Anh em chơi địa lan ở phía đông nam Hà Nội gọi ông là trưởng lão Mạnh Thường Quân. Trưởng lão, do ông có thâm niên chơi địa lan lâu nhất, năm sáu mươi của thế kỉ trước, Thời ấy, Hà Thành có mấy người biết tới cây địa lan và chơi địa lan. Người ta tính trên đốt ngón tay, gọi tên từng người cư ngụ ở làng, ở phố cũng chỉ được có dăm bảy vị.
Tôi mải mê đào xới vùng văn hoá Xứ Đoài quê tôi mà tôi vốn rất tự hào. Do vậy tôi không biết tiếng ông và cụ giáo Nghị chơi địa lan ở phía đông nam thành Hà Nội.
Một mùa xuân, đúng là một sáng xuân ấy mà tôi được biết ông. Đó là một sáng xuân thật đẹp. Nắng xuân vàng rực màu hoa cúc đổ đầy ắp mặt đường, tạo thành những con sông, con suối, óng ánh. Đi trên đường có cảm giác như bơi trên sông vàng, suối vàng vậy. Mới ngoài cái Tết ta mấy hôm, hoa địa lan đang nở rộ. Hội địa lan Hà Nội có sáng kiến thi hoa địa lan. Thế là hoa địa lan quí hiếm ở mọi nhà đua nhau đưa về sân nhà anh Thuỷ.
Anh Thuỷ dáng cao ráo, ria con kiến, cắt tỉa chăm chút, hiếu khách và lịch thiệp. Thật đúng là ngày hội hoa. Mảnh sân nhà Thuỷ người chen người, hoa chen hoa. Mỗi chậu hoa đều ghi tên hoa, tên người trồng, ép ni lông, buộc dây ngoắc vào lá. Vậy mà chủ nhân vẫn không quên giới thiệu chậu hoa quí với bạn chơi lan. Nào lan rừng mới khai thác dăm ba năm nay như đại hoàng, đại thanh. Nào lan truyền thống ở Hà Nội như thanh ngọc, hoàng vũ. Nhìn vào cả một rừng hoa đẹp chẳng khác nào nhìn cả rừng con gái đẹp. Mắt tôi cứ hoa lên chả thể phân biệt được hoa nào đẹp nhất. Nhưng tôi lại chú tâm tới chậu đại mặc của anh Huy Tấn. Ngồng thẳng khoẻ khắn, bông to, dõng dạc, đen anh ánh trông thật đường bệ, bắt mắt. Đại mặc thật xứng đáng là bậc hiền nhân quân tử. Xứng đáng là đấng minh quân như các cụ ta vẫn gọi. Một bậc minh quân giữa Hoàng hậu, Hoàng phi và một bầy cung tần mỹ nữ. Dẫu sao hoa đẹp và mới cũng như gái đẹp và lạ vẫn được người đời chú ý hơn, chăm chút, vuốt ve hơn. Bạn chơi lan cứ dán mắt vào giò đại thanh, cánh hoa, lưỡi hoa xanh trong như ngọc, giò đại hoàng hoa tựa cánh hoa thuỷ tiên vàng tươi rực rỡ. Với tôi lại khác. Tôi bị chậu đại mặc gây ấn tượng mạnh.
Thấy tôi ngắm mãi chậu đại mặc của anh Huy Tấn, ông Tín dân thể thao, huấn luyện viên bóng truyền, có vóc người cao lớn, đẹp mê hồn, rỉ tai tôi:
- Mình cũng có chậu đại mặc đẹp thế này. Mình mang tới đây, chưa chắc chậu này đã đẹp hơn chậu nhà mình.
Tôi sáng mắt:
- Nhà ông có trồng được nhiều địa lan không?
- Ít thôi. Mình còn có vũ lá thẳng.
Ô, tôi thấy lạ quá. Tôi mới chỉ thấy hoàng vũ lá cong ôm chậu chứ chưa thấy vũ lá thẳng bao giờ. Ông Tín nói thêm:
- Vũ của mình sai hoa gấp rưỡi vũ lá cong. Nghĩa là vũ lá cong độ mười một, mười hai bông một giò thì vũ lá thẳng nhà mình mười sáu, mười bảy bông kia và luôn quay theo ánh mặt trời.
Như sực nhớ điều gì, mãi đến khi mọi người ra về đã vãn, chợt ông hỏi tôi:
- Ông viết rất nhiều về địa lan. Ông đã xem vườn lan của trưởng lão Mạnh Thường Quân khả kính của cánh mình chưa?
