Thiên di là thân phận con người trong một con người hay thân phận con người trong một dân tộc? Thi phẩm Thiên Di của Nguyễn Minh Hùng là chuỗi mã hóa câu từ gấp gãy ngân vang... Gấp gãy vì những ẩn ức bắt nguồn từ xung đột nội tại, giữa khát vọng sống và hiện thực đời sống. Chính mối xung đột làm bật ra lẽ sống. Khát vọng là đôi cánh, hiện thực là quê nhà chìm trong nỗi ly hương. Khát vọng bao giờ cũng lấp lánh vẻ đẹp, thế nên tác giả rất tỉnh táo trước vẻ đẹp quyến dụ của đôi cánh: Yêu là sự thật/ tự do là một sự thật khác. Bởi sự thật là hiện thực làm nên cuộc thiên di.
Nguyễn Minh Hùng sinh năm 1959, quê quán thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, hiện ở tại thành phố Đà Nẵng. Ông là nhà giáo dạy Văn, làm thơ, viết phê bình. Thơ Ông “giàu có về suy tư và đem lại vẻ đẹp ảo huyền” (Trần Tuấn).
Tác phẩm văn học đã in: Chân trời, Thơ, NXB Đà Nẵng, 2002; Văn chương nhìn từ góc sân trường, Tiểu luận phê bình, NXB Văn học, 2003; Cảm nhận văn chương - Ngôi thứ tư số ít, Tiểu luận phê bình, NXB Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh, 2006; Thiên Di(*), Thơ, NXB Hội Nhà văn, 2014.
Bay là bài thơ mở đầu tập Thiên Di, với hành trình: Chúng ta băng qua thu vàng và tầng tầng mây trắng/ hãy bay sát vào nhau chống đỡ trận trận gió. Câu thơ hé lộ nơi chốn đi qua và là lời cảnh tỉnh khi cuộc thiên di bắt đầu.
Chúng ta tiến về đâu
sao lại hát ca về đôi cánh
đôi cánh chỉ là cái đẹp ảo ảnh đang khép
trong giấc mơ bay
(…)
Chúng ta dạt về đâu
đừng hát ca đôi cánh nữa
thôi ngợi ca sự can trường của lửa
trong thiên di.
Thiên di là cuộc tìm kiếm một chân trời mới, một hy vọng mới. Bay hay là chết: Em ơi/ hãy xếp thành một mũi tên/ không thể khác; vì những gấp gãy thường hằng trong chuyến bay xa. Đã bay là chấp nhận rét mướt/ là có thể/ rớt. Dù sao thì vẫn phải bay trong niềm hy vọng, trong tái sinh: Mũi tên nở hoa khi mùa xuân vừa kịp tới/ mũi tên nhỡ không may/ rụng xuống quê nhà/ hóa cỏ biếc thanh minh. Mũi tên rơi hóa thành cổ mộ trong thiên di của Nguyễn Minh Hùng là một hình ảnh ấn tượng.
Và thực tại là gì khi bay? Bay ngược chiều lũ sếu/ trong tiếng gọi đàn điếc tai/ của hành trình kiếm miếng ăn da diết… Đã bay ngược nghĩa là chấp nhận lẻ loi, cô độc; thế nên quan tâm làm gì đến kẻ chọn cô đơn kết bạn. Tình cảnh một kẻ bay ngược trong tiếng gọi đàn điếc tai của lũ sếu mới thật can trường đáng để ngợi ca, chứ không phải hát ca về đôi cánh. Da diết gợi lên trong tâm tưởng người đọc thực trạng tranh đoạt bát nháo vô liêm sỉ… Kiếm miếng ăn da diết dường như chuyển tải trọn vẹn cảnh tượng cuộc mưu sinh từ xã hội đang tha hóa vừa đáng trách lại vừa đáng thương của thân phận làm người!
Phía trước hẹn những cơn mưa tuyết/ thời gian đủ cho ta một cuộc hồi đầu?/ khi đã chọn tiếng kêu tinh huyết… Mưa tuyết là một dự cảm không lấy gì xán lạn trên hành trình thiên di. Duy chỉ có những kẻ chọn cho mình tiếng kêu tinh huyết thì phải đón nhận một số phận – số phận của người ở phương trời hay người chờ đợi một bên trời: Chỉ thương một góc trời cô lẻ/ nhận riêng mình trận trận thu phong. Câu thơ có thể khiến người đọc bật ra cảm xúc xót xa, đau đớn đến tận cùng! Nhưng dẫu sao đã là tiếng kêu tinh huyết thì rơi xuống đâu cũng âm vang sự sống của màu (Bay ngược).
