Diễn đàn lý luận

Thế Mạc : Lặng lẽ một hồn thơ Xứ Đoài

Chân dung văn học
09:23 | 21/04/2022
Thế Mạc là một nhà giáo, điều này bạn bè và những người yêu mến ông có thể khẳng định một cách chắc chắn, thậm chí họ còn có thế nhớ ông lên lớp giờ đầu tiên ở trường nào sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội.
aa

Thế Mạc là một nhà giáo, điều này bạn bè và những người yêu mến ông có thể khẳng định một cách chắc chắn, thậm chí họ còn có thế nhớ ông lên lớp giờ đầu tiên ở trường nào sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Song, lúc nào Thế Mạc là một nhà thơ thì có lẽ (không phải riêng ông mà rất nhiều người sáng tác khác) không ai dám đoan chắc với chính mình… Thế Mạc chỉ thực sự trở thành nhà thơ lúc ông ý thức được và viết:

Khi tôi lìa khỏi rừng

Được chặt ra một khúc

Tình nhếnh nháng rỗng không

Lòng tối tăm rạo rực…

Môi em kề miệng đấy

Thổi vào tôi mùa thu

(Sáo – Trích trong tập nguồn)

Chính đời sống đã ùa vào tâm hồn mà bản chất thi sỹ trời phú trong ông đã để thi ca cất cánh!

Thế Mạc tên thật là Kiều Thể, ông quê ở xã Cần Kiệm, huyện Thạch Thất, Hà Tây (Hà Nội) – Một địa danh rất nổi tiếng của Xứ Đoài. Sinh ra và lớn lên trong một gia đình Nho giáo nghèo (thân phụ của nhà thơ Thế Mạc cũng là một người chọn đời với nghề dạy học), Thế Mạc được nuôi dưỡng và thừa kế một truyền thống hiếu học mà người khơi nguồn là Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan. Cho tới thời cận đại, tên tuổi Nguyễn Tử Siêu với những tiểu thuyết lịch sử hoành tráng (có thể coi Nguyễn Tử Siêu là một trong những đại diện đầu tiên khai sinh ra tiểu thuyết lịch sử Việt Nam).

Thế Mạc đã có những khát vọng sáng tác ngay khi còn là một chàng sinh viên trên giảng đường đại học. Thành tựu văn học đến với Thế Mạc khi ông còn rất trẻ. Ông kể: Ngày ấy: tất tả từ Tây Bắc (xung phong lên miền núi dạy học) về thủ đô ông vô cùng hồi hộp. Hôm nhận giải thưởng thơ ông còn nhớ bên cạnh mình là nhà thơ Ngô Văn Phú (người cùng được giải). Người trao giải thưởng là nhà thơ Nguyễn Bính và Xuân Diệu. Xuân Diệu đánh giá cao những bài thơ của Thế Mạc viết về đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số. Một trong những sáng tác ấy là bài thơ Chim sơn ca (giải thưởng Tuần báo Văn nghệ, Hội Nhà văn Việt Nam năm 1960). Cho đến hôm nay nhiều người yêu thơ vẫn không thể không nhắc đến bài thơ này khi nói về ông – Nhà thơ Thế Mạc!

Sau một thời gian dài cùng với nghề dạy học, Thế Mạc mang tuổi trẻ của mình đến nhiều vùng đất. Từ Tây Bắc xa xôi đến những bản mường hẻo lánh của tỉnh Hòa Bình. Hết miền núi lại xuống đồng bằng, ông trở về quê hương. Chính nơi đây ông đã để lại nhiều ấn tượng trong cuộc đời dạy học của mình. Rất nhiều thế hệ học trò đã thành đạt, trong số ấy có những người đã trở thành những cây bút quen thuộc trên văn đàn cả nước. Như một định mệnh, bước vào tuổi trung niên, không ai ngờ con người đã một thời rong ruổi ấy lại chọn thị xã Sơn Tây, một thị xã cổ kính và trầm buồn ven chân núi Tản để tiếp tục công việc “trồng người” – Một công việc mà ngay đến cả những người thân nhất cũng chưa bao giờ nghe thấy ở ông một lời tâm sự. Nếu như ai đó có hỏi, họ sẽ nhận được ở ông một nụ cười chứa chất nhiều hàm ý!

