Diễn đàn lý luận

Cái nhìn thấu hiểu của nhà văn

Mộc Uyển
Tác phẩm và dư luận
10:00 | 07/04/2025
Baovannghe.vn - Đọc Bóng đêm và mặt trời của nhà văn Dương Hướng thông qua hơn 300 trang sách đã khái quát được sinh hoạt văn hóa một vùng quê. từ hát chèo, chơi diều, đến tiếng trống cà rùng tiễn người mất vào lòng đất...
aa

Khi nhắc đến nhà văn Dương Hướng người ta thường nghĩ ngay đến tiểu thuyết Bến không chồng nhận giải Hội Nhà văn Việt Nam năm 1991 - cùng giải năm đó còn có tiểu thuyết Mảnh đất lắm người nhiều ma của nhà văn Nguyễn Khắc Trường; Nỗi buồn chiến tranh của nhà văn Bảo Ninh (mà khi in lần đầu đổi tên thành Thân phận của tình yêu). Sau giải thưởng, độc giả vẫn chờ đợi ba nhà văn ở những tác phẩm tiếp theo. Đáp ứng sự kì vọng đó, nhà văn Dương Hướng trả lời bằng ba tiểu thuyết đó là Dưới chín tầng trời (in năm 2007); bản thảo tên Người gác đèn biển đang đợi in và Trần gian đời người (in lần đầu năm 1991). Tiểu thuyết này vừa được Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam tái bản năm 2025 với tên gọi Bóng đêm và mặt trời.

Cái nhìn thấu hiểu của nhà văn
Bìa tập Bóng đêm và mặt trời

Ở đây, tiểu thuyết Dưới chín tầng trời ngay từ khi ra đời đã chịu nhiều sóng gió, tác giả của nó đã chịu nhiều búa rìu dư luận, và cho đến giờ tác phẩm này vẫn chưa được tái bản. Còn tiểu thuyết Bóng đêm và mặt trời thì sao. Vì ra đời quá sớm, gần người chị Bến không chồng nổi tiếng nên cuốn tiểu thuyết em này dường như bị quên. Cái sự quên ở đây không nằm ở chỗ đó là một cuốn tiểu thuyết dở, một cuốn tiểu thuyết nối dài của Bến không chồng. Mà cái sự quên ở đây bởi nó rơi vào giai đoạn độc giả đang phần nào đó muốn dứt ra sự đọc về cải cách ruộng đất, sự rạn vỡ trong mối quan hệ làng xóm, về chiến tranh mất mát bao nhiêu năm ròng. Đất nước đổi mới hòa nhập quốc tế, sách dịch (ở miền Bắc) bung nở ồ ạt – không chỉ có Nga Xô nữa mà là Mỹ La Tinh, Châu Âu, Trung Quốc, Nhật Bản… vì thế người đọc giai đoạn đó cũng cần sự đọc khác, cách kể khác, tâm thế đối diện hiện thực cũng phải khác đi của nhà văn. Thế cho nên Bóng đêm và mặt trời như một hòn đá ném vút đi xuống vịnh Hạ Long xanh ngắt (nơi nhà văn hiện đang sinh sống) biến mất bao năm trời.

Bóng đêm và mặt trời chia làm hai phần truyện chính. Phần đầu là cuộc sống bức bối, ăn thua, trả thù ở làng Nguyệt Hạ. Xoay quanh ba gia đình: gia đình Ngô Quất, người có sáng kiến giết người ghê rợn trong cải cách ruộng đất bằng cách thức “gầu song” để tiết kiệm đạn; gia đình lão Kình, người có con trai tên Mùa (chủ thuyền buôn), chỉ vì có khẩu súng và mấy viên đạn phòng thân mà bị vu là gián điệp rồi xử tử; gia đình Lưỡng, người nhận lệnh của Ngô Quất trực tiếp xử từ Mùa, khi có lệnh sửa sai từ trên về đã trốn đi giữa đêm treo cổ chết giữa đồng. Ba gia đình có ba người con cùng lớn lên với nhau: Đô (gọi Ngô Quất bằng dượng, vì Ngô Quất từ làng Gồi cạnh bên đến lấy, ở với mẹ anh ở làng Nguyệt Hạ); Bức cháu nội lão Kình; Nga con gái Lưỡng.

