Chùa Một Cột (hay chùa Diên Hựu), một kiến trúc tiêu biểu của Phật giáo thời Lý. Ảnh trên Wikipedia.org |
Phật giáo quan niệm đời là bể khổ. Cái khổ mọc lên từ tâm phân biệt vọng động của con người. Nguyên do của khổ là nuôi dưỡng dục vọng, tưởng tượng, cho nên “xả ly” là sự tu tập hữu ích dẫn đến Niết Bàn. Sở dĩ con người cứ bám víu vào vọng tưởng là vì họ cho rằng “thân”, “tâm” là của họ, và họ cứ mặc nhiên khao khát những cái không phải của mình. Bản thân thiền sư Viên Chiếu thời Lý trong nhiều tác phẩm cũng bàn đến “xả ly” (nghĩa là sự từ bỏ) – chính là quá trình làm rỗng cái “ngã”. Tuy nhiên, hiểu về “xả ly” như thế nào, liệu nó có phải là lời khuyên về sự từ bỏ mọi vướng bận thế tục để lui mình về đắm trong sự tĩnh tại, an nhàn, xa rời đời sống xã hội hay không, chúng ta cần nhìn nhận vấn đề trên tổng thể nhiều quan điểm, khía cạnh khác để thấy được tinh thần chung của Viên Chiếu cũng như bộ phận thơ Thiền thời Lý – Trần.
Từ phương diện cứu cánh của đạo Phật, có thể thấy mục đích cứu khổ, cứu người, cứu đời không phải là tinh thần xuất thế, yếm thế. Cho nên dù phương tiện đạt tới Niết Bàn có bằng nhiều cách với nhiều xu hướng khác nhau, thì tư tưởng nhập thế không phải là điều xa lạ đối với những hành giả. Về khía cạnh nào đấy, có thể nói tinh thần nhập thế của đạo Phật là mang tính tự thân. Và trong bối cảnh thời nhà Lý, tinh thần này của đạo Phật càng có cơ hội để phát triển.
1. Tinh thần nhập thế của Phật giáo thời Lý
Thời Lý là thời cực thịnh của đạo Phật, là thời kỳ “quá nửa dân trong nước đi tu”. Sau khi thoát khỏi ách thống trị hàng nghìn năm của phong kiến phương Bắc, sau những cuộc nổi dậy và dẹp loạn đầy máu, đầy nước mắt, đạo Phật được sùng bái: nó như một sự cân bằng những tổn thất đã qua và những khát khao hiện tại. Mặt khác, nó được sử dụng – một cách có ý thức – như là phương tiện hữu hiệu để nhà nước phong kiến ổn định xã hội. Văn học thời kỳ này đã thắp nén hương trầm của đạo Phật mà Thiền tông là dòng đạo chính thức, trong đó bộ phận thơ Thiền có nhiều thành tựu nổi bật nhất. Nội dung của thơ Thiền thường là giải thích các tư tưởng Phật giáo, tán dương công đức các bậc đạo cao đức trọng, thể hiện tình cảm yêu mến trước thiên nhiên, cuộc sống bằng cảm quan Phật giáo.
Triết học Phật giáo Thiền tông Việt Nam thời Lý – Trần lấy tư tưởng “hòa quang đồng trần” (hòa cùng ánh sáng, lẫn cùng bụi bặm) làm cơ sở chi phối đến hành động của người tu hành mà một trong những đặc điểm nổi bật là quan điểm sống “tùy tục”, tức không câu chấp ở những giáo lý gò bó hay những nguyên tắc của các giới luật. Trong văn chương, đặc biệt là thơ Thiền, tinh thần nhập thế, tùy tục này in dấu khá đậm nét, tạo nên những áng thơ giàu giá trị nhân sinh. Ở chuyên luận Thơ Thiền Việt Nam – những vấn đề lịch sử và tư tưởng nghệ thuật (Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 1999), tác giả Nguyễn Phạm Hùng cho rằng sự nhập thế của các nhà sư (tiêu biểu là các tín đồ Phật giáo đời Lý); sự tùy tục trong đời sống đạo (giúp cho nhà tu hành có điều kiện gắn bó với Tổ quốc và Nhân dân) tạo nên những tác phẩm nghệ thuật vừa siêu thoát, bay bổng, vừa hiện thực trần thế (thơ Thiền). Hay nói như Mai Ý Nhi, “nhìn chung, Thiền nhưng đã đi vào đời sống, phản ánh đời sống, phục vụ đời sống”[3].
