxtoi…
Người bạn đi cùng tôi là luật sư, lại là nhà sử học Nga. Tôi hỏi người bạn sử học: anh nghĩ gì về Stalin? Anh nói: “Lịch sử là lịch sử, không ai xuyên tạc được. Có bóp méo mà vốn nó tròn thì vẫn là tròn. Lịch sử là phải nói đúng sự thật, cái gì sai, cái gì đúng phải rõ ràng”. Và anh cho tôi biết hàng năm tại Hồng trường, trên đỉnh Lăng Lênin vào dịp Cách mạng tháng mười Nga (7/11) hoặc ngày chiến thắng Phát xít (9/5), nhà nước vẫn tổ chức mít tinh duyệt binh để kỷ niệm, ôn lại truyền thống và biểu thị sự hùng mạnh của quân đội Nga. Anh đặc biệt kể lại chi tiết tái hiện cuộc duyệt binh tại Hồng trường. Sáng ngày 7/11/2011, tại Hồng trường đã tổ chức cuộc kỷ niệm 70 năm nhân ngày nhân dân Liên Xô ra trận chống phát xít cứu dân tộc. Thị trưởng Moscow chủ trì cuộc kỷ niệm và tại Hồng trường đã tái hiện lại cuộc duyệt binh ra trận năm 1941. Hơn 30 cựu chiến binh từng tham gia cuộc duyệt binh năm 1941 quân phục nghiêm chỉnh diễu qua lễ đài, những chiếc xe UAZ cùng vũ khí, trang phục năm 1941 được tái dựng lại… Cùng với xe tăng, xe bọc thép, tất cả được truyền trực tiếp trên các kênh truyền hình quốc gia Nga. Vâng, trong lòng nhân dân Moscow, trong lòng hàng trăm triệu nhân dân Nga vẫn in đậm những chiến tích oai hùng. 27 triệu dân Xô Viết đã ngã xuống, 8 triệu 860 ngàn chiến sĩ Hồng quân đã hy sinh cho cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại toàn thắng, cho sự toàn vẹn lãnh thổ của hôm nay và mai sau.
Nếu Hồng trường ghi dấu ấn chống Phát xít thì Quảng trường Chiến thắng là nơi kỷ niệm, tưởng nhớ nhân dân Nga yêu nước đã anh dũng hy sinh và chiến thắng oanh liệt cuộc xâm lăng của Napoléon, mà người chỉ huy cuộc chiến đấu vĩ đại đó là tướng M.L. Kutuzov. Tượng đài Kutuzov được dựng ngay ở cổng nhà bảo tàng Borodino, nơi trưng bày bức tranh vòng tròn dài 115m vẽ lại cảnh quân đội của Kutuzov chiến đấu với quân Napoléon. Và chính nơi đây, tại làng Fili ngày xưa, ngày 13 tháng 9 năm 1812, hội đồng tướng lĩnh đã họp để quyết định bảo vệ Moscow và nước Nga đang lâm nguy vì quân xâm lược và quyết sách từ mảnh đất này đã làm nên chiến thắng. Nhân dân Nga đã xây dựng nhà bảo tàng để kỷ niệm nhân 100 năm cuộc chiến tranh ái quốc (1812-1912). Đến năm 1973, đài kỷ niệm khổng lồ về các anh hùng trong cuộc chiến tranh 1812 được xây dựng và ngày nay nó được tôn tạo nguy nga hơn. Một dãy dài là những thanh kiếm và những lá cờ được cột phía dưới, tôi nhẹ nhàng dạo bước và thấy như mình đang gặp lại quá khứ. Những lá cờ kia là thay mặt đất nước Xô Viết, thay mặt nhân dân Nga để tưởng nhớ hàng chục triệu người con đã hy sinh vì chiến thắng, vì sự tồn vinh của nước Nga và vì sự nghiệp mở ra cho nhân loại một thế giới mới.
Có thể thấy rằng dù chế độ chính trị thay đổi như thế nào thì nhân dân Nga vẫn luôn biết giữ gìn truyền thống oai hùng của dân tộc, đó là di sản vô giá, là tác nhân của mọi thành công cho tương lai.
Ở Moscow còn nhiều di tích đẹp: Bảo tàng Mỹ thuật, bảo tàng lịch sử, các nhà hát, di sản Kuskovo, di sản Ostankino… có nhiều công viên, quảng trường, tượng đài trong đó có công viên văn hóa Lênin, có quảng trường Hồ Chí Minh với bức phù điêu chân dung Bác đặt ở ngã tư đường Cách mạng Tháng Mười.
