Chuyên đề

Thơ và thơ-ca từ của Văn Cao

Cao Ngọc Thắng
Văn học nhà trường
09:09 | 18/10/2024
Baovannghe.vn - Văn Cao là người tiên phong đặt nền móng cho nền thơ, nền nhạc và gợi ý tưởng cho nền họa, để đắp xây nên con đường nghệ thuật Việt Nam hòa nhập thời đại, ngay từ thuở giao thời. Chính ông cũng luôn luôn tự đổi mới mình, cách tân nghệ thuật của mình.
aa

Sinh ra tôi đã có Hải Phòng.

Thơ và thơ-ca từ của Văn Cao
Nhạc sĩ Văn Cao (1923-1995)

Văn Cao sinh năm Quý Hợi (ngày 15 tháng 11 năm 1923) và mất năm Ất Hợi (ngày 10 tháng 7 năm 1995). Trong 72 năm hiện diện ở cõi trần tục, tính theo hệ Can - Chi âm lịch có 7 năm Hợi đi qua đời ông. Ông chiêm nghiệm: Con thuyền đi qua/ để lại sóng/ đoàn tàu đi qua/ để lại tiếng/ đoàn người đi qua/ để lại bóng/ tôi không đi qua tôi/ để lại gì? (Không đề).

Văn Cao để lại cho đời, cho nền nghệ thuật nước nhà, cho các thế hệ sáng tạo và quần chúng cần lao rất nhiều, nhiều về chất lượng chứ không nhiều về số lượng. Bởi, Văn Cao là người tiên phong đặt nền móng cho nền thơ, nền nhạc và gợi ý tưởng cho nền họa, để đắp xây nên con đường nghệ thuật Việt Nam hòa nhập thời đại, ngay từ thuở giao thời. Trên bước đường đầu tiên ấy, chính ông là người luôn luôn tự đổi mới mình, cách tân nghệ thuật của mình. Ông tiên phong khẳng định thơ không vần, trường ca (thơ và nhạc). Ông sử dụng tiếng Việt trong sáng, chính xác, đắc địa, hàm xúc, đa nghĩa, dụng công làm giàu và đẹp ngôn từ: Nhớ một cánh buồm/ Xa ngoài sông Hồng thấp thoáng/ Nhớ một điệu đàn/ Vũng sao khuya sóng sánh (Một đêm Hà Nội).

Văn Cao vượt trước những người cùng thời. Trong ông hội tụ nhiều vùng giao thoa - giao thoa của những thời điểm lịch sử, của những không gian văn hóa. Bước vào nhưng Văn Cao không ở yên một vùng giao thoa nào, mà ông kiến tạo những vùng giao thoa mới, lát những con đường mới cho người đi sau. Ông vượt lên chính mình trong bất kỳ tình huống, bất kỳ hoàn cảnh nào, trầm tích vào lòng mình những dằn vặt, những khát khao cháy bỏng: Thời gian qua kẽ tay/ Làm khô những chiếc lá/ Kỷ niệm trong tôi/ Rơi - như tiếng sỏi - trong lòng giếng cạn/ Riêng những câu thơ - còn xanh/ Riêng những bài hát - còn xanh/ Và đôi mắt em - như hai giếng nước (Thời gian).

Cuộc đời Văn Cao là những cuộc vượt thoát. Vượt thoát tâm xoáy, Văn Cao đến vùng giao thoa - nơi con người giải phóng năng lượng cho thặng dư phụng sự cái chân, cái thiện, cái đẹp, cho tài năng hòa quyện với thiên tính phát tỏa thiên tài. Thiên tài Văn Cao hiện sinh từ con-người-tư-tưởng. Ông từng tâm sự: "Một trong những hướng xây dựng nhân văn là đào tạo cho xã hội những người biết khai thác, khám phá, phân tích thực tế và mở đường cho tương lai (...) Chúng ta đã qua một thời kỳ dài thiên về cảm xúc và một thời kỳ cảm giác. Cái thời kỳ thiên về tư tưởng có phải đang bắt đầu không?" (Mấy ý nghĩ về thơ trong Thơ Văn Cao - NXB Tổng hợp Đồng Nai, 2009).

Vượt thoát tâm xoáy, Văn Cao đến vùng giao thoa - nơi con người giải phóng năng lượng cho thặng dư phụng sự cái chân, cái thiện, cái đẹp, cho tài năng hòa quyện với thiên tính phát tỏa thiên tài.

Cuộc đời Văn Cao là những cuộc lựa chọn: Giữa sự sống và sự chết/ Tôi chọn sự sống/ Để bảo vệ sự sống/ Tôi chọn sự chết (Chọn). Hình thức triết lý là vỏ bọc, trong vỏ bọc đó là một bản lĩnh - bản lĩnh của chấp nhận nhưng không buông xuôi, không thỏa hiệp: Những tiếng gà lên/ Rụng hết những ngôi sao cuối/ Tiếng kêu của tôi/ Có xót xa có cả vui mừng/ Tiếng kêu của một khúc thép đỏ/ Trong chậu nước (Cạn); hay: Anh mang trong tôi nhiều bộ mặt/ Đâu là cái cuối cùng/ Chỉ còn hai con mắt/ Trắng dã không thể dối lừa (Về một người bạn). Chấp nhận để tri nhận: Tôi không được làm trái đầu mùa/ Những trái cây - cao giá/ Tôi/ Một trái cây muộn - còn sót lại cành/ Vị cuối cùng/ Mùa cuối cùng/ Rớt xuống…// Mới thật hiểu/ Sự sống thật của mình (Sự sống thật). Chấp nhận để tỉnh thức: Người ta đôi khi bị giết/ bằng những bó hoa (Những bó hoa). Trong sự lựa chọn ấy bật lên tiếng reo: Reo lên! A reo lên/ Xóm cùng khổ!/ Reo lên! Reo lên!/ Băng mình vào đạn lửa/ Cuồn cuộn chảy xô lòng Hà Nội vỡ sóng lũ Hồng Hà. Tiếng reo ấy không buông bỏ lầm than: Đây lửa mới thiêu, lửa sống dâng bát ngát/ Nền cũ chỉ còn lớp đá cười rêu/ Hầm hố vây quanh nét sống đang triều/ Trong lòng phố chia hai màu sắc lạnh/ Ánh sáng ngày mai, bóng tối ngày cũ lạnh/ Hai thời gian dìu dặt ở nơi đây... (Ngoại ô mùa đông 1946).

Nghệ thuật Văn Cao không có sự tách rời không gian và thời gian. Tác phẩm của ông là sự hòa quyện quá khứ - hiện tại - tương lai, là sự bất phân địa - sử - văn - triết, là sự hợp nhất thơ - nhạc - họa, là sự kết nối liền mạch truyền thống - hiện đại, dân tộc - nhân loại, ước mơ - khát vọng: Các bạn da đen/ Tôi hiểu các anh còn quá ít/ Nhưng hiểu về kẻ thù/ Chúng ta là một/ Ước mơ được trồng cây và đàn hát (Gửi các bạn da đen). Bởi vậy cái tôi của Văn Cao trở thành cái tôi số nhiều, bất kể ai soi vào cũng thấy mình ở đó: Tôi đẻ ra trần truồng/ được những lót tã - là của cải// tôi lớn lên vì vú mẹ/ tôi không biết đòi hỏi/ tuổi trẻ lớn lên nhiều khát vọng// những lót tã không còn nữa/ tôi đòi hỏi nhiều/ năm tháng cũng thay đổi/ tôi trở về tầm thường - trần trụi (Trần trụi).

