Tên khai sinh: Nguyễn Ngọc Bái, sinh năm 1943, tại xã Âu Lâu, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái.
Ngày 17 tháng 2 năm 1965 đi bộ đội, tại trung đoàn 246, quân khu Việt Bắc. Đầu năm 1967 vào chiến đấu ở chiến trường đường 9- Khe Sanh. Đầu năm 1972 ra Việt Bắc, chống chiến tranh phá hoại của Mĩ. Cuối năm 1976 đi học đại học Văn hóa và trường viết văn Nguyễn Du. Năm 1981 về Cục Chính trị Quân khu 2. Năm !985 - 1987 lên trực chiến đấu ở Vị Xuyên- Hà Giang. Trước khi chuyển ngành là Chủ nhiệm Văn hóa Quân khu 2.
Tháng 9 năm 1988 làm Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuât tỉnh Hoàng Liên Sơn. Từ năm 1991 đến khi nghỉ hưu, cuối năm 2004 làm Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật kiêm Giám đốc sở Văn hóa Thông tin tỉnh Yên Bái.
Đã in 28 tập sách gồm: thơ, truyện ngắn, tiểu thuyết, tiểu luận, âm nhạc.
RU NGƯỜI YÊU TRONG NHÀ
Người từng mê đắm vì ta
Hồi chưa làm vợ người là tình yêu!
Mắt lá dăm đổ sang chiều
Núi cao sông cả cũng liều theo ta
Đường trường chẳng trách rằng xa
Gian truân cũng chẳng coi là gian truân
Dần dà tiêu hết tuổi xuân
Lo tròn phận vợ chẳng cần kiêu sa
Rồi ngày ta hóa ra ma
Thì vẫn người ấy vì ta mà thờ
Ru trắng tóc một cõi thơ
Ru qua thăm thẳm mộng mơ kiếp người
Ru trong chớp mắt một đời
Ru cho xanh lại một thời trẻ trung!
THƠ CA
Cả đời tôi lặn lội kiếm tìm
Tôi chưa khôn hơn những điều tôi đã dại
Ngắt bông hoa với nửa phần ưu ái
Còn nửa phần bất nhẫn với loài hoa
Lúc yêu thăm thẳm, buồn thăm thẳm
Thì giữa đường bỗng gặp thơ ca
CÀNG ĐI NGÀY CÀNG NGẮN
Càng đi ngày càng ngẵn
Càng ngẫm đêm càng dài
Nhìn tháng năm hun hút
Chả biết buồn vì ai?
Trăng xưa thì vẫn thế
Sông xưa vắng con đò
Người xưa nhòa sương khói
Biết đâu là hư vô?
Càng đi ngày càng ngăn
Càng ngẫm đêm càng dài
Nhiều khi ta tự hỏi
Sẽ là gì ngày mai?!
CHIÊM NGHIỆM
Rồi tất cả sẽ xưa như cổ tích
Trắng và đen thì cũng vẫn mặt người
Giữa cõi nhân gian thuận êm và trái nghịch
Sống chết chuyện thường
Thiện ác chuyện thường
Người đáng vinh có khi nhục
Người đáng nhục có khi vinh
Có khi sang lại có khi hèn
Có những người lặng im đời vẫn nhớ
Người tung hứng cho mình đời quên vẫn cứ quên
MỘ CHIẾN SĨ VÔ DANH
Ba mươi năm anh nằm giữa rừng già
Ba mươi mùa đông lá xạc xào trên mộ
Không bia đá không một dòng tên nhỏ
Thương xót anh, dân bản đốt hương thờ
Giặc giết anh dưới gốc sa mu
Anh với sa mu cùng chung vết đạn
Máu anh đỏ thấm vào đất đỏ
Nuôi cây xanh đến trọn đời mình
Người vô danh hoa cỏ vô danh
Một nấm đất trồi lên trên ngực đá
Tán lá thẫm như mắt người thức ngủ
Như mắt người thương nhớ chớp không nguôi
Người lính thời anh tuổi xế chiều rồi
Mái tóc bạc qua bao chiến trận
Những đạo quân mọc dậy như rừng
Anh vẫn xanh với tuổi cây xanh
Thắp nén nhang trên phần mộ của anh
Gió vẫn thổi dọc rừng già da diết
Gió cứ thổi dọc cuộc đời thân thiết
Trên một phần xương thịt đất đai
CÁNH ĐỒNG
Ngay cả thần linh thổ địa cũng không làm sao nhớ nổi
ai người cuốc nhát cuốc đầu tiên khai khẩn cánh đồng
tạo dựng làng quê?
mưa nắng phôi phai
duy còn giữ lại cái dáng người khom khom cày bừa gieo cấy
truyền đời
giọt mồ hôi trong và mặn giống như hình hạt lúa
mồ hôi lặn xuống
hạt lúa vươn lên
bạn với dòng sông
đón mặt trời buổi sớm tiễn mặt trời buổi chiều
qua bờ tre là gặp cánh đồng
nơi làm nền những cánh cò chao lượn
hạt lúa nhỏ nhoi tạo nên những vụ mùa
những vụ mùa làm sáng lên những ánh mắt chờ đợi
trông trời trông đất trông cây
hạt lúa chịu ơn cánh đồng
hay cánh đồng chịu ơn hạt lúa
từ muôn năm vẫn vậy
cánh đồng nghiệt ngã
hoặc là được mùa hoặc là mất mùa
xong là xong
không có cơ hội để đắn đo
không có cơ hội để cải chính
là dân nhà quê tôi nhận ra điều này
không ai thương cánh đồng bằng chính cánh đồng
nơi dị ứng những trận mưa a xít
nơi dị ứng với nắng hạn với bão lũ
với vô tâm vô tình rình rập
giữa cánh đồng
vết chân trâu hằn lên vết chân trâu
mùi bùn hoai hoai ếch nhái ộp oạp
thả sức hít hà mùi rạ rơm sau vụ gặt
RỪNG GIÀ
Cổ thụ ngút ngàn chim kêu vượn hú
Vách đá lòng khe sung ngõa rụng tha hồ
Tầng rêu ẩm bước chân muông thú
Chả để làm gì đổ rạp mấy cây khô
Rừng ác tính tiếng rìu cưa côi cút
Mộ người gác rừng lẫn giữa thung mây
Tầng tầng lá lối mòn chìm khuất
Rừng như mưa rào, chim thả những hạt cây