Cứ như năm ngoái hoa nở, năm nay chúng ta mới ngửi thấy hương thơm. Tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh của nhà văn Việt Nam Bảo Ninh xuất bản từ năm 1990, mãi đến hôm nay sau 25 năm, mới được dịch và giới thiệu ở Trung Quốc, quả thực không khỏi có chút cảm giác: bất luận cây lê nhà hàng xóm có kết trái to đến mấy cũng chỉ là một trái táo nhỏ tầm thường, còn với văn học Âu Mỹ, cho dù chỉ là một quả nho, cũng có thể nhanh chóng tỏa mùi đào mùi lê ở Trung Quốc thật không chỉ khiến người ta cảm thấy buồn cười mà còn thấy hợp lý. Sự đến muộn của nó, đối với Bảo Ninh, đối với Nỗi buồn chiến tranh đều không làm ảnh hưởng đến thành tựu và vị trí vốn có của tác gia và tác phẩm; mà bị ảnh hưởng là văn học Trung Quốc, nhất là sáng tác và sáng tác của văn học quân đội Trung Quốc. Tôi với tư cách là một tiểu thuyết gia đã có đến 26 năm trong quân đội, đọc xong tiểu thuyết này, cảm giác mãnh liệt nhất, đó chính là giả sử ngay từ cuối những năm 80 hoặc muộn hơn một chút vào đầu những năm 90, chúng ta có thể dịch Nỗi buồn chiến tranh sang tiếng Trung giống như Vòng hoa dưới núi của nhà văn Trung Quốc Lý Tồn Bảo vừa xuất bản hồi đầu những năm 80 đã gần như đồng thời được dịch sang tiếng Việt, thì nhận thức của chúng ta đối với văn học Việt Nam sẽ không đến nỗi phong bế và hạn hẹp như hôm nay; văn học quân đội Trung Quốc cực kỳ cũ kỹ và trì trệ hôm nay cũng nhất định sẽ không bảo thủ, bó chân và tụt hậu như vậy. Thậm chí có thể nói, nếu như có thể kịp thời dịch và giới thiệu Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh, văn học quân đội Trung Quốc ngày ấy và bây giờ đều rất có thể đã mang một cảnh sắc và sinh khí khác.
Nghiền ngẫm Nỗi buồn chiến tranh với tư cách là một tiểu thuyết chiến tranh phương Đông trong bối cảnh văn học thế giới và so sánh nó với dòng văn học chiến tranh mà chúng ta có thể đọc được của Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, rõ ràng Nỗi buồn chiến tranh đánh dấu tầm cao của một thứ văn học mới. Một tác phẩm cực hiếm của một nhà văn châu Á phương Đông, hiếm có trong những miêu tả, nhận thức, phê phán thẩm mĩ đối với chiến tranh, hiếm có trong những lý giải và tình yêu đối với con người, những suy tư về nhân tính, hiếm có cả trong biểu đạt nghệ thuật – một phương diện cá tính nhất, quan trọng nhất đối với một nhà văn.
So sánh với văn học quân đội Trung Quốc hay đơn thuần là tiểu thuyết chiến tranh Trung Quốc, thì trong khi chúng ta tôn thờ chủ nghĩa anh hùng như một đấng thiên thần của văn học quân đội thì Bảo Ninh của Việt Nam đã coi bản tính của con người và bản thân sự sống là thần thiêng của sáng tác; thì ra, ở một đất nước có chế độ giống chúng ta, cùng đọc và hấp thụ dưỡng chất cao cả trong văn học quân đội của Nga (Liên Xô cũ), Bảo Ninh đã vượt qua đồng thời hy vọng đưa tác phẩm của anh giao lưu và đối thoại với sáng tác về chiến tranh của văn học thế giới; trong khi sáng tác về chiến tranh của chúng ta cho đến hôm nay vẫn còn dở dang ở hành trình “văn học quân sự cách mạng Liên Xô” của 70 năm về trước thì Bảo Ninh từ cách đây 25 năm đã đến từ con đường ấy rồi cũng từ con đường ấy vượt qua nó chỉ trong một bước chân. Sự vượt thoát ấy, không chỉ trong cốt truyện, nhân vật, tình tiết và miêu tả đối với chiến tranh, mà chủ yếu ở chỗ, anh đã đặt chiến tranh vào số phận của cả nhân loại để nhận thức về nó và về con người.
