CAO NGUYÊN
|
MAI LIỄU
Mây bay va vào núi đá
Đá xé mây tả tơi
Sương dâng chồ vào núi đá
Sương vỡ thành muôn hạt rơi.
Ngày mai phiên chợ
Cô gái Mông đem váy ra phơi
Những chiếc váy trùm trên đá
Đá xòe hoa
Mặt trời cao nguyên ngái ngủ
Vén sương vén mây
Nhìn không chớp mắt…
Mọi ngả đường đều tìm đến chợ phiên
Tìm đến một vùng hoa đua nở
Mặt trời suốt ngày lử đử
Như người trai Mông tan buổi chợ
Bò qua núi
Về.
Vó ngựa tung vào đá
Bầm bập đam mê.
LỜI BÌNH
Cao nguyên trong bài thơ chắc là cao nguyên đá Đồng Văn. Bởi chỉ có ở nơi trên là trời dưới là đá, hiểm trở cheo leo ấy, mới có hình ảnh thơ vô cùng ấn tượng: “Mây bay va vào núi đá/ Đá xé mây tả tơi/ Sương dâng chồ vào núi đá/ Sương vỡ thành muôn hạt rơi”. Những động từ mạnh “va, xé, chồ, vỡ”, đối lập với hai danh từ gợi sự mềm mại, mong manh “mây, sương” có tác dụng nhấn mạnh thêm cái hoang sơ, hùng vĩ và cũng hết sức khắc nghiệt của thiên nhiên nơi đây.
Song dù có hoang sơ khắc nghiệt đến đâu, với thiên nhiên, tự ngàn đời, con người luôn mong muốn được chan hòa, bầu bạn. Và, cô gái Mông xuất hiện với động tác phơi váy để ngày mai đi chợ phiên. Hình ảnh “váy trùm trên đá/ Đá xòe hoa” là hình ảnh đẹp pha chút hóm hỉnh, mang tính ẩn dụ cao: Thiên nhiên hình như đã bị vẻ đẹp con người chinh phục. Bởi ngay cả đến: “Mặt trời suốt ngày lử đử” cũng phải “Vén sương vén mây/ Nhìn không chớp mắt”! Và như một tất yếu. Cuộc sống cũng theo đó mà nảy nở, phát triển: “Mọi ngả đường đều tìm đến chợ phiên/ Tìm đến một vùng hoa đua nở/ … Người trai Mông tan buổi chợ/ Bò qua núi/ Về/ Vó ngựa tung vào đá/ Bầm bập đam mê”.
Đến đây có thể ai đó sẽ liên tưởng đến hình ảnh người đàn ông miền núi trong bài thơ “Mùa hoa” của nhà thơ Y Phương: “Mệt như chiếc áo rũ/ Vừa vịn vừa đi vừa ngái ngủ”. Cũng là nét thô mộc, đáng yêu rất đặc trưng của đàn ông vùng cao. Người thì “vịn đi” người thì “bò về”. Song người trai Mông trong thơ Mai Liễu vẫn có nét riêng, thể hiện cho sức mạnh của tuổi trẻ, của đam mê bừng dậy. Hai câu thơ cuối “Vó ngựa tung vào đá/ Bầm bập đam mê” đã nói lên điều đó. Một lần nữa hình ảnh thơ ở khổ đầu được tái hiện. Nếu ở trên là “va vào đá, chồ vào đá” hết sức thụ động. Thì “tung vào đá” đã có cái chủ động, nếu không muốn nói là dũng mãnh đến liều lĩnh rất phù hợp với tính cách của đàn ông miền núi.
Bài thơ có ba khổ. Số câu ở các khổ cứ tăng dần cùng với cách ngắt dòng có chủ ý của tác giả. Đã tạo cho bài thơ cái thế vững chãi mà vẫn gân guốc, thô ráp như con người vùng cao. Tất cả tạo nên một cái nhìn tươi mới, lạc quan về con người cũng như cuộc sống nơi cao nguyên đá hùng vĩ và nên thơ.