PHÓNG VIÊN: Xin chúc mừng nhà thơ, anh đã được chọn là đối tượng duy nhất để nhân bản.
NHÀ THƠ: Lẽ đương nhiên rồi. Tôi không những được chọn để nhân bản, mà đã nhân bản xong.
PV: Anh đã được nhân bản xong?
NT: Thế cô không biết gì à? Cô không nhận thấy sự nhân bản của tôi sao? Này nhé, hiện giờ có 1000 tôi đang ở khắp thành phố; quán rượu, nhà hàng, khách sạn, hội trường, đám cưới, sân gôn, tiếp thị, xây dựng, xưởng phim, hội thảo, du lịch nước ngoài, phòng hòa giải, câu lạc bộ thơ phường, buôn bán địa ốc, chấm giải hoa hậu, diễn thuyết, đưa đón con đi học... vân vân và vẫn vân vân. Đêm qua có 1000 đêm thơ của tôi. Sáng nay 1000 tập thơ của tôi ra mắt bạn đọc. Sáng mai 1000 bài phê bình giới thiệu thơ tôi. Và nếu trúng giải, tôi sẽ có 1000 giải thưởng. Một món tiền không nhỏ.
PV (đổ mồ hôi): Tôi vẫn không hiểu sao anh lại được chọn để nhân bản, trong khi xã hội có bao nhiêu người khác cần được nhân bản hơn anh?
NT: Ai? Chị thử nói ai mà xã hội cần hơn tôi?
PV: Một bác sỹ chẳng hạn. Một năm nay không đọc thơ, tôi chẳng thấy làm sao cả. Nhưng chỉ mới một ngày đau răng tôi phải tìm đến bác sỹ ngay.
NT: Bác sỹ cũng cần, nhưng bác sỹ đào tạo được chứ nhà thơ làm sao mà đào tạo được. Nhà thơ là do thiên phú. Chị thấy đấy, ngay từ khi còn nhỏ, tôi đã làm thơ rồi. Từ đó đến nay tôi cũng học đủ thứ nhưng thơ tôi có hay thêm được tí nào đâu. Chẳng do thiên phú, thiên bẩm là gì. Hơn nữa bác sỹ bây giờ nhiễu nhương lắm. Chữa bệnh dịch vụ là chủ yếu. Mỗi lần thay băng là một lần phải đưa phong bì, tiêm thuốc cũng phong bì, đo mạch cũng phong bì, chuyển phòng cũng phong bì... Nếu cô định nhân bản bác sỹ thì tốt hơn là nhân bản phong bì, vừa rẻ lại vừa có lợi.
Tranh lập thể. Nguồn Internet |
PV: Anh đúng là nhà thơ nói thế thì tôi xin chịu. Nhưng tôi đề xuất nhân bản giám đốc công ty trách nhiệm hữu hạn.
NT (cười rũ rượi): Ối giời ơi! Là nhà báo mà sao chị lại đề nghị nhân bản giám đốc công ty trách nhiệm hữu hạn nhỉ?
PV: Vì họ là những người biết làm giàu nhanh nhất thế giới. Đang ăn xó mó niêu, họ vụt trở thành giám đốc, Mobil cầm tay, văn phòng máy lạnh, Toyota đời mới, thư ký riêng váy ngắn.
NT: Không được, không được. Chị thử nhìn mà xem, nước mình đủ loại công ty kỳ quặc. Nếu bây giờ mỗi tay giám đốc nhân bản ra 1000 giám đốc nữa thì nước ta số giám đốc sẽ chiếm 50% dân số. Lúc đó chúng ta sẽ có giám đốc công ty nước rửa mặt, công ty chống rụng tóc, công ty đánh giày, công ty Tẩm quất, công ty lấy dáy tai, công ty làm nốt ruồi giả, công ty đẻ thuê, công ty khóc mướn, vân vẩn vần vân.
PV: Khiếp. Anh nói đến phát khiếp. Tôi chóng mặt quá. Mà anh khắt khe lắm. Nếu anh không đồng ý nhân bản bác sỹ và giám đốc công ty trách nhiệm hữu hạn. Nghe anh nói thì quả thực không ai ngoài nhà thơ được nhân bản.