*

Ngay từ khi xuất hiện, Văn Cao đã trở thành một hiện tượng hiếm có trong cả ba lĩnh vực nghệ thuật thơ, nhạc, họa (có phần muộn hơn). Hơn nữa, ngôn ngữ của ba loại hình nghệ thuật ấy hầu như đều đậm đà trong mỗi tác phẩm của ông, đều toát lên tầm tư tưởng của một thiên tài.

Theo trực giác, có thể chưa hoàn toàn chính xác, tôi thức nhận ngôn ngữ thơ của Văn Cao vừa đồng nhất vừa khu biệt giữa thơ và thơ-ca từ, trong cách cấu trúc.

Ngoài những điểm chung, thơ Văn Cao rất đậm tính hội họa: Tôi thả con thuyền giấy/ con thuyền giấy trôi// tôi thả một bông hoa/ bông hoa trôi// tôi thả một chiếc lá/ chiếc lá trôi// tôi ôm em trong tay/ em vẫn trôi (Trôi), hoặc: Tôi rơi vào mạng nhện/ mạng nhện cuốn lấy tôi/ không còn cách gì gỡ được// tôi như con sâu tằm/ cuộc đời cứ như thế// muốn phá cái mạng nhện tôi không đủ tay (Ba biến khúc tuổi 65). Tổng thể gam màu trầm đưa thơ Văn Cao vào cái tôi tự sự trong day dứt với độ rỗng của từ/nhóm từ, tạo nên trường nghĩa sâu thăm thẳm, không chỉ ở nội dung mà cả hình thức của bài thơ: Người đi - dọc biển/ Bình minh dưới chân/ Một cái chai lấp lánh/ Sóng biển còn hơi rượu// Người đi - dọc biển/ Lối cát chưa có dấu chân/ Chân trời còn gối biển// Người đi - dọc biển/ Không để lại/ Dấu chân (Người đi dọc biển). Tự sự của Văn Cao không chỉ riêng cho bản ngã của nhà thơ, mà là bản ngã của lương tri, từ cuộc sống thực tại đi vào thơ: Thường gió mùa bay phấn hoa trên mặt biển/ Đem từ xa về hạt giống rải qua sông/ Mảnh đất nơi đây vùi nông cũng sống/ Mấy buổi sương lên đã trổ ngọn xanh cây/ Đời người ở đây sao không được như cây/ Tôi muốn tìm hiểu cuộc đời/ Như lấy bàn tay dò mạch giếng chảy/ Đôi mắt người mò hạt trai/ Tìm ánh sáng/ Trong lòng biển thẳm/ Càng khát tình yêu/ Càng khát khao hy vọng/ Những con chim cứ sáng lên là hót (2-II trường ca Những người trên cửa biển). Có thể nhìn/cảm thấy, nhưng người ta không thể nói ra, nói một cách nghệ thuật như Văn Cao. Cũng từ thực tại cuộc sống, ngôn ngữ thơ vẽ nên một bức họa mà dưới gam trầm thẫm càng nổi rõ đường gân tràn đầy một bố cục vừa căng vừa sâu hút: Bỗng nhiên/ Bóng người ấy chia mất/ Nửa mặt tôi// Một nửa mặt của tôi/ Của tôi nửa mặt trắng/ Miệng tôi nửa miệng đắng// Một con mắt tôi/ Lặng lẽ lấp lánh/ Sau bóng đen người ấy (Nguyệt thực).