Đến Moscow, không thể không thăm sông Moscow với rất nhiều cầu và không có cây cầu nào giống cầu nào. Mỗi cầu có một cách thiết kế, một kỷ niệm riêng, một vẻ đẹp riêng. Tôi muốn nhắc đến một cây cầu ở cuối đại lộ Trechekovski nối với Hồng trường. Cầu này không lớn, nó chỉ bắt qua nhánh sông Moscow. Ở đây có rất nhiều ống khóa các kiểu lớn nhỏ móc nối tiếp nhau vào lan can thành cầu. Tôi thắc mắc, vì sao? Nguyên cớ gì mà nhiều khóa đến vậy? Một Giáo sư người Việt Nam dạy ở Trường MEI, một trường lớn của Moscow vừa được phong hàm Viện sĩ hàn lâm ngành điện của Liên bang Nga. Anh đã sống ở Nga hơn một phần ba thế kỷ. Anh giải thích với tôi đó là biểu hiện của tình yêu. Các đôi nam nữ không biết từ bao giờ, khi cưới nhau, sau khi đến nhà thờ làm lễ xong, họ ra đây và móc vào lan can cầu 1 ống khóa có khắc tên 2 người. Cả 2 cùng bóp khóa và rút chìa vứt xuống sông để muốn nói rằng 2 trái tim đã hòa vào một và không có chìa nên không thể mở được. Từ đời này qua đời khác, khóa đầy cả thành cầu. Thành phố mới làm thêm hàng cây nhân tạo gọi là cây tình yêu, trên những cành cây này cũng vô vàn ổ khóa có khắc tên đôi lứa. Mùa thu vàng, những cặp uyên ương chàng mặc comlê, nàng mặc váy trắng, choàng khăn voan trắng đi trong lá vàng rơi như bướm lượn quanh mình, đến cầu tình yêu và hàng cây tình yêu để đặt khóa biểu trưng cho lời nguyện suốt đời chung thủy. Nhiều đôi vợ chồng lớn tuổi cũng rảo bước ở đây, họ tìm lại ống khóa của mình và để nhắc nhau hai chữ thủy chung.
Saint Petersburg – Leningrad và những đêm trắng
Chiếc máy bay của hãng hàng không Nga từ Moscow nghiêng cánh để chuẩn bị đáp xuống sân bay Bulkovo của thành phố St. Petersburg. Qua khung cửa sổ, chúng tôi có dịp nhìn rõ thành phố lớn thứ hai của nước Nga. Những con sông uốn lượn nối nhau chằng chịt như những mạch máu trong cơ thể con người. St. Petersburg là vị thánh đi trên nước và thắng mọi kẻ thù. Năm 1703, khi khai lập vùng đất này, Pie Đại Đế thấy rõ đây là vùng sông nước với trên 200 hòn đảo lớn nhỏ mà động mạch chủ chính là dòng sông Neva đổ ra vịnh Phần Lan của biển Baltic. Nó là vùng đất quá xinh đẹp, lại là cửa ngõ trọng yếu của phía Tây Bắc nước Nga nên ông đã cho xây ngay pháo đài Peter và Paul làm trận địa tiền duyên trên đảo Zayachuy. Ông cũng cho xây 2 cây cầu để nối với đảo Petrogradsky. Về sau, người ta mới xây thêm nhà thờ Peter và Paul để làm nơi chôn cất các Nga hoàng. Pháo đài Peter mở rộng dần, có cả bến cảng. Chiến hạm Rạng Đông đã được hạ thủy để góp phần bảo vệ vùng đất này. Chiến hạm Rạng Đông đã đi vào lịch sử do nó đã nã phát súng lệnh khởi nghĩa đầu tiên của Cách mạng Tháng Mười năm 1917 do Lê-nin lãnh đạo. Ngày nay, chiến hạm Rạng Đông trở thành di tích bảo tàng trong khuôn viên gần nhà thờ và pháo đài Peter và Paul.
Đại đế Pie lấy tên thánh Petersburg đặt tên cho thành phố và ông muốn thành phố này như một Venice ở Phương Bắc nên chỉ cho xây dựng rất ít cầu, mọi đi lại giao lưu là đường thủy. Các công trình lớn xây dựng bên sông, ông cho đào các kênh nhánh để nối các dòng sông, nhất là giữa sông Neva với sông Moika và Fontanka. Về sau, thành phố được phát triển và đã có 340 cây cầu có tên tuổi được xây dựng với nhiều mẫu mã khác nhau. Mười cây cầu lớn bắc qua sông Neva đều được mở để tàu bè qua lại, mỗi cây cầu là một cảnh quan mỹ lệ. Ở hai đầu cầu có tượng đài rất mỹ thuật.
