Sáng tác

Khoai nướng. Truyện ngắn của Dương Nữ Khánh Thương

Dương
Truyện
11:00 | 17/12/2024
Baovannghe.vn - Mùa khoai nướng đến từ lúc nào thì không biết nữa. Tháng ba thì lưng chừng/Tháng tư thì lỡ cỡ. Mà ngọn khoai đâm từ đất bò ngang, mướt mát xanh đã đổ dồn từ ngọn xuống gốc cái mỡ màng ấy để trở thành củ khoai múp míp lẫn cả đất sổn sảng nhìn đến béo cả mắt.
aa

Ngày xưa, xa xôi gì cho cam, gọi ngày xưa cốt cho nó cũ mềm đi màu thời gian. Mẹ ta mũ rơm vừa đi vừa sợ bom bi nhưng tay vẫn thổi phù phù củ khoai nướng. Có khoai ăn là may. Khoai là bữa sáng. Trưa chiều có bò gạo thì cũng độn đến bốn phần khoai. Củ khoai nuôi trẻ con lớn tựa như ta ngày nay gạo, thịt, rau vậy. Cầu kì hơn tí bà xắt thành miếng mỏng phơi khô cất vào chum, vại, bữa bốc vài nhúm nấu lên ăn cho lạ miệng đỡ chua cổ. Mà cũng ăn dành chứ không phải ăn phung phí, cốt thay cơm. Củ khoai khốn khó từ lâu thân thương với con nhà nông là vậy.

Đến thời tôi, thuở bé dại lúp xúp giữa những luống khoai. Nhà có trồng vài luống chỉ để có rau cho lớn. Vài đứa trẻ loăng quăng thi nhau chạy cho chân tay đỡ ngứa ngáy. Bà mẹ với tính cẩn thận để con đỡ lêu lổng giao cho việc hái rau, trông nhà. Trẻ con nghĩ bụng: trưa mẹ mới về, rau thì cắt loáng, việc gì mà vội. Chúng thi nhau bới mé đầu vồng khoai, được mấy củ bèn chung lại, đứa nhặt củi, đứa nhóm bếp, đứa chạy ù xuống sông rửa khoai cho gọi là có vệ sinh rồi nướng. Trong khi chờ khoai chín thì chuyện nổ như pháo. Thằng cu Anh qua vườn nhà bà chắt Bưởng xé roạt được miếng lá chuối cuộn thành kèn tò tí te say sưa bài "Ngựa vàng hay ngựa trắng", con Tú Chuột lúc đó mới gửi em cho con Bèo để rảnh rang gỡ cái quần dính đầy quả ké và nó gỡ từ tốn và mải miết như sợ ngơi tay thì quả ké thi nhau mọc lên ào ào vậy. Thằng Quân, thằng Tú thi nhau ước có cái súng bắn chim ba chạc ổi ác chiến như thằng Vệ con ông Kiếng.

Giờ phút mong mỏi khoai chín có lẽ là thú vị nhất. Cứ mấy đứa nhển mỏ để nhìn rõ củ khoai hơn và cũng là để xí phần bằng mắt trước. Nếu chẵn thì khỏi lo, phần ai nấy giữ nhưng lẻ thì ái chà chà gay go thật đấy. Cả mấy mắt đổ dồn nhìn thằng Quân, nó như là đại ca của cả nhóm, được cả bọn tín nhiệm nhất. Đứa nào cũng hấp ha, hấp hởi. Con Tí cố thu hút sự chú ý của Quân bằng cách sán lại gần, nhấc con em bên hông, cảm tưởng sự lồm cồm đó ít ra cũng làm đứa chia phải nghĩ ngợi, phải đắn đo mà xẻ thêm cho nó cái mủm vàng sươm chẳng hạn.