Đi vào trong văn học không với dụng ý hành đạo, khía cạnh xã hội của nội dung tư tưởng tác phẩm lại càng biểu hiện rõ rệt và khách quan hơn. Và chính nó làm nên những giá trị thế tục trong thơ ca Phật giáo, khẳng định đặc điểm “đời sống tinh thần con người không bị lễ giáo ràng buộc gay gắt”[4] theo quan niệm văn hóa phương Đông và Việt Nam.
2. Tinh thần nhập thế thể hiện qua trước tác của thiền sư Viên Chiếu
Viên Chiếu (999 – 1090), thuộc thế hệ thứ 7 của thiền phái Vô Ngôn Thông, được đánh giá là “vị thiền sư thi sĩ tài ba nhất”[5] của thiền phái này. Tác phẩm của ông gồm Dược sư thập nhị nguyện văn, Tán Viên Giác kinh, Thập nhị Bồ Tát hành tu chứng đạo tràng, Tham đồ hiển quyết, trong đó Tham đồ hiển quyết là tác phẩm được ca ngợi nhiều nhất. Đây là tác phẩm thuộc bộ phận thơ Thiền thiên về triết lý có phương pháp biểu hiện diễn đạt gián tiếp. Tác phẩm được cấu thành từ 55 câu trả lời của Viên Chiếu cho những câu hỏi riêng lẻ của các đệ tử về đạo Phật.
Tham đồ hiển quyết bàn nhiều đến “xả ly”. Muốn xóa bỏ vọng tưởng trước hết phải nhận ra được bản thể của thế giới. Người ta chỉ có thể “xả ly” khi có được cái gì đó chân thật để nắm giữ. Nó chính là “ông chủ”, là điều duy nhất chân thật ẩn giấu đằng sau mọi hình thái tạm bợ của sự vật. Nhận ra được “ông chủ” rồi thì sẽ có diệu dụng chân như, hoàn toàn không phải là “uổng công đến mà vô ích”. “Dụng chân như” được Viên Chiếu nói đến như sau:
“Tặng quân thiên lý viễn,
Tiếu bả nhất âu trà”
(Tặng anh đi ngàn dặm,
Cười trao một ấm trà)
Thiền sư đã dẫn ra câu chuyện bà già cầm chung nghiêng bình rót trà trình thần thông với ngài Nam Tuyền, Quy Tông và Bảo Triệt. Qua đó Viên Chiếu dạy đệ tử rằng thể chân như trùm khắp, “trúc biếc xanh xanh trọn là chân như”, ở đâu cũng có; còn dụng chân như là khi “cười trao một ấm trà”, đó là khi trong tâm thức đã sạch hết vọng tưởng trần tục để an trụ nơi tính giác. Trong một câu khác, ông cũng khuyên học trò “đầy vơi chớ bận lòng”, hãy tránh xa những dục vọng tầm thường.
Người viết xin được trình bày nội dung mang tính xã hội, nhập thế của văn thơ Viên Chiếu, chủ yếu là Tham đồ hiển quyết trên một số phương diện sau:
2.1. Sự gắn bó với cuộc đời trần tục và các công việc xã hội
Trong điều kiện lịch sử lúc bấy giờ, xã hội Việt Nam cần có một hệ tư tưởng về quản lý xã hội. Nhu cầu này đã quy định xu hướng nhập thế của Phật giáo đương thời trong vai trò tư tưởng có ảnh hưởng chủ đạo trong đời sống. Quan niệm “tùy tục”, tư tưởng “hòa quang đồng trần” đã được người Việt Nam tiếp thu, áp dụng nhanh chóng, uyển chuyển để hình thành nên con đường thực tiễn nhập thế tích cực của đạo Phật.
