Tác phẩm được trưng bày tại Bảo tàng Văn học Việt Nam |
Năm 1936, Nguyễn Bính - người được mệnh danh là "thi sĩ của làng quê" đã để lại cho đời bài thơ Chân quê, một tác phẩm mang đậm tình yêu với vẻ đẹp truyền thống và mộc mạc của văn hóa Việt Nam. Với những câu thơ giản dị, chân thành, ông khắc họa nỗi niềm của một người con trai trước sự thay đổi của người mình thương, đồng thời là nỗi lòng tiếc nuối trước sự mai một dần của những giá trị chân quê, mộc mạc trong nhịp sống hiện đại.
Hôm qua em đi tỉnh về
Đợi em ở mãi con đê đầu làng
Khăn nhung quần lĩnh rộn ràng
Áo cài khuy bấm, em làm khổ tôi!
Nào đâu cái yếm lụa sồi?
Cái dây lưng đũi nhuộm hồi sang xuân?
Nào đâu cái áo tứ thân?
Cái khăn mỏ quạ, cái quần nái đen?
Nói ra sợ mất lòng em
Van em em hãy giữ nguyên quê mùa
Như hôm em đi lễ chùa
Cứ ăn mặc thế cho vừa lòng anh!
Hoa chanh nở giữa vườn chanh
Thầy u mình với chúng mình chân quê
Hôm qua em đi tỉnh về
Hương đồng gió nội bay đi ít nhiều.
Hương đồng gió nội bay đi ít nhiều - câu thơ khép lại, nhưng cũng mở ra biết bao suy tư. Làm sao để giữ trọn những nét đẹp truyền thống khi thời đại không ngừng thay đổi? Không phải ngẫu nhiên mà bài thơ Chân quê được cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trích đọc tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, như một lời nhắc nhở về việc gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống trong thời đại mới. Đây không chỉ là câu chuyện của quá khứ, mà còn là bài học quý giá cho hiện tại và tương lai, để mỗi người con Việt Nam luôn nhớ về gốc gác, cội nguồn của mình.
Tranh "Những người phụ nữ Bắc bộ trên đồng ruộng" của họa sĩ Joseph Inguimberty |
Nguyễn Bính được biết đến như một trong những nhà thơ tài hoa nhất của phong trào Thơ mới. Ông không lựa chọn những hình ảnh hoa lệ, cao siêu, mà viết bằng sự mộc mạc, bằng chính những điều thân thuộc của làng quê Bắc bộ - nơi thấm đẫm "hương đồng gió nội". Thơ ông như một bức tranh trữ tình, vừa mộc mạc, vừa sâu sắc, luôn gợi lên cảm giác gần gũi và ấm áp trong lòng người đọc.