Đối với nhà văn Trung Quốc, cái mà chúng ta thiếu trong sáng tác về chiến tranh không phải là kỹ xảo, kỹ thuật, kinh nghiệm hay ngôn ngữ và xúc cảm mà là những suy ngẫm về chiến tranh và số phận con người; là tình yêu trong chiến tranh đối với tất cả mọi người trong đó có cả “kẻ thù” của chúng ta. Là bản thân cái biên giới rộng hay hẹp của tư duy văn học. Sở dĩ như vậy là vì chúng ta không thể thực sự mở tung và thoát khỏi xiềng xích truyền thống mà văn học chiến tranh kinh điển như Tam quốc diễn nghĩa đã để lại, đồng thời cũng không thể thoát khỏi vầng hào quang lóa mắt của ý thức cao cả trong văn học quân đội Liên Xô. Cũng chính vì lẽ đó, sự đến muộn của Nỗi buồn chiến tranh đã khiến văn học quân đội Trung Quốc bỏ lỡ một thời kỳ hấp thu đẹp nhất trong những năm 80-90 của thế kỷ trước.
Song, sự có mặt của Nỗi buồn chiến tranh ngày hôm nay vẫn có thể khiến cho những nhà văn và độc giả mẫn cảm và khiêm nhường của Trung Quốc ý thức được sự giàu có và đa dạng của văn học Việt Nam, ý thức được ý nghĩa phổ quát của văn học cũng như độ cao của văn học chiến tranh phương Đông mà Nỗi buồn chiến tranh đã đạt tới.
Tầm cao ấy khiến cho chúng ta nhớ đến những tiểu thuyết có liên quan đến chiến tranh đến từ phương Tây những năm gần đây, được dư luận ca ngợi và bán chạy trên thị trường là Người đua diều1 và Người đọc2. Hai tiểu thuyết này, bất luận về kĩ xảo sáng tác của cá nhân nhà văn hay sự thể nghiệm cuộc đời đối với sự khốc liệt của chiến tranh và thân phận con người đều không thể so với Nỗi buồn chiến tranh về độ trực diện và phong phú. Giá trị hơn người nhất của Nỗi buồn chiến tranh, cũng là chỗ được chú tâm làm nổi bật nhất, đó chính là: tác giả bất luận miêu tả chiến tranh như một bức họa sơn dầu của Francisco de Goya hay cảm nhận về cỏ cây tinh tế hiếm có đối với thiên nhiên rừng mưa nhiệt đới của Việt Nam, hay miêu tả nội tâm của Kiên, Phương, người đàn bà câm, cô y tá, Thịnh, Từ, Can,… như một lũ con rơi của cuộc đời; tất cả dường như đều nhằm biểu đạt sự rên xiết trong huyết lệ cho thân phận con người trong chiến tranh. Song điều khiến tôi kinh ngạc trong tiểu thuyết này, không chỉ là sự tàn khốc của chiến tranh cũng như sự hủy diệt của nó đối với tâm hồn con người, mà còn là cách thức xử lý hình thức nghệ thuật trong văn bản tiểu thuyết – tức phương pháp sáng tác tiểu thuyết: sáng tác của nhà văn Bảo Ninh và sáng tác của nhân vật chính của tiểu thuyết – Kiên, câu chuyện chiến tranh về Kiên và các nhân vật khác mà Bảo Ninh kể, câu chuyện về thân phận trong tiểu thuyết mà Kiên sáng tác cho đến cả việc đọc và sắp xếp cuốn tiểu thuyết trong tiểu thuyết của người viết ở cuối tác phẩm, tất cả tạo nên một cốt truyện ghép mảnh và sáng tác chồng xếp, khiến cho Nỗi buồn chiến tranh đạt đến kết cấu gấp hộp một cách vô cùng thành công. Chính lối tự sự có thể gọi là kết cấu gấp hộp này đã làm cân bằng và trì hoãn một cách hầu như hoàn mĩ đối với sự mạo hiểm của tính trữ tình quá độ trong cốt truyện tiểu thuyết, khiến cho phong cách trữ tình và nghị luận kiểu sân khấu kịch trong văn học truyền thống phương Đông trở thành thứ màu sắc phương Đông trong văn học thế giới (tính trữ tình trong tiểu thuyết của Yasunari Kawabata cũng có màu sắc này).
