Diễn đàn lý luận

Bài thơ "An Dương Vương" của Đỗ Văn Tri

Trần Bá Giao
Tác phẩm và dư luận 08:37 | 28/03/2025
Baovannghe.vn - An Dương Vương lơ là mất cảnh giác để Trọng Thủy lấy mất nỏ thần là một sai lầm, là một tội lỗi rất lớn với dân, với nước.
aa

AN DƯƠNG VƯƠNG

ĐỖ VĂN TRI

Lầm lỗi vua cha

Giặc đến nhà tưởng láng giềng tốt?

Sao không nghĩ lửa đốt?

Sao không nghĩ gươm đao?

Đường mật trong lời cầu hôn thề thốt

Nóc thành Cổ Loa đã dột

Phòng hoa chợt lạnh khí tà

Nỏ thần thành vô dụng

Đau lòng vận mệnh quốc gia

Gươm thiêng để trừ giặc dữ

Quẫn quay lại xử người nhà?

Hận nước mấy ngàn mùa gió bấc

Sững sờ tưởng mới hôm qua...

LỜI BÌNH

Đỗ Văn Tri một trong những nhà thơ quân đội có những bài thơ đề cập đến đề tài lịch sử một cách thâm trầm và sâu sắc. Một trong những bài thơ gần đây nhất bàn về lịch sử là bài thơ An Dương Vương. Dựa trên truyền thuyết về An Dương Vương trong một dịp đến thăm thành Cổ Loa nhà thơ Đỗ Văn Tri đã gửi gắm tâm sự của mình.

Như tên đề, bài thơ chủ yếu bàn đến nhân vật An Dương Vương.

Ngay từ câu thơ mở đầu, nhà thơ đã đưa ra nhận định có tính phê phán An Dương Vương. Có nhiều nhận định về An Dương Vương; nhiều người đã phân tích những sai lầm của An Dương Vương. Chuyện lịch sử qua góc nhìn nhân gian đã trở thành truyền thuyết. Người xưa gửi gắm vào truyện về An Dương Vương để đưa ra một bài học về dựng nước và giữ nước. Bài học cảnh giác ấy được người đời sau ghi lại để nhắc nhở người dân Việt. Nhà thơ Đỗ Văn Tri thể hiện tư tưởng phê phán An Dương Vương:

Bài thơ
Tranh Huỳnh Hiệu

Lầm lỗi vua cha

Giặc đến nhà tưởng láng giềng tốt

Câu chuyện xưa được nhắc lại. Nhà thơ nói về lịch sử với một thái độ rõ ràng: người đứng đầu một vương triều đã mắc lỗi lầm: mất cảnh giác, cho con rể ở nhà mình (ở rể). Nếu xét về góc độ văn hóa có thể đây là một tập tục. Xét về lô gic của câu chuyện thì đó là một âm mưu: Âm mưu làm giáp điệp của cha con Trọng Thủy.

Không nhắc lại từng chi tiết của câu chuyện, nhà thơ Đỗ Văn Tri đi sâu vào phân tích về nhân vật An Dương Vương. Thực chất với vai trò của một vị vua và trách nhiệm với đất nước, với vương triều của mình An Dương Vương phải coi việc giữ nước là trên hết. Có thể việc gả Mỵ Châu cho Trọng Thủy là một toan tính của ông vua nước nhỏ với một nước lớn để mong có sự hữu hảo từ mối quan hệ của Mỵ Châu với Trọng Thủy. Các câu thơ trong bài thơ ngay ở phần đầu bài thơ liên tiếp là những câu hỏi: Giặc đến nhà tưởng láng giềng tốt/? Sao không nghĩ lửa đốt?/ Sao không nghĩ gươm đao?... Những câu hỏi đó là những câu hỏi nhấn mạnh nhằm bộc lộ thái độ của nhà thơ về nhân vật An Dương Vương.

