Văn hóa nghệ thuật

Sinh ra đã là bản sao, có quyền sống như bản chính?

Vũ Thanh Bình
Điện ảnh
06:00 | 07/04/2025
Baovannghe.vn - Câu nói “Bạn sinh ra đã là một bản gốc, đừng chết đi như một bản sao” có thể mang ý nghĩa truyền cảm hứng tới cho rất nhiều người, nhưng hoàn toàn không đúng với câu chuyện của nhân vật Mickey Barnes (Robert Pattinson đóng) trong bộ phim Mickey 17.
aa

Mickey 17 là bộ phim khoa học viễn tưởng mang màu sắc phản địa đàng mới nhất vừa ra rạp gần đây của đạo diễn Hàn Quốc Bong Joon Ho, người đã liên tục làm mưa làm gió trên trường điện ảnh quốc tế nhiều năm qua với các tựa phim ấn tượng ở nhiều thể loại như Parasite (Ký sinh trùng), Okja, Snowpiercer (Chuyến tàu băng giá), The Host (Quái vật sông Hàn), Memories of Murder (Hồi ức kẻ sát nhân)... Tác phẩm mới lần này được chuyển thể từ tiểu thuyết Mickey7 của nhà văn Edward Ashton, gần như giữ nguyên bối cảnh chính kể về cuộc thám hiểm không gian và chinh phạt các hành tinh của nhân loại trong một tương lai rất gần. Ở đó, trên một con tàu vũ trụ hướng đến hành tinh Niflheim xa xôi được dẫn dắt bởi một tỷ phú truyền thông nhưng cũng đồng thời là một chính trị gia thất bại - Kenneth Marshall (do Mark Ruffalo thủ vai), nhân vật chính Mickey Barnes của tài tử Robert Pattinson đã nhận nhiệm vụ trở thành một “người hiến tặng” - “the expendable”, để chạy trốn khoản nợ khổng lồ và các chủ nợ tàn bạo đang đe dọa sẽ truy đuổi anh đến tận cùng trái đất.

Đây không phải là lần đầu tiên khái niệm “expendable” - vốn để chỉ tính dễ tiêu hao và có thể thay thế của các vật phẩm hay những tồn tại có giá trị thấp kém không đáng kể, cứ sử dụng đến cạn kiệt rồi lại tái sản xuất dễ dàng - được nhắc đến trong văn học hay phim ảnh. Trước đó nhà văn người Canada James Alan Gardner đã viết bộ tiểu thuyết khoa học viễn tưởng Expendable năm 1997 với nội dung chính xoay quanh một nhóm phi hành gia tham gia nhiệm vụ khám phá vũ trụ nhưng không đủ tiêu chuẩn về tinh thần và thể chất nên chỉ được coi là những người lúc nào cũng có thể thay thế. Hay từ năm 2010 Hollywood cũng từng làm một chuỗi phim hành động rất ăn khách lấy tên The Expendables - Biệt đội đánh thuê với sự tham gia của nhiều ngôi sao nổi tiếng như Sylvester Stallone, Jason Statham, Bruce Willis... Xa hơn nữa, vào năm 1953 nhà văn khoa học viễn tưởng kỳ cựu Philip K. Dick có lẽ là người đầu tiên dùng cái tên “Expendable” để đặt cho tác phẩm của mình - một truyện ngắn kể về cuộc đối đầu kéo dài đã hàng triệu năm giữa loài người và các loại côn trùng nhỏ bé trên trái đất, trong đó hàm chứa nhiều ám chỉ tới quá trình phi thực dân hóa đang diễn ra mạnh mẽ ở nhiều nơi trên thế giới giai đoạn ấy.

Sinh ra đã là bản sao, có quyền sống như bản chính?
Bộ phim Mickey 17 do Bong Joon Ho đạo diễn, với sự tham gia của Robert Pattinson, Naomi Ackie, Steven Yeun, Toni Collette và Mark Ruffalo.

Với tất cả những nội hàm văn hóa đã được tích lũy trong khái niệm này, không khó để nhìn ra ý đồ phản tư bản, phản thực dân, phê phán gay gắt chủ nghĩa tiêu dùng và các tập đoàn thống trị đang từng ngày phi nhân hóa con người của tác giả tiểu thuyết gốc cũng như đạo diễn phim khi chọn đặt vai trò của nhân vật chính là “the expendable” hay kiến tạo mối quan hệ thấu hiểu giữa anh và loài bọ khổng lồ vốn là dân bản địa trên hành tinh Niflheim đang bị con người xâm chiếm. Trong con mắt của tầng lớp thống trị mù quáng được xây dựng như những tên hề, tất cả những giống loài khác biệt chỉ là tầng lớp sâu bọ đang chờ bị họ ăn xương uống máu, con nào cũng giống hệt con nào, Mickey Barnes là kẻ nô lệ bán mình làm thuê thấp kém lúc nào cũng có thể bị thay thế, nhưng là bị thay thế bởi một phiên bản khác của chính anh, với công nghệ nhân bản in ấn con người tối tân cho phép tạo ra các bản sao - “multiples” - giống y hệt bản chính đến từng kẽ da, cọng tóc và được truyền lại ký ức tích lũy chân xác cập nhật đến tận phút tồn tại cuối đời của mỗi phiên bản cũ.