Năm 1917, Cách mạng Tháng 10 thành công, thành phố được đổi tên là Thành phố Lênin (Leningrad). Đây là thành phố cách mạng, thành phố tri thức, thành phố khoa học, thành phố lịch sử và cũng không sai nếu gọi nó là thành phố mỹ thuật. Quả là không nhầm khi Unesco chọn St. Petersburg, thành phố thứ hai trên thế giới, là di sản của nhân loại. Tôi không thể không nhắc ở đây một chi tiết đặc biệt: Bác Hồ sau những tháng năm ở Pháp đã quyết định đến Nga, đến với đất cách mạng, đến với quốc tế Cộng sản. Và với bí danh Chen Vang, Bác đã đặt chân lên nước Nga tại bến Cảng của St. Petersburg ngày 30 tháng 6 năm 1923. Có lẽ Bác cũng là người Cộng sản Việt Nam đầu tiên đặt chân lên thành phố cách mạng này.
*
Đến St. Petersburg, không thể không đi thăm Cung điện Mùa Đông. Toàn bộ cung điện gồm 700 phòng với 90.000m2 rất uy nghi, ngày đêm soi bóng xuống dòng Neva. Cung điện xây bằng đá hoa cương nhập từ Phần Lan và Ý. Cũng như nhà thờ Isaac, trần, cầu thang, họa tiết cung điện đều dát vàng. Phải cần đến 2.300 công nhân lành nghề miệt mài xây trong 9 năm mới xong. Nghe nói đây là ý tưởng của Nữ hoàng Elizabeth, nhưng bà qua đời khi cung điện chưa xây xong… Trong thời kỳ Xô Viết, Cung điện Mùa Đông trở thành bảo tàng quốc gia Hermitage, (dịch theo nghĩa đen là nơi tĩnh lặng). Đây là bảo tàng lớn của thế giới, nơi lưu giữ 3 triệu kiệt tác nghệ thuật (gần 15.000 tác phẩm hội họa nổi tiếng, 12.000 tượng, 600.000 bản khắc và phác họa, hàng triệu phù điêu…). Chỉ cần đi thăm hết các phòng của bảo tàng Hermitage cũng đã bằng đi bộ 22 km.
Đến St. Pertesburg, người ta thường cố chọn để đi vào tháng 6 vì đó là tháng có những đêm trắng. Từ ngày 10 tháng 6, ở St. Pertesburg dường như ánh mặt trời không tắt, nó cứ bàng bạc, bàng bạc suốt đêm. Đặc biệt ngày 21 và 26 tháng 6, đêm sáng rực dù không có mặt trời. Không nắng, nhưng trời vẫn sáng một cách dịu dàng. Cả thành phố thức, các cửa sổ mở tung, đèn sáng, có thể nhìn rõ những chậu hoa, bồn hoa trên ban công của mỗi căn nhà. Người ta tụ tập ở các công viên, các quảng trường, bên bờ sông để vui chơi…
St.Pertesburg có trên 100 nhà bảo tàng lưu giữ tất cả những di sản lớn của nhân loại, của nước Nga và của St. Pertesburg. Tôi đi trên đường phố của St. Pertesburg mà tôi vẫn quen gọi là Leningrad, thong thả dạo bước dưới những hàng cây. Tôi như được gặp lại đây nhà khoa học nổi tiếng Lomonoxop, gặp lại nữ nghệ sĩ ba lê tài ba M. Kshesinskaya, gặp các họa sĩ tài danh Nga Levitan, Serov, Repin, Surikov, như được rảo bước cùng Gogol, Lesmantop, như nghe réo rắc Bản giao hưởng Thứ 6 của Traicopsky, tôi như gặp lại nhà thơ lớn Puskin mà tên tuổi và tác phẩm đã đi vào lòng người.Hôm ở thành phố Puskin, giữa những vườn hoa muôn sắc của công viên Ekaterina, đi giữa hàng bạch dương đang thay lá - lá như dát vàng trên con đường nhỏ trong làn sương mai, tôi nghe một nghệ sĩ thổi sáo phối thơ của Purkin, người đã sống và để lại phần đời ở St. Petersburg. Bài thơ Thu vàng của ông là một tuyệt tác. Một dịch giả Việt Nam đã phỏng dịch, xin trích một đoạn:
Thiên nhiên tàn úa bỗng tươi
Rừng thay áo mới cả trời vàng au
Ào ào hơi gió thở mau
Bầu trời gợn sóng, một làn
khói sương
Puskin ơi, vâng, nước Nga dù có nhiều lần thay áo, dù có lúc tàn úa, thì vẫn luôn xanh tươi, rừng bạch dương vẫn đứng thẳng, hiên ngang và thách thức. Nước Nga – mùa thu, nước Nga của tình yêu và chiến thắng.
Nguồn Văn nghệ số 49/2021