“Không” trong quan niệm Phật giáo, chính là bản thể của vũ trụ, cho nên tâm con người muốn được hoàn thiện, muốn được trọn vẹn trong thể “chân” của nó thì phải dần được mở rộng đến “không”, gọi là “tâm hư không”. Viên Chiếu từng nói điều này trong bài kệ thị tịch Tâm không của ông và cả trong Tham đồ hiển quyết. Mở rộng tâm, vận hành nó đến cái bao la của “không”, cũng chính là hòa mình vào dòng đời trần tục, như nhà nông làm những “việc nông tang”, như “cá kình” náu trong “biển cả”, như “chim én” đậu giữa đám “cỏ bồng”…
“Cử thế súc đồ tê thị bảo
Thực ư kinh cức ngọa ư nê”
(Tất cả chúng sanh tê giác quý
Ăn toàn gai góc, nghỉ trong bùn)
Đất, nước, lửa, gió là vô thường, thân tứ đại là vô thường, nhưng chúng ta không thể thoát luân hồi ở ngoài cuộc sống trần tục được. Con tê giác có cái sừng quý dùng làm thuốc. Nó là con vật đáng quý trong tất cả chúng sinh, nhưng nó đâu có được nuôi dưỡng ở một nơi thanh sạch linh thiêng nào; nó ăn gai góc và ngủ trong bùn nhơ. Hình ảnh hoa sen biểu tượng về đức Phật cũng có ý nghĩa tương tự: mọc lên từ bùn mà không bị uế nhiễm, lá sen không đọng một giọt nước và hoa sen tỏa hương thơm tinh khiết thanh tao. Tuệ Trung Thượng sĩ, một cư sĩ tại gia, có tư tưởng “nhập trần”, “khoát lộ nhập trần lai”, sau cũng diễn đạt ý này: “Nhị sen đỏ thơm chẳng nhuốm bùn” (Liên nhị hồng hương bất trước nê). Như vậy, trả lời về “phương tiện thoát luân hồi”, Viên Chiếu nói rằng muốn thoát trần phải ngay trong trần mà thoát, đừng tìm kiếm ở nơi nào khác, cũng đừng trông chờ hão huyền như anh chàng cày ruộng “đợi thỏ”.
Phật giáo không tạo huyền thoại về sự sáng thế trong quá khứ cũng như về sự phán xét trong tương lai. Bởi vì trong đạo Phật, cái hiện tại mới là quan trọng. Hiện tại là nơi con người “sống thuận theo lẽ trời lồng lộng”:
“Trượng phu tùy phóng đãng
Phong nguyệt thả tiêu dao”
(Trượng phu tùy thong thả
Gió trăng mặc tiêu dao)
Khi đã giác ngộ, con người thấm nhuần trong mình tư tưởng “nhậm vận thịnh suy vô bố úy” (Vạn Hạnh), coi cái chết nhẹ như lông hồng: “Sống như mặc áo vào, chết như trót bỏ quần ra” (Trần Thánh Tông). Lúc đó họ sống một cách thung dung thong thả, mặc tình tiêu dao với gió trăng. Trần Thánh Tông cũng nói về điều này:
“Đã nhận ra bộ mặt thật vốn có
Thì đến nơi nào mà lòng không thung dung”
Người “trượng phu”, theo Viên Chiếu, phải “tùy thong thả”, tùy duyên mà ứng xử cho thích hợp, như thể “đói đến cần tìm ăn/lạnh về phải mặc áo”. Đặc biệt, Viên Chiếu đã đề cập đến sự gắn bó với việc nước:
“Cao ngạn tật phong tri kính thảo,
Bang gia bản đãng thức trung lương”