Thơ-ca từ trong nhạc phẩm, Văn Cao có cách kiến trúc khác. Khác để tạo tính nhạc. Khác để hát thành tiếng. Khác để đi vào cõi mộng, cõi mơ. Vì thế, cái khác ấy cần đến sự giãn cách của chèo, của tuồng, cho nên không mấy xa truyện thơ song thất lục bát, nhưng tiến gần hơn tới ngôn ngữ nghệ thuật thứ bảy để đẩy tiết tấu hòa cùng nhịp điệu cuộc sống đang biến chuyển gấp gáp. "... Ai lướt đi ngoài sương gió. Không dừng chân đến em bẽ bàng. Ôi vừa thoáng nghe em. Mơ ngày bước chân chàng. Từ từ xa đường vắng. Đêm mùa thu chết. Nghe mùa đang rớt rơi theo lá vàng..." (Lời bài hát Buồn tàn thu). Âm hưởng ca từ và giai điệu ấy mênh mang, không lướt qua mà ngấm vào từng thớ thịt cái "mùa đang rớt rơi" cùng màu lá ánh lên hoài tưởng. Giữa lằn ranh thế cuộc chuyển dịch, người nghệ sĩ khó cầm lòng xao động: "Tiếng ai hát chiều nay vang lừng trên sóng. Nhớ Lưu Nguyễn ngày xưa lạc tới Đào Nguyên. Kìa đường lên tiên, kìa nguồn hương duyên theo gió tiếng đàn xao xuyến. Phím tơ lưu luyến, mấy cung u huyền. Mấy cung trìu mến như nước reo mạn thuyền..." (Lời bài hát Thiên Thai). Để rồi, hoài tưởng trầm tích thành tâm tưởng riêng tư: "Đò ơi! đêm naу dòng sông Thương dâng cao. Mà ai hát dưới trăng ngà. Ngồi đâу ta gõ ván thuуền. Ta ca trái đất còn riêng ta. Đàn đêm thâu. Trách ai khinh nghèo quên nhau. Đôi lứa bên giang đầu. Người ra đi với cuộc phân lу. Đâu bóng thuуền Trương Ϲhi?" (Lời bài hát Trương Chi).

Thơ và thơ-ca từ của Văn Cao
Bài "Tiến quân ca" trong sách giáo khoa

Cái khác nữa là thơ-ca từ trong nhạc phẩm Văn Cao chuyển nhanh sang giai điệu của thể loại hành khúc, để bắt nhịp cùng nhịp sóng cách mạng dâng trào, để phác họa khát vọng và khí thế nhân dân đứng lên giành độc lập tự do: "Đoàn quân Việt Nam đi, chung lòng cứu quốc. Bước chân dồn vang trên đường gập ghềnh xa. Cờ in máu chiến thắng mang hồn nước. Súng ngoài xa chen khúc quân hành ca (...) Đoàn quân Việt Nam đi. Sao vàng phấp phới. Dắt giống nòi quê hương qua nơi lầm than. Cùng chung sức phấn đấu xây đời mới. Đứng đều lên gông xích ta đập tan..." (Lời bài hát Tiến quân ca). Trong sự chuyển biến nội dung và hình thức ca nhạc, thì tư tưởng của người nhạc sĩ thiên tài luôn nhất quán. Trường ca Sông Lô của Văn Cao dựng nên một biểu tượng bằng nhạc ca ngợi quân dân, đặc biệt là chiến sĩ binh chủng pháo binh non trẻ Việt Nam làm nên chiến thắng lịch sử những năm đầu của cuộc kháng chiến trường kỳ cứu nước. Hơn nữa, khi kiến tạo nhịp hành khúc khẩn trương trong bài hát Tiến về Hà Nội, Văn Cao thể hiện thiên tính dự báo và niềm khát khao ngày chiến thắng trở về hân hoan ca khúc ca khải hoàn, mặc dù còn năm năm dài giáp mặt với đạn bom, cận kề với cái chết. Điệp khúc trong các ca khúc của Văn Cao trong giai đoạn này có tác động thôi thúc lòng người, bởi nhịp bước rắn rỏi, hùng kiêu và tràn đầy tin tưởng.

Và, ngay sau ngày non sông thu về một mối, Văn Cao trở về với giai điệu valse trữ tình và lãng mạn trong ca khúc Mùa xuân đầu tiên với thơ-ca từ đầy tính nhạc hòa quyện tính thơ. Tôi xin dừng lại phân tích thơ-ca từ của ca khúc Mùa xuân đầu tiên để làm rõ hơn những ý kiến nêu ở trên.