Tôi thưa:
- Chưa. Tôi nghe tên ông ấy còn thấy lạ nữa là.
Và thế là ông Tín giải thích cho tôi về cái tên trưởng lão và Mạnh Thường Quân. Ông hẹn tôi, hôm nào sẽ đưa tôi đến nhà Mạnh Thường Quân. Tôi hỏi:
- Hôm nay trưởng lão có đi không?
- Có. Nhưng ông ấy vừa về rồi.
Tôi xuýt xoa, hỏi:
- Trưởng lão có mang địa lan đến đây không? Mà tôi không thấy chậu nào ghi tên ông cả.
- Không bao giờ. Trừ một trường hợp... nhưng mà thôi. Tôi gặng thể nào ông cũng không nói. Ông bảo, mình chỉ dặn ông, Mạnh Thường Quân của cánh này chỉ tuyển loại địa lan đẹp nhất vào vườn nhà mình thôi. Chứ không bao giờ bán ra. Do vậy ông đừng hỏi giá cả.
Giống các gia đình ở Hà Nội, đất chật, người đông, vườn lan của trưởng lão đặt mãi tận sân thượng tầng ba. Bạn chơi phong lan đến đây hẳn sẽ vô cùng say đắm bởi những giò đai châu, đuôi chồn, quế lan hương, cát li a... Đặc biệt anh đai châu. Lá xanh phàn phạt, rễ to bằng ngón tay út, tua tủa đâm ra.
Tôi chúi mắt vào những chậu địa lan thanh ngọc. Bao nhiêu là thanh ngọc. Trong lúc thanh ngọc xịn giá tính bằng vàng mà trưởng lão có tới mười lăm chậu. Đã vậy còn có thêm chậu thanh ngọc tàu và chậu thanh ngọc Nam Định. Xem những chậu thanh nhà ông, bắt mắt đến mức khó có thể rời ra được. Lá thanh ngọc dựng đứng, tua tủa xanh bóng màu ngọc. Chưa có thứ địa lan nào có lá đẹp đến thế. Có lẽ vì vậy các cụ ta xếp nó đứng đầu bảng các loại hoa xanh, hoa vàng. Thanh ngọc là cô gái đẹp nhất, sang trọng nhất, thanh tao nhất. Có thể kể ra bao nhiều thứ nhất. Tôi bảo:
- Thanh ngọc của trưởng lão mới thật đúng là thanh ngọc truyền thống của người Hà Nội.
Trưởng lão tâm sự:
- Tôi theo đuổi tới bốn năm mới mua được hai thân. Hai thân bốn triệu. Bốn triệu lúc đó tức là hai cây vàng. Trước những năm chín mươi dường như cả miền Bắc chỉ một nhà ở Ngọc Hà là có thanh ngọc. Có độc một chậu hai thân. Mỗi năm nó chỉ đẻ được một hoặc hai dẻ hành thôi. Cây quí thì ít, quá ít, người tìm mua lại nhiều. Do vậy tôi phải chờ. Chờ mãi. Đi đi, lại lại, không biết bao nhiêu lần. Tôi thấp thỏm lo người khác giả hơn giá họ bán mất. Mặc dù tôi ra giá đã cao ngất ngưởng rồi. Cậu chủ nhà bảo:
- Chú cứ về có gì cháu sẽ điện cho chú.
Mình muốn mua, nhưng thực lòng tôi không muốn cuộc sống dồn đuổi cậu ấy đến cùng mà phải bán chậu hoa gia bảo cho mình.
Nhưng cũng luôn luôn lo cậu ấy sẽ bán cho người khác.
Rốt cuộc cái duyên đã đến với tôi.
Tôi đem chậu hoa về hôm trước, hôm sau, ông bạn bên ngành lâm nghiệp cứ thiết tha bảo tôi để lại cho ông. Biết làm thế nào. Trong lúc bạn mình cũng say mê quá. Tôi đành nén ruột, nén tiếng thở dài chở chậu hoa tới nhà bạn. Nhà văn ơi, sao chuyện bạn tôi giống chuyện Người trồng địa lan đến thế. Từ hôm ấy, không hiểu làm sao chậu thanh ngọc cứ lụi dần lụi dần đi. Lá rỗ, cây non thối nõn. Ông bạn tôi sợ, lại cho cháu chở trả tôi. Để ở nhà tôi được vài tháng đã thấy lá xanh trở lại, mầm non bật lên. Tôi gây dần, ngoảnh đi ngoảnh lại đã được mười lăm chậu xanh tốt ngời ngời như anh thấy đây. Còn bạn tôi đã ra đi. Ra đi ngay từ ngày trả lại tôi chậu địa lan. Tôi thương tiếc bạn. Nhưng cũng không ân hận. Bởi tôi đã chiều bạn hết lòng. Bạn tôi đã tận mắt thấy tay sờ cây thanh ngọc và tưới tắm chăm sóc nó.