(Gió lạnh bờ cao biết cỏ cứng,
Nước nhà lận đận thấy tôi trung)
Đấy mới là con đường lớn, là cội nguồn của lẽ sống đạo. Thiền tăng không phải là kẻ chỉ biết tọa thiền, gieo mình vào trầm tư mặc tưởng, vào đường lối tu khổ hạnh, khắc kỉ. Văn hóa thiên về tư duy và thần bí Ấn Độ làm nên pháp thuật đại chúng Yoga, văn hóa thiên về hành động và thực tiễn Trung Quốc tạo ra những cách hành đạo khuôn mẫu cứng nhắc và, theo đó, cả một nền nghệ thuật duy lý khuôn sáo. Văn hóa Việt Nam, vốn dễ dung hòa, bên cạnh tính trực giác trực cảm và giàu nghệ thuật, thường tìm được cho mình chỗ đứng vững chãi trong đời sống thường nhật, trong lòng Nhân dân. Ở đây Viên Chiếu khẳng định rằng con đường đi của người tu hành phải là con đường không bị khuất phục bởi khó khăn, không yếm thế khi dân tộc cần có người gánh vác việc lớn, khi “nước nhà lận đận” cần có những bề tôi trung thành và tận tụy giúp nước. Mặt khác, khi đã đạt đạo, phải tu luyện công đức, phải vị tha vì hạnh phúc và an lạc của loài người, vì lòng từ bi đối với cuộc đời, vì số đông, quyết không để cho cái “lồng trần” giam trói:
“Sơn cao cánh đại dung trần trữ,
Hải khoát năng thâm nạp tế lưu”
(Núi cao lại lớn dung chứa bụi,
Bể cả càng sâu nhận các dòng)
Cái “lồng trần” đầy bụi bặm chỉ có thể làm đầy thêm công đức, làm sáng thêm ngọc “mani” của tâm thể, làm thanh cao và tinh tường thêm con mắt Bồ Đề, làm đẹp thêm con thuyền Bát Nhã. Cũng như núi cao là nhờ “dung chứa” nhiều bụi, biển cả sâu là nhờ thâu nhận các dòng chảy. Người tu khi đã tiến đạo được kết quả, khi ra làm Phật sự thì phải hòa mình vào dòng đời trần tục, như những vi trần cấu thành nên thế giới.
2.2. Tình yêu đối với thiên nhiên
Yêu đời, yêu thiên nhiên là tình cảm của những con người gắn mình với thế tục. Dù cho thế giới Ta Bà được đạo Phật định nghĩa là thế giới chịu nhận ba thứ độc (tham, sân, si) và các loại phiền não, nhưng con người không thể chối bỏ nó, mà ngược lại, có thể tìm thấy ở ngay trong đó vẻ đẹp và niềm hoan lạc. Tham đồ hiển quyết với ý nghĩa là tác phẩm tôn giáo, các câu thơ của nó được thiết lập như những công án Thiền, hẳn về mặt nào đó sẽ là những ký hiệu, những ám dụ Thiền học. Ngoài ra, thuộc bộ phận thơ thiên về triết lý chứ không phải thiên về trữ tình, cho nên tác phẩm ít nhiều che giấu những xao động trước cuộc sống thực, trước từng cành cây, ngọn cỏ, dòng sông… Tuy nhiên, vượt lên trên khuôn khổ của ý nghĩa ký hiệu, hình ảnh thiên nhiên trong tác phẩm vẫn lấp lánh cái linh hồn cuộc sống ẩn mặt bên trong, dù chỉ ở mức độ nhất định.