Bi kịch ở đây là cả Đô và Bức đều yêu Nga, nhưng Nga chỉ yêu có Đô. Cô đã trao chiếc vòng bạc tín vật của mình cho anh hẹn ngày gia đình hai bên qua nói chuyện. Nhưng rồi lão Kình đã dùng tiền để mua lại chiếc vòng đó từ tay Ngô Quất khi Đô đi làm ăn xa. Chiếc vòng tín vật là điều kiện bắt buộc ở làng để trai gái được đến với nhau, là tục lệ nhiều đời tốt đẹp. Cuối cùng, vì lệ cũ Nga miễn cưỡng lấy Bức, làm dâu nhà lão Kình chịu bao dè bỉu, đè nén, khi công cuộc trả thù lúc đó mới bắt đầu.

Ở phần này tôi ấn tượng với những người đàn ông của làng Nguyệt Hạ, cái cách mà lão Kình trả thù hai gia đình đã làm hại con trai mình trong những năm tù mù lịch sử lẫn nhận thức sao mà oái oăm, điên khùng mà cũng đáng thương đến thế. Lão bắt các thành viên trong gia đình sống khốn khổ, sống như trong trại tập trung dồn tiền mua bằng được chiếc vòng cầu hôn – để lấy chính con gái kẻ giết con trai mình về làm dâu, đồng thời để đẩy kẻ thù trực tiếp của mình xuống vũng bùn bi kịch khi chỉ vì ham tiền đã đánh đổi hạnh phúc cả đời của con trai mình. Lạnh, Mát, Bức ba đứa cháu nội của lão Kình cũng được đào tạo từ bé về thù hận, về thiết chế gia đình nhất ông, nhì bố, rồi đến anh cả, nhà chỉ có một người ra lệnh và tất cả tuân theo. Rồi cả Ngô Quất nữa, từ một vị “vua con” của làng, có quyền sinh quyền sát dần nát rượu, sống với nỗi dày vò, ân hận trong quá khứ.

Sang đến phần hai là cuộc trở về đời thường của Đô và Bức. Không gian chính khi này là không gian thành phố. Đô từ chiến trường trở về, học Viết văn Nguyễn Du và công tác tại một đơn vị của sở văn hóa. Vết thương chiến tranh của Đô khi này còn có phần nhiều hơn so với Giang Minh Sài trong Thời xa vắng của Lê Lựu; Kiên trong Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh; hay như chính Vạn trong Bến không chồng trước đó. Cả ba nhân vật trên đều có niềm tin – dù đã mất – để bấu víu vào, có nỗi buồn rõ ràng để biết mình buồn vì điều gì, vẫn còn chút gì đó sót lại trong con người để giữ và để sống, quan trọng hơn họ vẫn còn đồng đội bên cạnh dù là bằng xương bằng thịt hay là các bóng ma quá khứ địch/ ta bảng lảng. Đô ở đây chẳng biết mình sống vì điều gì. Tình yêu không, gia đình không, lí do để trở về làng quê cũ Nguyệt Hạ cũng không. Ngay cả cái sự viết tác phẩm của một thời đã qua nơi anh cũng rất lỡ cỡ – bởi Đô không có đủ quyết tâm, anh vẫn loay hoay viết những điều mà anh biết không dẫn tới đâu.

Còn Bức từ một chàng trai khỏe mạnh nơi làng quê, anh dũng, xông xáo trong chiến đấu giờ đã là một thương binh tàn tạ cần có người nuôi, ngày ngày gắn chặt với chiếc xe đẩy. Từ trại thương bệnh binh nặng, gia đình nơi làng quê khó khăn những năm bao cấp quyết định đón anh về để nuôi cho có thêm đồng rau đồng cháo, vì nhà nước trả lương cho người chăm. Sống trong căn nhà riêng với hình bóng Nga người vợ cũ lúc nào cũng hiển hiện, với sự bất lực của thân xác khiến anh đi đến quyết định tự tử nơi gầm cầu ao.

