Mấy ngày nay, người trong xóm ngày nào cũng nghe ông Tư rủa xả lanh lảnh hai người đàn bà trung niên. Hai người đó đi loanh quanh xóm hổm rày, tay xách khệ nệ bọc này, túi nọ. Trong bọc lòi ra vài cành cây, mấy túm lá đủ loại. Họ muốn cái gì ở ông già khó khăn đó? Nghe nói, họ đòi mua lại cái cây nhỏ nhỏ, đang trồng thành dãy làm hàng rào của ông đây kìa. Sao tự nhiên đòi mua hàng rào nhà người ta? Cái cây đó người xứ này gọi là tô phượng, lùn tè, thân nhỏ mọc thành bụi mà gai chi chít. Ông Tư trồng chín mười năm nay, uốn tụi nó thành hàng để chống ăn trộm. Cái hàng rào xanh mướt đó ông cưng lắm, chiều nào cũng thấy tỉa lá, bắt sâu. Vậy mà hai bà đòi bứng một cây đi, đâu có được? Không biết từ đâu tới đây, đòi mua cái cây đó làm gì? Mỗi ngày, hai bà đều tới nhà năn nỉ, khiến ông già đổ quạu, làm dữ ghê lắm. Một bà thì cắt tóc ngắn, tên Mùi, giọng khàn khàn như đàn ông. Bà kia tên Xanh, nữ tính hơn, gương mặt dễ nhìn, giọng nói nửa Nam, nửa Bắc. Hai bà cứ năn nỉ ỉ ôi, tới đỉnh điểm, ông Tư vác chổi ra mà quét xoành xoạch như quét rác.
Minh họa Lê Trí Dũng |
Buồn so đi về, bà Mùi nói với bà Xanh, mình “mượn đỡ” luôn đi bà? Rồi quăng tiền vô nhà. Làm đại đi chớ kiếm tan nát rồi mà cái cây đó hiếm quá, không ở đâu có hết. Bà Xanh cản một hồi thì cũng đành đồng ý, hết cách thiệt rồi. Có cái cây đó là coi như giúp mấy trăm người, chớ đâu có đơn giản? Nửa đêm, hai bà chui trước rào nhà người ta, lấy leng đào cái cây đi. Trời sương lạnh căm, phủ lên vai áo hai bà lòm khòm trong bóng tối. Gai móc rách áo, trầy tay chảy máu lem nhem, nhưng hai bà cũng mặc. Dù đã quăng vào nhà gói tiền đáng giá gấp đôi cái hàng rào của ông Tư, họ vẫn cảm thấy băn khoăn. Hai người đàn bà ôm cái cây, mừng quýnh chạy bay đi như nhặt được vàng. Sợ bị bắt, hai bà chẳng đợi trời sáng, phóng lên xe lái thẳng về quê cách đó sáu chục cây số. Vừa tới nơi, trời đất còn tối thui, sao trời còn lấp lánh chưa kịp lặn, hai người đàn bà tất tả ôm cái cây đi thẳng ra căn xưởng sau nhà. Họ bắt nồi nước lớn, cắt ngay một cành cây ra mà tuốt vỏ, lấy lõi. Nồi nước thuốc sôi ục ục, một sắc đỏ loang loáng lan ra từ mấy khúc lõi cây. Bà Xanh mừng tới ứa nước mắt, day qua nhìn bà Mùi. Bà Mùi lấy ra một tấm vải trơn mịn như nước, chảy trôi trên tay thướt tha. Hai người cẩn thận cùng nhau nhúng tấm vải vào trong nồi thuốc màu đỏ. Bà Mùi nói, giọng khàn đục: “Cầu trời cho lãnh ăn màu.”
*
Mười bốn tuổi, Xanh bỏ gia đình, bỏ xứ sở, nơi sương vẫn giăng trắng cuộc đời mỗi giấc bình minh đó, như một lưu dân chính cống, theo mẹ trôi về tới phương Nam. Xanh bỏ chạy thứ sách vở gọi là tảo hôn. Nếu mà hình tượng hoá cho thứ đó thì nó là “lão chồng” già xọm bảy mươi tuổi, có cái cười khà khà móm mém vô cùng khả ố, sởn hết da gà.