Phần chia ra, đã thôi lóng nhóng nhưng đây mới là lúc phải dè chừng. Đứa háu ăn chén trước thì tha hồ nhìn thèm đứa sau nhẩn nha, kệnh cạng. Rồi thì gạ gẫm xin xỏ, tiếc rẻ cái mùi vị vừa chui qua cổ họng. Nó vừa bùi, vừa bột, vừa ngọt lại thêm hườm hơi lá, hơi cỏ, cả mùi đất cát đang nhậu nhạo đâu đây. Cái vỏ khoai có vị riêng. Hơi dai, cháy xém ăn deo dẻo, dè dè lột vòng quanh đến lúc lộ ra bột khoai mịn màng, lấp lánh như những hạt cát xếp chồng lên nhau. Cắn đầu mỏm trước rồi nhẩn nha cho đến hết. Nước sông hình như thấm vào được tận ruột khoai, nó ngọt lan trong cái bở tơi của ngũ cốc. Ăn xong xoa tay cho khỏi nhám, phủi vào quần bồm bộp rồi thi nhau ùa xuống sông tắm, lặn vùng vẫy một lúc rồi đứa nào về nhà đứa nấy.

Những ngày tháng êm đềm

Trẻ thơ bỏ ta đi lúc nào không hay.

Xóm trẻ con công nhân viên Nhà nước rã đi. Có thể là đã lớn không hợp với những trò như vậy, cũng có thể là do thay đổi môi trường sống. Như đứa tôi thì chuyển nhà về thành phố rồi đi học xa. Sáng học, chiều học, tối học, thỉnh thoảng ăn quà vặt thì toàn thứ chè thập cẩm, nước cam, nước mơ, bánh tôm, bánh gối những thứ quả đến là hổ lốn, ngấy ngà. Rồi quên tuột, lờ tịt cả trong trí nhớ thứ quà ngon miệng không mất một chinh xu ngày nào. Nhỡ may có ai ở quê ra cho mớ khoai thì cũng đùn đẩy cho nhà hàng xóm, hoặc rẻ rúng để chuột tha, sùng gặm.

Một hôm rỗi rãi, đạp xe chầm chậm qua hàng ngô quạt than hồng bên cột điện cũng không nhớ là hôm nào vì khi biết cũng không nhớ là biết để đánh dấu rằng cô hàng ngô đã chuyển thức bán cho hợp mùa. Thì cũng chừng ấy bà, cô vẫn quạt than bên hè phố cần mẫn, chăm chỉ, dẻo dai làm ấm nóng những người ăn quà cũng vẫn thêm cái lạnh phố phường những nàng, những chàng ấy, những người hay thèm thèm quen miệng khẽ khàng ngồi xuống chỉ những củ khoai vừa mắt giục cô hàng nướng. Mùa ngô rộ nhất vào lúc tháng chạp, tháng giêng ghé xuống hàng xuýt xoa vì cái lạnh xuân thì phơn phởn thì lúc này tiết trời Bắc đang giao mùa, âm ấm bởi mùa hạ đang về qua hơi gió, từ bếp đang hồng, lại se se chút dây dưa Nàng Bân. Đẹp và hợp để nhẩn nha với đất trời, để dềnh dàng với cái thú dân dã, quê mùa ngay vỉa hè Hà Nội. Có khi là cột diện, đèn đường toả vàng mặt người, có khi là hè đường những ô gạch vuông bằng bàn tay sắp vào nhau líu ríu, léo xéo, vài ghế con con, một chậu than, một rổ khoai đỏ sậm béo tít từng củ một.

Cô hàng vừa nướng vừa cười ngồ ngộ trông cô cũng thích mắt như khoai. Củ khoai vỏ đỏ dườn qua than, lật qua lật lại gọn gàng lúc lấy ra vàng đều nóng hổi. Giấy báo cô hàng đã sẵn bọc, lấy khoai đưa cho khách. Cái trao thật ý nhị, trông yêu lắm, quý lắm. Vì nóng hay vì lịch sự những ngón tay thon đang đỏ hồng lên lăn qua lăn lại đỡ hộ cho khách đang nhóng nhánh vì sợ bỏng, đang xuýt xoa thòm thèm. Vỏ khoai tuột ra cái màu vàng không lẫn được. Từa tựa như màu gạch non nhưng lại hường hơn. Gọi là khoai mật. Bởi bao đời cát từ sông bồi lên đánh thành luống, phù sa dâng nặng thành thân khoai chắc nịch, vị ngọt chắt chiu từ đất, trời, mầm củ và cả giọt mồ hôi của người trồng ra nó. Luộc khoai này thì hơi ướt vì nước nhiều chỉ để nướng là hợp. Lửa làm nước căng mọng ra, cắn một miếng ngọt và thơm tận lưỡi cả cái nóng cũng tìm đến ve vuốt vị giác của kẻ thưởng thức. Tay này chuyển qua tay kia cho đỡ nóng đồng thời thổi cho khói nóng tan đi. Cắn miếng, thêm miếng nữa mới thấy vị ngọt lan ra giờ như ngọt lây trong không khí. Gió ngọt, ánh mắt cô hàng ngọt và trời đất đang ngọt nồng phút giao mùa vội vã.