Mickey 17, người đứng sau công nghệ nhân bản kỳ diệu này là một kẻ tâm thần đã phạm tội giết người hàng loạt, và thay vì bị kết án như bao tên tội phạm man rợ vô nhân khác, thì hắn ta lại khiến tất cả các hệ thống luật pháp, tôn giáo, đạo đức, triết học... đảo điên. Nhân loại trên trái đất lần này dường như vẫn đủ tỉnh táo để từ chối những hệ lụy khôn lường đến từ việc một con người có thể có nhiều hơn một thể xác cho mỗi linh hồn, từ chối khả năng được trở nên bất tử trước cám dỗ của quỷ Satan, nhưng vẫn có những kẻ đại diện cho giai cấp tư bản tham lam và mù quáng - đối tượng phê phán yêu thích của Bong Joon Ho - muốn tận dụng phát minh này để làm lợi cho mình. Công nghệ in ấn con người được cho phép thử nghiệm trên vũ trụ để phục vụ việc tối ưu nguồn lực kinh tế cũng như nhân sự trong công cuộc thám hiểm nhằm mở rộng bờ cõi, khai thác tài nguyên thuộc địa ngoài trái đất. Kẻ đặt bút ký tên vào tờ đơn tình nguyện trở thành “the expendable” cũng không khác nào ký vào khế ước nô lệ bán thân trọn đời, trở thành một mẫu vật thí nghiệm thấp kém, thậm chí còn không được coi như là người.

Việc ví von thân thể của những người thuộc tầng lớp dưới như bùn đất hay rác rưởi ở đây không chỉ là một ẩn dụ quen miệng của lịch sử phong kiến trung cổ, cũng không còn là nỗi ám ảnh gián tiếp như câu chuyện con người dưới đáy tháp quyền lực phải ăn thực phẩm tổng hợp từ gián rết chuột bọ trên đoàn tàu hậu tận thế trong bộ phim Snowpiercer trước đó của Bong Joon Ho mà đã trở thành một hiện thực mang nghĩa đen chân thật trong phim. Cơ thể của Mickey Barnes sau nhiều lần tái sinh giờ đây hoàn toàn chỉ là sản phẩm công nghiệp đúc khuôn từ những thành phần hữu cơ được chắt lọc trong một bể chất thải khổng lồ của cả con tàu vũ trụ. Tâm trí anh được tái nạp vào cơ thể sau mỗi lần in ấn qua một ổ cứng có kích thước bằng đúng một viên gạch, và mỉa mai thay, cũng được cố tình thể hiện trên màn ảnh trông giống y như một viên gạch đất nung rẻ mạt, hoàn toàn lạc lõng trong không gian công nghệ hiện đại đầy ánh kim loại, dây chuyền, đèn led... trên tàu. Qua vô số lần chết đi sống lại và mỗi khi mở mắt ra liền được tất cả mọi người xung quanh lẫn hiện thực khốc liệt nhắc nhở rằng bản thân mình là một tồn tại thấp kém chỉ đang vật vờ chờ được thay thế bằng một bản sao thấp kém khác, liệu có linh hồn nào dù bất tử hay cao quý đến đâu còn giữ được sự tự tôn của chính mình?

Mickey 17 đã gần như từ bỏ niềm tin rằng sự sống của mình cũng đáng giá sau 16 lần chết thật, nếu như không có một sự cố xảy ra khiến anh trải nghiệm việc chết hụt vài lần. Khi bị bỏ mặc giữa hang đá lạnh giá sau tai nạn lở tuyết bởi chính những con người mà anh hằng coi họ là bạn bè và đồng loại, những sinh vật bản địa mang hình hài sâu bọ khổng lồ đáng sợ của hành tinh Niflheim lại trở thành cứu tinh đưa anh trở lại với cuộc đời. Nhưng cả con tàu vũ trụ hàng nghìn người kia đã quá quen với sự biến mất rồi lại xuất hiện như một lẽ hiển nhiên của anh nên chẳng hề chờ đợi thân xác cũ được đưa về làm bằng chứng cho cái chết gần nhất, phiên bản số 18 đã được in ra và ngay lập tức chiếm lấy cuộc đời Mickey Barnes như lệ thường, chỉ khác là vẫn còn đây một Mickey 17 đã được sống đủ lâu, trải đủ nhiều để xác quyết về mong muốn được sống của bản thân và nhất định không cam chịu số phận.