Nhưng mà thôi, chuyện buồn thì đừng có nhớ kĩ quá. Nhớ chuyện vui đi. Lúc mẹ nghe lời ai đó chỉ khơi khơi mà dám dắt díu con vào tới tận trong đây, hàm răng mẹ và Xanh vẫn còn màu đen. Công nhận lúc đó mẹ gan, còn nó thì khờ dễ sợ. Chạy cái khổ thì đúng là “chạy trời không khỏi nắng”. Ở đâu mà không khổ? Hai mẹ con bị bà con trong vùng chọc là “người răng đen”. Hai “người răng đen” đó lạc vào xứ của “người tay đen”. Nghe là thấy ngộ!
Xóm của Xanh cạnh một dòng sông, thứ mà hiếm khi nào thấy uốn éo len lỏi, chảy quanh thôn xóm như hồi ở quê cũ. Ở đây, đâu đâu cũng là sông, gặp khắp nơi, mọi lúc, chen lấn vô đời người ta và ôm lấy mỗi cuộc đời tới chết không rời. Ở đây, người ta ai cũng có đôi bàn tay đen. Đen thui, rửa không sạch, tẩy không đi, kể cả dùng xà bông đá hay xà bông thơm. Xanh để ý ngó những cái cầm, nắm, khiêng, vác, khuấy, đập, phẩy, phơi… đâu đâu cũng loáng thoáng sắc đen ăn vào da thịt. Màu đen đó là của trái mặc nưa.
Ở đây, mười nhà là chín nhà làm nghề lụa. Đi tới đâu cũng nghe tiếng lách cách của khung cửi, âm thanh đều tăm tắp đó ám ảnh cả vào trong mơ, tới con nít xứ này mà thiếu thứ nhịp phách kia thì giấc ngủ cũng chẳng tròn được. Thứ trong đầu họ trước nhất luôn luôn là “đã đủ đen chưa”, “có đủ độ bóng chưa”, hoặc là “mấy sợi bị lỗi”? Lụa nó cuốn vô đời người ta, vây vòng quanh, quấn chằng chịt, chẽn lối đi về và bay phấp phới tung tăng. Lụa nó đi vào cuộc đời thành “quần là áo lụa”, thành “lụa là gấm vóc”. Xứ này là “quê lụa Tân Châu”.
Dĩ nhiên, vô xứ lụa sống thì cũng phải làm lụa. Xanh bắt đầu theo mẹ xin vô xưởng làm. Cô gái răng đen bắt đầu học cách gọi con tằm bằng “ông tằm”, làm quen với nấu, nhuộm, phơi, dệt… Lúc bàn tay Xanh đen dần thì nó gặp Mùi, con nhỏ da cháy nắng mà có nụ cười trắng bóc. Đối với thợ làm lãnh, tay càng đen thì càng lành nghề. Bàn tay chai sần, gân guốc của Mùi luôn vẫy chào Xanh, óng ánh và tinh khôi, dù nó đen thui thùi lùi.
Hai đứa con gái nhỏ chơi với nhau, ai nhìn thấy cũng cười. Đứa răng đen, mặt vuông, da trắng, gò má cao, giọng là lạ, mặc bà ba cứ hay kéo quần vì nó chưa quen, cứ quên tưởng mình đang mặc váy. Còn đứa tay đen thì mặt trái xoan, da bánh ích lùi tro, nói cười ha hả, tính tình bốp chát y rang con trai. Hai đứa đó dựa trên khác biệt vùng miền mà trở nên thân thiết với nhau. Thì cũng phải, con gái đồng trang lứa hay vậy. Con bé răng đen hay kêu nhỏ tay đen qua nhà ăn canh rau muống. Nhỏ này tròn mắt, ủa tui tưởng rau muống để dầm với mặc nưa nhuộm lãnh thôi chớ? Ăn được luôn? Mà không ngờ là ăn ngon dữ, nó nhai rao ráo, húp sì sụp, mát trời ông địa. Xanh khoái nhìn đứa kia ăn rau muống mà nhai nuốt ừng ực lắm! Còn con nhỏ răng đen thì bái nhỏ Mùi làm thầy, học nghề nhuộm lãnh.
“Lãnh Mỹ A nức tiếng nghe mậy!” Mắc như vàng! Mấy người giàu từ Tây sang Ta đều khoái mặc thứ lụa của mình. Mùa đông thì ấm, mùa hè thì mát. Quấn vô người nhìn cái biết là dân nhà giàu liền. Lụa Miên đâu có bằng! Mấy cậu ấm cô chiêu xứ này ai mà không có vài bộ đồ may bằng lãnh? Đi ăn đám, coi hát hò, mặc đồ lụa đi vô ngó thấy bảnh lắm. Lụa đẹp là phải tự thẳng băng không cần ủi, chảy mềm như suối, óng ánh như có nắng chiếu. Mấy cô ca nhi mà mặc áo dài lãnh Mỹ A đi hát là coi như thế nào cũng có công tử theo đuôi. Nè, chất lụa ôm sát cơ thể con gái, căng cái ngực, chít cái eo, vồng cái mông, coi hấp dẫn còn hơn đầm xoè của mấy bà Tây! Cái màu đen đó là màu cao sang quyền quý, là màu sánh ngang với long bào của mấy ông vua luôn đó!
Nhưng Xanh thấy dân làm lụa vậy mà không ai mặc lụa hết. “Bụt nhà hổng thiêng”, con Mùi nói vậy. “Làm trầy vi tróc vẩy mấy tháng ròng mới ra được trăm mét lụa, để bán có tiền trang trải chứ đâu có khùng đi mặc nó mậy!” Có chăng, họ chỉ được mặc thứ vải lanh thô ráp, phế phẩm trong quá trình dệt. Thì đời mà, vốn dĩ có công bằng đâu.
“Nuôi lợn ăn cơm nằm, nuôi tằm ăn cơm đúng.” Chớ từ tơ tằm mà làm ra lụa là không có thời gian mà ăn cơm luôn chớ phải chơi? Nội cái đoạn nấu thuốc nhuộm là mệt muốn xỉu. Thứ nước thuốc từ trái mặc nưa đó chỉ cần dính vào mình là đen thui, có rửa cũng không sạch. Đoạn quay tơ cũng khó, phải căng mắt ra mà dò chỉ lỗi. Mỗi sợi chỉ phải chập lại từ mười con kén, không được gợn một chút nào. Một con kén coi có chút xíu, chừng một lóng tay, chớ tơ vàng nó kéo ra dài gần cây số. Hễ lỗi là phải gỡ ra dệt lại. Cả miếng lụa mấy chục mét hình thành thì người thợ cũng phải căng mắt ra hổng được chớp. Lụa phải suôn mướt như từ một sợi chỉ duy nhất kết thành, không mối nối, không gợn sóng. Đây có còn là dệt ra vải vóc đơn thuần để mặc đâu? Đây là dùng mồ hôi nước mắt mà kéo thành vàng.
Ra miếng lụa là coi như con mắt thợ dệt cũng lồi ra mấy phân, nhưng chưa hết, tới đoạn nhuộm mới khổ. Da một nhuộm gần ba chục lần, hết nhuộm, giặt, phơi, đập, là, rồi lại nhuộm, lặp đi lặp lại. Rồi da hai, da ba…, tới da năm đời lụa cứ tái sinh tuần hoàn. Cả nửa năm ròng cứ làm như vậy, chừng nào đẹp thì thôi, con Mùi nói không có số lần nhất định. Mà cái thứ lụa gì ngộ, phải lấy chày đập nó mới đen bóng, ăn thuốc. Chứ để nó khơi khơi là nó đen chẳng đều. Xanh thấy con người cũng vậy mà, không khổ thì đâu có biết vươn lên? Thì vậy!
Làm lụa, Xanh mới hiểu trên đời này không phải chỉ có một màu đen. Hàng trăm thứ màu đen khác nhau. Đen ánh tím, đen ánh xanh, đen phớt đỏ, đen sẫm tím, đen thẫm như màu trời đêm. Mỗi một loại màu đen nó cấu thành từ một thứ chất liệu nấu chung với mặc nưa. Nếu mà màu đen là tâm tính con người, thì chắc chắn là cũng không ai đen hẳn. Họ sẽ lấp lánh thêm một ánh sắc nào đó, tuỳ theo phụ gia đổ vô cuộc đời họ. Như đời con Mùi chẳng hạn?
“Sống mệt chết mẹ, tao ước chết phứt cho rồi!” Con Mùi hay than như vậy, nhưng con Xanh chưa thấy nó tự vẫn bao giờ. Mấy đứa hay than vậy chớ sức sống nó còn mạnh hơn mấy người toàn cười toe toét. Không hiểu tại sao người ở xứ làm ra thứ quý giá như lãnh Mỹ A mà lại nghèo hết biết. Nhà con Mùi đẻ ra một chuỗi từ ba nó là Tí, má nó là Sửu, thì lòi ra Dần, Mẹo, Thìn, Tị, Ngọ, rồi thì tới con Mùi. Tới đó thì ba nó đi lính luôn không thấy về nên còn có bảy con giáp thôi. Có bảy con mà làm lụng hết giáp này qua giáp nọ không thấy dư. Khổ quá nên bà mẹ là Sửu, bỏ theo con giáp thứ mười ba đi mất dạng. Những đứa con còn lại ở nhà chộn rộn và phát điên. Anh Hai Dần đành gồng vai mà gánh vác căn nhà không còn người lớn. Vậy là cả con nít như con Mùi cũng phải đi mần lụa, bỏ học, bỏ đời, bỏ hết!
Con Mùi vuốt tấm lãnh đương phơi nắng nước thứ năm mươi hai, nhìn dòng đen bóng mượt mà trên tay mà nói, đời tao còn đen hơn nó! Tao muốn đi học, muốn thành cô giáo đó mày. Nhưng cô giáo không ai có bàn tay đen như tao đâu! Nó lại cười toe, nhe hàm răng trắng phếu. Thứ cứu cuộc đời nó chính là nụ cười ngu ngơ này. Cười để mà không khóc. Cười để mà chắc rằng, thứ ngon nhất trong cuộc đời nó từng được ăn là canh rau muống mẹ Xanh nấu. Không phải thịt cá, không phải bò heo. Nụ cười đó là sắc màu tiềm ẩn ánh lên sau thẫm đen tấm lãnh của con Mùi. Nó lấp lánh.
“Ước chi tao có má như mày!”
Xanh thắc mắc, nhà tao cũng nghèo khổ thấy mồ, có chi mà mày ước? Nhưng nghèo thì cũng phải lớn. Hai đứa con gái lớn lên theo mỗi mùa phơi lãnh. Những tấm lãnh chấp chới bãi phơi, tô đen cho đôi bờ dọc con sông nước nâu rờn rợn. Xanh càng lớn càng đẹp. Màu răng cũng chẳng còn đen như xưa. Nhan sắc con gái xứ kinh kỳ nổi bật giữa đám con gái da nâu miền Bảy Núi đổ lửa. Đứa con gái da trắng bóc mang đôi bàn tay đen. Còn con Mùi, nó càng lúc càng giống con trai. Tướng đi nó khềnh khàng, giọng nói sang sảng, uống rượu ừng ực và sống nghĩa khí, bỗ bã như dân len trâu. Thứ của con gái còn sót lại trên người nó là mái tóc dài, lúc nào cũng buộc một chùm cho có.
Con Mùi chăm sóc Xanh sắc lẻm, không chệch một li. Sức con Mùi làm lụng như đàn ông, và rất thường xuyên nó làm luôn phần việc cho đứa bạn. Cả miếng ăn giấc ngủ con Xanh, nó cũng lo tuốt. Chỉ cần con kia ho một tiếng, trưa hôm đó đã có chén thuốc sắc bốc khói để trên bàn. Chỉ cần con trai trêu chọc, Xanh mà nhăn mày, chắc rằng sau đó sẽ có trận ẩu đả, mà chủ yếu là đám con trai bị đập. Thứ đàn bà con gái như con Mùi quả đúng là hiếm gặp. Má Xanh ngập ngừng khi bà nói con “bớt qua lại với con nhỏ đó”.
Xanh lấy chồng. Chồng nó là một người đàn ông mai mối ở xã bên, người cũng có bàn tay đen. Nắng vàng tròn đầy những vàm sông khắc khoải. Vụ phơi lãnh, da thứ năm. Lụa bán đi, tiền chảy về là Xanh cũng sẽ được gả đi mất. Mùa phơi này nắng sao mà hanh hao kì lạ! Con nắng rang mấy miếng lãnh đen trên bờ sông vắng, nghe trong không khí như có hơi nước uốn éo dờn dợn. Con sông dài tình tang, phủ đen hai bên bờ là những dải lụa trôi bất tận. Màu đen trong nắng bắt lên thứ sắc buồn hun hút. Con Mùi đương ra sức vắt cho dòng nước thuốc cuối cùng trong thớ lãnh chảy ra cho hết. Nó buộc miếng lụa lên cọc cây, rồi uốn tay theo chiều xoắn ốc. Mồ hôi nó nhễ nhại. Thuốc nhuộm kẻ những dòng trên bắp tay nó vồng lên như gân máu màu đen. Mồ hôi nó đầm đìa, hoà với nước thuốc bắn lên mặt, chảy ra ở khoé mắt những dòng đen sẫm. Nước mắt cũng màu đen luôn. Đen thui.
Chiều tà, con Mùi ngồi bẹp bên cạnh mớ lãnh đương phơi. Giữa xứ sở tả tơi này mà lụa vẫn đẹp lộng lẫy. Buồn nó hay đẹp vậy đó. Nó ngồi im thin thít, ngó lãnh phản chiếu ráng chiều đỏ đỏ, vàng vàng. Chim vịt đâu đó xa xa kêu quàng quạc. Một bàn tay đen đặt lên vai nó. Tiếng con gái, giọng Bắc lờ lợ hoà với tiếng miền Tây:
- Mai tui theo chồng rồi. Ở lại mạnh giỏi nha.
Giọng Bắc mà nói chữ “mạnh - giỏi” nghe dễ thương dữ trời. Đáng ra nghe cái câu dễ thương cỡ đó thì người ta phải cười. Nên là cười, nụ cười trắng bóc lấp lánh, ẩn sắc đen của lãnh. Nhưng con Mùi lại khóc. Rồi… lụa bay chấp chới dập dờn như dòng sông đêm chảy về vô tận. Có cơn gió chướng thốc xuống dưới cỏ, đẩy những lớp lụa lung linh phe phẩy. Một tấm lụa dài trái khoáy giật mình rũ rượi bay lồng lộng về phía hoàng hôn. Bay mất hút.
Lấy chồng để làm gì? Xanh không biết. Như lời mẹ chồng nói, là để sinh con đẻ cái. Chẳng lẽ chỉ là vậy thôi sao? Nhưng có lẽ nó làm tốt lời bà nói, hai năm sinh ba đứa. Nó đẻ nhiều và chăm con mọn ngày này qua tháng nọ, bận bịu tới nỗi quên mất cảm giác đời con gái phơi phới, không vướng bận chuyện nhà chuyện cửa, nấu nướng dọn dẹp, chăm con là như thế nào. Đang như không chỉ cần làm lụa, bây giờ còn phải làm mẹ, làm vợ. Đã vậy, hai công việc kia còn không có lương. Nghề làm mẹ, khách hàng làm một bầy trẻ con hiếu động, khó dạy khó bảo. Chủ là mẹ chồng, luôn đặt ra những điều luật cứng ngắc, cao vợi như bức tường đá. Bà gọi nó là “gia phong lễ giáo”. Nó thấy chiều ý mẹ còn khó hơn chăm ông tằm và soi chỉ lỗi. Còn nghề làm vợ, ngoài cắm đầu trong bếp còn phải học luôn cách cam chịu những cơn tam bành thất thường của chồng, tuỳ theo nồng độ men trong người anh sau mỗi cuộc nhậu. Nói chung, bước vào cửa nhà người khác đối với Xanh như ngã rẽ cuộc đời. Mà cú rẽ này gắt quá. Nó cắm đầu té dúi dụi xuống sình không ngóc đầu lên nổi. Lấy chồng tính ra thì buồn lắm.