Thế Mạc chọn một con ngõ nhỏ nằm khuất lấp sau một dãy phố đẹp nhất thị xã, sống trong một căn nhà nhỏ khiêm tốn nép mình sau những ồn ào phố thị. Những năm tám mươi của thế kỷ trước, đây là khoảng thời gian đất nước đứng trước nhiều khó khăn. Gia cảnh thanh bần trước một đàn con, tất cả đều nhìn vào đồng lương eo hẹp của hai vợ chồng ông.

Mỗi dịp đầu hè, Thế Mạc dạy kèm cho học trò năm cuối chuẩn bị bước vào kỳ thi chọn nghề trong các trường chuyên nghiệp. Ngõ đã vắng lại sâu. Tiếng thầy cứ vang vang khi bình Kiều, khi giảng về “Phong trào thơ mới”. Đặc biệt, đến Nam Cao ông dồn cả tâm huyết của mình vào bài giảng. Hình như cả cuộc đời sư phạm, cả tình yêu văn chương ông dành cho những giờ lên lớp về văn tài này. Vậy mà hầu như trong suốt cuộc đời dạy học chưa thấy ông hỏi ai (kể cả những học trò đã trưởng thành) về chất lượng của những giờ lên lớp ấy!

Năm này qua năm khác, ông cứ nói về sự tha hóa của kiếp người, cứ nói về khát vọng lương thiện, cứ nói về tình yêu thương… Hết thế hệ này đến thế hệ khác cứ lần lượt ra đi (kể cả đi vào chiến trường), một vài năm sau họ dần trở lại. Chẳng ai nói với ai, mỗi ngày một đông thêm. Những mái tóc đã nhuốm màu sương gió bên cạnh những gương mặt non tơ… Tất cả lại quây quần bên thầy mỗi lần có dịp, kính trọng thầy trong hai từ bình dị: “Thầy Thể”! Thầy Thể đã nghỉ hưu gần hai chục năm, rất nhiều thế hệ sau không được học thầy một giờ nào, khi đến thăm hoặc gặp gỡ vẫn… “Thầy Thể”! Những lúc vui vẻ ông thường nói đùa với họ rằng: Tôi đã giải nghệ (nghề dạy học) từ lâu lắm rồi! Nói vậy chẳng biết Thế Mạc còn có nhớ đến câu thơ mà ông đã chắt lọc rất kỹ càng trong cuộc đời mới có được:

Giờ

Chùa đã ngập trong nước hồ

Tôi vẫn quỳ trên thềm đá ong còn lại

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều rất thích bài thơ này, ông nói: Viết xong những câu thơ trên Thế Mạc đã trở thành thi sỹ rồi!

Những người dân Xứ Đoài vẫn thường nói khi đi trên con đường cái quan đoạn từ Sơn Tây đi Phủ Quảng (Quảng Oai). Khoảng giữa đoạn này có địa danh tên gọi “Gốc Gạo Đôi”. Chẳng là trên đoạn đường này có một đôi gạo mấy trăm năm tuổi đứng cạnh nhau ven đường, sừng sững giữa cánh đồng, ngạo nghễ vươn cành trong không gian bao la. Vào dịp tháng ba hoa gạo nở đỏ một góc trời. Trải năm tháng, dân gian thêu dệt vào đây biết bao huyền thoại. Từ những vụ cướp rợn người đến những chuyện tình lứa đôi mùi mẫn… Dẫu sao đi nữa thì Gốc Gạo Đôi vẫn là một cái tên. Gần đây, để mở rộng đường giao thông, đôi gạo không còn nữa nhưng nếu có ai hỏi một cách vô tình: Ông đi đến đoạn nào thì mưa? Người trả lời sẽ rất tự nhiên: Đến gần Gốc Gạo Đôi… Thì ra bao nhiêu năm nay cây gạo còn mãi trong lòng người. Những tưởng chùa đã chìm trong nước là ngôi chùa đã mất. Hoàn toàn khong phải thế, giá trị đã xác lập của con người sẽ mãi mãi tồn tại.

Đồng hành với cuộc đời dạy học, một cuộc đời Thế Mạc đã gắn bó nhiều năm và bỏ ra nhiều công sức nhưng lại ít thành công về mặt… hành chính, ông còn có một đời thơ! Thế Mạc sáng tác bền bỉ, viết như là một phương thức để tồn tại:

Đêm nằm nghe thác

Hát hay là thèm khát

Trái tim đi, em hỡi, ngột ngạt

Ta đập mình vào đá mảnh tung ra bỏng rát

Đững nghĩ rằng tiếng quát, em ơi!

