Hơn hai thập niên trở lại đây, nhất là ở thập niên đầu của thế kỷ 21, vấn đề đổi mới, cách tân trong thơ Việt Nam đang được đặt ra như một nhu cầu bức thiết và tự thân không chỉ của mỗi cá thể sáng tạo mà còn là sự đòi hỏi phát triển của nền thơ đương đại. Có thể nói vận hội mới của thi ca Việt Nam đã thực sự được mở ra từ cuối những năm 80 và đầu những năm 90 của thế kỷ trước với sự xuất hiện của nhiều gương mặt thơ mới của thế hệ các nhà thơ hậu chiến. Và ở thời điểm ấy, ngay trước thềm thế kỷ 21, chúng ta đã có quyền hy vọng về một “làn sóng mới" sẽ làm thay đổi diện mạo thơ Việt Nam cả về hình thức nghệ thuật và tinh thần sáng tạo.
Nhìn lại sự phát triển của thi ca Việt Nam ở nửa cuối thế kỷ 20, có thể thấy, sau thế hệ thơ Tiền chiến (1930-1945), thi ca Việt Nam đi thẳng vào khói lửa trận mạc trong suốt 30 năm chiến tranh liên miên giặc giã với thế hệ thơ Kháng chiến (1945-1975). Trong suốt 30 năm trận mạc đó, thi ca Việt Nam đã thăng trầm cùng số phận dân tộc để vượt lên và tồn tại. 30 năm sau chiến tranh, thế hệ thơ Hậu chiến (1975-2005) đã hướng tới một cuộc cách tân để đưa thơ đương đại Việt Nam hội nhập với thế giới. Theo tôi, xét về mặt giọng điệu và thi pháp, thơ Kháng chiến đã ít nhiều làm thay đổi chân dung diện mạo của thơ Tiền chiến nhưng gần như vẫn chưa vượt qua được vùng ảnh hưởng của nó. Phải chờ đến sự xuất hiện của dòng thơ Hậu chiến thì giọng điệu và thi pháp thơ Việt Nam mới có được những chuyển động mới để chấm dứt nỗi ám ảnh của thơ Tiền chiến.
Dương Kiều Minh là một gương mặt thơ cách tân được đánh giá cao. Ảnh Internet |
Cho đến nay, đã gần 40 năm sau chiến tranh, cùng với bước ngoặt đổi mới quan trọng của nền văn học Việt Nam đương đại, cả một thời kỳ mới đáng ghi nhận của thơ ca đất nước đã mở ra với sự xuất hiện của hàng loạt tác giả, tác phẩm mới mang dấu ấn của một giai đoạn văn học sau chiến tranh. Thực sự những nhà thơ xuất hiện sau 1975 là một thế hệ đổi mối quan trọng của văn học đương đại Việt Nam. Trong số họ có những người đã cầm bút từ trước đó, nhưng thành tựu thơ ca chính lại xuất hiện và được ghi nhận sau 1975. Có thể tạm phân định các nhà thơ này theo nhóm: Nhóm thứ nhất các nhà thơ thuộc thế hệ hậu chiến xuất hiện từ 1975 đến 1995- đây là những gương mặt thơ tiêu biểu làm nên diện mạo chính của thời kỳ đổi mới trong thơ Việt Nam đương đại. Nhóm thứ hai: các nhà thơ trẻ xuất hiện trong giai đoạn 1995-2010 với những tìm tòi, phát hiện bước đầu được ghi nhận.
Trong nhóm các nhà thơ Hậu chiến xuất hiện từ 1975- 1995, thì Dương Kiều Minh vẫn là một gương mặt thơ cách tân rất đáng chú ý, ngay cả đến hôm nay, thơ anh vẫn được dư luận khá quan tâm. Tập thơ Củi lửa của anh in năm 1989 có thể coi là tập thơ khởi đầu cho một chặng đổi mới của thơ Việt Nam với thế hệ thơ Hậu chiến. Ngay ở tập thơ đầu tay khi mới bước sang tuổi 29 này, Dương Kiều Minh đã có được một giọng điệu mới, một tâm thế mới, một khát vọng mới nhằm đổi mới thi pháp thơ Việt đương đại. Nhà thơ Dương Kiều Minh sinh năm 1960, quê Mê Linh, Hà Nội, học khóa III Trường viết văn Nguyễn Du, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Trong vòng 12 năm, anh đã liên tục xuất bản 6 tập thời Củi lửa (1989), Dâng mẹ (1990), Những thời đại thanh xuân (1991), Ngày xuống núi (1995), Tựa cửa (2000), Tôi ngắm mãi những ngày thu tận và 2 tuyển Thơ Dương Kiều Minh (năm 2001 và 2011).
