Chuyên đề

Thương những mùa trăng

Văn học địa phương
08:17 | 07/01/2019
Buổi chiều, trên đường đi làm về, tôi tạt vào cái chợ cóc gần nhà mua cho bố mấy chục quả na chín. Mùa này người ta bày bán na khắp nơi. Cứ nhìn thấy những quả na mở mắt tròn xoe là tôi nhớ đến sở thích của bố. Bố tôi thích ăn loại trái cây ấy nhất. Nhưng từ khi cô Son mất, không bao giờ bố ăn na ngay mà bố luôn bày ra cái đĩa cô tiên rồi để lên bàn thờ thắp hương. Bố lầm rầm khấn vái và đinh ninh rằng cô Son thiêng lắm. Thế nào cô cũng về “ăn chung” với bố như hồi cô còn sống.
aa

Buổi chiều, trên đường đi làm về, tôi tạt vào cái chợ cóc gần nhà mua cho bố mấy chục quả na chín. Mùa này người ta bày bán na khắp nơi. Cứ nhìn thấy những quả na mở mắt tròn xoe là tôi nhớ đến sở thích của bố. Bố tôi thích ăn loại trái cây ấy nhất. Nhưng từ khi cô Son mất, không bao giờ bố ăn na ngay mà bố luôn bày ra cái đĩa cô tiên rồi để lên bàn thờ thắp hương. Bố lầm rầm khấn vái và đinh ninh rằng cô Son thiêng lắm. Thế nào cô cũng về “ăn chung” với bố như hồi cô còn sống.

*

Cô Son là chị gái của bố nhưng ở quê tôi có tục lệ chị của bố thì cũng gọi là cô nên tôi quen gọi “cô Son” từ bé rồi. Mà thực ra quê hương bản quán của bố tôi không phải ở xứ Đông này, nghe đâu ở tít tận miền Trung xa xôi. Cái năm đói Ất Dậu khủng khiếp chỉ còn đọng lại lờ mờ trong ký ức của cô Son, đứa trẻ bảy tuổi phải theo cha mẹ từ bỏ quê nhà, dắt díu, lang bạt ra ngoài Bắc để kiếm tìm sự sống. Khi ấy bà nội đang mang thai bố tôi. Bố bị đói từ trong trứng nên nỗi ám ảnh về miếng ăn vẫn đeo đẳng ông đến tận bây giờ. Dù sau này gia đình tôi khá giả, đồ ăn thức uống có thể dư thừa nhưng không bao giờ bố cho phép chị em tôi đổ thức ăn thừa vào sọt rác. Bố và cô Son luôn miệng nhắc chị em tôi rằng, đổ thức ăn đi là “phải tội”. Tôi và em gái luôn ngoan ngoãn nghe lời và trân trọng từng hạt cơm vãi cũng vì biết được cuộc đời đói khát, vất vả của ông bà nội; biết được tuổi thơ đói vàng mắt của cô Son và bố.

Bố tôi ra đời đúng năm đói lịch sử ấy. Để bà nội có chút hơi cầm cự, giành giật sự sống cho bố, ông nội đã nhường hết những gì có thể ăn được cho bà. Cả gia đình vật vờ, rũ rượi vì đói. Lúc còn sống, mỗi lần kể chuyện ngày xưa, cô Son thường ảm ảnh, rùng mình bởi cái năm đói chết người.

- Đói rã rượi, mụ mị cả đầu óc, đói đến nỗi có moi được đất thì cũng muốn nhét ngay vào mồm.

Rồi nước mắt cô chảy dài khi nhắc đến ông nội. Ông tôi mất vì đói khi cả nhà hành hương đến Quán Năm Gian. Cô bảo:

- Chả hiểu sao cứ đi đến Quán Năm Gian là mọi người nghỉ chân, không đi nổi nữa nhưng sáng sau tỉnh dậy đã thấy mấy người nằm còng qoeo, cứng đờ ra rồi. Có người ra đi chỉ như trút một hơi thở nhẹ – Kể đến đấy, mắt cô ầng ậc nước.

