Văn hóa nghệ thuật

Tìm lại thị phần cho âm nhạc dân tộc

Văn hóa nghệ thuật
10:20 | 14/06/2020
Sau thành công của đợt phát động cuộc thi sáng tác ca khúc về đề tài dân tộc thiểu số dành riêng cho các tác giả dân tộc được tổ chức vào tháng 7 năm 2018, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp tục phát động cuộc thi sáng tác ca khúc về đề tài dân tộc thiểu số, miền núi năm 2020. Cuộc thi được mở rộng với mọi đối tượng. Đây được xem là đợt sinh hoạt mang tính chất chuyên môn nhằm phát hiện, bồi dưỡng tài năng cũng như nâng cao nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của đồng bào dân tộc thiểu số trong giai đoạn hiện nay
aa

Sau thành công của đợt phát động cuộc thi sáng tác ca khúc về đề tài dân tộc thiểu số dành riêng cho các tác giả dân tộc được tổ chức vào tháng 7 năm 2018, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp tục phát động cuộc thi sáng tác ca khúc về đề tài dân tộc thiểu số, miền núi năm 2020. Cuộc thi được mở rộng với mọi đối tượng. Đây được xem là đợt sinh hoạt mang tính chất chuyên môn nhằm phát hiện, bồi dưỡng tài năng cũng như nâng cao nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của đồng bào dân tộc thiểu số trong giai đoạn hiện nay. Tuy nhiên, vẫn còn quá sớm để có thể lạc quan về sự xuất hiện của những nhân tố mới, do lâu nay mảng đề tài này đã và đang bị dòng âm nhạc đương đại lấn lướt.

Cảnh trong MV Nói thương nhau thì đừng làm trái tim em đau của Bích Phương

KHUYẾN KHÍCH NHỮNG SÁNG TẠO TRÊN CHẤT LIỆU VÀ ÂM HƯỞNG DÂN CA

Đời sống âm nhạc dân tộc thiểu số và miền núi chừng năm, mười năm gần đây có thể nhận thấy khá trầm lắng với không nhiều hội thi cấp khu vực, quốc gia, cả ở lĩnh vực sáng tác lẫn biểu diễn, ngoại trừ một vài liên hoan mang tính chất chuyên ngành như hát Then, Ví dặm, hát Xoan và Quan họ... Có nhiều lý do để lý giải cho sự thưa vắng những loại hình nghệ thuật dân tộc trong đời sống âm nhạc hiện nay như: đội ngũ kế cận yếu và thiếu; người xem không mặn mà trước âm nhạc truyền thống do chạy theo những xu hướng âm nhạc hiện đại... Nhưng dù có là vậy, thì những người hoạt động trong nghề hay những khán giả còn nặng lòng với vốn văn hóa dân tộc cũng không khỏi chạnh lòng, tiếc nuối, thậm chí nuôi quyết tâm tìm lại thị phần cho âm nhạc dân tộc trong đời sống âm nhạc đương đại. Năm 2018, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức cuộc thi Sáng tác ca khúc về đề tài dân tộc thiểu số và miền núi. Cuộc thi dành cho các tác giả là người dân tộc. Song, sự mong chờ về những nhân tố mới hay nói đúng hơn là những gương mặt nhạc sĩ mới, sáng tác về đề tài dân tộc và miền núi đã không xuất hiện và sau cuộc thi, những ca khúc được giải ít xuất hiện trên sóng quốc gia.

Nhiều người cho rằng, những sáng tác vốn đi theo khuôn mẫu ca ngợi quê hương đất nước, người tốt việc tốt được coi là đúng và trúng yêu cầu của cuộc thi nhưng lại không dễ đi vào lòng người. Đặc biệt là lớp trẻ, vốn quen với Rock, Pop. Chưa kể những sáng tác mới không dễ vượt qua những tác phẩm đỉnh cao vốn đã định hình trong dòng chảy của âm nhạc cách mạng như: Nhạc kịch Cô Sao, Người tạc tượng của Đỗ Nhuận, Bên bờ Krông pa của Nhật Lai, Cô gái Tây Nguyên của Văn Ký, Chiếc khăn Piêu của Doãn Nho, Tình ca Tây Bắc của Bùi Đức Hạnh...

Trên thực tế, để có được những tác phẩm nghệ thuật đỉnh cao, mang dấu ấn của mỗi giai đoạn lịch sử không chỉ là mong mỏi của âm nhạc dân tộc miền núi mà còn là của chung tất cả các loại hình văn hóa, nghệ thuật. Những người làm công tác phê bình cho rằng, sáng tác của những cây đa, cây đề đã trở nên cũ hơn, thậm chí không vượt qua được những sáng tác trước đó của chính mình, do họ đã đi qua độ tuổi hay nói đúng hơn là đã vượt qua cái ngưỡng thăng hoa nhất của một đời người dành cho nghệ thuật. Còn lớp trẻ, những kinh nghiệm sống, vốn văn hóa chưa đủ dầy, đủ nặng để có thể cho ra đời được những sáng tác mặn mòi tình đời, tình người... Song ở họ lại thừa nhiệt huyết thậm chí có thể xả thân cho những trào lưu mới được du nhập từ nước ngoài vào. Công bằng mà nói, những nhận định trên không sai, thậm chí trong một vài trường hợp cụ thể còn đúng. Ví như, trào lưu hát theo “trend”. Có thể hiểu nôm na là những ca khúc mà tựa đề hay lời trong ca khúc đã trở thành những câu nói cửa miệng, được chia sẻ hoặc chế trên mạng xã hội của một bộ phận công chúng. Cũng có khi là những ca khúc được sáng tác theo những từ khóa thịnh hành nhạt nhẽo, vô bổ. Và “tuổi thọ” của những ca khúc này thường rất ngắn. Nhưng đời sống âm nhạc hiện không chỉ có vậy, ngoài những sáng tác thị trường, còn có những ca khúc được sáng tác bằng cái Tầm và cái Tâm của người nghệ sĩ. Đề tài dân tộc và miền núi cũng không là ngoại lệ. Ca khúc Để Mị nói cho mà nghe của Hoàng Thùy Linh; Nói thương nhau thì đừng làm trái tim em đau của Bích Phương... đã thực sự chinh phục được trái tim người nghe bởi chất liệu và âm hưởng dân ca vừa ngọt ngào, đằm thắm vừa bay bổng giữa núi rừng của vùng Đông Bắc đẹp đến nao lòng.

CẦN HƯỚNG ĐI MỚI

Theo nhạc sĩ Nông Quốc Bình, Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam, âm nhạc với bản thân ông nói riêng, cuộc sống các dân tộc thiểu số nói chung có thể ví như cơm ăn, nước uống, như nguồn dinh dưỡng bồi đắp tâm hồn, tình cảm con người qua các thế hệ và mỗi thế hệ lại làm giàu, làm phong phú thêm vốn quý đó. Âm nhạc dân gian mỗi dân tộc có quan hệ mật thiết với tiếng nói của dân tộc ấy, biểu hiện của trình độ phát triển của xã hội. Đó là những điều kiện cho phép từng bước xây dựng một đời sống âm nhạc chuyên nghiệp, tức là xây dựng đội ngũ những người sáng tác, biểu diễn, lý luận, phê bình và xây dựng một công chúng âm nhạc. Và để có thể hiện thực hóa tất cả những mong mỏi trên, nhiều ý kiến văn nghệ sĩ đã cho rằng, cần thêm nhiều hướng đi cho mảng đề tài này. Và như vậy, cuộc thi mà Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã và đang được kỳ vọng sẽ làm phát lộ từng phần hoặc tất cả những vốn quý văn hóa đó. Đứng trên góc độ quản lý, Bộ cho biết, cuộc thi dành cho tất cả các tác giả chuyên nghiệp và không chuyên trong cả nước, không giới hạn về độ tuổi, nghề nghiệp, dân tộc đều có quyền gửi tác phẩm tham gia cuộc thi. Sự mở rộng biên độ về đối tượng tham gia cuộc thi cho thấy sự cầu thị của cơ quan chủ quản khi mong muốn thông qua cuộc thi sẽ nhận được nhiều tác phẩm có chất lượng của các tác giả viết về mảng đề tài này, từng bước góp phần làm giàu thêm vốn văn hóa cũng như đời sống tinh thần của người dân khu vực miền núi. Tuy nhiên, vẫn theo nếp cũ, những yêu cầu Ban tổ chức đặt ra (có thể được xem là những gợi ý cho người tham dự) như: tác phẩm dự thi ca ngợi Đảng, Bác Hồ, quê hương miền núi, truyền thống cách mạng của các dân tộc trong lịch sử dựng nước và giữ nước, danh nhân, anh hùng dân tộc; những thay đổi ở nông thôn miền núi trong xây dựng đời sống nông thôn mới, những điển hình tiên tiến trong lao động sản xuất, gương người tốt việc tốt; phê phán những thói hư tật xấu, xóa bỏ tập tục lạc hậu và các tệ nạn xã hội... một mặt giúp những sáng tác chụm lại với nhau, nhưng mặt khác cũng sẽ hạn chế sự sáng tạo của tác giả. Theo quan điểm của người viết, không nhất thiết những sáng tác cứ phải mang âm hưởng ca ngợi, mà chỉ cần đi vào những chi tiết bình dị của cuộc sống, như tình yêu nam nữ chẳng hạn. Nếu ai đó đã xem MV: Nói thương nhau thì đừng làm trái tim em đau của Bích Phương sẽ không nhận thấy yếu tố tuyên truyền hay ca ngợi nào trong lời bài hát cũng như những khuôn hình trong MV, nhưng lại có thể cảm nhận được những thông điệp hết sức mới mẻ về một vùng Đông Bắc quyến rũ, một phong tục cưới hỏi thiêng liêng nhưng vô cùng ấm áp của người Dao…