Sự mất cảnh giác của An Dương Vương là quá tin vào: Đường mật trong lời cầu hôn thề thốt. Đâu chỉ có Mỵ Châu cả tin. An Dương Vương đã chủ quan mất cảnh giác. Vì thế nhà thơ tập trung vào nói về lỗi lầm của An Dương Vương, đó là sự thiếu trách nhiệm của người đứng đầu một nước khi chỉ nghĩ đến chuyện nhà (chuyện gả con gái) mà quên mất chuyện nước phải giữ gìn Nỏ thần để làm vũ khí đánh giặc.

Mở rộng ra một chút, bàn thêm từ truyền thuyết An Dương Vương sai lầm của Mỵ Châu là vì trọng chữ tình và quá tin vào lời đường mật của Trọng Thủy. Ta có thể hiểu với tâm tư của một người con gái mới lớn và được yêu thì đó là cái sai lầm rất dễ xảy ra. Nhà thơ Tố Hữu đã có câu thơ để nói về Mỵ Châu rất đúng; Mỵ Châu vì tình mà quên trách nhiệm của một công dân:

Tôi kể ngày xưa chuyện Mỵ Châu

Trái tim lầm chỗ để trên đầu

Nỏ thần vô ý trao tay giặc

Nên nỗi cơ đồ đắm biển sâu

Ở bài thơ An Dương Vương, nhà thơ Đỗ Văn Tri với thái độ yêu ghét rõ ràng nên trong sự liên tưởng sâu sắc của mình đã thốt lên: Nóc thành Cổ Loa đã dột/ Phòng hoa chợt lạnh khí tà/ Nỏ thần thành vô dụng/ Đau lòng vận mệnh quốc gia.... Đây là những câu thơ gan ruột của nhà thơ. Lời đánh giá, trách cứ của nhà thơ Đỗ Văn Tri thật sắc sảo không màu mè, không thỏa hiệp. Trong trường hợp Âu Lạc bị mất, trách nhiệm của An Dương Vương là lớn nhất. Nỗi đau nước mất do không cảnh giác, quá ỉ lại vào thần linh, vào những gì không phải từ ý thức trách nhiệm trước nhân dân, trước dân tộc chính phải là điều An Dương Vương cần nhận ra; nếu xét về góc độ một con người. Nhưng kết cục của truyền thuyết An Dương Vương là nhân vật An Dương Vương giết người con gái của mình là Mỵ Châu. Như vậy xét về mặt nguyên nhân hay lý do của hành động đó, thì An Dương Vương đã đứng trên cương vị của một ông vua để xử bề tôi của mình. Còn ở bài thơ An Dương Vương của Đỗ Văn Tri thì khác. Nhà thơ đánh giá về hành động của An Dương Vương khác với truyền thuyết. Đó là một góc nhìn về lịch sử, một cái nhìn sâu sắc:

Gươm thiêng để trừ giặc dữ

Quẫn quay lại xử người nhà?

Đây là hai câu thơ hay; có chiều sâu về tư tưởng, mang ý nghĩa nhân văn. Sao lại xử người nhà? khi mà sai lầm, tội lỗi để mất nước chính là do An Dương Vương! Văn học ở thời đại nào cũng chịu ảnh hưởng của tư tưởng thời đại ấy. Truyền thuyết An Dương Vương đã qua hàng ngàn năm lịch sử, gắn với các triều đại phong kiến Việt Nam. Vì thế ở góc nhìn ý thức hệ phong kiến, người xưa khi có phê phán An Dương Vương nhưng vẫn rất nhẹ nhàng theo chiều hướng giảm nhẹ lỗi lầm của An Dương Vương; rồi đưa ra một kết cục: An Dương Vương không chết mà rẽ nước đi vào biển Đông.

Hãy đứng trên lập trường của dân tộc của nhân dân mà phán xử. Nếu cho phép tôi viết lại cái kết của truyền thuyết An Dương Vương tôi xin mạn phép đưa ra cái kết sau: “Đau lòng vì sự u mê, quá tin vào Trọng Thủy để dẫn đến kết cục nước mất; Mỵ Châu đã tự vẫn. Đau trước nỗi nhục vì sự lơ là mất cảnh giác của mình để con bị lợi dụng mà có tội với đất nước; An Dương Vương cũng nhận ra lỗi lầm của mình ông đã tự vẫn theo con”.