Thơ-ca-từ của ca khúc Mùa xuân đầu tiên có 176 lượt từ trên tổng số 73 từ khác nhau, được cấu tạo từ 22 chữ cái trong bảng chữ cái tiếng Việt (al-pha-bê). Tính trung bình, 73 từ khác nhau được sử dụng xấp xỉ 2,5 lượt; cụ thể: 34 từ (8 âm trắc và 26 âm bằng) dùng 1 lượt (chiếm gần 50%), 14 từ (5 âm trắc và 9 âm bằng) dùng 2 lượt, 15 từ (8 âm trắc và 7 âm bằng) dùng 3 lượt, 4 từ (4 âm bằng) dùng 4 lượt, 2 từ (2 âm bằng) dùng 5 lượt, 2 từ (2 âm bằng) dùng 6 lượt, 2 từ (2 âm bằng) dùng 8 lượt. Như vậy, có 52 âm bằng, chiếm hơn 71%, trong đó thanh không là 36 từ, thanh huyền là 16 từ; và 21 âm trắc, chiếm gần 21%, thanh sắc 14 từ, thanh nặng 5 từ, thanh ngã 1 từ, thanh hỏi 1 từ. Đủ cả 6 thanh, nhưng rất tự nhiên, tỷ lệ giữa các thanh giảm tuần tự và rất nhanh từ thanh không (gần 50%), thanh huyền (gần 22%), thanh sắc (19%), thanh nặng (chưa đầy 8%), thanh ngã và hỏi mỗi thanh chỉ có 1 từ. Tỷ lệ bằng - trắc hơn kém nhau 3 lần tần suất xuất hiện, cũng như tỷ lệ giữa các thanh chênh nhau rất lớn, đã tạo nên cho lời thơ-ca từ một cấu trúc chặt chẽ và nhịp điệu uyển chuyển.

Nhịp điệu thơ-ca từ của Mùa xuân đầu tiên còn được xác định bởi sự láy đi láy lại các cụm từ. "Rồi dặt dìu mùa xuân theo én về" được sử dụng ở cả 3 đoạn. "Mùa bình thường mùa vui nay đã về" ở đoạn 1 và 3. "Mùa xuân mơ ước ấy đang đến đầu tiên" ở đoạn 1 và 2. "Với khói bay trên sông, gà đang gáy trưa bên sông" ở đoạn 1 và 3. Thủ pháp này được tác giả sử dụng triệt để và đẩy tứ thơ đến cao trào khi ở đoạn 3 ông viết: "Mùa xuân mơ ước ấy, xưa có về đâu", 4 chữ cuối thay cho "... đang đến đầu tiên" ở đoạn 1 và 2; và, cũng ở đoạn 3, câu "Một trưa nắng thôi hôm nay mênh mông" khác với ở đoạn 1 "Một trưa nắng vui cho bao tâm hồn". Đặc biệt, ở đoạn 2, thủ pháp láy từ đôi rất đậm đặc: "đầu tiên" 3 lần, "vai anh" 2 lần, "từ đây" 3 lần, đã tạo nên những đợt sóng dồn dập, tác động vào các giác quan người đọc sự da diết, trầm hùng.

Khi Văn Cao viết thơ-ca từ cho ca khúc Mùa xuân đầu tiên, thì ông không viết cái "bình thường" của bình thường, mà là cái "bình thường" của rất-đỗi-bình-thường, vì vậy cái "bình thường" ấy không còn bình thường nữa.

