Robinson McClellan, người phụ trách tại bảo tàng Morgan, New York, đã tình cờ tìm thấy bản nhạc này trong quá trình phân loại các bộ sưu tập. Trong kho lưu trữ, giữa những bức ảnh cổ điển và bưu thiếp có chữ ký của Picasso, ông phát hiện một bản thảo âm nhạc được ghi chú “có vẻ là chữ viết tay của Chopin, nhưng không có chữ ký.” Ban đầu, McClellan không hoàn toàn tin vào tính xác thực của nó.
Theo bảo tàng, bản thảo này được xác định có niên đại từ khoảng năm 1830 đến 1835. Bản nhạc bao gồm 24 nhịp, và khi chơi lặp lại một lần, toàn bộ valse kéo dài chỉ khoảng một phút.
“Mở đầu bản valse rất đặc biệt: vài nhịp nhạc trầm lắng, bất hòa kết thúc bằng một đoạn bùng nổ mạnh mẽ, trước khi giai điệu buồn man mác xuất hiện,” bảo tàng viết trên Facebook. “Không có valse nào trước đây của Chopin bắt đầu theo cách này, khiến tác phẩm trở nên càng kỳ bí và hấp dẫn hơn.”
Dù ngắn nhất trong các valse của Chopin, tác phẩm này vẫn mang đặc trưng “sự chặt chẽ” thường thấy trong các tác phẩm hoàn thiện của ông.
Frédéric Chopin là một nhà soạn nhạc và nghệ sĩ dương cầm xuất chúng người Ba Lan trong thời kỳ âm nhạc Lãng mạn chủ yếu sáng tác cho độc tấu dương cầm. Ông nổi tiếng toàn thế giới như một trong những người tiên phong của thời kỳ này; một người với chất thơ thiên tài dựa trên kỹ thuật không một ai đương thời có thể sánh bằng. |
McClellan đã hợp tác với nhà nghiên cứu Jeffrey Kallberg – một chuyên gia hàng đầu về Chopin – để phân tích kỹ lưỡng giấy, mực, phong cách viết và nét chữ. Kết quả cho thấy có khả năng rất cao đây là tác phẩm của chính Chopin. Đây là phát hiện đầu tiên về một bản nhạc mới của ông trong gần 100 năm qua.
“Chúng tôi tin chắc rằng đây là nét bút của Chopin, trên loại giấy mà ông thường dùng,” McClellan chia sẻ với BBC. Ông cho biết thêm, bản thân “chắc chắn đến 98%” rằng không chỉ nét chữ, mà cả tác phẩm âm nhạc cũng là của Chopin.
“Dù mở đầu tác phẩm có chút lạ lẫm và dữ dội, nó vẫn không hoàn toàn đi ngược lại phong cách của ông,” McClellan nhận xét. “Chính phần giai điệu sau đó mới thật sự thể hiện rõ chất nhạc của Chopin.”
Bảo tàng cho biết, bản thảo này có kích thước nhỏ như một tấm bưu thiếp và nhiều khả năng được viết để tặng vào sổ lưu bút của ai đó. Tuy nhiên, vì không có chữ ký của Chopin, có thể ông đã đổi ý và quyết định giữ lại tác phẩm thay vì tặng nó.
Với phát hiện này, Chopin lại một lần nữa chứng minh sức sống mãnh liệt của âm nhạc mình, kể cả sau gần hai thế kỷ từ ngày ông qua đời.