Do chỗ thiếu thốn về sự đọc đối với văn học Việt Nam, tôi cứ nghĩ mãi về cái lối trữ tình đầy mạo hiểm trong Nỗi buồn chiến tranh, nó có nguồn cội từ đâu, nó là do tác giả đã kế thừa từ thời thi ca phát triển đến đỉnh cao trong văn học cổ Việt Nam, hay nó được nuôi dưỡng từ địa lí, thiên tượng của khí hậu rừng mưa nhiệt đới ở đất nước này, giống như những sáng tác của nhà văn miền Nam Trung Quốc bao giờ cũng tinh tế, mềm mại và ẩm ướt hơn các nhà văn miền Bắc, hay đó thuần túy chỉ là những xúc cảm và chất thơ trong khí chất cá nhân của Bảo Ninh? Tóm lại, lối trữ tình miên man lan tràn và “lâm bệnh trọng/ nguy kịch” đã tạo nên khí chất cũng như sự mạo hiểm của tự sự trong tiểu thuyết này, nhưng trữ tình vừa đến độ tràn bờ thì may thay, luôn là lối tự sự chồng xếp túi hộp phương Đông của Bảo Ninh đã trì hoãn kéo nó khỏi trượt rơi, từ đó khiến cho trữ tình đạt đến một vẻ đẹp “phục hồi/ thuyên giảm”. Cũng vì thế, kết cấu của Nỗi buồn chiến tranh càng khiến tôi nảy sinh một cảm kích thẩm mĩ. Sau khi đọc một mạch hết Nỗi buồn chiến tranh, ý nghĩ đầu tiên chợt nảy ra trong tôi lại là, giả sử bộ tiểu thuyết này không phải ra đời ở Việt Nam, thứ tiếng mẹ đẻ đã đem lại sinh mệnh cho tiểu thuyết này không phải là tiếng Việt mà là tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Đức,… không biết liệu nó sẽ được ngợi ca rầm rộ như thế nào trên thế giới? Liệu có thể vì một sự vượt thoát nào đó trong sáng tác mà bị cấm không? Hay sẽ được ưu ái bao vây bởi tới tấp những giải thưởng? Vậy nên, gấp sách lại, tôi bỗng khát khao vô hạn được đọc tiếp những tiểu thuyết và sáng tác khác của nhà văn phương Đông này. Tôi cứ nghĩ, một nhà văn đã viết nên một tác phẩm như Nỗi buồn chiến tranh ở cái tuổi 38, liệu sau đó anh ta sẽ lại viết gì đây? Với tài hoa, trải nghiệm và sức cảm ngộ của anh với văn học, cho dù cả đời anh chỉ dồn sức viết về đề tài chiến tranh Việt – Mỹ hay đề tài quân đội Việt Nam như nhà văn Mỹ Tim O’Brien, anh cũng có thể dễ dàng viết nên những tiểu thuyết vượt lên chiến tranh, vượt lên phương Đông, xuất phát từ chiến tranh nhưng lại khiến cho người đọc và phê bình đều quên đi chiến tranh, quên đi biên giới như Phía Tây không có gì lạ, Catch-22, Đại úy Pantaleón Pantoja và nhiệm vụ bí mật, Hạ chí tuyến, Viên tướng của đạo quân chết,3… Và như thế, trong chờ đợi, tôi chân thành bày tỏ lòng kính trọng tự đáy lòng đối với sáng tác của Bảo Ninh, văn học Việt Nam và dịch giả. Thầm