Nhưng điều này được ẩn sâu trong nhân cách một người thầy, một người thầy khiêm kiệm đến khắc kỷ. Đây là lý do để giải thích tại sao ông ít xuất hiện trên văn đàn trong khi bạn bè cùng trang lứa đã gặt hái được nhưng thành công nhất định. Mỗi khi gặp gỡ với người Sơn Tây, Ngô Quân Miện, Băng Sơn, Vân Long, Nguyễn Trác, Tô Thy Vân, Trần Quốc Thực… lại hỏi: Thế Mạc dạo này thế nào? Chẳng ai biết trả lời ra làm sao cả… Rồi tập thơ “Hồ” được xuât bản, sau khi đọc “Hồ”, nhà văn Phượng Vũ nói: Lâu lắm lại thấy một tập thơ hay! Có thể “Hồ” là sự đột phá trong sáng tác của Thế Mạc, Thế Mạc chính là ông khi “Hồ” ra đời. Ông viết:

Cha lại đi trong sấm người trai Đông Chấn

Mẹ lại xa trong sóng rợn Tây Đoài

Bên cạnh việc đem lại một giọng điệu mới mẻ vào làng thơ, Xứ Đoài được Thế Mạc dựng lên qua tập thơ “Hồ” với “dáng vẻ kỹ vĩ của một Tản Viên sơn thánh, thẳm sâu trong đời sống tâm linh người Việt mà tầm vóc lịch sử đổ bóng lên mọi thời đại” (Dương Kiều Minh). “Hồ” được Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT tặng giải A.

*

Thế Mạc là người “rụt rè” trong quan hệ hằng ngày, người mà ông thường xuyên qua lại là kịch tác gia Nguyễn Khắc Dực. (Nguyễn Khắc Dực là anh em chi dưới nhà cụ Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu). Trước khi qua đời ông Dực dặn dò Thế Mạc, quan tâm đến Nguyễn Lương Ngọc (một trong số những người con của ông Dực có “duyên” với văn chương). Không may Nguyễn Lương Ngọc mất sớm, những thành công của Ngọc trong văn chương có một phần sự quan tâm của Thế Mạc. Những năm tháng sau này Thế Mạc không tiếc công sức vun đắp cho rất nhiều thế hệ cầm bút ở thị xã Sơn Tây.

Cả một đời Thế Mạc dạy văn nhưng không bao giờ làm đến… Tổ trưởng tổ văn của trường, không mấy sôi nổi trong các hoạt động xã hội có tính phong trào. Vậy mà rất nhiều năm Thế Mạc làm chủ Câu lạc bộ VHNT thị xã Sơn Tây. Có lẽ đây là giai đoạn Câu lạc bộ VHNT để lại nhiều ấn tượng nhất! Trong giai đoạn này những ấn phẩm mang tên Sông Tích (tập hợp sáng tác của các thành viên Câu lạc bộ) do ông chủ biên mãi mãi sẽ là kỷ niệm đẹp trong công chúng yêu thơ, mãi mãi trong lòng bè bạn!

Năm 1988, nhân Sông Tích III được phép ấn hành vào dịp Tết Nguyên Đán, Thế Mạc ra một vế đối như một nét văn hóa truyền thống: Tích tháng, tích năm qua một miền như cổ tích. Sông Tích tích tụ nhiều tài hoa văn nhân sông Tích. (Sông Tích là dòng sông khởi nguồn từ núi Tản và chảy qua địa phận thị xã Sơn Tây). Có nhiều về đối đối lại rất hay. Xin trích ra một về đối của nhà văn Đỗ Doãn Quát: Hồ nhớ, hồ thương đã bao kẻ viết thơ hồ. Say Hồ hồ dễ mấy ai như Thế Mạc say Hồ. Sau tập “Hồ” là tập “Nguồn”, nói như nhà văn Khuất Quang Thụy: “Nguồn” là sự nối tiếp của “Hồ” vì thế nên ta bắt gặp nhiều ý tưởng của tập thơ trước…

