Cái sự bát nháo, loạn xạ kinh khủng với quảng cáo phải kể đến mạng xã hội. Thật giả đan cài, đen trắng nhộn nhạo, tốt xấu chằng chéo, móc nối dọc ngang tứ tung trên tất cả các phương tiện cá nhân khi tiếp nhận thông tin và tham gia thông tin…
Bát nháo hơn vỡ chợ
30 năm trước, đất nước trên đà đổi mới, tôi có bài cổ súy cho quảng cáo trên các phương tiện báo chí, rằng: Quảng cáo - Thông tin hữu hiệu trong cơ chế thị trường. Xã hội phát triển luôn đòi hỏi phải có thông tin, khi đó quảng cáo cũng là kênh cung cấp thông tin quan trọng; bởi nó thông báo lợi ích tìm kiếm cho độc giả, nó thể hiện các lợi ích một cách rất rõ ràng, khiến mục đích thông tin cần thiết dễ đạt được. Thông tin sai lệch, xu thời, thiếu lành mạnh sẽ phương hại đến danh dự và vai trò của người lãnh đạo, đơn vị, thậm chí có thể sụp đổ cả cơ nghiệp... Điều bắt buộc đối với quảng cáo là phải bảo đảm tính chuẩn xác, sát thực để giữ chữ tín!
Tiếc là, ngày ấy tôi chưa lường hết sự phát triển dữ dằn của công nghệ thông tin, các tính năng mở của mạng xã hội như hôm nay. Hơn nữa, ngày ấy Việt Nam chưa có Luật Quảng cáo. Năm 2012, Quốc hội khóa XIII mới Ban hành Luật số: 16/2012/QH13 về Luật Quảng cáo. Trước đó là Luật Thương mại (2005) với những khoản cấm quảng cáo ghi tại Điều 102 và 109. Vậy là 15 năm trước ta đã có hành lang pháp lý về thông tin quảng cáo. Chế tài với quảng cáo đã được đặt ra. Sai phạm dưới mọi hình thức sẽ bị nghiêm trị!
Thế nhưng, cái sự nghiêm chỉnh ấy xem ra ngắn ngủi. “Ngày vui ngắn chẳng tầy gang”. Nó bị tứ phương “xé rào”, phá “bung toang”, “ồ ạt” như vỡ chợ... ngay trên các phương tiện báo chí chính thống từ báo nói, báo hình, báo in, báo mạng... tới cá nhân, “tổ”, “nhóm” đua tranh lợi dụng tính năng siêu việt của mạng xã hội để quảng cáo thu lời!...
Luật là hành lang pháp lý giúp đi đúng đường, là tường rào ngăn chặn những ai cố ý lạc lối. Thế nhưng, người ta vẫn “xé toang”. Ví như, trên các phương tiện báo chí Nhà nước, vi phạm rõ nhất là thời lượng quảng cáo (thời lượng báo in ghi tại Điều 21; báo hình ghi tại Điều 22). Người nghe đã quá ngán ngẩm với các Nhà Đài để quá nhiều thời lượng quảng cáo suốt nhiều năm nay trên nhiều kênh sóng...
Chưa ai bàn đến tác dụng của những sản phẩm được quảng cáo này, nhưng mượn thầy, mượn thợ để tâng bốc quá mức, gây phản cảm thì sự phản tác dụng đang trồi ngược. Cái gì cũng có giới hạn, không phải họ cứ buông tiền là mình liên miên nhả hình, buông lời cho “đẹp lòng nhau”! Ấy là chưa kể họ còn ngang nhiên cạnh tranh không lành mạnh, so sánh chất lượng sản phẩm của công ty mình với các đơn vị khác với những từ “nhất”, “số một”, “tốt nhất” nhằm kênh mình lên đỉnh điểm... mà không có tài liệu hợp pháp chứng minh theo quy định của Luật Quảng cáo. Khoản 6 (Điều 7) cấm quảng cáo các loại sản phẩm, hàng hóa có tính chất kích dục. Thế nhưng, Nhà Hình, Nhà Đài vẫn đậm hình, lớn nhời quảng cáo các loại thuốc tăng cường sinh lực cho phái mạnh và tăng cường sinh lý nữ vào giờ vàng, khiến bố mẹ khó tìm lời giải thích cho con cái chưa thành niên mỗi khi chúng thấy ngôn từ lạ lẫm...