Nó không biết than thở với ai, cuối cùng vòng quanh cũng quay về ngồi khóc với đứa bạn thân là con Mùi. Con Mùi thường ngày tính nóng như lửa. Nó tưởng đứa bạn sẽ nổi đoá lên, mắng nhiếc trù dập nhà chồng nó cho sướng miệng, cho bõ cục tức. Nhưng con Mùi chỉ buồn hiu mà nói nhỏ nhẹ:
- Đời đàn bà là vậy đó. Ráng lên, chớ biết làm sao?
Con Mùi hoàn toàn chỉ nói ra những lời an ủi. Nó không biểu Xanh vùng lên chống lại, đối kháng với sự áp đặt của thế giới. Chắc bản thân đứa kia cũng biết có hai đứa mình thì chống lại được ai? “Không ai xúi người ta bỏ chồng.” Người xứ này có cái câu như vậy. Nỗi khổ nó sẽ biến mất khi người ta không thấy đó là khổ. Như vậy gọi là cam chịu cũng được, hèn nhát cũng được. Khi khổ rồi người ta sẽ quên mất hình dáng của sự hạnh phúc.
Mấy năm sau, khói lửa chiến tranh lan xuống miền Bảy Núi, đất lụa cũng oằn mình nghe mùi lửa cháy râm ran. Nương dâu hoá thành bãi bể. Mọi thứ phải ngưng lại hết, tiếng khung cửi lách cách nhường chỗ cho tiếng súng. Trong cái thời cái ăn còn khó kiếm thì cái mặc có còn quan trọng nữa đâu? Hai bờ sông Tân Châu khi ấy chẳng ai thấy còn màu đen của lãnh lóng lánh nữa.
Gia sản gia đình chồng Xanh héo quắt như kén tằm trụng nước sôi. Xưởng lãnh lớn nhất nhì cả vùng một thời đã gói gọn theo chữ “hồi đó”. Ba má chồng lần lượt theo ông bà, rồi người chồng một dạo đạp trúng phải trái mìn vùi trong đất ruộng, cũng bỏ Xanh mà đi mất. Xanh ôm ba đứa con héo hắt, cố lắm mới sinh tồn nổi. May mà còn có con Mùi lui tới phụ một tay. Qua qua quay lại mười mấy năm, hai người đàn bà trung niên và ba đứa nhỏ cũng chờ được tới ngày cầm cờ sao vàng đón quân Giải phóng. Nhưng lúc đó, lãnh Mỹ A đã hi sinh theo cuộc kháng chiến mất rồi.
Thời đại công nghiệp hoá, hiện đại hoá lúc chưa tới thì thôi, một khi xuất hiện là tràn ồ ạt như lũ. Thì đất nước phải vươn lên sau khói lửa chớ! Khác với ngày xưa, xứ Tân Châu này có nửa năm ngập tràn trong lũ, bây giờ hệ thống điều tiết nước xuất hiện làm người ta cũng quên mất công dụng của những cái nhà sàn. Cuộc sống đổi khác tức thì. Điện về, dân cư trở nên đông đúc, bán buôn dần tấp nập. Mùi nói với Xanh muốn làm lãnh trở lại. Nhưng, cái thứ lãnh kia làm ra quá thủ công, quá cực khổ, quá tốn thời gian. Dù nó kì công và quý giá thiệt, nhưng cạnh tranh sao lại thứ vải dệt công nghiệp giữa nền kinh tế thị trường? Người ta đã khai sinh ra ngành may mặc, có thể mua đa dạng kiểu dáng với giá rẻ bèo ngoài chợ. Hàng trăm nhãn hiệu nước ngoài vang danh nhảy ù vào cuộc chơi, đá văng cái thương hiệu nghe nhỏ bé, quê trớt là lãnh Mỹ A. Thời này ai còn coi áo dài lụa là lộng lẫy, sang trọng? Người ta coi nó là di sản thôi. Mà di sản thì phải xếp trong quá khứ. Đang loay hoay với đầu ra, Xanh lần đầu nghe Mùi nói tới từ “xuất khẩu”.
“Bán cho người nước ngoài! Khi họ xài chán mấy thứ vải công nghiệp thì người ta sẽ kiếm vải làm tay cho mà coi. Thì “ăn no mặc ấm” đã đời rồi người ta sẽ tính tới “ăn ngon mặc đẹp”. Mới đây, có một bà Tây từ hãng thời trang nước ngoài nào đó xuống xưởng tui đặt hàng. Họ trả giá cao, nhưng mà yêu cầu khó ghê lắm. Sao, chơi hông?”
Dĩ nhiên Xanh đồng ý. Nói về nghề lãnh thì Mùi gần như giỏi nhất xứ này. Những ông già bà cả, thợ lành nghề ở đây theo không kịp cơn lốc vải nilon đã bỏ hết, thâm niên nhất chỉ còn hai người đàn bà trung niên này bám trụ. Một số xưởng khác vì quá khó khăn đã chuyển sang làm làm vải gấm rẻ tiền, thậm chí có nhà đã vác khung cửi quẳng ra sân mà đốt. Một tay Mùi cáng đáng coi sóc hết khâu mua bán, kiểm tra chất lượng lãnh. Còn Xanh chuyên tâm vào sản xuất ra những tấm lụa thiệt là xuất chúng, nhất quyết phải làm tay hoàn toàn theo đúng cái chất cầu kì, trân quý của lãnh truyền thống. Một khi bức tường chót vót kia dời đi, Xanh chui ra ngoài từ chỗ nứt, mỏi mệt nhưng nhẹ nhõm. Cô bắt đầu xây lại cái móng nhà.
Những trang trại nuôi tằm ở Tân Châu lúc ấy đã tiêu tan hết. Không còn ai nuôi thứ sâu trắng, ăn hàng tấn dâu rào rạo ấy mỗi ngày nữa. Xanh và Mùi lo lắm, họ rong ruổi lên tận Lâm Đồng, tìm những người còn bám trụ nghề tơ. May sao mà tìm được, nguồn tơ quý báu lại chảy từ cao nguyên thẳng về miền đồng bằng châu thổ. Sợi tơ nối một đoạn dài của đất nước, mỏng manh nhưng dẻo dai, ong óng lấp lánh.
Lãnh đen phơi kín bờ sông Tân Châu trở lại. Loại lụa satin làm thủ công, chất liệu tự nhiên trăm phần trăm đó làm kinh ngạc giới thời trang thế giới. Mấy con người nhỏ bé, ở cái xứ sở cũng nhỏ bé, nằm xa tít mù khơi ở cuối đất nước mới đi qua hai cuộc chiến đó, sao mà có thể làm ra thứ lụa đẹp ghê gớm tới như vậy? Người ta ồ à, cái màu đen thăm thẳm này, cái chất vải mềm như nước, ánh như sương này là làm bằng tay thật hay sao? Họ mong muốn, ước sao lãnh còn có thêm màu sắc khác thì hay quá? Có màu thì dễ bán lắm! Cả xứ lãnh bây giờ toàn thợ trẻ, phụ thuộc hết vào hai người thợ kì cựu. Có nhuộm được màu hay không chắc là phải nhờ kinh nghiệm của hai người đàn bà.