Có lẽ Khuất Quang Thụy đã đúng, trước khi mang bản thảo đến nhà xuất bản, Thế Mạc phô-tô ra nhiều bản và đưa cho bạn bè đọc để tham góp ý kiến. Chẳng biết có phải khi tập “Hồ” ra đời, mặc dù đã được Trung ương liên hiệp các Hội VHNT trao giải A (Giải thưởng hằng năm cho các tập thơ), Thế Mạc vẫn chịu rất nhiều sức ép dư luận trong sáng tác (về phương pháp). Người cho rằng đó là một khuynh hướng sáng tác thơ “mù mịt, thách đố người đọc”. Người lại cho rằng: Chẳng biết tác giả viết gì trong tập thơ này…

Trải năm tháng thời gian, “Hồ” đã khẳng định được vị trí trong lòng người yêu văn chương, nghệ thuật. Thế mới biết độc giả của chúng ta một thời đã quá quen thuộc với thơ theo xu hướng thẩm mỹ nhất định (định sẵn), khó có thể chấp nhận được phương pháp sáng tác (tiếp cận vẫn đề) khác… Năng lực thẩm định của mỗi cá nhân phụ thuộc rất nhiều vào trình độ nhận thức. Bản thân tác phẩm chỉ là sự hoàn thiện đầy chủ quan của tác giả.

Dẫu sao đi nữa, những ngày Xuân ngồi đọc thơ Thế Mạc cũng là một điều thú vị. Đọc ông ta bắt gặp những câu đầy bất ngờ:

Có bao nhiêu cốc vũ

Đã rắc trên đầu tôi

Tóc bạc xanh cốc vũ

Hà hơi mưa lại tiếp tục cuộc lên đường…

Tôi đã cùng đi với thy sỹ vào một ngày như thế, một ngày mà đất trời tích tụ cho một vòng luân chuyển. Tất cả hồi hộp chờ đợi một sự xuất hiện lớn lao là chỉ có TỰ NHIÊN mới đem lại những câu thơ ngẫu hứng như vậy:

Tóc bạc xanh cốc vũ

Những giấc mơ đòng đòng

Đây là hai câu nguyên bản đầu tiên trước khi in thành tập “Nguồn”. Những câu thơ không phải ai ở vào tuổi bảy mươi cũng có thể viết được…


Thời tiết ngày 20/9: Thanh Hóa - Quảng Trị tiếp tục có mưa lớn diện rộng

Thời tiết ngày 20/9: Thanh Hóa - Quảng Trị tiếp tục có mưa lớn diện rộng

Baovannghe.vn - Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, từ đêm 19/9 - 20/9, mưa lớn xảy ra tại khu vực từ Thanh Hóa - Quảng Trị
Báo Văn nghệ nhận Tặng thưởng của Ban Bí thư về hoạt động tuyên truyền lý luận, phê bình VHNT năm 2023

Báo Văn nghệ nhận Tặng thưởng của Ban Bí thư về hoạt động tuyên truyền lý luận, phê bình VHNT năm 2023

Baovannghe.vn - Tối ngày 19.9.2024 Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương đã tổ chức lễ trao Tặng thưởng các tác phẩm lý luận, phê bình VHNT năm 2023, tại Nhà hát Hồ Gươm (Hà Nội)
Đọc truyện: Cây cột nhà bay trên sông. Truyện ngắn dự thi của Lê Hòa

Đọc truyện: Cây cột nhà bay trên sông. Truyện ngắn dự thi của Lê Hòa

Baovannghe.vn - Đọc truyện: Hà Phương; Đồ họa: Thùy Dương
Công điện của Thủ tướng Phạm Minh Chính: Ứng phó bão số 4 và hoàn lưu sau bão

Công điện của Thủ tướng Phạm Minh Chính: Ứng phó bão số 4 và hoàn lưu sau bão

Baovannghe.vn - Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 98/CĐ-TTg ngày 18/9/2024 chỉ đạo tập trung ứng phó áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão và mưa lũ.
Tái hiện lịch sử từ khảo cổ học

Tái hiện lịch sử từ khảo cổ học

Trong số các nhà văn nữ Việt Nam đương đại, nhà văn Vũ Thanh Lịch, Phó giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình, là cây bút văn xuôi có nội lực sung mãn. Chị là tác giả của nhiều truyện ngắn hay, ghi dấu trong lòng bạn đọc mà “Nhà Thánh” - giải nhất Cuộc thi truyện ngắn Lửa mới 2018-2019 do Tạp chí Văn nghệ Quân đội tổ chức là một minh chứng tiêu biểu.