Hành trình thiên di trong cô độc như là thân phận một kiếp người, một kiếp người trót chọn cho mình tiếng kêu tinh huyết. Trong Lời ru thiên di, tác giả tự vấn lòng mình một cách dằn vặt, khổ tâm trong bối cảnh trái ngang: Sao không là nước đục/ khỏi ngóng trời rộng thênh. Đã mang danh phận một kẻ lỡ trót yêu dặm dài thì phải nhận ra Sự Thật. Chỉ còn lại tấm lòng thiên di cô đơn làm niềm an ủi bằng lời ru cho chính mình:
Lòng rụng xuống cố hương
nở rưng rưng ngấn lệ
núi đồi thành bóng mẹ
đậu trong bờ khói sương
Trên hành trình xác định trong vô định Rồi những nẻo đường/ những con đường/ chúng ta/ đi… nghe sao nấc nghẹn, mông lung mà bó hẹp qua nhịp ngắt nhỏ dần 4/3/2/1 tựa như cánh chim mất hút phía chân trời… Chúng ta phải bay chung trên những khoảng trời/ và cùng in thứ bóng hình nhạt nhòa trên đất… là cái gì nữa vậy - một bi kịch chung đụng giữa cô đơn trong một sắc thái khác của thực trạng thiên di?...
Nỗi trăn trở dồn lên chật cứng chính là đêm, đêm cuối với Trừ tịch quê nhà, thời khắc thiêng liêng con người tự soi chiếu, tự nhận ra những lầm lỡ... Có thể đó là lầm lỡ khi mang vác một lẽ sống, một khát vọng của đôi cánh hoặc chấp nhận lao vào một chuyến bay xa! Giờ muốn dừng lại hay hồi đầu biết có còn kịp lúc; nhưng phủi tay dừng bước đâu dễ như thay chiếc áo mới, không chừng lại chất thêm cái nặng trĩu của sự - trống - không: Chợt biết/ khi trút hết quang gánh/ càng nặng nhọc/ trên đường.
Hiện thực và lẽ sống luôn mâu thuẫn xung đột đến tàn khốc, nhất là kẻ đã đăng trình. Đôi cánh khát vọng muốn khép nhưng cuộc bay là không thể không bay. Trong khi: Bọn lữ hành đã đến chỗ rẽ lối/ ánh trăng nghiêng về phía họ/ gió mưa họ muốn nắm giữ/ trơ trọi cơn mơ nương náu giấc ngủ theo về, nghĩa là lẽ phải của lẽ sống phải đành yếu thế. Nhưng cuối cùng: Rồi bùn đất dậy hương yêu dấu/ rồi bàn chân bám víu những bàn chân/ gì đã mất gì cũng mất/ hãy cất bước trên con đường… Con đường mông lung vô định ấy lại khiến Tôi lỡ bỏ quên mình ngay lúc bóng đêm tan để rồi tự hỏi: biết còn gặp tôi trong trừ tịch một đêm quê nhà?!... Đi tìm Cái Tôi trước lúc tha hóa là hành trình nhọc nhằn bậc nhất! Tác giả hoang mang đến độ ngờ vực chính mình trước sự đời vô định là vậy. Tiễn biệt người bạn văn về cõi vĩnh hằng, tác giả vỗ về bạn hay tự an ủi mình: Người ở yên một chỗ/ hóa thành phận thiên di/ thôi thì hành phương khác/ chân trời mặc sức đi…
Câu hỏi hay niềm tuyệt vọng của những lương tri chọn tiếng kêu tinh huyết: Ai dắt dẫn vào mùa đông kỳ lạ nhất/ giọt mắt rơi chảy xiết dưới mưa phùn/… /niềm tin nứt nẻ ổ chân trâu/ (…)/ Buổi chiều đợi là buổi chiều rét nhất/ cánh di trú dạt phía nào phía ấy đắp giùm chăn hay Chúng ta đi đến đâu xô về đâu/ khoảnh khắc xuân thu núi đồi phơ phơ cỏ lau trầm mặc/ biển réo chỗ nằm sao đêm phụt tắt/ tiếng cười vỡ vụn ngay đuôi mắt/ trời tan hoang từng đợt sấm trên đầu (Dấu chân). Hai chữ tan hoang dựng lên một cảnh tượng điêu tàn hay một niềm nỗi điêu linh!…