NT: Đúng thế vì lâu nay, nhà thơ chỉ mang lại niềm vui và cái thiện cho con người nhưng không phải thơ nào cũng được nhân bản. Chúng ta không thể nhân bản loại thơ ấu trĩ, giản đơn.
PV: Tôi nghĩ, chỉ cần một mình anh là đủ, sao lại phải nhân bản nhiều đến thế.
NT: Phải nhân bản, có càng nhiều tôi càng tốt. Tết năm nay sẽ có 1000 tôi viết thơ tết cho các báo. Mỗi một tôi viết khoảng 30 bài thơ tết. Tết năm nay tha hồ mà vui. Bạn đọc không còn lo thơ khủng hoảng nữa. Mà nhuận bút thơ tết năm nay chắc là cao hơn năm ngoái.
PV (vỗ tay): Ôi! thế này thì phúc cho bạn đọc, phúc cho nền văn học nước nhà rồi. Tôi còn nghĩ thế này, anh nhân bản cũng là để nền văn học không bao giờ thiếu vắng mặt anh, để thơ anh luôn luôn có ở mọi thời đại.
NT: Chị thông minh lắm. Đúng là nhà báo, gỉ gì gi cái gì cũng biết. Chị là được cái hay đi guốc trong dạ dày, ruột non, ruột già người khác. Thế nào, bây giờ đã thấu tỏ vấn đề chưa? Có còn hỏi gì nữa không?
PV: Tôi vẫn còn một băn khoăn...
NT: Cứ hỏi, giải đáp hết, tôi đã từng làm mục: Tâm giao, Trả lời bạn gái, Mỗi phút một, Câu hỏi, Tâm tình tuổi 18, Chọn người yêu, Câu lạc bộ tình già... vân vân và vẩn vần vân.
PV: Anh đã được nhân bản, vậy vợ anh cũng được nhân bản. Ôi! 1000 bà vợ nhà thơ.
NT: Luật pháp không cho nhân bản phụ nữ. Đặc biệt là không được nhân bản vợ tôi.
PV: Tôi phản đối. Tôi là phụ nữ, tôi bảo vệ quyền lợi phụ nữ. Tôi sẽ viết bài...
NT: Ấy ấy, nhà báo hãy bình tĩnh. Tôi đồng ý cho nhân bản một số phụ nữ. Nhưng chỉ nhân bản vợ người khác chứ không được phép nhân bản vợ tôi.
PV: Sao lại thế???
NT: Vì không nên nhân bản một người đàn bà già và lắm lời như thế. Thử hỏi, nếu nhân bản vợ tôi thì có lợi gì cho xã hội nào? Chỉ tố tan cửa nát nhà. Vì nếu chỉ có một bà vợ thôi tôi sẽ để một nhân bản của tôi ở nhà suốt ngày giặt giũ, đi chợ, nấu ăn, một nhân bản đưa đón con cái đi học, một nhân bản tiếp "bạn đọc gái". Hoạt động xã hội của tôi rộng, tôi cần được nhân bản.
PV: Anh quả là thiên tài. Tôi không đủ kiến thức để tranh luận với anh được. Nhưng tôi đòi hỏi sự công bằng.
NT: Chị còn định đòi hỏi gì nữa?
PV: Tôi đòi hỏi, nếu nhân bản nhà thơ thì phải nhân bản nhà phê bình.
NT: Từ đầu đến giờ, chị không nghe tôi nói gì à? Trong 1000 nhân của tôi, tôi đã để một nhân bản làm phê bình rồi. Nếu chị cần tôi sẽ giành hẳn 500 nhân bản của tôi cho công tác phê bình.
PV: Anh... anh... anh làm ơn... cho tôi... cốc nước...
NT (đưa nước cho nhà báo ): Thế nhé, yên tâm chưa? Còn yêu cầu gì nữa không?
PV: Tôi chỉ xin một yêu cầu cuối cùng, đúng là yêu cầu cuối cùng.
NT: Xin mời ma - đam.
PV: Tôi xin được nhân bản sự thật.
NT: Sự thật gì?
PV: Sự thật về sự thật thơ của anh.
NT: ....
------------
Bài viết cùng chuyên mục: