KỶ NIỆM 100 NĂM NGÀY SINH NHÀ THƠ TẾ HANH (20/6/1921 – 20/6/2021)
Trong suốt dọc đường thơ của mình, nhà thơ Tế Hanh để lại tổng cộng 15 tập thơ (trong đó có tập cuối cùng chưa in thành tập riêng, nhưng đã kịp đưa vào Tuyển tập Tế Hanh, Nxb Văn học, 1987).
Nếu ai từng đọc thơ Tế Hanh có hệ thống, sẽ thấy một motif chủ đạo, có tính xuyên suốt, quán xuyến toàn bộ thi cảm nhà thơ, đó là nỗi cách xa. Sự xa cách này như một ám ảnh, phát tán ra khắp các chủ đề như làng quê, chiến đấu, xây dựng, tình bạn, tình yêu lứa đôi gắn liền với các không gian: làng - muôn phương, Nam – Bắc, trong nước - ngoài nước, ở đây - nơi xa… Và thật lạ, chỉ khi nào, mỗi câu thơ/ bài thơ gắn với motif chia xa này mới có thể trở nên xuất sắc. Điều này có thể giải thích được phần nào, căn cứ vào tiểu sử của nhà thơ. Ngay từ thuở hoa niên, nhà thơ đã ra theo học ở Huế (1936), năm 1943 ra Hà Nội học trường Luật, sau rồi bỏ học trở lại Huế cho đến năm 1945 tham gia tổ chức Văn hóa cứu quốc; sau đó suốt 9 năm ròng tham gia kháng chiến khắp miền Trung Nam Bộ; 1954 tập kết ra Bắc, và đến sau 1975 mới được trở lại thăm quê… Như vậy, ngay từ lúc 15 tuổi, chàng thiếu niên đã phải sống trong xa cách với gia đình, quê hương; và cuộc xa cách ấy kéo dài cho đến hết đời.
Tuy nhiên, việc phải sống xa nhà xa quê từ tuổi hoa niên như nhà thơ Tế Hanh thì không ít người cũng từng trải, và cũng đều ít nhiều có cảm xúc ngậm ngùi. Nhưng khác với họ, chỉ có ở Tế Hanh, nỗi cách xa, chia ly, tiễn biệt với các biến thể của nó mới chụm lại, tập trung và kết tinh sâu đậm trong hồn thơ này. Chỉ có ở Tế Hanh, cách xa mới trở thành một ám ảnh, mới trở thành nguồn cảm hứng thi ca một cách thường trực trong sáng tạo. Điều này có thể giải thích thêm bằng một điều phi luận lý rằng do cái tâm thể, cái tông tạng của nhà thơ mà thành vậy. Hay cũng có thể do sự “đày ải” bí ẩn và không kém phần kỳ diệu của con Tạo đối với bản mệnh thi sĩ đã bắt Tế Hanh suốt đời sống cùng với những cách xa?
Và như vậy, những bài thơ tình của ông cũng bị phủ trong từ trường đó, cũng toàn những cách xa, tiễn biệt, ngóng trông... Tế Hanh biểu đạt một nỗi nhớ trong tình yêu khá sâu, đa dạng. Có khi là những chiêm bao, những giấc mơ, những mơ về; và nhiều khi là nỗi nhớ trực tiếp, cụ thể, hiện sinh trong từng giây phút sống.
Ngay từ tháng 5/1956, nghĩa là mới sau chưa đầy một năm nhà thơ tập kết ra Bắc, sống trong nỗi cách xa, nhà thơ đã có bài thơ Chiêm bao xuất sắc: “Chiêm bao bừng tỉnh thức/ Biết là em đã xa/ Trên tường một tia nắng/ Biết là đêm đã qua”. Bài thơ có ba khổ, chỉ khổ thơ đầu mới làm nên hồn vía và vẻ đẹp của bài thơ này; chỉ cần khổ thơ này thôi đã hội đủ trọn vẹn cả chiều sâu tâm tình và nỗi nhớ của chủ thể trữ tình; cũng chỉ 4 câu này thôi đã đủ đứng thành một bài thơ độc lập. Cái “tia sáng” trên tường ấy đã như một tín hiệu lấp lánh để nói về một tình yêu sâu nặng của đôi người trẻ tuổi ấy.
Khi đang ở Hàng Châu, sống trong nỗi nhớ dào dạt, người thơ nhìn mùa thu Hàng Châu bằng một cái nhìn của người đang yêu, rất đỗi tình tứ: “Mùa thu đã đi qua còn gửi lại/ Một ít vàng trong nắng trong cây/ Một ít buồn trong gió trong mây/ Một ít vui trên môi người thiếu nữ…”, theo đó thấy: “Lá phong đỏ như tình yêu rực cháy/ Hoa cúc vàng như nỗi nhớ day dưa” (Bài thơ tình ở Hàng Châu). Đừng ai nghĩ đó là những câu thơ phong cảnh. Không, nó chỉ là phong cảnh bề ngoài. Còn bên trong là ăm ắp nỗi nhớ của lòng trai đang yêu. Đó là những câu thơ thuộc về thơ tình. Có phải cũng chỉ viết trong xa cách mới có được những câu thơ trác tuyệt như thế?
Như trên đã nói, nhiều bài thơ được cất lên khi chủ thể trữ tình sống trong nỗi nhớ do những cách xa. Có lẽ những người từng đọc thơ Tế Hanh khó có thể quên được hai bài thơ xuất sắc thuộc dạng này: Bão, và Hà Nội vắng em. Trường hợp thứ nhất đã làm tốn giấy mực không ít của những người yêu thơ. Bài thơ khởi lên từ một cái tứ rất chặt: cơn bão thiên nhiên và cơn bão lòng; trong cơn bão thiên nhiên đôi người còn bên nhau, chăm sóc nhau; sau đấy cơn bão tạnh, tưởng bình yên, nhưng cơn bão của nhớ nhung ập đến do đôi người phải chia xa: “Và cơn bão lòng anh thổi mãi”. Bài thơ sống động trong từng hình ảnh, ngôn từ, kiệm lời mà “thổi mãi” vào lòng bạn đọc từ bấy đến nay, không dứt… Trường hợp thứ hai, nỗi nhớ êm ả, hiền lành hơn, nhưng cũng không kém phần sâu sắc, “dây dưa”: “Anh theo các phố đó đây/ Thêm yêu Hà Nội vắng đầy cả em”. Một cách nói thoạt đọc tưởng rất đỗi mộc mạc, thật thà; hóa ra không phải, “vắng đầy cả em” là một sáng tạo đột xuất, có tính lạ hóa, khiến câu thơ gây ấn tượng, khía vào ký ức người đọc. Bài thơ chọn lối thơ lục bát, nhịp nhàng, nhuần nhị suốt bài, bỗng câu cuối đột ngột, gây sửng sốt, biểu đạt một cảm xúc yêu nặng và đầy.
Ngoài những cảm xúc có tính chất trực tiếp, bộc phát trước một cảnh huống nào đó, đôi lần Tế Hanh cũng hướng vào suy tưởng, mặc dù đây không phải là thế mạnh của ông. Loại thơ này có thể vẫn xuất phát từ tình thế thực tại, tuy nhiên không dừng ở đó, mà chỉ lấy đó làm nguyên cớ, vượt lên để biểu đạt những ý niệm, ý tưởng có tính phổ quát. Cái hay của dạng thơ này chỉ có thể đạt được khi có sự hòa trộn nhuần nhuyễn, tới độ tự nhiên của những ý tưởng khái quát và những hình ảnh, chi tiết trực quan. Dưới đây là một thành công đột xuất của nhà thơ:
“Em gần gũi, em xa xôi
Sao em như thể chân trời trước anh?
Đưa tay tưởng với được tình
Bước đi tới mãi mà mình vẫn xa”
(Em gần gũi em xa xôi)
Hình ảnh “chân trời”, một hình dung về người con gái mà mình hướng tới; chân trời thì vừa hấp dẫn, mời gọi, vừa vô định, xa xăm… Động từ “với” có tính tình thái, chỉ một ý chí, chạy theo, rượt đuổi, chấp chới, như có như không, nhờ vậy, câu thơ có hình hài, sống động. Thì ra, tình yêu đơn phương muôn đời vẫn thế, vừa mê đắm, vừa vô vọng, tuyệt vọng. Cũng là một nỗi khổ của giống người.
Quan sát khu vực thơ tình trong nền thơ hiện đại (một cách nói mang tính ước lệ nhằm chỉ quãng từ sau 1945 đến những năm 80 của thế kỷ 20), thấy có hai ngã rẽ: thứ nhất, thơ tình có sự kết hợp giữa tình riêng và tình chung, tình đôi lứa với tình cộng đồng, Tổ quốc; và thứ hai, thơ tình được là thơ tình đúng nghĩa. Hầu hết các nhà thơ của một thời văn học cách mạng ở phía Bắc đều có cả hai dạng thơ này. Nếu chỉ làm thơ tình như là thơ tình, rất dễ bị quy là chủ nghĩa cá nhân tiểu tư sản. Cho nên, để tồn tại được, các nhà thơ phải hợp thức hóa bằng cách ở một số bài thơ tình có chêm xen vào tình cách mạng, tình kháng chiến; còn một số đứng riêng, độc lập để trở thành thơ tình thuần khiết. Từ Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên, cho đến Quang Dũng, Nguyễn Đình Thi… rất nhiều, trong đó có Tế Hanh đều đi theo cách thức này. Tuy nhiên, vẫn cứ cần ghi nhận ở dạng thơ tình có sự chung sống giữa tình riêng và tình chung thì có lẽ không phải tất cả là đều kết quả của một “chiến lược diễn ngôn”, mà cũng có khi là kết quả của một tình cảm và niềm tin chân thành, bởi khung diễn ngôn thời đại đã chi phối, quy định nên như vậy. Trong khổ thơ “Ban ngày công tác bận/ Ban đêm dành nhớ em/ Ban ngày ở miền Bắc/ Ở miền Nam ban đêm” (Chiêm bao), chỉ một từ “công tác” thôi đã là một tín hiệu ngôn ngữ cho thấy cả một diện mạo xã hội thời chiến lúc bấy giờ. Bài thơ có được sự thành thật của một người trai - cán bộ. Từ “công tác” này còn thấy trở lại một lần nữa trong Vườn xưa, một bài thơ tình cũng khá đặc sắc của Tế Hanh.
Cho đến bây giờ, tôi hoàn toàn có thể khẳng định rằng trong số những bài thơ thành công nhất của Tế Hanh, thì phần lớn thuộc thơ tình. Nói ra điều này, có thể ai đó không hài lòng, thậm chí dễ quy kết. Nhưng ở mảng thơ ngoài thơ tình, những bài thơ thuộc đẳng cấp Quê hương, Lời con đường quê, Những ngày nghỉ học (trước 1945), Liễu, Nhớ con sông quê hương, Vườn xưa, Nông trường cà phê, Đến Mộc Châu, Kinh nghiệm làm thơ 1, 2 (sau 1954) chiếm số lượng hơi khiêm tốn, ít hơn những bài thành công ở mảng thơ tình.
Tôi vẫn cứ cả quyết rằng, phần thành công nhất trong sự nghiệp của nhà thơ Tế Hanh thuộc về mảng thơ tình. Không thế, làm sao có được nhiều bài thơ tình xuất sắc đến vậy. Không thế, làm sao có được những câu thơ tình xuất chúng: “Chắc gì mắt em như lá liễu/ Đã cắt lòng anh một nét dao” (Liễu); “Anh yêu em như người vào bữa tiệc/ Uống cốc rượu đầy không nghĩ đến khi tan” (Anh yêu em)… Nhờ thế, hồn thơ Tế Hanh mãi thuộc về tuổi trẻ, thuộc về những giá trị nhân bản phổ quát.
Nguồn Văn nghệ số 25/2021