Trưởng lão bảo, trồng lan đã khó, chăm lan càng khó như nói chuyện với người mù. Do vậy, khúc này tôi kể nhà văn có tin không?
Tôi bảo xin ông cứ nói.
Ấy là, sau khi bán mất hai thân lan thanh ngọc cho ông, anh chàng chủ nhà cứ ngơ ngơ, ngẩn ngẩn như người mất hồn. Đi thì chớ, ngủ thì thôi, nếu ở nhà, anh ta cứ vơ vẩn ở chỗ vẫn đặt chậu lan thanh ngọc. Anh ta bảo, tiền có thể kiếm được, chứ lan nhà mình thì kiếm đâu ra. Một phút tối dạ nghĩ quẩn do túng quẫn mà mắc phải sai lầm không sao sửa được. Thanh ngọc của nhà bán cho hàng chục người. Tiếc rằng không ghi địa chỉ. Và do vậy không biết đâu mà mua lại. Chỉ duy nhất có ông Mạnh Thường Quân là có điện thoại, có địa chỉ. Nhưng ông đã tuyên bố chỉ tuyển vào chứ không bán ra. Nhất định không bán ra. Anh gọi điện cho ông xin mua lại vài thân, ông bảo ông đã nói rồi. Anh nói: chú có cạn tình với cháu không? Đáp, không. Đó là nguyên tắc của tôi. Đã là nguyên tắc thì bất di bất dịch. Mong cậu hiểu cho. Vậy nên, mỗi lần nhớ cây thanh ngọc nhà mình, vợ chống anh ta lại chở nhau xuống nhà ông. Cái lần đầu trưởng lão thấy lạ quá. Đến thăm mình, thăm lan sao lỉnh cà, lỉnh kỉnh những phích, những chén, những chậu thau đồng... Rõ chật một làn. Vợ chồng anh ta leo thẳng lên vườn lan trên tầng ba. Trưởng lão mời thế nào cũng không rẽ vào phòng khách. Ra cái điều tôi nhớ lan nhà tôi, tôi chỉ thăm lan thôi. Hai vợ chồng cứ xuýt xoa vuốt từng cái lá lan khen lan đẹp quá. “Cháu phấn khởi quá. Chú chăm tốt hơn nhà cháu". Rồi anh ta đổ nước trong chai lavie ra cái chậu thau đồng sáng choang nhỏ bằng vốc tay. Anh ta giải thích, nước mưa ở bể nhà mình thôi chứ không phải lavie la vũng gì. Cái chậu này, bố con anh ta vẫn dùng để rửa mặt gội đầu cho thanh ngọc. Trưởng lão, chăm lan khá ư kĩ lưỡng cẩn trọng từ chọn đất sú hồ Linh Đàm, phơi đất, đến chế độ bón phân tưới nước. Nhưng ông vẫn dành đôi chút trả nó về tự nhiên.
Trưởng lão không bao giờ tắm gội cho lan. Ông bảo, ở rừng ai lau lá nó cơ chứ. Anh chàng chủ cũ lấy một cái khăn bông nho nhỏ, trắng tinh, dấp nước, vắt nước, tay đỡ phía dưới lá, tay rửa mặt phía trên. Anh ta lau xong, mặt lá thanh ngọc mỡ màng, xanh biếc, đẹp kì diệu. Trưởng lão tấm tắc. Ông nói tránh, mình tuổi cao, mắt kém, đau lưng, không thể lau được lá lan thường nhật như anh.
![]() |
Tiếp đến, anh chủ cũ, lấy ra bộ ấm chén mắt trâu màu nâu sậm bằng đất nung. Anh khoe bộ này có từ thời ông nội anh. Trước kia có những sáu cái giờ chỉ còn có bốn. Phích nước sôi đã mang theo, anh súc ấm, tráng chén pha chè. Anh mời trưởng lão một chén, một chén cho lan. Anh bảo, lâu lắm, bọn mình mới gặp nhau, mời thanh ngọc uống một chén chè ngon. Trưởng lão giật mình, hãi sợ, giơ vội bàn tay lực lưỡng, dày dặn ra cản:
- Đừng! Đừng! Mình xin cậu. Cậu đừng tưới nước nóng vào lá, vào gốc lan.