Đỗ Văn Tri như muốn đưa ra một lời nhắn nhủ: nước mất thì nhà tan. Cho nên những kẻ nào đó chạy theo lối sống vinh thân phì gia mà có tội đối với đất nước với nhân dân thì muôn đời sẽ bị lên án, phỉ nhổ... Đó là sự liên tưởng từ ý nghĩa của bài thơ để rồi tự nhủ rằng bài học lịch sử còn đó! Người xưa như ở cùng ta, cũng như nhà thơ Đỗ Văn Tri đã kết lại bài thơ:

Hận nước mấy ngàn mùa gió bấc

Sững sờ tưởng mới hôm qua...

Bài thơ bàn về lịch sử, dựa vào truyền thuyết An Dương Vương nên nhà thơ Đỗ Văn Tri có cớ để nói lên suy nghĩ của mình: đó là sự phê phán đối với An Dương Vương, là lời cảnh tỉnh nhắc nhở mọi người hãy cảnh giác. Nhắc lại chuyện xưa, nhà thơ Đỗ Văn Tri muốn nhắn nhủ: Hãy đặt trách nhiệm với đất nước với nhân dân lên trên hết. Cần hiểu hoàn cảnh của đất nước mà ra sức dựng xây đất nước hùng mạnh; phải biết dựa vào nhân dân, vào nội lực để gìn giữ non sông Việt Nam.

Kí ức cánh diều

Kí ức cánh diều

Baovannghe.vn - Những ngày sống ở phố thị ngột ngạt khói bụi, tôi thường dành một khoảng thời gian về chốn quê, nơi tôi có thể mơ về một cánh diều – cánh diều tự do theo gió bay cao, mang theo hết thảy mọi buồn vui, khó nhọc hòa cùng từng câu hát của mây trời.
Ban Chỉ đạo Triển lãm thành tựu KT-XH chính thức có Quy chế hoạt động

Ban Chỉ đạo Triển lãm thành tựu KT-XH chính thức có Quy chế hoạt động

Baovannghe.vn - Quyết định số 65/QĐ-BCĐ ngày 22/5/2025 về Quy chế tổ chức và hoạt động của Ban Chỉ đạo “Triển lãm thành tựu kinh tế - xã hội nhân dịp kỷ niệm 80 năm Ngày Quốc khánh (02/9/1945 - 02/9/2025)” đã được Phó Thủ tướng Mai Văn Chính - Trưởng Ban Chỉ đạo ký ban hành.
Nhà hát Chèo Việt Nam: Công diễn hai vở chèo cổ

Nhà hát Chèo Việt Nam: Công diễn hai vở chèo cổ

Baovannghe.vn - Nhà hát Chèo Việt Nam sẽ công diễn vở “Trương Viên” và “Súy Vân” vào tối 28/5 và 28/6 tại Rạp Kim Mã (71 Kim Mã, Hà Nội).
Khai mạc Festival Nhiếp ảnh quốc tế Việt Nam lần thứ 3 năm 2025

Khai mạc Festival Nhiếp ảnh quốc tế Việt Nam lần thứ 3 năm 2025

Baovannghe.vn - Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm phối hợp cùng Sở VHTT TP Huế đã Khai mạc Chương trình giao lưu, sáng tác Festival Nhiếp ảnh quốc tế Việt Nam lần thứ 3 năm 2025.
Triển lãm tranh màu nước "Bóng xưa sắc hoa"

Triển lãm tranh màu nước "Bóng xưa sắc hoa"

Baovannghe.vn - Chiều 23/5, tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, đã diễn ra lễ khai mạc triển lãm Bóng xưa sắc hoa, giới thiệu các tác phẩm màu nước của GS.TS.KTS Hoàng Đạo Kính.