Sáng tác

Tạ từ . Truyện ngắn của Nguyễn Minh Hồng

Nguyễn Minh Hồng
Truyện
13:00 | 20/08/2024
Baovannghe.vn - Mẹ bảo: nhà bác Nguyên muốn xin con cho cậu Chư. Tôi hiểu là tôi sẽ phải làm vợ Chư! Ôi. Giời sụp chăng? Hay là cái nhà ông Nguyên thần kinh?
aa
Tạ từ . Truyện ngắn của Nguyễn Minh Hồng
Tạ từ - truyện ngắn của Nguyễn Minh Hồng

Tôi quyết định ra đi, ngay vào thời điểm bố tôi giận dữ nhất. Sự giận dữ làm người ông bốc hơi ngùn ngụt. Tưởng như một nồi nước đang sôi lật bật. “Tao còn mặt mũi nào trông thấy người ta nữa”. Ông gầm. Mẹ tôi không nói câu nào, chỉ nhìn bố tôi bằng đôi mắt thất thần. Hai thái dương bà luôn dán hai miếng chanh mỏng.

Tôi có đủ cả. Chỗ ở phòng riêng tiện nghi tầng hai của một căn hộ đúp. Có nghĩa là năm phòng ở và hai khu phụ, mà chỉ dành cho bốn người: bố mẹ tôi thằng em trai và tôi. Tôi có riêng một xe máy giấc mơ II, một máy tính 486 tốc độ 100 kèm CD ROM. Một bộ dàn KENWOODHIFI Quần áo xếp đầy tủ ở trường, lũ bạn nhìn tôi khao khát; Nhưng chúng không ghét bỏ, vì tôi không như những đứa con gái nhà giàu khác, mặt vênh lên một góc ba mươi độ.

Bố làm giám đốc. Một cơ quan suốt năm đi thu mua lông gà lông vịt, da trăn, da bò, chổi cùn đế rách. Thời trước, các chức sắc đùn đẩy nhau không ai muốn về. Lương chậm, bổng không. Đùng một cái xóa bao cấp, nó trở thành múi mít. Lộc nhiều. Đi các nước tư bản như đi chợ. Chỉ mấy năm nhà tôi thay đổi hẳn. Như trong mơ. Tivi, tủ lạnh, các tiện nghi khác cho sinh hoạt gia đình thay nhau đi và về soành soạch. Đi cũ về mới. Về nhiều hơn đi.

Nhưng gần đây không thấy bố tôi vui. Nhiều đêm, ông ngồi thần nhìn đống của cải. Đi nhẹ chân quanh các phòng như con mèo. Thì thầm bàn bạc nhiều với mẹ tôi. Đối lúc thấy tôi vào, cả hai ông bà im phắc. Thế là thế nào. Mẹ tôi bảo: “Giá như bố mày xưa đi làm khai đúng tuổi, thì đỡ. Ngày ấy lại có thói tăng thêm vài năm để được hưu sớm. Xưa khôn, nay thành dại quá”. Giọng bà rầu rầu. Tôi nghĩ, các cụ đến rắc rối. Toàn làm ngược. Bọn tôi ý, sợ nhất tuổi. Vì là cái không phanh được. Sợ quá, đâm nói dối. Có đứa, bốn năm nay lúc nào cũng cháu mười chín. Để vẫn được diện đầu một. Mẹ tôi bảo:

- Cái nhà cậu Chư con ông Nguyên thế mà chí thú ra phết. Con thấy thế nào?

Tôi không hiểu ý mẹ. Chỉ biết ông Nguyên là phó của bố, thi thoảng đến nhà tôi chơi, có lần dắt theo người con trai tên Chư. Chắc mẹ tôi nói người này. Tên như người. Thanh niên tí tuổi mà béo ục ịch, đi chưa hết cầu thang đã thở hi hóp. Gọi tôi, một câu cô Thu, hai câu cô Thu. Con gái chúng tôi rất ghét ai gọi mình bằng cô. Rủa thầm: Cô? Ừ cô, em bố mày đấy Chư, ngón tay chuối mắn nần nẫn, nói líu ríu mồm đầy lưỡi. Hay nhìn trộm. Tôi bảo:

- Cậu lợn ấy thế nào. Làm sao con nhận xét được?

Mẹ tôi chép miệng:

- Cậu ấy hiền, sau này vợ con được nhờ. Không như thằng Quang quen con hay đến đây, lấc cấc lắm.