Thuộc thế hệ các nhà thơ Việt Nam xuất hiện sau năm 1975 với những đóng góp không biết mệt mỏi cho một nền thơ đổi mới, Dương Kiều Minh là một trong số ít các nhà thơ chủ động hướng sự tìm tòi, cách tân của mình tìm về phương - Đông - nguồn- cội. Cái khí chất ấy, cái nỗ lực ấy được thể hiện ngay từ những bài thơ đầu tiên của anh in trong tập thơ Củi lửa xuất bản năm 1989:
Tôi ngủ thiếp trong bài thơ Đường
sương dăng đầy bến bãi
Vành trăng động mắt người con gái
bức rèm buông toà lâu đài Tàu
Ai gọi tên? mơ vậy
người đâu ngờ ngợ quen
sương khói dâng không nhìn rõ mặt
Tiếng địch, tiếng cầm mê man giọng hát
người chèo đò thăm thẳm bến khuya
Trong ánh sáng biết mình thấm mệt
quả đồi bây bấy xanh những buổi sớm mùa đông theo cha về ngoại
chậu hải đường hoa đỏ lạnh trong sương
Những bộc bạch ấy, những tâm sự ấy đã cùng nhà thơ đi qua những nẻo Đường thi vời vợi nỗi đau, mộng mỵ khói sương cùng với Lý Bạch, Đỗ Phủ.... những thi hào chất ngất khí phách Trung Hoa cổ xưa.
Ảnh minh họa. Nguồn pixabay |
Trong một lần ngồi trò chuyện cùng nhau về những chặng đường sáng tác của mình, Dương Kiều Minh vẫn đau đáu nói với tôi về tập thơ Những thời đại thanh xuân của anh in năm 1991. Anh háo hức nói về một thời tuổi trẻ thơ ca hừng hực sinh khí đã đi qua, một thời nhà thơ từng “mang vác niềm tin trên đôi vai gầy mọn", dẫu biết trí lực của con người là có hạn nhưng sứ mệnh thiêng liêng của nhà thơ là kẻ khai sáng con đường - nhân - văn, nên Dương Kiều Minh đã viết:
Ta - cư dân nỗi đau
Ta - cư dân miền khát vọng
Nỗi đợi chờ, nỗi đợi chờ nào đấy
thành quách uy nghiêm
phố xá trầm mặc
âm thanh cuồn cuộn băng đi
những tháp chuông, đền đài, hồ nước
bao công trình con người
Nói với ta yêu thương, đến cùng ta tình tự
Lứa đôi dìu nhau qua đường phố ồn ào
Hiến thân ta - cuộc thử nghiệm này
ký thác đời ta-bản hoà tâm này
Bản hoà âm kẻ khốn cùng
Kẻ quỷ ám
kẻ đêm đêm ngước bầu trời yên tĩnh
hú gọi yêu thương về với con người
Tôi cho rằng, trong vòng 12 năm in liền 6 tập thơ, trung bình 2 năm 1 tập (tập nào cũng được dư luận và đồng nghiệp thơ ghi nhận), Dương Kiều Minh đã có được một phong độ, một ấn tượng, một giọng điệu, một cốt cách mà không phải người thơ nào cũng có được.
