Chuyên đề

Phạm Quốc Ca - Chân dung đồ Nghệ xứ ngàn thông

Câu chuyện văn hoá
10:34 | 19/02/2023
Nhà thơ Phạm Quốc Ca sau hơn hai năm chống chọi với bạo bệnh, đã qua đời vào rạng sáng 7/2 tại nhà riêng ở thành phố Đà Lạt, hưởng thọ 72 tuổi. Ông sinh ra và lớn lên ở xã Diễn Kỷ, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Thời cắp sách đến trường, Phạm Quốc Ca hai lần đoạt giải nhất cuộc thi học sinh giỏi văn của tỉnh Nghệ An vào năm 1964 và 1970. Năm 1969, gia đình nhận được tin người anh trai Phạm Văn Cừ hy sinh tại chiến trường Tây Ninh, thì một năm sau Phạm Quốc Ca nhập ngũ ở tuổi 18 cùng 12 đứa bạn cùng trang lứa trong làng
aa

KHOẢNG LẶNG CHO NHỮNG NGƯỜI ĐI TRƯỚC MÙA XUÂN

Năm nào cũng vậy, khi những giọt mưa Xuân còn chưa kịp đắm đuối tận hiến những làn hơi ẩm ướt cuối cùng để đánh thức dậy những tràn trề căng nhức từ bên trong những cỗi cằn xơ xác; để gột rửa tinh khôi lại những bụi bặm nhọc nhằn của một năm vừa hết; để vạn ngàn cây lá bùng ra xanh mướt những lộc non, để con người trào lên say đắm những khát khao của sáng tạo và dâng hiến...; thì giữa bao hồ hởi tươi mới khát khao ấy, lại vẫn có những chuyến ra đi lặng lẽ như không muốn làm kinh động đến mùa Xuân đang náo nức ngoài kia. Như những chiếc lá đã hết mình xanh, những cánh hoa đã vắt kiệt mình mà thắm thả mình về cội đắp điếm cho đời; những nhà thơ, nhà văn sau khi đã tận hiến những truân trải, những đam mê vào trang viết để lại cho đời; lại lặng lẽ gói ghém hành trang cho một hành trình cuối cùng đi vào vĩnh cửu giữa muôn ngàn chồi non lộc biếc, để lại những khoảng trống quạnh hưu mà mãi đến một ngày, sau bao nhiêu tất tả bận rộn mới chợt nhận ra, họ đã vội vàng đi trước cả một mùa Xuân…

Nhà thơ Phạm Quốc Ca sau hơn hai năm chống chọi với bạo bệnh, đã qua đời vào rạng sáng 7/2 tại nhà riêng ở thành phố Đà Lạt, hưởng thọ 72 tuổi. Ông sinh ra và lớn lên ở xã Diễn Kỷ, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Thời cắp sách đến trường, Phạm Quốc Ca hai lần đoạt giải nhất cuộc thi học sinh giỏi văn của tỉnh Nghệ An vào năm 1964 và 1970. Năm 1969, gia đình nhận được tin người anh trai Phạm Văn Cừ hy sinh tại chiến trường Tây Ninh, thì một năm sau Phạm Quốc Ca nhập ngũ ở tuổi 18 cùng 12 đứa bạn cùng trang lứa trong làng. Con đường gian nan giành lấy độc lập dân tộc, không chỉ rèn luyện người lính Phạm Quốc Ca dạn dày hơn, mà còn hun đúc nên một nhà thơ... Những tác phẩm đầu tay của Phạm Quốc Ca xuất hiện trên tập san Dũng sĩ của Sư đoàn 9, với ngổn ngang tình nghĩa đồng đội bên chiến hào “Chúng tôi ở trong hầm vây ép/ Tầm tã mưa trời và mưa sắt thép/ Toàn thân nhuộm đỏ đất quê hương/ Nhìn nhau thêm gần gũi thân thương” và niềm thương gia đình nơi chôn nhau cắt rốn: “Những năm con đánh Mỹ chốn rừng sâu/ Mẹ lạnh ướt bao mùa mưa ở đó/ Dõi mắt phương con/ Ì ầm tiếng nổ/ Lòng mẹ ngày nào cũng bị ném bom”.

Đất nước thống nhất, Phạm Quốc Ca rời quân ngũ, nhưng những ám ảnh chiến tranh vẫn không ngừng day dứt trong thơ ông. Từ năm 1977 đến năm 1981, Phạm Quốc Ca theo học khoa Văn ở Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội và tiếp tục viết những vần điệu mang trách nhiệm công dân với Tổ quốc. Tháng 11/1983, ông trở thành giảng viên Trường Đại học Đà Lạt. Thành phố ngàn hoa đón nhận ông như một thành viên tích cực, và ông bước lên bục giảng với tâm sự gửi gắm cho các sinh viên: “Sáng nay, buổi đầu tiên lên lớp/ Đường đời tôi đến bục giảng đi vòng/ Thơ có nói được bồi hồi xúc động/ Trước lứa em mình gương mặt sáng trong/…/ Cuộc đời riêng có thể đi vòng/ Lịch sử vặn mình tìm đường đi thẳng/ Người phải có cuộc đời người xứng đáng/ Các em nói được gì với lứa em sau/ Như sáng nay tôi lên lớp buổi đầu”.

Nhà thơ Phạm Quốc Ca (1952-2023)

Phạm Quốc Ca có hai năm làm nghiên cứu sinh ở Liên Xô. Năm 2004, ông bảo vệ luận án Tiến sĩ văn chương, sau đó lần lượt đảm nhận các vị trí Trưởng khoa Văn học của Trường Đại học Đà Lạt, Tổng Biên tập tạp chí Langbian, Chủ tịch Hội Văn nghệ Lâm Đồng. Ông tâm niệm: “Viết văn, làm thơ là công việc cao quý đòi hỏi cùng lúc cả tâm và tài...”. Có hai vùng trời luôn ẩn hiện trong thơ Phạm Quốc Ca, thứ nhất là miền Trung sinh thành, thứ hai là cao nguyên cưu mang. Với mảnh đất Nghệ An, ông hoài niệm xa “Góc sân tuổi nhỏ nhìn mây trắng/ Mơ những chân trời xa tít xa/ Tha hương ngoảnh mặt về quê mẹ/ Mây trắng thương thương khói bếp nhà”; và khắc khoải gần: “Cổng kín nhà nhà bốn phía tường bao/ Nhầm ngõ mấy lần, mới tìm ra nhà mẹ/ Lạc giữa quê mình, chợt nhói đau”… Còn với mảnh đất Lâm Đồng, Phạm Quốc Ca tự tình “Đà Lạt giữa hè len lén lạnh/ Hồ Xuân Hương dợn sóng Tây hồ/ Thông tự vĩ cầm, mây tự trắng/ Nhớ bạn nghe hồn man mác Thu” và nhắc nhở “Miên man những nẻo đường kỷ niệm/ Người xa thấp thoáng đâu đây/ Ở phương ấy em ơi còn nhớ/ Nắng quỳ vàng như có rượu say”…

Năm 2018, Phạm Quốc Ca chọn lọc những tác phẩm ưng ý nhất của mình để in tuyển tập Cơn mưa mạ vàng. Trước đó ông đã từng lần lượt xuất bản các tập thơ Tiếng trầm, Làng trong nỗi nhớ, Chân trời mở, Những cánh rừng những bài ca, Thơ viết trong album...

Nhà thơ Phạm Quốc Ca từng là ủy viên Hội đồng Lý luận Phê bình của Hội Nhà văn Việt Nam. Không chỉ quan tâm đến hoạt động văn chương, ông còn quan tâm đến đời sống xã hội. Sinh thời, ông quan niệm “văn chương dù đổi mới thế nào thì vẫn phải được sáng tạo theo quy luật của cái đẹp và dựa trên nền tảng nhân văn”. Bây giờ, ông đã về cõi thênh thang, gửi lại một chân dung thi sĩ từng đắm đuối cùng thông xanh “Anh một mình ngồi đốt đêm thành khói/ Tro tương tư đầy trắng gạt tàn”.

Lê Thiếu Nhơn

Nguồn Văn nghệ số 7/2023


Đọc truyện: Cây cột nhà bay trên sông. Truyện ngắn dự thi của Lê Hòa

Đọc truyện: Cây cột nhà bay trên sông. Truyện ngắn dự thi của Lê Hòa

Baovannghe.vn - Đọc truyện: Hà Phương; Đồ họa: Thùy Dương
Công điện của Thủ tướng Phạm Minh Chính: Ứng phó bão số 4 và hoàn lưu sau bão

Công điện của Thủ tướng Phạm Minh Chính: Ứng phó bão số 4 và hoàn lưu sau bão

Baovannghe.vn - Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 98/CĐ-TTg ngày 18/9/2024 chỉ đạo tập trung ứng phó áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão và mưa lũ.
Tái hiện lịch sử từ khảo cổ học

Tái hiện lịch sử từ khảo cổ học

Trong số các nhà văn nữ Việt Nam đương đại, nhà văn Vũ Thanh Lịch, Phó giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình, là cây bút văn xuôi có nội lực sung mãn. Chị là tác giả của nhiều truyện ngắn hay, ghi dấu trong lòng bạn đọc mà “Nhà Thánh” - giải nhất Cuộc thi truyện ngắn Lửa mới 2018-2019 do Tạp chí Văn nghệ Quân đội tổ chức là một minh chứng tiêu biểu.
Mùa thu. Truyện ngắn của Như Bình

Mùa thu. Truyện ngắn của Như Bình

Baovannghe.vn - Bà ngoại chỉ nói: "Đừng thúc ép gì nhiều. Phải tội. Đời người bạc, phận mỏng, biết sao được số trời. Mày làm thế không sợ chuốc khổ cho con bé".
Áp thấp nhiệt đới suy yếu từ Bão số 4  trên khu vực trung Lào

Áp thấp nhiệt đới suy yếu từ Bão số 4 trên khu vực trung Lào

Baovannghe.vn - Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, sáng sớm nay (19/9), áp thấp nhiệt đới trên khu vực phía Đông Bắc quần đảo Hoàng Sa đã mạnh lên thành bão - cơn bão số 4 năm 2024.