Quang học trên tôi một lớp, hay nghiêng ngó và huýt sáo nên mẹ tôi không ưa. Chứ tôi thấy Quang có tính đàn ông hơn. Nhưng chẳng hơi đâu đi so sánh thế làm gì. Tôi còn nhiều thời gian ở phía trước, chưa thể sa đà vào chuyện giời hơi đất

Hỡi.

Mẹ tôi bảo: đằng nhà bác Nguyên muốn xin con cho cậu Chư. Tôi hiểu xin có nghĩa là tôi sẽ phải làm vợ Chư! Ôi. Giời sụp chăng? Hay là cái nhà ông Nguyên kia thần kinh? Nhưng là chuyện thật. Đêm ấy tôi không chợp mắt. Tại sao thế? Không nghĩ sao được Vì sau đó bố tôi cũng gọi tôi vào nói chuyện. Và còn căng hơn. Ông tuyên bố cho bên ấy cưới trước khi ông về hưu. Lý do rằng:

- Bác Nguyên sẽ thay bố. Có quyết định rồi. Nhà bác ấy cơ bản. Công ty lại sắp lên tổng. Thằng Chư ngoan, lấy nó, bố không còn phải lo gì cho tương lai sau này của con.

- Bố làm gì vội thế – con đang học, nghĩ gì chuyện chồng con?

- Mày không nghĩ nhưng tao là bố mày tao phải nghĩ. Mày đi học thì ảnh hưởng gì. Sau này thi cử, phân phối công tác khi ra trưởng. Ông Nguyên sẽ lo hết. Lúc đó mày đã là dâu con nhà người ta rồi. Mày không thương bố hử.

Tôi không hiểu chuyện lấy chồng của tôi lại liên quan đến tình cảm bố con. Mẹ kể, xưa ai có con gái lớn chậm gả chồng, lo như có bom nổ chậm trong nhà. Tôi sáp thành một quả bom.

Sự việc dồn dập. Bố tôi bảo, lễ ăn hỏi vào cuối tháng. Sau đó một tuần: cho cưới. Bây giờ giữa hè, nóng chẩy mỡ, các cụ có điên không. Ông bảo, thời buổi khoa học kỹ thuật. Máy lạnh giải quyết hết. Muốn thu có thu, muốn đông có đông. Vấn đề là thời cơ. Thời cơ gì. Như là mở chiến dịch, như đi buôn? Thời cơ lấy chồng. Rồi thời cơ đẻ con. Còn những thời cơ gì? Lấy chồng? Có đứa cùng học phổ thông với tôi, lấy chồng có con sớm quá, đi đâu mặt mũi xanh mét, quần áo khai mù, ngơ ngơ ngác ngác, chưa đến đã dợm chân đòi về. Lo con khóc. Lo chồng mong. Lo bữa ăn. Trăm thứ lo. Mà có tí tuổi đầu, trước lúc đón dâu còn nhẩy dây.

Gian buồng tôi ở bỗng dưng trở thành xa lạ. Ngoài ban công kia, một nhành hoa giấy rung rinh. Xa nữa là một vùng cây xanh. Đứng đấy nhìn xuống là đường phố. Về đêm sáng rực ánh đèn. Nếu tôi đi lấy chồng, buồng này khóa kín cửa. Về nhà chồng, tôi phải ở cùng bố mẹ chồng, không thể bưng bát cơm ra ngồi ban công vừa ăn vừa ngóng trời ngóng đất. Trăm thứ bà giằn công việc sẽ trút lên đầu tôi. Nếu tôi có một tình yêu thì đã đành một nhẽ. Đằng này. Chịu hy sinh tất cả vì cậu ấm Chư này ư?

Ngày hôm sau, tan học. Đã thấy Chư vè vè xe máy ở cổng trưởng, như muốn đưa tôi về. Mấy đứa cùng ngoại trú đẩy tôi: bồ mày đang đợi kìa. Cười ré. Khổ thân tôi. Đâm ra bực. Mặc dù biết Chư chẳng tội tỉnh gì. Nhưng. Không có anh chàng, tôi đang sống thanh thản. Chư rà rà xe sau tôi một quãng, nửa muốn hỏi nửa không. Tôi dừng lại, tiến sát đến trước mặt:

- Hình như anh có điều gì muốn hỏi tôi. Cứ nói ra xem.

Khuôn mặt tròn thần ra, ngơ ngác. Rồi lúng búng điều gì nghe không rõ. Đàn ông đàn ang gì mà lạ. Chính tôi phải là người ngượng nghịu mới đúng. Đằng này hắn lại đỏ mặt. Kỳ thật.