- Không, chú ơi, cháu để đây thôi. Vừa nói anh vừa đặt chén nước xuống gần mép chậu. Anh ta nói tiếp - Cháu thấy ông nội cháu và bố cháu đều làm thế.
Dĩ nhiên, hai chén còn lại là của vợ chồng anh ta. Chị vợ bảo:
- Cháu không biết uống chè chén đâu chú ạ. Từ ngày, bố chồng cháu mất, nhà cháu, pha nước mời lan, bảo cháu uống với lan, thế là đâm nghiện. Nhà cháu bảo, trồng địa lan thuận vợ thuận chồng thì lan cũng tốt tươi và hương rất đậm. Chú ơi, chú có thấy địa lan rất kén người không? Có người xem lan xong mùi thơm còn thấm vào da thịt, quần áo, phảng phất mãi kia. Ngược lại có người chẳng bao giờ ngửi thấy mùi thơm.
Trưởng lão thấy lạnh người. Cô ta kể hồn nhiên, nhưng trưởng lão đau thắt cả ruột gan.
Vào những năm sáu mươi của thế kỉ trước một cô gái có vẻ đẹp cao sang sinh trưởng trong một gia đình danh gia vọng tộc đã suy từ mãi trên phố cổ nghe tin có chàng trai xứ Thanh trồng được địa lan. Chị không tin lắm. Bởi địa lan chỉ dành riêng cho các bậc trí giả thôi.
Tò mò chị lẳng lặng một chuyến du xuân đến vườn lan của chàng trai nọ. Đó là một buổi sáng trời quang sau mấy tuần liền mưa phùn gió bấc. Mặt đường se se. Nắng nhẹ như tơ tằm vương vịt trên ngọn cây. Nhìn thấy chị, anh ngỡ ngàng trong giây lát. Dường như từ giây phút ấy họ đã bị hút hồn nhau. Anh cao lớn, ngăm đen, điển trai nhưng không phải đẹp như mẫu trai Hà Nội, trắng trẻo, thư sinh. Chị nói rõ cuộc viếng thăm lạ lùng, bất ngờ này. Anh hồ hởi, thật lòng đón tiếp. Anh bóc gói chè Thanh Hương hảo hạng, loại chè ngon nhất thời đó, đãi khách. Hoa địa lan đang độ sung mãn. Chị ngồi nhấp từng ngụm trà mà hồn vía thì như bị mùi hương địa lan thanh khiết từ ngoài cửa sổ phả vào vây bủa. Đã lâu lắm rồi, chị mới thấy mùi hương đặc biệt và quí phái. Bố chị Nam tiến, ông nội mất, em trai còn nhỏ chẳng ai biết chăm sóc những chậu địa lan. Thiếu bàn tay, thiếu hơi người, nó mỗi ngày một gầy còm tàn lụi. Bây giờ, cha mẹ chị chỉ còn giữ được ba cái chậu cổ thấm đẫm mồ hồi tay ông nội. Hết tuần trà, anh mời chị ra xem lan. Chị tròn mắt nhìn chú ong mật đang đậu vào cánh hoa đại mặc đen sáng hút mật. Chị ý tứ chỉ cho anh. Con ong say mật đến nỗi có thể nhón tay túm vào cánh nó. Anh định xua đi. Chị vội ngăn lại. Chị nói, chỉ ong mật đến được với hoa địa lan. Còn các loại bướm không bao giờ bén mảng đến nổi. Lạ thế chứ. Đến lượt anh ngạc nhiên. Thì ra nhà chị đã trồng địa lan. Chị khẽ gật đầu, nhưng nó lại hết rồi. Từ đó anh chủ tâm theo dõi. Quả như chị nhận xét. Chị bảo đây là lời ông nội chị. Chị rất thích lan đại mặc. Nó đẹp từ lá dày, xanh đen, vặn vỏ đỗ, trông rất kiêu hùng chứ không quá dài, không thẳng đuỗn đuột như kẻ ươn lười, ngay lưng. Còn như hoa đại mặc, mới thật tuyệt vời. Chị mỉm cười duyên dáng, trên cả tuyệt vời ấy chứ. Mầu hoa anh ánh đen mà không phải là đen, anh ánh nâu cũng không hẳn là nâu thật lạ, thật bắt mắt. Đấy là kể đến hương. Chị hỏi, anh đã thấy hương địa lan nào thơm hơn, đậm hơn, bền hơn, tỏa xa hơn hương đại mặc không? Anh gật đầu xác nhận. Mãi đến bây giờ, đã ngót bốn mươi năm, chị luôn bị ám ảnh mùi hương đại mặc vừa như kín đáo vừa như lan toả vấn vít bên chị. Do vậy, có biết bao nhiêu chàng trai tìm đến với chị, có thể nói không ngoa rằng, có thời kì có đến cả chục người xếp hàng trước cửa nhà chị. Không hiểu do số phận ông trời định đoạt, hay lý do gì đó, chị cứ thấy các anh ấy có thứ mùi khang khác. Cái mùi họ không thể hoà nhập được với mình. Cho nên phải miễn cưỡng tiếp họ, trò chuyện với họ, chị không vui. Chị thường im lặng. Họ hỏi câu gì chị trả lời câu đó. Nhát gừng và chủng chẳng. Bà mẹ không chịu nổi sự kén bạn của cô con gái yêu, gầm lên: "Mày có làm sao không con ơi! Tại sao ai đến cũng lắc đầu. Già kén kẹn hom mất thôi con ạ." Bố bảo: “Vợ chồng là cái duyên cái số. Bà đừng có mà gầm gào lên như thế.” “Số mà cái nỗi gì. Ông chỉ được cái bênh con. Ông để con chết già ở nhà này à?" Giờ đây, bố mẹ chị đã qua đời. Bố ra đi rất thanh thản. Y như một giấc ngủ. Còn mẹ vẫn khắc khoải: “Con ơi, sao con không yên bề gia thất để mẹ mừng." Chị nắm tay mẹ, đổ hai hàng nước mắt. Bà cô ruột chị, kéo chị ra: “Đừng để nước mắt nhỏ vào mặt mẹ cháu.” Năm tháng qua đi, chị vẫn ung dung, thư thái, sống trong hương đại mặc thầm kín và cao quí. Và chàng trai xứ Thanh biết ươm trồng địa lan từ khi tuổi còn rất trẻ ấy là một trí thức đứng đắn và hiểu biết. Anh rất tự hào với dòng tộc của mình, một dòng tộc có đến ba đời, nội ngoại, chỉ sống bằng nghề làm thuốc chữa bệnh, cứu người và dạy học mở rộng tầm mắt cho thiên hạ. Vào áp Tết Nguyên đán hàng năm anh đều chọn châu đai mặc đẹp nhất đem lên nhà chị. Quãng sau rằm tháng giềng, hoa hết độ sung mãn anh lại chở về chăm sóc.
![]() |
Địa lan đại mạc. |
Anh chủ cũ cầm chén nước mời lan lên đưa cho vợ, nói cắt dòng suy nghĩ của ông:
- Bây giờ, cháu mời lan thưởng chè.
Mỗi lần, chị đến thăm lan, chị cũng thích ngồi cạnh lan, thưởng trà như thế này. Nhất là mùa lan nở, hương trả quyện với hương lan tạo thành một mùi thơm ngây ngất, đam mê.
Anh ta lấy trong làn ra cái khăn bông khác, trắng tinh, khô ráo, cẩn thận thấm vào chén nước trà trên tay vợ rồi tay trái đỡ sống lá, tay phải lau nhẹ lên mặt từng cái lá lan. Anh ta giải thích:
- Nước chè có chất ta-nanh. Mời lan thưởng trà đặc như thế này sẽ phòng được sâu bệnh cho lan.
Bốn mươi năm chơi lan, bốn mươi năm tuyển lan, trồng lan, chăm lan, trưởng lão chợt nghĩ, cái sự am hiểu về lan của mình vẫn chưa là gì cả. Bởi cây lan khó ở một chút, do muội do nấm, mình lại vội phun thuốc trừ sâu. Hơn nữa, bây giờ mới có thuốc trừ sâu trừ nấm, chứ ngày xưa, ngày xưa... Thảo nào ở xứ Đoài xưa, ở Hà Nội những bậc trí giả chơi lan thường cha truyền con nối. Và dường như, cao hơn, nó còn được truyền bằng gen nữa. Do vậy họ không tuyên truyền, không quảng bá mà chỉ lặng lẽ đời sau theo đời trước. Phần nữa, họ có nói ra, phỏng mấy ai tin?
Tôi hỏi trưởng lão Mạnh Thường Quân:
- Ông có chuyện vui.
- Chuyện vui thì không nhưng nghĩ mà buồn cười. Trước kia bạn bè quí mến nhau, xẻ cho nhau một vài thân lan. Từ ngày mở cửa, văn hoá trọc phú tràn vào mọi nhà, làm tha hoá cái thú chơi tao nhã. Giá lan đẹp lên cơn sốt như sốt chó Nhật thời nào.
- Vì vậy ông buồn cười.
- Không hẳn thế
Ngừng một lát tôi hỏi thêm:
- Trưởng lão đã có mười mấy chậu thanh ngọc xịn sao còn mua thêm một chậu thanh ngọc Nam Định và một chậu thanh ngọc Tàu cấy mô?
- Tôi thích thì mua thêm. Như người ta thích đại thanh, đại hoàng ý mà.
- Không hẳn thế. Ông thấy hoa hai loại kia thế nào.
- Y hệt nhau. To như nhau, màu như nhau, đẹp như nhau. Tôi mang kính lúp ra soi cũng không thấy khác.
Thế thì chơi thanh ngọc tàu cho rẻ. Một vài trăm ngàn một thân. Tuy là nó xấu hơn một chút cũng chẳng sao, tội gì chuốc ngọc Nam Định, ngọc Hà Nội, hai ba triệu một thân. Vậy ông đã so hương mỗi loại chưa.
Trưởng lão ngồi ngay người cười sảng khoái,
Tôi không thể giấu nổi nhà văn rồi. Tôi có căn buồng trên tầng tư kia kín và thoáng. Bởi nó còn có các cửa sổ và cửa ra ban công. Tôi bê mỗi chậu ngọc vào đóng chặt cửa rồi để một đêm, sớm hôm sau mới mở, mang chậu ngọc xuống vườn. Tôi mở hết các cửa cho gió bay hết mùi. Tối đến tôi nhốt tiếp chậu khác. Quả nhiên hương chúng khác xa nhau nhiều lắm. Thanh ngọc Tàu cấy mô nhạt và tan nhanh. Thanh ngọc Nam Định toả đậm và lâu hơn nhiều. Nhưng vẫn không được với thanh ngọc Hà Nội. Cho nên cái anh chủ cũ nó mới nhớ lan nhà nó vẩn vơ cả mấy năm trời. Vợ nó kể nhiều hôm nó giận mình, giận lây sang cả vợ cả con, bỏ ăn bỏ uống.
Vợ nó nói:
- Nhà mình bao nhiêu là lan. Sao anh cứ dằn vặt làm khổ mình mãi về cây thanh ngọc như thế.
Anh chồng quắc mắt
- Em thì biết cái gì!
Gương mặt Mạnh Thường Quân đột nhiên rạng rỡ, đỏ dậy. Ông tháo kính ra lau khá lâu rồi kể tiếp. Áp Tết năm ấy, như thông lệ, ông chở chậu đại mặc đẹp nhất lên cho chị. Chị xoay đi xoay lại chậu đại mặc trên cái đôn cổ bằng gốm Tàu màu men ngọc, tấm tắc:
- Lá và hoa đều rất đẹp. Những năm ngồng. Năm ngồng hoa là ngũ phúc lâm môn. Chà không một chiếc lá nào có tỳ vết.
Nghe chị khen, anh sướng tới mức rộn rạo cả người. Anh bảo:
- Thiên nhiên lạ lắm. Năm nay nhuận một tháng mà hoa vẫn nở đúng Tết.
- Ừ nhỉ. Cơ bản do anh khéo chăm.
Anh cười rõ tươi:
- Sao em chỉ thích mỗi hoa đại mặc nhỉ?
Chị mỉm cười nhè nhẹ. Anh nói tiếp:
- Còn anh chỉ thích hoa thanh ngọc.
Chị bảo:
- Mỗi người một ý.
Mãi sau anh mới hiểu ý tứ của chị. Đại mặc là bậc hiền nhân quân tử. Còn thanh ngọc là mỹ nhân. Thì chính chị đã là giò thanh ngọc đẹp nhất trần đời rồi, còn gì. Chị yêu hoa đại mặc đâu chỉ là hoa đại mặc. Chị yêu là yêu cái hồn vía nó và hồn vía người chăm sóc hoa lan toả vào nhau.