Trên nẻo đường cách tân thơ mình, Dương Kiều Minh càng đi càng gần với phương Đông nhiều hơn. Thơ của anh mang trong mình một phần nào đó của hào khí phương Đông, của triết học phương Đông, của ẩn ức phương Đông và bi kịch phương Đông. Bởi thế, ngay cả khi anh viết những bài thơ về các vĩ nhân và hiện tượng văn hoá phương Tây như: Đôn Kihôtê, Foust, Môzart, Prô-mê- tê, Giêsu kritxtơ, A-pô-lông anh vẫn viết với một tâm thế phương Đông và được soi sáng bằng một cảm quan tư duy phương Đông. Đặc biệt, khi viết về Khuất Nguyên, cái cảm quan phương Đông này trong Dương Kiều Minh như cháy sáng hơn, hào sảng hơn trong các câu:
Ta lần giở bao trang sách cũ
mong tìm một tấm lòng
tuyệt nhiên vắng lặng
Mong tìm một trái tim
tuyệt nhiên bụi phủ
Ta lang thang điên dại
như cọng rơm vịn buổi hoàng hôn
gió xoáy hay mù tuyết
qua sông Giang hay khi than thở
“Bỗng nhác thấy ngay làng quê
tớ sinh bi mà ngựa nhớ chuồng
đều ngoái lại nhìn thôi chẳng đi"
Đức ta sánh cùng nhật nguyệt
trí ta sánh cùng nhật nguyên
sao thân lụy thần quyền
Bỏ mặc ta kẻ nô bộc già nua
Từ Phú Nước Sở vút lên dũng mãnh
bay qua triều chính
bay qua hoang phế điêu tàn
mang đức tin cao thiêng sáng chói
mang tâm sự ta
Về thơ Dương Kiều Minh, gần đây có ý kiến cho rằng: “Khi thơ anh cũ thì cái tình trong thơ anh còn nồng ấm, nhưng đến khi thơ anh đổi mới thì cái tình trong thơ anh có chiều nhạt đi” - tôi hiểu cái tình ở đây chính là cái phần cảm xúc trữ tình sâu lắng và phong thái suy tưởng giầu chất phương Đông nơi thơ anh đã từng tạo nên giọng điệu chính của Dương Kiều Minh trong tập thơ đầu tay Củi lửa. Nhưng tôi lại cho rằng, trong hành trình cách tân thơ của mỗi tác giả, có thời điểm, tư duy hình tượng phải lần át tư duy cảm xúc để trước tiên tìm ra một hướng đi khác, rồi sau đó tùy theo nội lực thơ của mình, mỗi tác giả sẽ tìm cách điều chỉnh cho tư duy hình tượng cân bằng với tư duy cảm xúc. Và cho đến tập thơ Tựa cửa cùng tập thơ Tôi ngắm mãi những ngày thu tận, thì ta đã thấy mọi cái trong thơ Dương Kiều Minh đã chín lắm rồi, đã lắng đọng và khơi gợi sâu xa nhiều lắm rồi.
Tôi có cảm tưởng, đến lập thơ thứ 6 Tôi ngắm mãi những ngày thu tận và 2 Tuyển thơ Dương Kiều Minh năm 2001 và 2011, anh đã hoàn tất xong sự nghiệp thơ của đời mình. Vì thế anh mới làm tuyển và hình như anh cũng biết, có viết chắc cũng không có gì có thể vượt hơn được những cái mình đã viết ra, bởi nỗi lo của người thơ đã đến độ càng viết càng lo mình không có thêm cái gì mới, phải không nhà thơ Dương Kiều Minh thân mến!
Theo tôi, trong số những thành tựu nổi bật của thế hệ những nhà thơ Việt Nam sau 1975 là họ đã có những bước chuyển mới rất cơ bản về nội dung phản ánh, về nghệ thuật và thi pháp và Dương Kiều Minh là một nhà thơ sáng danh của thế hệ ấy. Thơ của anh gần gũi với cuộc đời, gần gũi với thiên nhiên và gần gũi với tâm sự buồn vui của con người, cái mà thế hệ thơ trước đó từng xao lãng. Thơ của anh nghiêng về phía những cá thể và là tiếng nói thân phận khi anh hướng cảm quan thơ mình về những tầng minh triết của cội nguồn văn hóa phương Đông. Ngòi bút thơ của anh đã chủ động, tìm tòi vươn tới bề sâu của những vỉa tầng còn ẩn khuất của đời sống tâm trạng và tinh thần con người để khai thác và hướng tới những hiệu quả nghệ thuật mới. Và đấy chính là những đóng góp của Dương Kiều Minh cho nền thơ đương đại Việt Nam.