- Thu này

- Lại gì nữa đây?

- Cuối tháng này bố mẹ tôi sang bên nhà.

- Hai cụ vẫn thường sang. Hình như có lần tôi thấy cả anh nữa thôi?

- Không, sang để thưa chuyện

- Chuyện gì vậy?

Anh ta im. Tôi bỗng thấy mùi mốc meo bốc lên từ câu nói của anh ta. Nó cũ kỹ như lời tỏ tình của các cụ. Thanh niên chúng tôi bây giờ không thế. Bỗng dưng thấy mệt mỏi.

- Anh về đi. Không thấy kỳ quá sao.

Và bồi thêm: Anh dẹp dự kiến ấy trong đầu đi. Tôi với anh chẳng có chuyện gì để nói với nhau cả. Thật đấy.

Rồi tôi đi thẳng. Chẳng biết cậu ta có rồng rắn lên mây ở đằng sau nữa hay không.

Về nhà. Hai cụ nhà bàn bạc. Xưa nay ít chuyện gì để các cụ ngồi với nhau lâu như thế.

- Bên bác Nguyên dăm chục mâm. Nhà mình tùng tiệm cũng khoảng ngần ấy. Mỗi mâm bỏ rẻ ba trăm, uống tính ngoài. Vị chi... Tiếng mẹ tôi lầm thầm. Bố tôi cắt ngang: Tiền nong khỏi lo... Cần công việc gọn gàng. Bà tính nếu chờ cuối năm, tôi cầm quyết định hưu rồi thì hỏng, khéo lắm hòa vốn. Còn bây giờ. Các phòng ban, các đội sản xuất. Bổ nhau ra mà nộp. Như nhà Đức Thịnh, cưới con xong tậu được cái xe mười hai chỗ cho thuê chở khách, ung dung.

- Nhưng xem con Thu nhà này có vẻ không đồng ý thằng con bác Nguyên lắm.

- Nó ba tuổi ranh, phù phiếm, chỉ chuộng hình thức. Sau này hối không kịp nữa. Bà biết không, ngày xưa bố mẹ gả bán, có manh mối, trăm đám thành cả trăm. Bây giờ, chúng nó lấy nhau, bỏ nhau xoành xoạch. Thật là hỏng.

Tôi buồn đến mười làm phút Bố tôi già rồi. Ông, giám đốc một công ty lớn đang ăn nên làm ra lên Tổng công ty. Thế mà nghĩ như một lão nông. Thật chẳng hiểu ra làm sao. Nhưng cái việc này nó ảnh hưởng đến đời tôi. Cả cuộc đời. Tôi không thể im. Mẹ tôi bảo: Cá không ăn muối cá ươn. Tôi dựa vào ai bây giờ?

Tôi biết. Sóng gió sẽ nổi lên. Tôi một phía. Bố mẹ tôi một phía với gã tiểu thị dân béo ị kia. Họ hàng ở xa. Nhưng nếu có gần, cũng ai chẳng thèm nghe tôi. Một cô bé mới nứt mắt. Trứng khôn hơn vịt sao được. Người nào cũng nghĩ theo nếp: con gái lớn có người rước đi là may. Nhưng các cụ ơi, hãy để tôi được sống một ngày, tôi được sống một đời.

Gần khuya. Bố mẹ tôi ngồi chĩnh chện trong sa lông. Gọi tôi ra. Nếp nhăn trên trán bố tôi nhiều hơn. Vẫn là những câu nói mọi ngày. Một điều mới: tôi cần mua sắm gì, trang điểm gì. Cứ dự toán lên, hai cụ sẽ duyệt chi ngay. Và thêm, ngày kia gia đình bên ấy sẽ dẫn lễ ăn hỏi. Cứ như là chuyện dương nhiên. Tôi không còn viện dẫn được thêm điều gì. Chuyện đi học ư? Thì về đàng ấy vẫn đi học lại còn tốt hơn đàng khác. Vì chỉ cần ra trường là đương nhiên có một chân trong tổng công ty. Bố tôi ảo não:

- Mấy tháng nữa bố về rồi, lo cho con sao được nữa, khi mà còn những hai năm mày mới ra trường?

- Con không thể lấy cậu ấm ấy. Không lấy là không lấy.

- Nó đui què mẻ sứt gì, mà chê? Tao chúa ghét hạng tốt mã rẻ cùi. Ngữ ấy đừng có mà vào cái nhà này..