Người ta khiêng ông lên xe bò, đem chôn tập thể. Bà nội lả đi, chả còn sức mà khóc chồng, hờ chồng. Bà đẻ non, bố tôi thiếu tháng, nhỏ như cây đèn dầu. Nhưng trời cho làm người nên bố vẫn thành người. Giữa những năm đói khát, bố như cái cây xương rồng còi cọc mọc trên sa mạc. Ba mẹ con đùm rúm nhau sống qua ngày nơi đất khách quê người.

Nhưng tai họa lại tiếp tục ập xuống. Chưa đầy hai năm sau, bà nội cũng bỏ cô Son và bố mà đi. Hai chị em trở thành côi cút, không họ hàng, không người thân. May mắn, có một gia đình đã nhận cô Son và bố làm con nuôi. Danh nghĩa là con nuôi nhưng cô Son và bố bị đối xử như người ăn kẻ ở trong nhà. Nhà người ta đông con nên bữa nào cô Son và bố cũng phải ăn sau, vét nồi soàn soạt hoặc ăn củ khoai, củ sắn cho qua bữa mà cái bụng vẫn sôi ùng ục. Ăn không đủ no, mặc không đủ ấm, lại hay tủi thân vì là kẻ ăn nhờ ở đậu, cô Son thường ôm bố tôi vào lòng thủ thỉ vì đó là nguồn an ủi duy nhất của cô, người thân ruột thịt duy nhất của cô. Bố tôi lớn lên trong tình yêu thương và sự chở che của cô như lớn lên trong vòng tay của một người mẹ.

Cô Son nhanh nhẹn, tháo vát, dáng người thắt đáy lưng ong. Gương mặt cô tròn như trăng rằm. Đến tuổi thiếu nữ, nước da cô trắng hồng, môi đỏ thắm. Con trai nhà địa chủ trong làng đánh tiếng hỏi cưới, cha mẹ nuôi mừng lắm, muốn gả cô ngay nhưng cô nhất mực từ chối với lý do phải lo cho em trai. Cô đã tự hứa với lòng mình rằng khi nào bố tôi yên bề gia thất thì cô mới đi lấy chồng. Cha mẹ nuôi tức giận, đuổi cô và bố tôi ra khỏi nhà. Cô cất tạm một túp lều gần bờ sông, làm nghề chở đò và mò cua bắt ốc để nuôi nấng, đùm bọc bố tôi. Cô thất học nhưng bố tôi được cô cho học hành đến nơi đến chốn. Càng lớn, bố càng bộc lộ sự thông minh, sáng dạ, luôn đứng trong tốp đầu của lớp, của trường. Bố càng học lên cao thì cô Son càng vất vả hơn. Cái lưng suốt ngày lặn lội đầu sông cuối bãi của cô như còng hẳn đi. Cô làm việc quên cả thời gian, quên cả khát khao thầm lặng của một người con gái giữa tuổi xuân thì. Kiếm được bao nhiêu tiền, cô đều tích lại để cho bố tôi ăn học. Cô thắt lưng buộc bụng, chắt bóp, để dành hết cho em trai. Biết bao lần bố tôi thúc giục cô: “Chị xem có đám nào ưng thì lấy chồng đi, cứ ở vậy mãi sao được”.

Nhưng cô Son nhất định không chịu lấy chồng vì bố tôi vẫn chưa lấy vợ. Một phần vì sự nghiệp của bố chưa đâu vào đâu, một phần vì bố mặc cảm mình là dân ngụ cư, nhà lại nghèo rớt mùng tơi, thân cô thế cô thì ai mà dám lấy mình. Thành ra bao mùa trăng đi qua, bao đôi trai gái nên duyên vợ chồng mà cô Son vẫn cứ vò võ một mình. Những đêm trăng sáng, cô ngủ rất ít, cứ tha thẩn kéo vó tôm dọc bờ sông. Giữa tuần trăng, đêm sáng như ban ngày. Ánh trăng soi tỏa lóng lánh mặt nước, đổ xuống cái bóng của cô từ lúc dài ngoằng cho đến khi ngắn tũn. Bố tôi dọa:

- Chị không sợ ma à mà cứ sờ sịt suốt đêm thế?

Cô lắc đầu:

- Không! Người còn chả sợ nữa là ma.

Trách nhiệm trụ cột gia đình từ khi còn rất nhỏ khiến cô trở nên gan góc. Vì vậy, nhiều gã trai làng nhìn cô thèm muốn nhưng đố dám đến gần trêu ghẹo. Đầu giường của cô lúc nào cũng có viên gạch để phòng thân nên những ngày tháng bố tôi đi học xa nhà, cô ở một mình cũng chẳng sợ bị kẻ xấu bắt nạt.

Những năm Mỹ ném bom miền Bắc, túp lều nhỏ của cô Son và bố tôi nép bên rặng cau trở thành nơi trú chân của những người từ thị xã sơ tán về. Con đò của cô trở thành nơi đưa tiễn từng tốp thanh niên đi B. Trong đoàn người Nam tiến ấy, có một chàng trai mà cô đem lòng yêu. Mới hẹn hò, tìm hiểu được mươi ngày thì người ấy xung phong ra chiến trường theo lệnh tổng động viên. Sau này chính cô Son kể lại, cái đêm hai người chia tay, trăng sáng lắm, như chưa bao giờ sáng như thế. Trăng đã chứng giám cho tình yêu của hai người. Cô và người ấy ngồi trên bờ sông, cô bảo: “Khi ấy cả hai đã cứng tuổi rồi. Nếu không có chiến tranh thì có lẽ đã nên vợ nên chồng, con đàn cháu đống”. Rồi cô khẽ thở dài. Bởi người ấy ra đi và không bao giờ trở về nữa. Kỷ niệm tình yêu chỉ là những cái nắm tay siết chặt và chiếc khăn mùi soa mà cô giữ đến tận lúc nhắm mắt xuôi tay vẫn muốn mang theo.

Bao mùa trăng cứ đến rồi đi, mọc rồi lặn, sáng rồi tàn nhưng cô Son vẫn ở vậy. Kể cả khi bố tôi lấy vợ rồi, cô cũng không nghĩ đến hạnh phúc riêng của mình mà chỉ hết lòng chăm chút cho hạnh phúc của em trai. Mỗi khi nhắc lại chuyện bố tôi cưới vợ, cô vẫn thường đùa rằng: “Một ông đi chợ muộn, gặp một bà bán hàng ế, rồi thành vợ chồng”. Bởi khi cưới vợ, bố tôi đã gần bốn mươi, còn mẹ tôi cũng gần đến tuổi ba mươi. Bố mẹ xây được ngôi nhà khang trang trên phố nên đón cô về ở cùng. Phải rời xa con đò, bến sông bao năm gắn bó, cô lưu luyến lắm nhưng thương em dâu bụng mang dạ chửa, em trai thì công tác xa nên cô đồng ý khăn gói lên phố ở cùng gia đình tôi.

Bố tôi làm cán bộ địa chất nên nay đây mai đó. Mẹ tôi sinh chị em tôi cách nhau chưa đầy hai năm. Một mình cô chăm nom, săn sóc mẹ tôi những tháng ngày mẹ ở cữ, con mọn. Cô cơm nước, giặt giũ, bế bồng, tắm rửa cho chị em tôi từ lúc chúng tôi còn đỏ hỏn. Mẹ sống cùng cô Son mà như sống cùng chị gái ruột chứ không phải “giặc bên Ngô” như người đời vẫn hay ác cảm. Mỗi lần nghe bố kể lại “tuổi thơ dữ dội” của bố và cô, mẹ cười mà nước mắt cứ chảy ròng ròng. Mẹ muốn bù đắp phần nào những mất mát, thiệt thòi mà cô Son và bố phải gánh chịu từ thuở ấu thơ nên mẹ thường để ý quan tâm, từ những việc nhỏ nhặt nhất trong cuộc sống hàng ngày.

Biết bố và cô thích ăn na, đến đúng mùa, mẹ thường mua cả rổ về cho hai người thưởng thức. Nhìn chồng và chị chồng ăn na ngon lành như lâu ngày bị bỏ đói, mẹ lại ứa nước mắt. Sau này chị em tôi lớn lên, mẹ thường nhắc nhở: “Các con phải để ý sở thích của bố và cô, nghe con. Bố con và cô con chỉ thích nhất quả na thôi”. Vì vậy, mùa na nào chị em tôi cũng mua thật nhiều để bố và cô ăn thỏa thích. Và chẳng hiểu sao mỗi khi ăn na, cô và bố lại thi nhau kể chuyện ngày xưa. Tôi và em gái cứ ngồi chống cằm mà nghe. Những quả na chín có khả năng kỳ diệu bởi chúng đã đánh thức trong bố, trong cô những ký ức xa xưa.

Càng có tuổi, bố càng thương cô Son. Tình thương ấy thể hiện rõ trong từng lời nói, từng cử chỉ bố dành cho cô mà mẹ tôi và cả chị em tôi không bao giờ dám ghen tị. Trong bữa ăn, có miếng nào ngon bố cũng gắp cho cô đầu tiên. Mỗi khi trái gió trở trời, cái lưng còng bao năm mò cua bắt ốc của cô đau mỏi, bố lại nôn nóng xoa thuốc, đấm bóp cho cô. Có lần bố bỏ lên giường nằm, quay mặt vào trong. Bố khóc…

Khi bố nghỉ hưu, chị em tôi đã có công ăn việc làm ổn định, cô Son giục chúng tôi lấy chồng. Cô bảo: “Bây giờ cô còn khỏe, cô bế con cho, chứ ít nữa cái lưng cô còng rạp xuống, muốn bế cũng không bế được”. Thế là hai đứa con của tôi, hai đứa con của em gái tôi đều được bàn tay khéo léo của cô bế ẵm, ru hời. Cô thuộc rất nhiều bài hát ru nên nằm trong vòng tay của cô, bọn trẻ dễ dàng thiếp vào giấc ngủ. Cô yêu trẻ con và rất mát tay chăm trẻ nên bọn trẻ đứa nào cũng quấn bà Son. Mẹ tôi hiểu cô, hiểu cả khát khao tận đáy lòng cô nên không bao giờ mẹ tranh giành bế cháu với cô.

Hè năm ngoái, bố tôi dự định đưa cô Son đi du lịch xuyên Việt một chuyến cho cô biết đó biết đây. Cô háo hức, cứ nhắc đi nhắc lại:

- Ừ, thì đi dối già một chuyến.

Tôi gạt đi:

- Cô không được nói gở như thế. Đã dối già làm sao được.

Cô cười hiền từ, khoe hàm răng nhuộm đen đều tăm tắp:

- Gần tám mươi rồi con gì. Cô sống thế là mãn nguyện rồi.

Tôi ôm lưng cô, khẽ xoa hai bờ vai gầy trơ xương của cô, quả quyết:

- Cô của con phải sống đến một trăm tuổi mới được.

Nghe hai cô cháu nói chuyện, bố cứ tủm tỉm cười. Nhưng bố không ngờ bố chưa kịp thực hiện kế hoạch của mình thì cô Son ốm nặng. Lúc khỏe, cô vẫn hay ao ước ra miệng: “Sau này về già, chỉ mong cảm nặng một trận rồi đi luôn, để cậu mợ và các cháu đỡ vất vả”. Không ngờ câu nói ấy của cô lại linh nghiệm đến thế. Chưa đầy hai tuần sau, cô mất. Nhẹ nhàng. Sạch sẽ. Hàng xóm láng giềng bảo cô “chết tiên”, đấy là nhờ cô ăn ở hiền lành, làm nhiều điều phúc đức nên ông trời có mắt. Bố tôi cứ ân hận, day dứt mãi vì chưa chăm sóc được nhiều cho cô. Bố mẹ tôi thực hiện đúng theo di nguyện của cô là đưa cô đến Đài Hóa Thân và đưa cô về an nghỉ ở nghĩa trang gần bến sông năm xưa. Tôi biết, nơi ấy chính là kỷ niệm, là nỗi nhớ, là nơi bình yên nhất để cô có thể ngắm mãi những mùa trăng của riêng cô.

Sau sự ra đi đột ngột của cô Son, bố tôi mất ngủ cả tháng trời. Bố gầy sọp hẳn đi. Lần nào thắp hương lên bàn thờ cô, tay run rẩy vì xúc động, mắt bố đỏ hoe như cố nuốt nước mắt vào lòng sợ con cháu nhìn thấy bố khóc. Mẹ và chị em tôi phải động viên bố nhiều lắm, làm chỗ dựa tinh thần cho bố thì nỗi thương nhớ trong bố mới phần nào nguôi ngoai.

*

Buổi tối, bố hạ đĩa na trên bàn thờ xuống cho cả nhà cùng ăn. Bố thủng thẳng nhắc:

- Sắp giỗ đầu cô Son rồi đấy! Nhanh thật!

Mẹ khẽ “vâng” rồi cả nhà như lặng đi trong những ký ức về cô. Bố lại lấy tay quệt nước mắt. Ngoài kia, trăng đang lên. Ở nơi xa xôi nào đó, cô có biết bố tôi rất thương cô. Còn tôi, tôi thương những mùa trăng…

Nguồn Văn nghệ số 41/2018


Việt Nam sẽ có những thông điệp lớn, ủng hộ mạnh mẽ chủ nghĩa đa phương

Việt Nam sẽ có những thông điệp lớn, ủng hộ mạnh mẽ chủ nghĩa đa phương

Baovannghe.vn - Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn trả lời phóng vấn về Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm dự Hội nghị thượng đỉnh Tương lai
Bộ Nội vụ thống nhất trình Thủ tướng đề xuất nghỉ Tết Ất Tỵ 9 ngày, Quốc khánh 2025, 4 ngày

Bộ Nội vụ thống nhất trình Thủ tướng đề xuất nghỉ Tết Ất Tỵ 9 ngày, Quốc khánh 2025, 4 ngày

Baovannghe.vn - Bộ Nội vụ vừa có văn bản gửi Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội góp ý về phương án nghỉ Tết Ất Tỵ, nghỉ lễ Quốc khánh và một số ngày nghỉ lễ, Tết khác trong năm 2025
Thổ cẩm về xuôi - Thơ Thèn Hương

Thổ cẩm về xuôi - Thơ Thèn Hương

Baovannghe.vn- Hôm nay thổ cẩm về xuôi/ mang hoa văn của núi đồi về theo/ này là suối nhỏ trong veo/ này là nắng quái chân đèo hoàng hôn
Dấu mốc trên hành trình tiểu thuyết

Dấu mốc trên hành trình tiểu thuyết

Baovanghe.vn - Tấn kịch ở Hạ Lỗi là tiểu thuyết thứ 6 trên hành trình tiểu thuyết của Nguyễn Nhuận Hồng Phương. Thiên truyện bắt đầu bằng cuộc hồi hương nhọc nhằn và bất đắc dĩ của thông phán Trịnh Huệ và cậu con trai Trịnh Hạ mới 7 tuổi đầu của ông.
Thời tiết ngày 20/9: Thanh Hóa - Quảng Trị tiếp tục có mưa lớn diện rộng

Thời tiết ngày 20/9: Thanh Hóa - Quảng Trị tiếp tục có mưa lớn diện rộng

Baovannghe.vn - Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, từ đêm 19/9 - 20/9, mưa lớn xảy ra tại khu vực từ Thanh Hóa - Quảng Trị