Trong bài Tiếng nổ, Nguyễn Minh Hùng viết về chuyện cũ theo một cách mới, dụng chữ quen mà lạ để tạo thi ảnh buồn mà đẹp: Tre đã ba mươi năm không trổ/ những bờ chông tươi tốt dựng ven làng/ gió thổi ngang đồng không chạm người vạm vỡ… và rồi “rớt” xuống câu thơ quá cô đơn: gió một mình tự lạnh lúc chiều sang. Đọc đến đây chúng ta bật cười (hay bật khóc) khi lật trang bìa tập thơ với năm tháng chưa phai mà sớm xuất hiện một tiếng nổ khác, một cách sát thương khác, khó cứu vãn hơn: Bỗng một ngày tiếng nổ bung lồng ngực nhỏ/ vết thương khâu mãi chắc chi lành. Nỗi thất vọng hãy còn dai dẵng lắm, khi: Một ngày nắng rát/ một mùa cỏ xanh/ một thuở yêu tàn/ một đời tan mộng (Dấu chân).
Nỗi buồn trong Thiên Di nhiều cung bậc, nhiều cách diễn đạt nên không cũ càng: Nỗi buồn không hề chăm sóc sao chóng lớn quá/ niềm vui nuôi dưỡng từng giây đã chợt xa xưa/ cứ ngửa mặt lên trời nghe vị mặn/ biết là ai đang khóc trong mưa”, cuối cùng ngửa hai bàn tay trắng/ của hương hỏa đời mình: lóng lánh những cơn mưa (Cơn mưa lóng lánh). Tất cả chỉ vì niềm vui héo giữa niềm vui dễ dãi/ nỗi đau dâng trong nhạc luật tưng bừng. Hay khái quát hơn, chỉ vì ngày hằng sống/ ngày hằng tin… Hai dòng thơ chỉ có 4 chữ nhưng trường nghĩa khá rộng.
Trong Thiên Di, có một bài thơ lạ, với một cấu trúc lạ, một bi kịch kỳ lạ trên đường thiên lý mà người đọc ít để ý: Đêm nhạn lẻ. Bi kịch được đẩy lên đỉnh điểm theo ba cung bậc khác nhau: Đêm nhạn lẻ là đêm riêng không nói nổi/ đôi cánh rã rời và bụng đói có hề chi/ đến cái chết cũng chưa hẳn điều quan trọng nhất/ thì sự mất ngủ và nỗi cô đơn chẳng có nghĩa lí gì. Trong nhiệm vụ cảnh giới cho bầy đàn trước phường săn, con nhạn lẻ (tên bọn săn chim trời đặt cho) đã bị chính đồng đội mổ chết vì sự cảnh báo của nó đã làm chúng lỡ giấc ngủ mê! Kết cục bi thảm như một bãi chiến trường: Những lưới đạn vô tâm giăng mắc/ những vì sao nhấp nháy quá xa vời/ khi nhắm mắt bóng tối luôn gần nhất/ từng cánh nhạn lìa cành cùng lá thu rơi... Mọi nỗ lực hóa thành vô nghĩa, thành mất mát lớn hơn, thành vô minh: Đó là đêm bi kịch của sự cảnh giới/ hay thời khắc diệt vong của lẽ tồn sinh/ khi mặt trời lên soi lau lách/ trên chiếc lông vũ bẽ bàng u ẩn một sinh linh… Đó là tứ thơ dữ dội, khốc liệt bậc nhất trong Thiên Di. Nên khổ cuối bài Cánh thiên di có vẻ mang âm điệu ủi an, dỗ dành nhưng kỳ thực là chồng chất thêm kiếp nạn của kẻ thiên di: Chở cả mười phương chín hướng/ mang theo trăm cuộc phân ly/ chất lên ngàn cơn mộng tưởng/ hoàng hôn choàng cánh thiên di...
Đọc Thiên Di, ta thấy Nguyễn Minh Hùng đã mã hóa ngôn ngữ bằng hình tượng, trong đó đôi cánh là biểu trưng xuyên suốt thi tập. Đôi cánh là khát vọng bay nhưng lương tri và cái Đẹp mới là thứ chuyên chở trên đôi cánh, mới là đích để kiếm tìm, mới là “cố hương” bay về. Thiên Di là khúc hát bi phẫn và oanh liệt trên hành trình bay được hình tượng hóa bằng đối tượng, không gian, thời gian và cách thưc lựa chọn chữ nghĩa một cách mới mẻ, linh hoạt. Trong bối cảnh diễn biến, một không - gian - thu luôn xuất hiện, luôn ám ảnh với nhiều cung bậc, nhiều ẩn dụ trong từng chặng bay xa: chúng ta băng qua thu vàng và tầng tầng mây trắng, dắt dìu thu qua những núi thông ngàn, thu vàng phương Bắc giờ chắc lạnh, nắng mùa thu chờ ai vàng mắt lá, hoài thai từ đêm thu muộn, phía mùa thu màu nắng chót vội vàng đi, đi tìm sắc thu có thật giữa mùa thu, sự thật mùa thu đâu dễ nhận ra... Đối tượng có khi lại là một hình bóng ấn tượng phiêu hốt: này cánh thiên di áo đỏ/ cổ choàng một chuỗi hoa vàng hoặc bọn lữ hành, sư thầy, tiểu hay sự đối lập giữa đồng loại: Hồng Hạc/ sếu/ vịt trời/ nhạn lẻ/ cá tôm… Còn thời gian cụ thể hóa bằng hình tượng: tre đã trên ba mươi năm hoa không trổ; thời gian thất vọng, đổ vỡ, khắc khoải: ánh trăng lên ngang trái khung trời”, Cá tôm vào mùa yêu bỗng dưng quên hết/ mắt lưới giăng lấp lánh tựa ngàn sao/ chúng quấn quýt trong cận kề cái chết/ và vô tư trước mọi bủa vây nào; rồi thời điểm phải đến: Bên dưới cột buồm xác tình nhân phơi trắng/ những oan khiêng thương mến xếp hàng hàng (Hàng hàng),… Tất cả những xung khắc chất chứa trong nội tâm đã được tác giả bộc bạch như một lời tự thú về nỗi thất bại cay đắng cũng qua thời gian: Câu thơ đứng ngồi ngày vắng/ gánh gồng hết một đơn côi.
Nhìn lại toàn bộ hành trình thiên di, ở đó con người không còn gói gọn trong kiếp người mà chính là thân phận kẻ sĩ - nghệ sĩ trên muôn nẻo kiếm tìm. Tự tôi tưởng tượng xa hơn nữa là thân phận một dân tộc trong chủng Bách Tộc mang kiếp nạn thiên di từ 5000 năm lẻ. Tác giả không muốn kéo giãn không gian và thời gian thiên di nhiều đến thế, nhưng rõ ràng, Ông không thể giấu được trong bài thơ khép lại tập thơ này, như đã mở đầu bằng áng thơ Bay. Xin nhường cho bạn đọc với: Cánh chim Lạc gieo xuống đây trăm quả trứng/ Chọn trùng dương làm cuộc sinh tồn (Những quả trứng nở ra)…
Gấp lại Thiên di của Nguyễn Minh Hùng, khi thấy lòng trĩu nặng nỗi đau và nỗi đau còn quặn thắt, thì nghĩa là lương tri còn sống sót, cái Đẹp chưa u ẩn một sinh linh, và những người yêu nhau chưa thành xác tình nhân phơi trắng. Ta thử tra vấn theo cách của thơ ca, để thấy chắc rằng, tác giả Thiên Di và cả người đọc sẽ không thể rơi vào tuyệt vọng với những gì Ông trang trải trên mỗi nhịp vỗ cánh dù ngay cả dưới những cơn mưa tuyết!
Mùa đông 2022
Gạo Quê
-------------------------------
(*) Giải C Ủy ban toàn quốc các Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam năm 2014