Cái sự bát nháo, loạn xạ kinh khủng với quảng cáo phải kể đến mạng xã hội. Thật giả đan cài, đen trắng nhộn nhạo, tốt xấu chằng chéo, móc nối dọc ngang tứ tung trên tất cả các phương tiện cá nhân khi tiếp nhận thông tin và tham gia thông tin. Tính năng thông minh lan truyền thông tin trên mạng xã hội là bước tiến cao về văn hóa, khoa học và trí tuệ của loài người; nhờ đó nên đại dịch Covid-19 hoành hành khắp hành tinh, nhưng thế giới loài người năm châu, bốn biển vẫn kết nối chặt chẽ với nhau... Thế nhưng, tệ hại là con người (với thói xấu) lại lợi dụng tính năng tốt đẹp ấy để làm những điều xấu xa, vụ lợi, cho mình nhưng hại người. Trong đó, quảng cáo bát nháo là sự tồi tệ không thể chấp nhận.
Chỉ đơn cử một góc cạnh nhỏ: Nhằm trục lợi, người ta thường lập trang web quảng cáo có hình, hoặc tạo cấu hình nền y chang truyền hình để tung hô cho sản phẩm của mình. Theo đó họ còn dẫn các đường link, hình ảnh từ các website của nơi này, nơi kia để tăng lượng người truy cập, thu hút cho quảng cáo để thu lợi; nhưng gây hiểu lầm, làm suy giảm nặng nề lòng tin với chính quyền, với Nhà nước. Người ta rầm rộ rao bán từ đồ ăn, thức uống; hàng tiêu dùng, sản phẩm công nghệ, đến thuốc chữa bệnh của các lang y, nhuộm tóc trắng thành đen, hói đầu thành xanh tóc... kèm hình, kèm lời dóng diết khiến vững dạ đến mấy rồi cũng ngả lòng cả tin. Trên mạng xã hội, lâu nay có những lang y chức này chức nọ, dựa vào thương hiệu danh tiếng của tổ chức cục, vụ, viện, vào tổ chức cổ truyền của dân tộc để quảng cáo “thần y” của mình, lôi kéo người bệnh chỉ cốt trục lợi.
Cần chế tài đủ mạnh
Chẳng hiểu những người làm Luật, và đặc biệt cơ quan thay mặt Nhà nước có trách nhiệm quản lý về quảng cáo ghi tại: “Điều 5. Trách nhiệm quản lý nhà nước về hoạt động quảng cáo”, cùng các bộ, cơ quan ngang bộ “trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch thực hiện quản lý nhà nước về hoạt động quảng cáo” có biết về sự quảng cáo bát nháo của thị trường mạng hiện nay không, đặc biệt về sản phẩm thuốc, các loại sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cấm quảng cáo được ghi tại khoản 5 và 6, Điều 7 của Luật Quảng cáo, nếu không được Bộ Y tế cấp phép dứt khoát không được quảng cáo, nếu không như thế thì đương nhiên họ đã phạm luật, hoặc lách luật cần phải nghiêm trị. Thêm nữa quảng cáo thương mại là phải nộp thuế. Lậu thuế thì phải truy hoàn, không thế thì phải trị bằng luật pháp!... Điểm này cũng đã được Luật Quảng cáo ghi tại Điều 11 - Xử lý vi phạm trong hoạt động quảng cáo.
Hình như cái sự buông lỏng, nếu không muốn nói là thả lỏng, của các cơ quan quản lý thực hiện Luật Quảng cáo đang tạo ra sự bung bang, nhộn nhạo, bát nháo trên các trang mạng, gây nguy hại không hề nhỏ cho nền kinh tế nước nhà và lòng tin của nhân dân với chế độ ưu việt của đất nước chúng ta. Rất cần một chế tài đủ mạnh với tình trạng quảng cáo bát nháo như hiện nay cho phù hợp với thời cuộc, với phát triển tính năng của mạng xã hội. Ngay từ lúc này, thiển nghĩ Cục An ninh mạng, Bộ Công an; Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao cần sớm nhập cuộc để lập lại trật tự quảng cáo, nhất là quảng cáo trên mạng xã hội!
Nguồn Văn nghệ số 42/2021