Bóng dáng thiên nhiên trong tác phẩm không có ý nghĩa phản ánh hiện thực cuộc sống nhưng lại có ý nghĩa phản ánh hiện thực tâm hồn giàu liên tưởng và rất nhạy cảm đối với cái đẹp đời thường của chủ thể. Một bóng trăng, một hình núi, một nhánh hoa… đều có thể dễ dàng tham dự vào cấu trúc thẩm mỹ của tác phẩm. Một điều người ta dễ nhận thấy khi đọc những câu thơ của Viên Chiếu là ở đó dậy lên thứ men say không chỉ của con người yêu đạo mà còn của con người vui đời. Có thế thi sĩ mới cảm nhận được vẻ đẹp hài hòa duyên dáng của thiên nhiên để dẫn dắt nó vào thơ ca với những liên tưởng đầy bất ngờ và hấp dẫn. Ở đó, ngoài cái khía cạnh mang tính thực dụng của sự truyền đạo, ta thấy khẽ rung lên những rộn ràng của một tâm hồn đang ôm ấp thế giới, đang hòa mình vào từng sắc hoa rực rỡ, sắc cỏ xanh rì, tiếng trúc trong gió lao xao, ánh trăng êm dịu từ đỉnh núi đổ xuống…
Như vậy, chính tư tưởng nhập thế cùng với những tình cảm cá nhân rất đời thường đã làm nên nội dung mang tính xã hội, tính thế tục trong Tham đồ hiển quyết. Điều này góp phần chứng tỏ thi ca có quan hệ với những hình thái của tồn tại, với các cấp độ của tính khách quan mà tôn giáo không thể giải thích được bằng quy luật của những phát ngôn có dụng ý tôn giáo của nó.
Trong cuốn sách Kẻ phản Ki-tô: Thử đưa ra một phê bình Ki-tô giáo, Friedrich Nietzsche đã phát biểu rằng “Phật giáo mang tính hiện thực hơn Ki-tô giáo gấp trăm lần: việc đặt những vấn đề một cách khách quan và lãnh đạm vốn là một phần di sản của nó, bởi Phật giáo đến sau một phong trào triết học vắt ngang nhiều thế kỉ. Ngay khi nó xuất hiện, khái niệm về “Thượng đế” từ lâu đã bị trừ khử. Phật giáo là tôn giáo thực sự “duy thực chứng” (positivismus) trong lịch sử”[6]. Ở Việt Nam, văn học Phật giáo nói chung và thơ Thiền thời Lý – Trần nói riêng đã lĩnh hội tinh thần ấy của đạo Phật để trở nên gần gũi với nhân sinh. Trong đó, thiền sư Viên Chiếu đã thể hiện một tinh thần nhập thế hết sức sâu sắc. Với các tác phẩm độc đáo của mình, ông được đánh giá là “một nhà tu hành có tài thuyết pháp, có kiến thức rộng, am hiểu sâu sắc giáo lý đạo Phật, có tâm hồn thi sĩ và là một trong những nhà tư tưởng lớn trong lịch sử tư tưởng Việt Nam”[7].
________
Chú thích
1. Thích Nữ Thuần Giới (2022), Phật giáo Đại thừa và tinh thần nhập thế, http://tapchinghiencuuphathoc.vn, ngày 3/10/2022.
2. Nguyễn Thị Thanh Thủy (2022), Tinh thần nhập thế của Phật giáo Việt Nam từ quá khứ đến hiện đại, http://tapchivanhoaphatgiao.com, ngày 3/3/2022.
3. Mai Ý Nhi (2012), Giá trị nhân sinh của thơ Thiền Việt Nam thời Lý – Trần xét từ phương diện hình tượng, Luận văn Thạc sĩ Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, tr. 37.
4. Đoàn Thị Đặng Hương (1996), Thử giải mã văn học Việt Nam theo tinh thần văn hóa Việt Nam và văn hóa phương Đông, Tạp chí Văn học, số 3, tr. 25.
5. Nguyễn Lang (2009), Việt Nam Phật giáo sử luận, Nxb Văn học, tr. 137.
6. Friedrich Nietzsche (Hà Vũ Trọng dịch) (2011), Kẻ phản Ki-tô: Thử đưa ra một phê bình Ki-tô giáo, Nxb Tri Thức, tr. 61.
7. Nguyễn Quang Khải (2017), Góp phần tìm hiểu quan điểm về nhận thức của Viên Chiếu thiền sư, Công tác Tôn giáo, số 5, tr. 10.