Cả ý tưởng về sự tái sinh, cuộc sống lặp lại nhiều lần sau khi chết lẫn cuộc đối đầu định mệnh trớ trêu giữa bản sao và bản chính hay giữa chính các bản sao với nhau đều không còn là những chuyện quá mới mẻ trong phim khoa học viễn tưởng. Trước đó có thể kể tới các bom tấn của Hollywood như The 6th Day (Ngày thứ sáu) với diễn xuất ấn tượng của Arnold Schwarzenegger, Oblivion (Bí mật trái đất diệt vong) và Edge of Tomorrow (Cuộc chiến luân hồi) đều do tài tử Tom Cruise đóng chính, Surrogates (Kẻ thế mạng)... Nhiều bộ phim khác tuy không trực tiếp đặt ra tình thế đối đầu giữa các phiên bản khác nhau của cùng một con người thì cũng nhắc đến sự tồn tại của các bản sao nhân bản vô tính như một cách đặt lại những câu hỏi suy tư về nhân tính, ý chí tự do của con người như Blade Runner 2049 (Tội phạm nhân bản 2049), Never let me go (Mãi đừng xa tôi)... Giữa hàng chục bộ phim tưởng như đã khai thác kiệt cùng những đề tài này, điểm khác biệt ấn tượng nhất mà Mickey 17 tạo ra có lẽ nằm ở việc nhân vật được chọn để tái sinh và trải nghiệm tình thế hiện sinh trớ trêu này lại là một con người bình thường đến mức tầm thường và đã quen bị xã hội cũng như cuộc đời vùi dập te tua.

Không mang trong mình bất kỳ mục tiêu to lớn hay ước vọng cao cả nào, động lực thôi thúc Mickey Barnes bám víu lấy sự sống dường như chỉ là nỗi sợ chết, hay đúng hơn là nỗi sợ cái chết đau đớn. Anh rời bỏ trái đất để trốn nợ vì sợ hãi chủ nợ có sở thích hành xác những con nợ không có khả năng chi trả, nhưng lại thành ra tự đưa mình vào hoàn cảnh bị hành xác đến chết vô số lần. Mickey hay tự nhủ với mình rằng tất cả những gì anh đang phải trải qua chính là sự trừng phạt cho tội lỗi anh từng vô minh mà phạm phải khi còn nhỏ: mổ xẻ một con ếch trong giờ sinh học, vô tình nghịch ngợm ấn một chiếc nút đỏ trên xe ô tô khiến người mẹ thân yêu gặp tai nạn qua đời… Vô số lần tái sinh cũng không thể giúp xóa bỏ tội lỗi tiền kiếp, vô số lần chết cũng không thể giúp con người phàm trần bớt sợ đau đớn và cái chết hơn. Nhưng một cuộc gặp gỡ, đối thoại, soi chiếu giữa hai cái tôi cũ - mới từ hôm qua đến hôm nay của chính mình có khi lại khiến người ta ngộ ra được ít nhiều.

Mickey 18 là một phiên bản mạnh mẽ, có phần bạo động, liều lĩnh và hơi ái kỷ của Barnes. Mickey 18 cũng phải thú nhận trước ông trùm Kenneth Marshall rằng là người thì ai mà chẳng sợ chết trong giây phút đối đầu sinh tử, nhưng anh ta vẫn quyết định hy sinh mạng sống của mình cho hòa bình giữa nhân loại với những cư dân bản địa là loài bọ trên hành tinh Niflheim. Diễn biến trong phim ở phân đoạn này quá nhanh để có thể khẳng định liệu hành động cảm tử của phiên bản Mickey mới nhất chỉ có vài ngày tuổi này có phải là biểu hiện của một sự trưởng thành về mặt nhận thức lẫn tinh thần hay không, nhưng dù chỉ là bột phát từ một phút bốc đồng thì với niềm tin và hy vọng thầm kín luôn đặt vào cái thiện của con người, các khán giả vẫn có thể dễ dàng chấp nhận xuôi theo lựa chọn của các nhân vật.

