Diễn đàn lý luận

Tiểu thuyết lịch sử và những chuyển động thế hệ

Lý luận phê bình
09:45 | 29/08/2023
Tiểu thuyết lịch sử hấp dẫn không chỉ với nhiều người cầm bút mà cả giới phê bình và bạn đọc cũng luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho thể loại văn học này. Đã có rất nhiều nhà văn ghi danh vào dòng văn học này như Nguyễn Xuân Khánh, Hà Ân, Hoàng Quốc Hải, Ngô Văn Phú, Nguyễn Quang Thân, Trần Thuỳ Mai, Lý Lan, Nguyễn Thế Quang, Phùng Văn Khai…
aa

Tiểu thuyết lịch sử hấp dẫn không chỉ với nhiều người cầm bút mà cả giới phê bình và bạn đọc cũng luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho thể loại văn học này. Đã có rất nhiều nhà văn ghi danh vào dòng văn học này như Nguyễn Xuân Khánh, Hà Ân, Hoàng Quốc Hải, Ngô Văn Phú, Nguyễn Quang Thân, Trần Thuỳ Mai, Lý Lan, Nguyễn Thế Quang, Phùng Văn Khai…

Sáng 26/8/2023, tại Hà Nội, Hội Nhà văn Hà Nội đã tổ chức tọa đàm “Tiểu thuyết lịch sử - những chuyển động”. Hai diễn giả là nhà văn Hoàng Quốc Hải và nhà văn Phùng Văn Khai đại diện cho hai thế hệ người viết đã có những chia sẻ xoay quanh câu chuyện tiểu thuyết lịch sử.

Nhà văn Hoàng Quốc Hải và nhà văn Phùng Văn Khai tại buổi toạ đàm. Ảnh: Thành Duy

Nhà văn Hoàng Quốc Hải được biết đến với 2 bộ tiểu thuyết lịch sử đồ sộ là Bão táp triều Trần (6 tập) và Tám triều vua Lý (4 tập). Trước những mối quan tâm của bạn đọc về dã sử và chính sử, nhà văn đã có những kiến giải sâu sắc và gợi mở. Ông cho rằng, tiểu thuyết lịch sử có ba lối viết chính: viết theo chính sử, viết theo dã sử và viết ở góc nhìn trung lập của hai lối viết trên.

Theo đó, tiểu thuyết dã sử kể không theo trình tự lịch sử mà theo lối kể của dân gian, tuỳ theo dân gian thích hay ghét nhân vật nào để bồi đắp thêm vào những yếu tố đó cho rõ nét hơn. Dã sử có là văn chương và có giá trị trong văn chương không? Nhà văn cho rằng, dã sử hoàn toàn không lép vế trước chính sử mà nó phụ thuộc vào tài năng tái tạo của nhà văn, chứ vấn đề không phải dã sử hay chính sử, như tác phẩm Đôn Ki-hô-tê của nhà văn vĩ đại Cervantes là một ví dụ tiêu biểu. Ở phía chính sử, Chiến tranh và hoà bình của đại văn hào Tolstoy là một đại diện. Đây là chính sử nhưng được viết theo góc nhìn của riêng nhà văn, và lúc này, chính sử hoàn toàn phụ thuộc vào cảm quan riêng của ông. Nhà văn không phải là đầy tớ của sử gia mà là bậc thầy để giải mã lịch sử. Như vậy để thấy, chính sử hay dã sử thì điều quan trọng là nhà văn có viết cho ra gương mặt của thời đại hay không mà thôi.

Trả lời cho câu hỏi, “hư cấu có làm lệch chính sử không?”, nhà văn Hoàng Quốc Hải nhấn mạnh: thiên chức của tiểu thuyết là hư cấu. Tư tưởng của các nhân vật lịch sử được tái hiện chân thực qua nhân vật hư cấu. Đôn Ki-hô-tê dù là nhân vật hư cấu, nhưng tư tưởng nhân vật và bối cảnh xã hội thì hoàn toàn chân thực.

Nhà văn Phùng Văn Khai xuất hiện ở thể loại tiểu thuyết lịch sử với 7 cuốn sách là Phùng vương, Ngô vương, Nam đế Vạn Xuân, Triệu vương phục quốc, Lý Đào Lang vương, Lý Phật Tử định quốc, Trưng Nữ vương. Nói về không khí viết tiểu thuyết lịch sử trong những năm gần đây, anh ví von: không khí sáng tác với đề tài lịch sử trong văn chương giống như không khí của bóng đá, đó là không khí mà ai cũng muốn được ra sân và hoàn toàn chủ động. Bên cạnh sự đồng tình với những chia sẻ của nhà văn Hoàng Quốc Hải, nhà văn Phùng Văn Khai muốn bổ sung thêm một lối viết tiểu thuyết lịch sử rất đang được quan tâm nữa, đó là trường phái “võ hiệp Kim Dung”. Dù lượng hư cấu trong các tác phẩm này là rất lớn nhưng cũng rất tôn trọng lịch sử. Kim Dung đã rất thành công trong việc tái hiện chính trị, xã hội, đời sống con người Trung Quốc qua các thời kì Tống, Nguyên, Minh, Thanh. Qua đó, nhà văn Phùng Văn Khai cũng khẳng định, người viết tiểu thuyết lịch sử trước hết phải là người yêu lịch sử, phải có kiến thức sâu rộng về giai đoạn lịch sử mà mình viết, nhân vật lịch sử mà mình viết, bối cảnh, đời sống, văn hoá, tư tưởng của thời đó…

Buổi tọa đàm nhận được sự quan tâm của giới chuyên môn và bạn đọc. Ảnh: Thành Duy

Có quá nhiều điều hấp dẫn mà tiểu thuyết lịch sử mời gọi người cầm bút, tuy nhiên, lựa chọn viết thể loại này cũng luôn là một lựa chọn dũng cảm. Bởi bên cạnh sự dồi dào của tư liệu sử, sự thú vị của các nhân vật, sự hoành tráng của các triều đại… thì nhà văn phải đối mặt với việc làm sao để những gì đã có sẵn ấy dưới ngòi bút của mình sẽ trở nên lôi cuốn, sáng tạo mà không bị rơi vào thế “bóp méo lịch sử”. Bên cạnh đó, viết tiểu thuyết lịch sử cũng rất cần sự dấn thân, đam mê. Bởi thời gian đã lùi xa, lịch sử luôn nhiều góc khuất, việc tìm về lịch sử để giải mã không dành cho những người hời hợt và tranh thủ những góc khuất để suy diễn. Góc khuất ấy với người viết đích thực sẽ là nơi để hư cấu, để kiến giải một cách có tư tưởng, có nghệ thuật, có văn hoá.

Buổi tọa đàm nhận được sự quan tâm của giới chuyên môn và bạn đọc. Thiếu tướng Phạm Tiến Luật cho rằng, tác phẩm lịch sử nuôi dưỡng tình yêu nước. Việc giáo dục lịch sử qua tiểu thuyết lịch sử hiện nay là rất quan trọng. Nhà thơ Bùi Việt Mỹ nhấn mạnh, nhà văn viết tiểu thuyết lịch sử trước tiên cần tôn trọng lịch sử, thời đại, dữ liệu và nhân vật. Đọc với tâm thế đây là tiểu thuyết, có lẽ sẽ mở ra những hướng nhìn khác hơn. Nhà phê bình Đỗ Ngọc Yên quan tâm đến việc làm sao để sáng tác, hư cấu mà không xa lạ với lịch sử đã xảy ra. Vấn đề không phải là được hay không được hư cấu mà là quản lí, giới hạn sự hư cấu đến đâu, trong mức công chúng có thể chấp nhận được. Nhà văn có quyền hư cấu để tái hiện lịch sử nhưng không nên làm sai lệch lịch sử…

Quan hệ gắn bó giữa văn chương và lịch sử luôn được khẳng định. Bởi lịch sử cung cấp cho văn chương cảm hứng không bao giờ vơi cạn còn văn chương làm cho lịch sử thêm sinh động hấp dẫn. Ở thể loại tiểu thuyết lịch sử, mặc dù đã có rất nhiều nhà văn thử sức, nhưng để nói thành công thì không phải ai cũng làm được. Vấn đề không ở câu chuyện tuổi tác, nhà văn Hoàng Quốc Hải kì vọng: Người trẻ sinh sau 2000 vẫn có thể viết tiểu thuyết lịch sử, chỉ cần đủ tài năng. Việc sáng tác không giới hạn độ tuổi, và chỉ bị giới hạn bởi tài năng mà thôi.

AN CHI

Nguồn VNQĐ


Võng - Thơ Nguyễn Ngọc Phú

Võng - Thơ Nguyễn Ngọc Phú

Baovannghe.vn- Cầu vồng bắc võng/ Sau cơn mưa rào/ Con thuyền mắc võng/ Bồng bềnh sóng chao
Cô giáo vùng cao - Thơ Thu Sang

Cô giáo vùng cao - Thơ Thu Sang

Baovannghe.vn- Cô gùi chữ vùng cao/ Em vượt đèo tới lớp/ Con đường vui chân bước/ Suối rì rào hát ca.
Tổ chức Hội thảo khoa học cấp Quốc gia nhân Kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô

Tổ chức Hội thảo khoa học cấp Quốc gia nhân Kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô

Baovannghe.vn - Hội thảo tổ chức ngày 2/10/2024 với chủ đề: "Tầm nhìn mới, cơ hội mới xây dựng Thủ đô Hà Nội "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại, Thành phố kết nối toàn cầu""
Những bí mật của "Trăm năm cô đơn"

Những bí mật của "Trăm năm cô đơn"

Baovannghe.vn - Trong một ngôi nhà yên tĩnh tại Mexico City, nơi Gabriel tìm thấy nỗi cô đơn chưa từng cảm nhận và sẽ không bao giờ gặp lại một lần nữa, ông sáng tác tác phẩm kinh điển Trăm năm cô đơn.
Kí ức Ngoi. Truyện ngắn dự thi của Hà Phạm Phú

Kí ức Ngoi. Truyện ngắn dự thi của Hà Phạm Phú

Baovannghe.vn- Mùa đông năm ấy rất lạnh, sương muối trắng xoá, những vạt rau ăn đều chết rũ. Mẹ anh lên thăm, anh mượn hai chiếc ghế băng của cơ quan về kê nằm tạm.