Âm nhạc đã làm được nhiều hơn những điều mà chúng ta đã nghĩ. Ngoài chuyển tải vốn văn hóa dân tộc, ca ngợi quê hương đất nước, còn mang đến những giá trị mới về du lịch, về lịch sử và hơn cả là giúp vun đắp, kéo lại gần hơn những tâm hồn còn đang mất phương hướng trước những trào lưu, cám dỗ của văn hóa ngoại lai. Đồng thời cũng chính là giành lại thị phần cho âm nhạc dân tộc và miền núi trong đời sống âm nhạc hiện nay. Hay nói như cựu Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Vương Duy Biên, để âm nhạc dân tộc được bảo tồn và phát huy, cần tạo ra môi trường diễn xướng. Cho nên, việc hướng dẫn giáo dục thị hiếu thẩm mỹ âm nhạc là nhiệm vụ cấp bách, đồng thời đào tạo thế hệ trẻ biết yêu, biết đàn hát dân ca là vô cùng cần thiết.

Hy vọng rằng, sự tiếp nối của những cuộc thi từng bước đưa Âm nhạc dân tộc lấy lại bản sắc và thực sự chinh phục người nghe, người xem.

Nguồn Văn nghệ số 24/2020


Quà tặng của chiến tranh - Truyện ngắn của Hoài Hương

Quà tặng của chiến tranh - Truyện ngắn của Hoài Hương

Baovannghe.vn - Chiến dịch thần tốc như một cơn lốc không ngày không đêm, đơn vị vừa đánh vừa hành quân gần như xuyên dọc theo Quốc lộ 13 hướng về Sài Gòn mỗi ngày một gần thêm.
Lĩnh vực báo chí cần có những ưu đãi về thuế

Lĩnh vực báo chí cần có những ưu đãi về thuế

Baovannghe.vn - Quốc hội tiếp tục chương trình làm việc ngày 22/11 với phiên thảo luận tổ về dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) và dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi).
Trôi giữa hương sen nghịch mùa - Truyện ngắn của Đinh Thành Trung

Trôi giữa hương sen nghịch mùa - Truyện ngắn của Đinh Thành Trung

Baovannghe.vn - Mây đen tan. Nắng nhẹ. Hương sen còn sót hòa cùng hương bùn đánh dạt mùi khói xe, đưa nụ cười của hai người đàn ông lấp đầy mi mắt đang nhìn về phía mặt trời.
Nhà thơ Anh Ngọc bình thơ "Thề non nước"

Nhà thơ Anh Ngọc bình thơ "Thề non nước"

Baovannghe.vn - Bài thơ Thề non nước không chỉ là lời tự tình đằm thắm của một tâm hồn thủy chung, tin cậy mà còn cất giấu trong mình một bức tranh thiên nhiên tráng lệ và quyến rũ mê hồn vì một vẻ đẹp như sinh ra bởi con người và cũng chỉ dành để cho con người.
Nhà văn Nguyễn Chí Trung

Nhà văn Nguyễn Chí Trung

Baovannghe.vn - Nhà văn Nguyễn Chí Trung trưởng thành từ thiếu sinh quân. Đi lính từ bé và làm cán bộ đại đội từ trẻ - ngày nền nông nghiệp của ta xứng danh với cái tên “nghèo nàn và lạc hậu” thì ông hòa nhập vào lớp thanh niên “vượt lên hàng đầu, vượt là vượt như tên bay”...