Mẹ tôi: Con hơn nó thì nó sẽ sợ con, nể con. Gái hơn hai trai hơn một. Bố mẹ đã đi so tuổi. Hợp nhau lắm. Còn gì nữa nào.

- Nhưng con không yêu lắm... Tôi thấy ngạt như một con cá bị vứt lên cạn. Và trong lúc cùng quẫn, không kiềm chế được, tôi buột miệng:

- Bố mẹ thích thì cứ đi mà lấy. Con thà chết...

Tôi không còn nhớ những gì xẩy ra sau đấy nữa. Chỉ biết rằng tình thế không thể cứu vãn được. Quyết tâm của bố tôi trong chuyện này chẳng hề suy chuyển. Có đứa bạn xui đến thẳng nhà Chư mà nói. Nhưng tôi không thể làm thế. Chỉ còn một cách. Lặng lẽ ra đi. Thế thôi. Có thể sau đấy bố tôi sẽ nghĩ lại. Còn tôi. Phải giã từ những ngày sống êm đềm từ bao năm qua cũng chẳng dễ dàng gì. Ký túc xá của trường tôi chật chội và thiếu thốn mọi bề. Nhưng tôi thấy còn sung sướng và tự do hơn khi phải sống chung một mái nhà với người mà lòng mình dửng dưng

Con đường trước mặt của tôi còn lắm chông gai. Tôi biết. Nhưng cũng không thể làm thế nào khác được. Tôi biết bố mẹ tôi chưa chịu thôi ngay. Nhưng, tôi đành mang tiếng là một người con bất hiếu, ít ra là trong chuyện lấy chồng.

Nguyễn Minh Hồng | Báo Văn Nghệ

------------

Bài viết cùng chuyên mục:

Đọc truyện: Chờ người trong tranh - Truyện ngắn dự thi của Đặng Ngọc Hùng Đọc truyện: Lửa trạng nguyên. Truyện ngắn dự thi của Tống Ngọc Hân Đọc truyện: Đêm định mệnh. Truyện ngắn dự thi của Nguyễn Việt Hòa Đọc truyện: Ngọc lan trắng. Truyện ngắn dự thi của Nguyễn Thanh Bình Đọc truyện: Búa nước. Truyện ngắn dự thi của Nguyễn Thị Phương Lan
Văn nghệ Trẻ, số 7/1997
Trôi giữa hương sen nghịch mùa - Truyện ngắn của Đinh Thành Trung

Trôi giữa hương sen nghịch mùa - Truyện ngắn của Đinh Thành Trung

Baovannghe.vn - Mây đen tan. Nắng nhẹ. Hương sen còn sót hòa cùng hương bùn đánh dạt mùi khói xe, đưa nụ cười của hai người đàn ông lấp đầy mi mắt đang nhìn về phía mặt trời.
Nhà thơ Anh Ngọc bình thơ "Thề non nước"

Nhà thơ Anh Ngọc bình thơ "Thề non nước"

Baovannghe.vn - Bài thơ Thề non nước không chỉ là lời tự tình đằm thắm của một tâm hồn thủy chung, tin cậy mà còn cất giấu trong mình một bức tranh thiên nhiên tráng lệ và quyến rũ mê hồn vì một vẻ đẹp như sinh ra bởi con người và cũng chỉ dành để cho con người.
Nhà văn Nguyễn Chí Trung

Nhà văn Nguyễn Chí Trung

Baovannghe.vn - Nhà văn Nguyễn Chí Trung trưởng thành từ thiếu sinh quân. Đi lính từ bé và làm cán bộ đại đội từ trẻ - ngày nền nông nghiệp của ta xứng danh với cái tên “nghèo nàn và lạc hậu” thì ông hòa nhập vào lớp thanh niên “vượt lên hàng đầu, vượt là vượt như tên bay”...
Đại biểu Quốc hội: Làm rõ "Tiêu chuẩn Việt Nam" trong áp thuế tiêu thụ đặc biệt

Đại biểu Quốc hội: Làm rõ "Tiêu chuẩn Việt Nam" trong áp thuế tiêu thụ đặc biệt

Baovannghe.vn - Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ Tám, sáng nay, 22.11, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội đã nghe Tờ trình và báo cáo thẩm tra về dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi).
Bản tin Văn nghệ ngày 22/11/2024

Bản tin Văn nghệ ngày 22/11/2024

Baovannghe.vn - Bộ VHTT&DL tổ chức hội nghị triển khai Chỉ thị 30/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam.