Tháng Bảy, những dòng người lại nối dài về với Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Ngã ba Đồng Lộc (huyện Can Lộc, Hà Tĩnh) để tưởng nhớ sự hy sinh cao cả của hàng nghìn chiến sĩ và người dân đã ngã xuống để giữ vững mạch máu giao thông Bắc - Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc.
"Tọa độ lửa" trong chiến tranh
Ngã ba Đồng Lộc (nay thuộc thị trấn Đồng Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh), nằm trên đường Hồ Chí Minh, là giao điểm của Quốc lộ 15A và Tỉnh lộ 2.
Các cựu chiến binh đến viếng thăm, dâng hương tại Nhà bia tưởng niệm Liệt sĩ thanh niên xung phong. (Ảnh: Hoàng Ngà/TTXVN) |
Trong những năm chiến tranh, nơi đây là mạch máu giao thông để hậu phương chi viện sức người, sức của cho miền Nam.
Ngã ba Đồng Lộc được coi là “yết hầu” của mạch giao thông nối liền “hậu phương lớn miền Bắc” với “tiền tuyến lớn miền Nam." Theo đó, từ tháng Tư đến tháng 10/1968, Mỹ đã đánh phá 2.000 lần và gần 50.000 quả bom các loại. Bình quân mỗi m2 ở đây phải hứng chịu trên 3 quả bom tấn.
Quân địch đánh phá ác liệt nhưng vẫn không ngăn nổi tinh thần và ý chí của quân và dân ta. Với tinh thần “Máu có thể ngừng chảy, tim có thể ngừng đập nhưng mạch máu giao thông không bao giờ tắc;” trên cung đường Ngã ba Đồng Lộc, máu của hàng trăm, hàng nghìn Anh hùng liệt sĩ các lực lượng lực lượng như bộ đội, thanh niên xung phong, công an, công nhân giao thông, dân quân, nhân viên y tế, bưu điện, lái xe, thông tin… đã đổ xuống.
Đặc biệt, sự hy sinh của 10 cô gái thanh niên xung phong thuộc Tiểu đội 4, Đại đội 552, Tổng đội 55 đã trở thành “khúc tráng ca bất tử," biểu tượng sáng ngời về ý chí và sức mạnh quật cường, tinh thần dũng cảm của quân và dân ta.
Năm 1989, Ngã ba Đồng Lộc đã được xếp hạng Khu di tích lịch sử cấp Quốc gia. Năm 1995, Đảng và Nhà nước giao cho Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh đầu tư xây dựng, quản lý và khai thác các hạng mục công trình tại Khu di tích.
Ngày 9/12/2013, Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định công nhận Khu di tích lịch sử cấp Quốc gia Đặc biệt trên hệ thống đường Hồ Chí Minh huyền thoại.
Du khách tham quan, tìm hiểu các tư liệu về đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh huyền thoại tại Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc. (Ảnh: Hoàng Ngà/TTXVN) |
Quần thể Khu di tích lịch sử Ngã ba Đồng Lộc bao gồm nhiều công trình ý nghĩa, tiêu biểu là các hạng mục Tượng đài Chiến thắng, Nhà bia tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ thanh niên xung phong toàn quốc, Khu mộ 10 nữ Anh hùng liệt sĩ thanh niên xung phong Ngã ba Đồng Lộc, Nhà bia tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ ngành Giao thông vận tải hy sinh tại Hà Tĩnh, Cột biểu tượng ngành Giao thông vận tải, Tháp chuông Ngã ba Đồng Lộc, Đền thờ Ngã ba Đồng Lộc, Nhà truyền thống Lực lượng Thanh niên xung phong Việt Nam, Nhà truyền thống Ngã ba Đồng Lộc...
"Địa chỉ đỏ" giáo dục truyền thống cách mạng
Chiến tranh đã lùi xa, Ngã ba Đồng Lộc ngày nay là “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cách mạng cho nhân dân và thế hệ trẻ cả nước.
Hằng năm, có hàng triệu lượt du khách đến dâng hương tưởng niệm, tri ân, tưởng nhớ. Đặc biệt, hướng tới kỷ niệm 77 năm Ngày thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2024), từ đầu tháng Bảy đến nay, mỗi ngày Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc đón từ 3.500 đến 4.000 lượt du khách đến dâng hương và tham quan.
Trong bước chân hành hương của mỗi du khách khi về thăm các "địa chỉ đỏ," Ngã ba Đồng Lộc luôn là một điểm đến để lại nhiều ấn tượng sâu sắc khi được nghe những câu chuyện cảm động, được tận mắt chứng kiến những hiện vật lịch sử ấn tượng về một thời sống và chiến đấu gian khổ, quật cường của quân và dân ta.
Chị Nguyễn Thị Hương Nguyệt, du khách đến từ thành phố Thái Nguyên chia sẻ: "Vào các dịp Hè, trong hành trình chuyến du lịch của gia đình mình, chúng tôi đều dành thời gian viếng thăm Ngã ba Đồng Lộc. Được tự tay dâng lên mộ các Anh hùng liệt sĩ những nén hương, bó hoa trắng… khiến tôi vô cùng xúc động."
Không chỉ du khách trong nước, nhiều du khách nước ngoài cũng bày tỏ ấn tượng và dành tình cảm đặc biệt đối với đất nước và con người Việt Nam khi đến với Ngã ba Đồng Lộc.
Ban quản lý ứng dụng công nghệ phục vụ du khách tham quan tìm hiểu về Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc. (Ảnh: Hoàng Ngà/TTXVN) |
Ông Jay Gray, du khách Mỹ đã viết trong sổ lưu niệm dành cho du khách tại Khu di tích: “Tôi là một công dân Mỹ 79 tuổi. Thế hệ của tôi đã bắt đầu cuộc chiến tranh ở Việt Nam. May mắn thay, tôi đã không đến Việt Nam trong suốt cuộc chiến tranh đó. Hôm nay là ngày 7/1/2024 và đây là lần đầu tiên tôi đặt chân đến Việt Nam. Hầu hết người Mỹ ở độ tuổi của tôi đều cảm thấy hổ thẹn vì nước Mỹ đã gây nên cuộc chiến khủng khiếp này tại Việt Nam. Tôi đã do dự khi đến Việt Nam vì nghĩ rằng người dân Việt Nam sẽ ghét bỏ tôi và nước Mỹ. Nhưng tôi đã nhầm, người dân Việt Nam đã đối xử với tôi rất tốt bụng và thân thiện. Tôi rất vui khi thấy Việt Nam đã khôi phục hoàn toàn sau chiến tranh, trở thành một đất nước hiện đại, xanh sạch, an toàn và tân tiến. Tôi biết ơn sâu sắc tất cả những người dân Việt Nam bởi sự tử tế, lòng hiếu khách và sự khoan dung đối với những tội ác khủng khiếp mà nước Mỹ đã gây nên."
Hướng đến kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2024), 56 năm Chiến thắng Đồng Lộc, tưởng niệm 56 năm ngày hy sinh của 10 nữ Anh hùng liệt sĩ thanh niên xung phong Ngã ba Đồng Lộc (24/7/1968 - 24/7/2024), Ban Quản lý khu di tích Ngã ba Đồng Lộc đã chủ động bố trí 100% cán bộ, nhân viên túc trực, sẵn sàng đón tiếp, hướng dẫn, phục vụ du khách về dâng hương, tưởng niệm và nghiên cứu, tìm hiểu, tổ chức các hoạt động giáo dục truyền thống tại Khu di tích.
Anh Đặng Quốc Vũ, Trưởng Ban quản lý Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc cho biết dịp này đơn vị tăng cường vệ sinh môi trường, chỉnh trang cảnh quan, sửa chữa, nâng cấp các công trình, xây dựng các triển lãm hình ảnh, tư liệu, hiện vật, công nghệ không gian thực tế ảo; phối hợp với chính quyền địa phương bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông, phòng, chống cháy nổ, ngăn chặn tình trạng bán hàng rong trong khuôn viên Khu di tích. Phối hợp Ban Thường vụ Tỉnh đoàn Hà Tĩnh tuyển 16 tình nguyện viên tham gia hỗ trợ các hoạt động.
Ban Quản lý cũng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong thông tin, tuyên truyền, đặc biệt là trên các nền tảng mạng xã hội nhằm đưa các câu chuyện lịch sử, tư liệu, hiện vật, hình ảnh về Khu di tích đến gần hơn nữa với thế hệ trẻ và đồng bào cả nước, góp phần tăng cường tình yêu lịch sử, giáo dục truyền thống cách mạng, lòng yêu nước, sự trân trọng, tri ân các thế hệ cha anh đi trước đã hy sinh xương máu cho độc lập dân tộc.
Theo Hoàng Ngà - TTXVN/Vietnam+