nghĩ, nếu không có những người như Hạ Lộ kiên trì gian khổ dịch thuật, nhận thức về văn học Việt Nam của chúng ta hôm nay vẫn còn dừng lại ở những kí ức đông cứng và cũ kĩ của mấy mươi năm trước, vẫn tưởng rằng trên thế gian này, ngoài mấy cây bút lông và cả rừng bút sắt của hai nền phú hộ là Trung Quốc và phương Tây kia ra, thế giới không đâu còn bút nghiên giấy mực gì nữa. Cũng nhân đây, cho phép tôi bày tỏ sự áy náy và hổ thẹn, vì để cho tiện, cũng đã hẹp hòi như ai, đặt Nỗi buồn chiến tranh vào trong dòng tiểu thuyết chiến tranh của phương Đông để mà trình bày và so sánh. Bởi lẽ bất luận từ góc độ nào, Nỗi buồn chiến tranh cũng đều vượt lên và tràn ra khỏi những ý nghĩa đó, cũng đều là một sáng tác hiếm có của châu Á trong văn học thế giới.
Diêm Liên Khoa (Yan Lianke) là nhà văn nổi tiếng Trung Quốc. Ông được trao gần 30 giải thưởng uy tín trong nước và quốc tế, trong đó có những giải thưởng danh giá như Lỗ Tấn, Lão Xá, Hoa ngữ quốc tế Hoa Tung, Franz Kafka,...; sách của ông được dịch và xuất bản hơn 20 nước trên thế giới. Năm 2015, bản dịch tiểu thuyết Kiên ngạnh như thủy của ông do Nguyễn Thị Minh Thương chuyển sang tiếng Việt được trao Giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội ở hạng mục dịch thuật. Bài viết Tầm cao của văn học chiến tranh phương Đông được Diêm Liên Khoa viết thay Lời giới thiệu bản dịch tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh sang tiếng Trung, in từng phần trên tạp chí Thiên nhai [Chân trời], Hội Nhà văn tỉnh Hải Nam từ tháng 11/2015. Ra đời từ 1996, tạp chí này hiện đã trở thành một tạp chí quan trọng của giới tư tưởng, văn hóa Trung Quốc. |
Thiên Thai dịch( NguồnTiasang)
-----------
1 Tiểu thuyết của nhà văn Afghanistan hiện sống tại Mỹ Khaled Hosseini. Bản dịch sang tiếng Việt do Nguyễn Bản chuyển ngữ. Xem Người đua diều, Nhã Nam & Nxb Phụ nữ, 2007 (tái bản 2013). Mọi chú thích trong bài đều của người dịch.
2 Tiểu thuyết của nhà văn Đức Bernhard Schlink. Bản dịch sang tiếng Việt do Lê Quang chuyển ngữ. Xem Người đọc, Nxb Phụ nữ, 2006 (Nhã Nam & Nxb Hội Nhà văn tái bản 2013).
3 Các tiểu thuyết nổi tiếng của nhà văn Đức Erich Maria Remarque, nhà văn Mỹ Joseph Heller, nhà văn Peru Mario Vargas Llosa, nhà văn Mỹ Henri Miller, nhà văn Albania lưu vong tại Pháp Ismail Kadare; trong đó các tiểu thuyết được dẫn của Maria Remarque, Kadare đã được dịch sang tiếng Việt, một số tác phẩm khác của các nhà văn này cũng đã được chuyển dịch.