Đến đây bài toán hiện sinh lại quay về với nhân vật chính duy nhất của bộ phim là Mickey 17. Mang trong mình ký ức truyền thừa từ những khả thể quá khứ thấp kém đầy tội lỗi, hối hận và khổ đau, yếu đuối, tự ti, mặc cảm; chứng kiến sự sinh diệt của một khả thể tương lai “anh hùng” nhưng yểu mệnh của chính mình, loay hoay vô minh trước vô số lựa chọn không biết đúng sai mà cuộc đời vẫn đang bày ra trước mắt, thậm chí đến phút cuối đã sống trong một thế giới tự do được giải phóng nhưng Mickey 17 vẫn bị ràng buộc bởi muôn nỗi ám ảnh sợ hãi thầm kín: hiện thực này có thật hay không, cái tôi này có xứng đáng hay không?

Cái kết mà đạo diễn Bong Joon Ho lựa chọn cho tác phẩm mới lần này có thể nói là một cái kết tươi sáng nhẹ nhàng và “chữa lành”, truyền cảm hứng nhất trong suốt phim nghiệp của ông. Cỗ máy nhân bản con người bị phá hủy, Mickey 17 đã vượt qua được bóng ma quá khứ vì giờ đây nhận thức của anh không chỉ còn là tổng hòa từ 16 phiên bản cũ kỹ yếu đuối mà đã có thêm bóng dáng Mickey 18 mạnh mẽ. Khả năng được tái sinh theo nghĩa đen mãi mãi đóng lại với anh nhưng tương lai lại mở ra vô vàn cơ hội tự học hỏi, trưởng thành và trải nghiệm cuộc đời làm một bản gốc của chính mình.

Bộ phim cũng đề cập đến rất nhiều vấn đề xã hội nóng bỏng khác như nữ quyền, bình đẳng giới, phân biệt chủng tộc, bảo vệ môi trường sinh thái, các chấn thương tâm lý trong đời sống hiện đại… theo đúng phong cách làm phim muốn đòi công lý cho mọi nhóm yếu thế trên đời của đạo diễn Bong Joon Ho. Ngay cả việc đặt mốc thời gian vô cùng cụ thể trong phim là năm 2054 với số 5 là đảo ngược của số 2 nhằm ám chỉ đến hiện thực năm 2024 (chính là thời gian bộ phim được dự kiến phát hành ban đầu nếu không vướng phải cuộc đình công của các nhà biên kịch ở Hollywood trước đó) cũng có thể là một ám chỉ hiện tại của thế giới bây giờ cũng là phóng chiếu tương đồng với bối cảnh tương lai của phim. Sự ôm đồm này khiến cho người xem nhiều lúc có cảm giác bị gián đoạn hay thấy phim làm chưa tới, nhưng về tổng thể thì với thời lượng 137 phút phim, Mickey 17 đã trọn vẹn đem đến một trải nghiệm thú vị với thể loại dark comedy - hài kịch đen sâu cay mà dí dỏm, thậm chí có thể nói không ít người chắc chắn sẽ phải thấy nhột với những ẩn dụ rất gần với đời sống thường nhật mà chính chúng ta đang trải qua.

Khai mạc triển lãm mỹ thuật "Hành trình Huỳnh Phương Đông"

Khai mạc triển lãm mỹ thuật "Hành trình Huỳnh Phương Đông"

Baovannghe.vn - Sáng 11/4, tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, đã diễn ra lễ khai mạc triển lãm chuyên đề Hành trình Huỳnh Phương Đông. Đây là triển lãm có quy mô lớn nhất từ trước đến nay của chiến sĩ - họa sĩ Huỳnh Phương Đông, trưng bày 151 tác phẩm tiêu biểu của ông.
Bộ sưu tập của nhạc sỹ Hoàng Vân được UNESCO ghi danh Di sản Tư liệu Thế giới

Bộ sưu tập của nhạc sỹ Hoàng Vân được UNESCO ghi danh Di sản Tư liệu Thế giới

Baovannghe.vn - Bộ sưu tập của nhạc sỹ Hoàng Vân được UNESCO ghi danh Di sản Tư liệu Thế giới. Đây là di sản tư liệu đầu tiên về âm nhạc của Việt Nam được ghi danh, góp phần làm giàu thêm kho tàng văn hóa dân tộc và văn minh nhân loại.
Bản tin Văn nghệ ngày 11/4/2025

Bản tin Văn nghệ ngày 11/4/2025

Baovannghe.vn - Giải thưởng Lớn Giải thưởng Kiến trúc Quốc gia 2024-2025 thuộc về công trình Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam (năm 2024).
Trong cánh rừng già… - Thơ Huỳnh Thị Kim Cương

Trong cánh rừng già… - Thơ Huỳnh Thị Kim Cương

Baovannnghe.vn- Những dốc dài bỏ lại phía sau/ ngày trả về im ắng
Vẽ - Thơ Tân Quảng

Vẽ - Thơ Tân Quảng

Baovannghe.vn- Ngất ngư ngồi vẽ cơn say/ hồn như cốc chén rót đầy hoàng hôn