Sự kiện & Bình luận

Thời điểm chín muồi của cuộc cách mạng mang tính đột phá

Kim Quốc Hoa
Chính trị xã hội
09:50 | 17/12/2024
Baovannghe.vn - Cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị để hoạt động hiệu lực, hiệu quả phù hợp quy luật tất yếu khách quan, đúng thời điểm, thời cơ, vừa cần thiết, vừa cấp bách, mang tính “đột phá của đột phá”, đã chín muồi không thể chậm trễ hơn.
aa

Thực hiện phương án sắp xếp tinh giản là tối ưu hóa hiệu lực lãnh đạo, hiệu quả quản trị quốc gia, hiện đại hóa bộ máy hành chính các cấp, nhằm tinh gọn bộ máy, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, tiết kiệm nguồn lực, tái cấu trúc toàn diện bộ máy, làm rõ chức năng, nhiệm vụ, loại bỏ sự chồng chéo, bất cập tồn tại kéo dài từ nhiều thập kỉ; thúc đẩy mạnh mẽ phát triển đất nước bước vào kỉ nguyên mới, kỉ nguyên vươn mình của dân tộc.

Thời điểm chín muồi của cuộc cách mạng mang tính đột phá
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại phiên họp thứ nhất của Ban Chỉ đạo của Chính phủ tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Đây là cuộc cách mạng mang tính đột phá, phải hành động quyết liệt nhằm thực hiện nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”.

Theo nghị quyết này, Trung ương đánh giá: Tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị vẫn còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc, nhiều đầu mối, hiệu lực, hiệu quả hoạt động chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy, mối quan hệ của một số cơ quan, tổ chức chưa thật rõ, còn chồng chéo, trùng lặp. Việc phân cấp, phân quyền giữa các ngành, các cấp và từng cơ quan, tổ chức chưa hợp lí, mạnh mẽ và đồng bộ, còn tình trạng bao biện, làm thay hoặc bỏ sót nhiệm vụ. Kiện toàn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị gắn với tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đạt kết quả thấp, tỉ lệ người phục vụ cao, nhất là ở khối văn phòng, số lãnh đạo cấp phó nhiều, việc bổ nhiệm cấp “hàm” ở một số cơ quan Trung ương chưa hợp lí. Cơ chế kiểm soát quyền lực hiệu quả chưa cao. Việc công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình còn hạn chế. Cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính chuyển biến chậm, không đồng bộ, chưa đáp ứng yêu cầu. “Số người hưởng lương, phụ cấp từ ngân sách Nhà nước rất lớn, nhất là ở các đơn vị sự nghiệp công lập, người hoạt động không chuyên trách cấp xã và ở thôn, tổ dân phố, chính sách tiền lương còn bất cập”.

Trong 7 năm qua, thực hiện Nghị quyết số 18 của Trung ương và Nghị quyết của Quốc hội, nhiều tổ chức, cơ quan, địa phương đã triển khai sắp xếp, tinh gọn bộ máy đạt kết quả bước đầu. Ở một số bộ, cơ quan ngang bộ đã giảm 17 tổng cục và tương đương, giảm 10 cục, 144 vụ/ban thuộc bộ, thuộc tổng cục; giảm 108 phòng trong vụ/ban thuộc bộ, ngành. Tại một số tỉnh, thành phố giảm 13 sở, tổ chức hành chính khác thuộc UBND cấp tỉnh; giảm 2.572 phòng và tương đương thuộc cơ quan chuyên môn UBND tỉnh, huyện. Hết năm 2023, các đơn vị sự nghiệp công lập trong cả nước giảm 7.868 đầu mối, hiện còn 46.385 đơn vị sự nghiệp công lập. Sáp nhập cấp huyện, cấp xã tại hơn 50 tỉnh, thành phố trong 2 đợt (2019 - 2021 và 2023 - 2024) đã sắp xếp được 50 đơn vị hành chính cấp huyện (giảm 15 ĐVHC cấp huyện) và 1.812 ĐVHC cấp xã (giảm được 934 xã)… Qua đó, giảm hàng chục nghìn cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, nhiều nhất là ở cấp huyện, cấp xã. Tuy nhiên, bộ máy hành chính các cấp vẫn còn cồng kềnh, số người hưởng lương, phụ cấp từ ngân sách còn rất lớn. Hằng năm ngân sách phải dùng tới 70% để chi thường xuyên nuôi bộ máy, song hoạt động đạt hiệu quả không tương xứng.

Theo phương án tinh giản bộ máy, tại các cơ quan Trung ương sẽ sắp xếp, sáp nhập, kết thúc hoạt động của nhiều tổ chức, cơ quan. Theo đó, Chính phủ giảm 5 bộ, 4 cơ quan trực thuộc. Chính phủ tinh gọn từ 30 đầu mối xuống còn 21 đầu mối, hình thành 13 bộ, 4 cơ quan ngang bộ, 4 cơ quan trực thuộc. Các cơ quan Trung ương của Đảng giảm 4 ban, 25 ban cán sự đảng, 16 đảng đoàn trực thuộc Trung ương. Quốc hội giảm 4 uỷ ban, 1 cơ quan trực thuộc Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, v.v.. Hàng loạt đơn vị sự nghiệp công lập (trong đó có những cơ quan báo chí, truyền hình, thông tấn, v.v.) sẽ được sáp nhập, chuyển giao hoặc kết thúc nhiệm vụ. Việc sắp xếp, tinh giảm bộ máy không để ảnh hưởng đến nhiệm vụ chính trị, vừa nhanh chóng ổn định tổ chức vừa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và tiến hành Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV vào đầu năm 2026.

Cuộc cách mạng này là bước “đột phá của đột phá”, giải quyết “điểm nghẽn” nên vô cùng quan trọng để đất nước bước vào kỉ nguyên mới, kỉ nguyên vươn mình của dân tộc nhằm đạt mục tiêu trở thành nước phát triển, có thu nhập cao vào năm 2045, kỉ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hoà (nay là Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam), phù hợp xu thế thời đại, hội nhập quốc tế.

Nhìn ra thế giới, nhiều quốc gia phát triển nhanh, giàu có, hùng mạnh đều có bộ máy quản lí nhà nước tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Ví dụ Hoa Kỳ chỉ có 15 bộ. Nhật Bản chỉ có 11 bộ. Nước Đức có 15 bộ. Nước Pháp có 17 bộ và tương đương. Hàn Quốc có 17 bộ, Singapore có 14 bộ và cơ quan ngang bộ, v.v.. Các quốc gia này đều không có đơn vị hành chính cấp tổng cục mà chỉ có cấp cục và tương đương, phân định rõ chức năng, nhiệm vụ theo cơ cấu bộ đa ngành, đa lĩnh vực. không chồng chéo. Ví dụ: Nước Đức có bộ Giao thông, Xây dựng và Phát triển đô thị; bộ Môi trường, Bảo vệ thiên nhiên và An toàn hạt nhân. Nước Pháp có bộ Năng lượng, Khí hậu và Phòng ngừa rủi ro; bộ Nhà ở và Đổi mới đô thị; bộ Kế hoạch, Tài chính và Công nghiệp; bộ Thể thao, Thanh niên và Đời sống cộng đồng. Trung Quốc có bộ Nhà ở và Xây dựng thành thị, nông thôn; bộ Văn hoá và Du lịch; bộ Thương mại, Ngân hàng nhân dân Trung Quốc; bộ Tài nguyên nhân sự và Bảo trợ xã hội. Hàn Quốc có bộ Khoa học và Công nghệ thông tin; bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng; bộ Nông nghiệp, Thực phẩm và Nông thôn; bộ Doanh nghiệp nhỏ và Khởi nghiệp. Hoa Kỳ có bộ Lao động, Y tế và Dịch vụ dân sinh; bộ Gia cư và Phát triển đô thị; Nhật Bản có bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thuỷ sản; bộ Giáo dục, Văn hoá và Thông tin; bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng, Giao thông và Du lịch; bộ Kế hoạch và Công nghiệp, v.v.. Chứng tỏ các quốc gia phát triển trên đây từ nhiều thập kỉ đều chú trọng thiết lập các bộ đa ngành, đa lĩnh vực mà không chồng chéo, đan xen chức năng, nhiệm vụ, ngành nghề nên trong việc quản trị quốc gia rất thành công.