Khoai nướng - truyện ngắn của Dương Nữ Khánh Thương
Hình ảnh minh họa. Nguồn Internet

Ngoài những hàng khoai ven đường, ở xung quanh các trường đại học còn có hàng khoai rong hiện diện bằng tiếng rao. Khoai nướng để vồng lên sắp vào nồi, bọc trấu xung quanh, chét thêm lớp bì từ đáy nổi lên vấn ngược ủ kín mít như bà già sợ gió, trùm khăn vậy. Rồi chở sau xe đạp đi khắp các phố, hẻm nhỏ. Tất nhiên là không thú bằng la cà quanh chậu than nhưng cũng thỏa mãn phần nào những cái miệng hay thèm mà ngại lọc cọc ra đường. Sinh viên trọ học tầm tầm chín giờ, mười giờ lại ngóng một tiếng rao, tiếng rao thiết tha không lẫn vào đêm như bánh mì, bánh khúc. "Ai khoai nướng" tiếng rao thật khác biệt, vọng và xa... Vần "ai" "oai" "ương" như nhoài khỏi thính giác, giục vị giác phản ứng bằng dịch vị đồng thanh rủ khứu giác đánh hơi thấy đâu đây mùi ngọt, mùi thơm không cưỡng lại được của củ khoai mật tròn quay khiến bước đi lần khần... Đem khoai vào bàn học pha thêm ấm trà thì còn gì mĩ mãn bằng. Trà ngọt ngào nhấn đắng, xanh veo hớp một hớp nhỏ đưa thêm miếng khoai khoái trá vô cùng. Không thanh cao cầu kì kiểu đạo trà nhưng lại nông dân, và sáng tạo ra phết. Vừa ấm bụng, ngon miệng lại no lòng. Còn gì bằng, sinh viên mà, học khuya cứ là vô tư đi...

Nhiêu khê và "tư sản hóa" hơn tí ấy là khoai bưởi. Nướng xong cô hàng gói bằng lá chuối miếng lá khum khum thơm nức thứ hoa vườn tháng ba. Thứ hoa cánh trắng mẹ gội đầu, người yêu cài lên tóc. Thứ hương thầm kín đáo vương trong lá như mời, như gọi, gợi cảm đến nao người. Hỏi cô hàng, cô chỉ tủm tỉm cười, thèn lẹn lấy từ trong bầu áo hình búp sen một bông nhỏ dúi vào gói khoai như ngầm bảo "Của thơm đất trời, yêu lắm mới thêm cho gọi là hoa thơm mỗi người hưởng tí đấy!" Rồi cô nàng ta quạt tay cời, lại lật khoai nhoay nhoáy như múa. Hỏi bà ngoại, bà bảo: à khó gì, hái hoa xong nhốt vào lá, nghĩa là lá chuối xanh trên cây cứ để nguyên chỉ buộc hờ, hái độ chục bông hoa thả vào, tối thì cắt vừa vặn lúc gánh hàng đi bán, hương được giữ nguyên ủ nồng trong lá ăn vừa ngon, vừa sang vẻ quý tộc nhưng thực ra chỉ là bàn tay khéo léo, tinh tế của cô hàng chiều khách, cởi mở. Đem chút duyên sắc của mình chia đều trong từng nụ cười, gửi đến muôn người chút tình tao ngộ. Rồi đến lúc cô lấy chồng, góc phố ấy chẳng thiếu gì người ngơ ngẩn, chả thiếu người phải lòng thứ khoai nướng quê mùa, dân dã đến khiêm nhường ấy.