Không phải sự hiện diện của hai chữ "bình thường", mà ở những chữ rất bình thường khác. Toàn bộ ý thơ được biểu hiện ở những chữ bình thường với những hình ảnh rất đỗi quen thuộc: mùa xuân - cánh én, khói bay - dòng sông - tiếng gà gáy, người mẹ - đàn con, nước mắt - mơ ước - niềm vui, quê hương - cuộc đời, yêu thương - yên ấm... Tất cả, quyện vào nhau, thành một bức tranh thiên nhiên hài hòa với tâm trạng con người, từ xa đến gần, từ ngoài vào trong với một biên độ sắc màu, ánh sáng đa dạng, lung linh. Trên nền bức tranh-thơ ấy, là những điểm nhấn, những khắc họa tinh tế bởi các chữ hoặc cặp chữ, tạo nên chiều sâu và cả chiều kích cho sự liên tưởng về không gian và thời gian trong sự dịch chuyển có tính quy luật của tuần hoàn.

Thật bất ngờ khi chạm cụm từ "Mùa bình thường". Đối với người Việt, hiện tượng "mùa", xuân - hạ - thu - đông hay khô - mưa, nóng - lạnh, quá ư không lạ, không lạ cả về sự "chuyển mùa", "giao mùa", "được mùa", "mất mùa" - "được mùa chớ phụ ngô khoai" hay "được mùa cau, đau mùa lúa; được mùa lúa úa mùa cau"... "Mùa" ăn sâu vào tâm thức người, vào đời sống lao động sản xuất, "mùa vụ", "nông lịch", vào sinh hoạt thường nhật, vào ca dao tục ngữ, thẫm đẫm trong tình thơ, chất thơ. Vậy mà câu thơ-ca từ của Văn Cao "Mùa bình thường mùa vui nay đã về" đọc lên sao ám ảnh đến lạ!

Từ đôi "dặt dìu" (chứ không phải "dìu dặt") đã khởi phát cho một điệu thức êm đềm mà diết da, đằm thắm và lắng sâu, mang âm hưởng điệu valse nhịp nhàng, nhẹ lướt, song không lấn át chất dân ca bồng bềnh, vời vợi của người Việt từ ngàn xưa, không phân biệt vùng miền văn hóa và cư trú. Láy ở đầu cả 3 đoạn, từ đôi "dặt dìu" biểu tả nhịp đi thuần khiết của mùa, nhịp thở của trời đất, nhịp sóng mềm mại của núi rừng, biển cả, vốn đã tồn tại cả vạn vạn năm, triệu triệu năm. Chữ "rồi" đứng ngay trước đó ("Rồi dặt dìu..."), làm tăng thêm sức nặng cho tính nhịp điệu của mùa tạo hóa. Mùa đến - mùa đi - mùa về, vòng tuần hoàn có chu kỳ và định kỳ theo sự chuyển động biểu kiến của mặt trời và độ nghiêng trục trái đất trên mặt phẳng hoàng đạo, rất đỗi bình thường đối với người nông dân xứ sở trồng lúa nước. Bình thường đó mà lại không bình thường. Không bình thường, bởi mùa này "vui", mùa này là "đầu tiên" sau bao nhiêu chờ đợi, "mơ ước", khiến "Một trưa nắng vui cho bao tâm hồn". "Một trưa nắng" (của mùa xuân bình thường/không bình thường), vừa là cảnh thực, vừa ẩn dụ, hòa vào tâm trạng của người, trở thành "tâm trạng" của thiên nhiên với màu sắc ấm áp, từ đó bật ra nỗi niềm. Chữ "vui" đặt trong câu này dường như không chỉ còn đóng vai trò là một tính từ chỉ trạng thái - "Một trưa nắng vui", mà khi tách ra - "Một trưa nắng - vui" - thì chữ "vui" đã chuyển hóa chức năng thành một vị ngữ, mà bổ ngữ của nó là "cho bao tâm hồn" (vui lên bao tâm hồn).