Cũng theo nghị quyết số 18, năm 2021 đã “cơ bản hoàn thành việc sắp xếp, kiện toàn một số tổ chức và các đầu mối bên trong của từng tổ chức theo hướng giảm đầu mối, giảm tối đa cấp trung gian, giảm cấp phó, v.v.”. Nay mới triển khai là chậm 3 năm so với chủ trương của Đảng nên không thể “chậm hơn được nữa” như Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh. Phương châm thực hiện là “vừa chạy vừa xếp hàng”, Trung ương làm trước để địa phương làm theo, cấp trên có ban nào của Đảng, bộ nào của Chính phủ thì cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có ban đảng đó; UBND có sở đó; cấp huyện và tương đương có ban đó, phòng đó.

Việc sắp xếp, tinh giản bộ máy phải gắn liền với giảm biên chế. Cuộc cách mạng này đòi hỏi cả hệ thống chính trị phải vào cuộc, làm quyết liệt, triệt để. Đã là “cuộc cách mạng” thì phải có sự hi sinh, lăn lộn, vật lộn trong thực tiễn để có kết quả, có sản phẩm và thành tựu. Hình thành bộ máy mới, vấn đề cốt lõi và nhân tố quyết định bảo đảm thành công trong thực hiện nhiệm vụ chính trị là chọn đúng người đứng đầu tổ chức, cơ quan, đơn vị. Khâu giảm biên chế cần giảm những cán bộ, công chức, viên chức năng lực hạn chế, yếu kém, “sáng cắp ô đi tối cắp ô về” (số này chiếm khoảng 40% trong bộ máy) và quan trọng hơn là biết sử dụng người có tài có đức, trung thực, đổi mới sáng tạo, nhiệt tình. Mặt khác, tránh tình trạng cục bộ địa phương, cục bộ ngành, tránh xu hướng cơ cấu những đối tượng theo lối “hậu duệ, quan hệ, tiền tệ” như từng có tiền lệ trong bộ máy công quyền. Nhiều năm qua, Nhà nước đã đầu tư rất lớn cho kết cấu hạ tầng công nghệ thông tin, hạ tầng giao thông, nâng cấp trụ sở, trình độ học vấn cán bộ cũng nâng cao (nước ta vào loại đứng đầu về tỉ lệ tiến sĩ, giáo sư, phó giáo sư trên thế giới) song trong quản lí Nhà nước hiệu quả hoạt động chưa tương xứng. Đáng chú ý là cấp phó trong hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương, từ tổ chức, cơ quan đến đơn vị sự nghiệp công lập còn nhiều, vừa cồng kềnh vừa có tình trạng đùn đẩy, ỷ lại cần phải giảm theo lộ trình nhằm giảm chi ngân sách, tăng nguồn lực cho đầu tư phát triển, đề cao trách trong quản lí, điều hành, nâng cao hiệu lực, hiệu quả…

Dừng chân trong khu vườn... - Thơ Vương Cường

Dừng chân trong khu vườn... - Thơ Vương Cường

Baovannghe.vn- Mười ngày đêm cơm vắt ngang lưng/ nước uống không kịp lọc
Những khả thể và quyền năng của văn chương

Những khả thể và quyền năng của văn chương

Baovannghe.vn - Trao giải cho một nhà văn, theo đó, cũng đồng nghĩa với việc củng cố giá trị, quyền năng và những khả thể của văn học mà nhà văn ấy
Đọc truyện: Về nơi cỏ ngọt. Truyện ngắn dự thi của Trần Thủy

Đọc truyện: Về nơi cỏ ngọt. Truyện ngắn dự thi của Trần Thủy

Baovannghe.vn - Giọng đọc: Hà Phương; Đồ họa: Thùy Dương
Bài ca về người đàn bà - Thơ Bình Nguyên trang

Bài ca về người đàn bà - Thơ Bình Nguyên trang

Baovannghe.vn- Người đàn bà rũ rượi nhìn tôi trong cơn đau sinh nở/ Đôi mắt ngân lên thứ hạnh phúc đợi chờ
Khoai nướng. Truyện ngắn của Dương Nữ Khánh Thương

Khoai nướng. Truyện ngắn của Dương Nữ Khánh Thương

Baovannghe.vn - Mùa khoai nướng đến từ lúc nào thì không biết nữa. Tháng ba thì lưng chừng/Tháng tư thì lỡ cỡ. Mà ngọn khoai đâm từ đất bò ngang, mướt mát xanh đã đổ dồn từ ngọn xuống gốc cái mỡ màng ấy để trở thành củ khoai múp míp lẫn cả đất sổn sảng nhìn đến béo cả mắt.