Khoai bưởi không nhiều, ít cô hàng cầu kì đến vậy, thi thoảng trong ngõ hẻm gặp hàng khoai rong chịu khó, chịu thương, vừa mở nắp vung ra đã bắt gặp thứ hương lạ xa với hoa hồng, hoa lan thị thành nhưng lại quen quen một mùi thơm cổ tích từ đời nảo đời nào trong câu chuyện của bà lan ra, nhẹ nhàng, tỏa sâu trong hơi khói ngào ngạt trùm lấy mặt người đối diện. Thành ra kẻ bán, người mua đối thoại với nhau bằng làn hương dịu thanh trong đêm rét vừa phải, dây dưa đến vạn lòng, vạn kiếp.

Ăn khoai không ăn vội, không ăn nhiều. Nó không hẳn là thứ quà ngon có thể chén đả chén thông như mít, như bánh mà chỉ nên ăn một để nhớ mười. Khoảng một hai củ gì đấy ăn nhiều hơn sẽ chán ngay vì vị ngọt sẽ kịp làm chua cổ họng và cũng chỉ vì khoai nướng là thứ quà dành cho kẻ thèm miệng, lạ lạ trong cuộc sống hôm nay chứ không phải là thứ ngũ cốc thay cơm như ngày xưa.

Vừa miệng rồi đứng lên chào cô hàng đợi ngày kia ghé lại. Chưa đến nhà đã thèm, đã lưng lửng dạ. Lạ thật thứ khoai nướng.

Rồi giao mùa qua, cô hàng chắc lại nghĩ ra một thứ quà gì tương tự dể duy trì thứ than hồng, hùng hùng thì thụt bên các hè phố theo bàn tay quạt dẻo dai, cái cười đong đưa, đôi má hây hây... Để mùa ngô, mùa khoai, mùa sắn những thứ quà quê đó không phải để ăn vồ vập mà cuộc sống càng no đủ nó càng xuất hiện nhiều hơn như thức quà rẻ mà ngon. Lâu thành lạ miệng, duyên thêm mái phố về đêm. Hà Nội thêm một nét để nhớ, để yêu thêm. Củ khoai củ sắn đến với thị thành để nhắc thị thành nhớ quê, nhớ cơ hàn. Để bên những cao lương, mĩ vị Tây Tàu tràn ngập còn có những thứ quà dân dã, bình dị, ngon lành, sạch sẽ như ngày xưa cụ Nguyễn từng cho vào trong văn mà say sưa, tự hảo vậy.

Văn nghệ Trẻ, số 13/1997
Dừng chân trong khu vườn... - Thơ Vương Cường

Dừng chân trong khu vườn... - Thơ Vương Cường

Baovannghe.vn- Mười ngày đêm cơm vắt ngang lưng/ nước uống không kịp lọc
Những khả thể và quyền năng của văn chương

Những khả thể và quyền năng của văn chương

Baovannghe.vn - Trao giải cho một nhà văn, theo đó, cũng đồng nghĩa với việc củng cố giá trị, quyền năng và những khả thể của văn học mà nhà văn ấy
Đọc truyện: Về nơi cỏ ngọt. Truyện ngắn dự thi của Trần Thủy

Đọc truyện: Về nơi cỏ ngọt. Truyện ngắn dự thi của Trần Thủy

Baovannghe.vn - Giọng đọc: Hà Phương; Đồ họa: Thùy Dương
Bài ca về người đàn bà - Thơ Bình Nguyên trang

Bài ca về người đàn bà - Thơ Bình Nguyên trang

Baovannghe.vn- Người đàn bà rũ rượi nhìn tôi trong cơn đau sinh nở/ Đôi mắt ngân lên thứ hạnh phúc đợi chờ
Người Rơ Măm ở làng Le

Người Rơ Măm ở làng Le

Baovannghe.vn - Người Rơ Măm có điệu múa riêng, có nhạc cụ riêng, đời sống âm nhạc cũng rất đa dạng. Nhạc cụ chủ yếu là cồng chiêng.