Cũng như vậy, ở đoạn kết, câu trên được lặp lại ở sắc thái khác, độ rung khác, trải ra, loang ra sự khát khao rộng lớn: "Một trưa nắng thôi hôm nay mênh mông". Chữ "vui" ở câu trên là bình thường, gần gụi với tâm trạng, lan truyền từ tâm hồn này sang tâm hồn khác, thì chữ "thôi" ở đây lại rất... không bình thường. Trong trường hợp cụ thể, theo cảm thức của riêng người viết bài này, chữ "thôi" đặt trong câu cũng có chức năng là một vị ngữ. Nó làm giãn nở thời gian, hòa nhập vào không gian, xác lập một trường không-thời gian mới, gồm cả tâm trạng của con người trong đó. Một trưa nắng mà "thôi" ra một hôm nay mênh mông, thì quả là thú vị! Trong ngôn ngữ dân gian, chữ "thôi" được dùng với chức năng vị ngữ khá thông dụng trong cuộc sống hằng ngày ở nông thôn. Người nông dân nói: "nước thôi ra từ đất", tương tự "nước ứa ra...", hay khuyên nhau chớ giặt lẫn lộn, vì quần áo nhuộm màu (nâu, đen, xanh...) sẽ thôi ra làm hỏng quần áo không nhuộm, v.v...

Thơ và thơ-ca từ của Văn Cao
Tranh của họa sĩ Đặng Đình Ngỡ

"Mùa xuân mơ ước ấy đang đến đầu tiên" được láy lại ở đoạn 1 và 2, là sự khẳng định để đi đến niềm vui đoàn viên của mỗi gia đình, của toàn dân tộc, mặc dù trong niềm vui chung ấy còn có cả những mất mát, hy sinh của từng con người, của mỗi gia đình. Đến đoạn 3, sự khẳng định ấy được nâng lên ở cấp độ khác, có tính lịch sử: "Mùa xuân mơ ước ấy xưa có về đâu". Xưa, gần nhất cũng là 30 năm, mùa xuân độc lập đầu tiên (1946) của đất nước vừa lập nên chính thể Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nhưng ngay lập tức đã phải đương đầu với các thế lực thù trong giặc ngoài, phải giải quyết biết bao khó khăn, thế nước như ngàn cân treo sợi tóc, song mọi nỗ lực của Chính phủ Hồ Chí Minh, của toàn dân tộc không tránh được một cuộc chiến tranh trường kỳ, đất nước chìm trong khói đạn, toàn dân dốc sức ngăn chặn sự xâm lăng qua chín năm kháng chiến đầy gian lao và anh dũng. Xưa, xa hơn, năm 1789, Hoàng đế Quang Trung đại phá quân Thanh thắng lợi, đón Tết Kỷ Dậu tại kinh thành Thăng Long, nhưng rồi nhân dân lại rơi vào cảnh một ách hai chòng áp bức của thực dân và phong kiến, đến khi đất nước thống nhất, toàn dân tộc đón xuân Bính Thìn - 1976, thời gian đã trôi qua 187 mùa xuân. Chặng lịch sử dằng dặc ấy, xa hơn hoặc gần nhất, đã hằn sâu vào tâm thức các thế hệ người con đất Việt sự khắc khoải đến mòn mỏi, mơ ước, chờ mong và tranh đấu cho nước nhà thống nhất, cho những mùa xuân hòa bình, ấm no. Chữ "xưa", trong trường hợp cụ thể này, có sức chuyển hóa nhận thức về mùa-xuân-lịch-sử và mùa-xuân-tạo-hóa, vừa khác vừa nhập vào nhau, cùng chuyển dịch và thay đổi trong sự tuần hoàn. Nó cho thấy ý nghĩa vô cùng lớn lao của một mùa xuân đầu tiên, một thời điểm bản lề bước sang thời kỳ kiến thiết cuộc đời mới trong tình thương yêu, nương tựa.