Mùi lại dắt tay Xanh đi tứ xứ tìm thuốc nhuộm vải. Tự nhiên sau khi té đau, đứng dậy nổi thì người ta bị thôi thúc phải chạy. Chạy vòng vòng trong một sự khấp khởi như mới biết đi. Hai người đàn bà đi miết suốt từ Nam ra Bắc, rong ruổi tới tận Lào hay Campuchia tìm cho được một thứ thuốc cổ truyền nào có thể thấm vào tơ tằm mà không cần chất hoá học. Gặp cỏ cây hoa lá nào họ cũng hái về, thấy cây lớn cây nhỏ nào họ cũng cạo vỏ, xin giống. Có những nguyên liệu nghiền ra là thành thuốc nhuộm liền, nhưng cũng có loại phải phơi khô rồi sắc như thuốc Nam mới sử dụng được. Cực lắm! Họ vừa sản xuất, vừa thử liên tục các phép thử, khi thì dùng lá dứa nhuộm xanh, khi thì dùng tràm, đước để nhuộm nâu, lúc lại tìm lá cẩm mà nhuộm tím. Có khi làm ăn chẳng được, phải làm nghề khác tạm để sống, hai người đàn bà vẫn mê quá mà không bỏ cuộc. Sau cuộc bể dâu, lãnh đã không phụ người, cũng như bây giờ hai người đàn bà cương quyết không phụ lãnh vậy. Nửa đêm, nhiều khi tức tới ngủ không được, Mùi và Xanh bật dậy đi ra xưởng nấu thuốc rồi tiếp tục nhúng vải vào. Khi lần đầu tiên Xanh phát hiện vỏ cây tô phượng ăn được vào lãnh, tấm lụa đỏ Mỹ A xuất xưởng những mét đầu tiên, khi ấy đã qua vèo mất mười năm. Mười năm lận đó!
Rồi dần dần, bảy thứ màu khác của lãnh cũng ra đời hoàn chỉnh. Không biết tự hồi nào, các xưởng lụa Tân Châu nối nhau mọc lên trở lại. Cây mặc nưa được nhân giống và gieo trồng khắp nơi. Nói gì chớ màu đen mặc nưa của Lãnh Mỹ A vẫn là dấu ấn không bao giờ phai nhạt được trong lòng dân sành lụa. Xứ lụa tưởng chết mất rồi nay hồi sinh thần kỳ vô cùng. Hồi đó, bờ sông chỉ rặt một thứ màu đen, nay đủ thứ sắc màu khác phơi ra cho nắng gió châu thổ chiêm ngưỡng. Thứ lãnh chế tác kỳ công tới mức vô lý đó, không một gợn lỗi, không một sợi chỉ thừa, làm say lòng người từ trong ra ngoài nước. Tiếng khung cửi lách cách bất tận dọc bờ sông Tân Châu.
*
Một ngày cuối năm, đứa con trai út của bà Xanh đang ở xưởng lãnh thì có cuộc gọi. Nó tất tả chạy về, thấy mẹ đang ngồi cạnh giường nắm tay dì Mùi. Cả nhà xúm quanh người đàn bà không cùng máu mủ mà như ruột thịt đó, nghe bà nói những lời cuối cùng. Nó thấy dì Mùi như con tằm ăn dâu vậy, moi ruột nhả tơ cả đời rồi bây giờ hoá thành kén, biến mất vào thùng nước thuốc sôi ùng ục. Dì tới lúc ra đi rồi sao? Con tằm cho ra tơ là phải chết. Đời nó hết mình là phải vậy. Dì Mùi cười, vẫn nụ cười trắng tinh khôi trái ngược với nước da đen nhẻm. Dì nói mẹ Xanh mở tủ dì, lấy cái áo dài lãnh đỏ ra mặc nghen, tui làm tặng bà lâu rồi mà hổng dám đưa. Cái áo đó may từ những mét vải đỏ đầu tiên mà mình nhuộm thành công đó. Con cháu phải lập lại lời thều thào của dì bằng cách hét lên rất lớn, mẹ mới nghe rõ. Tai mẹ đã lãng đi rất nhiều vì cả đời nghe tiếng cửi dệt lách cách mỗi ngày. Rồi, mẹ nắm tay dì, úp mặt mà khóc. Hai bàn tay đen thùi nắm lấy nhau.
Tang lễ xong, cả nhà mới sực nhớ mà tìm chiếc áo dài. Áo dài đỏ thắm, trên nền lãnh óng ánh những hoa văn Song Hỷ, giống áo cưới. Dì Mùi còn điều gì muốn nói với mẹ không, mà tới lúc nhắm mắt vẫn chưa bày tỏ? Mẹ ôm tấm áo trên tay, lại nức nở. Mẹ nói, bây chừa phần đất kế mộ dì cho mẹ. Chừng nào mẹ đi, mẹ muốn nằm kế dì, nghe bây!
Đôi bàn tay đen của mẹ ôm siết tấm áo đỏ chặt lắm, không muốn rời đi.