Nga ở đây vẫn yêu Đô, nhưng cô vẫn còn nặng trách nhiệm với Bức – người chồng ép buộc năm nào; trong cái mớ bòng bong đó cô lại có con với thứ trưởng Tòng từ những năm Mĩ đánh phá miền Bắc, khi quyết tâm tìm lên thành phố để thoát khỏi cái bí bách làng quê ụp xuống từng ngày – khi mà Đô mà Bức đã lên đường nhập ngũ. Nga luôn luôn phải đối mặt với câu hỏi “Bố con là ai?” của con gái Thu Nguyệt. Cô cấm không cho Tòng nhận con, cũng không muốn nói cho con biết bố nó là ai. Cái bi kịch vòng quanh của người phụ nữ làng Nguyệt Hạ, từ bà Kình chết đuối cầu ao, đến Bông (mẹ Bức), Thảo (mẹ Đô), Nghĩa (mẹ Nga) đến đời Thu Nguyệt hay chăng sẽ chấm dứt, bởi nơi cô sinh khác, môi trường sống khác, và cách nghĩ cũng khác. Tất cả rồi sẽ thành quá khứ…

Nhà văn Dương Hướng thông qua hơn 300 trang sách đã khái quát được sinh hoạt văn hóa một vùng quê, từ hát chèo, chơi diều, đến tiếng trống cà rùng tiễn người mất vào lòng đất. Cạnh đó là mối quan hệ giữa người với người ở từng chặng giai đoạn lịch sử; cùng sự biến cải tâm lí có tốt có xấu của mỗi dạng người. Cái nhìn của người viết là cái nhìn toàn tri không hằn học, nhìn như cuộc sống vốn diễn ra có cả vui cả buồn, có cả hằn thù yêu thương, có cả sự trả giá vì lỗi lầm quá khứ… Nhà văn ở đây không đứng cao hay thấp hơn mà đứng cùng nhân vật của mình, để sống cùng họ, thương/ hiểu họ ngay cả khi họ làm ác, vì ông hiểu cái ác của họ có nguồn cơn từ đâu.

Giờ nếu hỏi nguyên mẫu trong Bóng đêm và mặt trời có không, tôi dám chắc nhà văn sẽ trả lời là có. Như trong Bến không chồng đầu tiên và Người gác đèn biển gần nhất cũng vậy. Các nhân vật từ làng Đông làng Đoài, từ phố thị Hạ Long cứ thế bước từ đời sống thực vào trang sách qua lăng kính thẩm thấu của nhà văn…

Nhiều nội dung quan trọng được cho ý kiến tại Phiên họp thứ 44 của UB TVQH

Nhiều nội dung quan trọng được cho ý kiến tại Phiên họp thứ 44 của UB TVQH

Baovannghe.vn - Phiên họp thứ 44 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến sẽ diễn ra 2 đợt: đợt 1 từ ngày 14-17/4/2025 (dự phòng: từ ngày 18-21/4/2025); đợt 2 từ ngày 23-28/4/2025 (dự phòng: chiều 28/4-29/4/2025)
Các tác giả sách cho biết họ được trả ngày càng ít hơn

Các tác giả sách cho biết họ được trả ngày càng ít hơn

Đằng sau mỗi cuốn sách là tháng năm âm thầm của người viết, nhưng phần lớn tác giả Pháp hôm nay đang đối diện một thực tế phũ phàng: thu nhập không đủ sống, công sức không được ghi nhận xứng đáng. Viết lách không còn là giấc mơ sống được bằng đam mê. Với mức thù lao trung bình chỉ hơn 1 euro mỗi cuốn sách, đa phần nhà văn Pháp phải xoay xở bằng công việc khác để tồn tại. Một phần ba trong số họ cho biết quan hệ với nhà xuất bản đã xấu đi – một tín hiệu đáng suy ngẫm cho cả ngành xuất bản.
Chương trình chính luận nghệ thuật "Hẹn ước Bắc - Nam"

Chương trình chính luận nghệ thuật "Hẹn ước Bắc - Nam"

Baovannghe.vn - Chương trình sẽ diễn ra vào 20h10 ngày 22/4, tại Sân vận động quốc gia Mỹ Đình – Hà Nội, được truyền hình trực tiếp trên kênh truyền hình Quốc phòng Việt Nam - QPVN, tiếp sóng trên các Kênh truyền hình Trung ương, địa phương và phát trực tuyến trên các nền tảng truyền thông Internet.
Thông cáo báo chí về ngày làm việc thứ nhất của Hội nghị Trung ương 11, khóa XIII

Thông cáo báo chí về ngày làm việc thứ nhất của Hội nghị Trung ương 11, khóa XIII

Baovannghe.vn - Sáng 10/4, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 11 khóa XIII đã khai mạc tại Thủ đô Hà Nội.
Miền nhớ tháng Tư… - Thơ Thương Tính

Miền nhớ tháng Tư… - Thơ Thương Tính

Baovannghe.vn- Nghiêng nghiêng miền nắng tháng Tư/ Về ngang nỗi nhớ