Ở đoạn 2, chữ "đã", trong câu "Người mẹ nhìn đàn con nay đã về", tạo nên khoảng trống cho cái tình của người nghệ sĩ cởi mở, cho ý thơ ùa ra, cất cánh. Đã thực (thật) rồi đấy, chứ không còn mơ nữa đâu, nước mắt mẹ đã thấm vào vai áo con, không còn khô trên khóe mắt, không phải nuốt vào trong như đã từng đằng đẵng ngóng trông. Trường không-thời gian rộng mở đẩy cái tình người thêm bao la. Chữ "biết", ở 3 câu cuối đoạn 2, được đặt vào vị trí đắc địa. Không chỉ những người trực tiếp cầm súng xông pha nơi chiến trận, mà cả dân tộc, không phân biệt phía bên này hay phía bên kia, miễn là nòi giống Việt Nam, khi chiến tranh kết thúc đều biết phải làm gì cho cuộc sống hòa bình, trước mắt cũng như lâu dài, được đầm ấm, yên vui, biết đặt tình yêu thương đồng bào, đồng loại, yêu thương quê hương, đất nước lên trên hết và muôn đời.

Trong lời thơ-ca từ của Mùa xuân đầu tiên, những chữ "rồi", "vui", "đã", "biết", "thôi", "xưa" là những cá-thể-chữ rất cá biệt, làm tôn lên vẻ đẹp của một cấu trúc hoàn thiện, là những điểm nhấn cho một bức-tranh-thơ-ca-từ-hoàn-mỹ. Chúng là những từ khóa để mở ra điểm nhìn thấu đạt cái bình thường bề mặt và cái hơn bình thường ẩn sâu bên dưới câu chữ - yếu tố làm nên nghệ thuật và là nghệ thuật, lan tỏa và trầm tích vào thời gian của thẩm mỹ.

*

Kỷ niệm 100 năm ngày Văn Cao chào đời, là khi ông đã trở về cõi Thiên thai 28 năm. Ông để lại một khoảng trống đủ cho người đi sau thức nhận sâu sắc hơn, đầy đủ hơn và nhân văn hơn về một Văn Cao thiên tài. Trong 72 năm hiện hữu giữa cõi trần, thì Văn Cao phải bươn trải đủ đầy một Hoa Giáp (60 năm) với những éo le trên con đường gập ghềnh, chông gai. Dù vậy, ánh sáng tư tưởng của người nghệ sĩ thiên tài vẫn luôn bùng cháy và tỏa hào quang, sưởi ấm lòng con Hồng cháu Lạc...

Hội Nhà văn Hà Nội
Cỏ - Thơ Lê Nguyệt Minh

Cỏ - Thơ Lê Nguyệt Minh

Baovannghe.vn- Cứ cuống quýt xanh lên/ Vạm vỡ đất cằn
Về nơi cỏ ngọt. Truyện ngắn dự thi của Trần Thủy

Về nơi cỏ ngọt. Truyện ngắn dự thi của Trần Thủy

Baovannghe.vn- Sáng nay, thằng Vinh làm cùng nhóm xây dựng gọi điện sang, giọng hớt hải nghẹn ngào. Bố mất rồi, bố không kịp chờ nó hoàn thành thủ tục cách ly
Quan Hóa đến rồi nhớ mãi

Quan Hóa đến rồi nhớ mãi

Baovannghe.vn - Quan Hóa là bức tranh làm say đắm lòng người. Ngay từ phút đặt chân tới, tôi đã ngỡ ngàng về một miền đất hùng vĩ. Rừng xanh trải dài ngút tận.
Mưa núi Ba Vì - Thơ Lê Thành Nghị

Mưa núi Ba Vì - Thơ Lê Thành Nghị

Baovannghe.vn- Bao năm về lại nhà trên núi/ Nghe lá rừng cây rụng ngoài hiên
Luật sửa đổi, bổ sung Luật Xuất bản: Sửa để có chính sách và cơ chế phù hợp

Luật sửa đổi, bổ sung Luật Xuất bản: Sửa để có chính sách và cơ chế phù hợp

Baovannghe.vn - Bộ Thông tin và Truyền thông đang đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung Luật Xuất bản nhằm xây dựng những chính sách và cơ chế phù hợp để xuất bản hoạt động hiệu quả