Diễn đàn lý luận

Tô Hoài và một cách viết tiểu thuyết lịch sử

Nguyễn Đăng Mạnh
Lý luận phê bình 07:00 | 25/02/2025
Baovannghe.vn - Đầu thập kỷ (2003), Tô Hoài xuất bản bộ tiểu thuyết Quê nhà, gồm ba cuốn: Quê nhà, Quê ngườiMười năm. Đây là sự lắp ghép ba tác phẩm ra đời trong những thời điểm rất khác nhau và đề tài, khuynh hướng cảm hứng cũng không phải là một..
aa

Được viết sớm nhất là Quê người (1941) – cuốn tiểu thuyết đầu tay của Tô Hoài. Cảm hứng phong tục của tác phẩm rất rõ. Đó cũng là khuynh hướng nổi trội của tiểu thuyết hiện thực ở nước ta từ khoảng 1939, 1940 đến 1945: thời kỳ Ngô Tất Tố viết Lều chõng (1939), Việc làng (1940), Nguyễn Công Hoan viết Cái thủ lợn (1939), Mạnh Phú Tư viết Làm lẽ (1939), Sống nhờ (1942), Nguyễn Đình Lạp viết Ngoại ô (1941), Ngõ hẻm (1943), Bùi Hiền viết Nằm vạ, Ma đậu (1941) và chính Tô Hoài viết một loạt truyện ngắn phong tục: Vợ chồng trẻ con, Ông Cúm bà Co, Khách nợ..

Đọc Quê người, người ta thấy viết về phong tục quả là một sở trường của Tô Hoài. Tác phẩm vẽ ra một bức tranh phong tục hết sức phong phú của một vùng nông thôn ngoại thành Hà Nội ngày xưa: những hội hè đình đánh với các trò vui: hát chèo, hát xẩm, leo cột mỡ, đi cầu noi; những cách trai gái hẹn hò, họ gửi cho nhau những bức thư tình văn chương hoa mỹ mùi mẫn một cách rất quê mùa; những lối ăn mặc, trang điểm của người dân quê trong các dịp lễ Tết, cưới xin...; tục tảo hôn, chuyện đồng cốt, những cách chữa bệnh kỳ quái, thói nằm vạ, thói đặt vè bôi xấu nhau, cảnh những người đàn bà đanh đá đi khắp làng chửi rủa có ngành có ngọn, có bài có bản; cảnh bắt nợ, trốn nợ đêm ba mươi Tết.v.v... Tất cả được quan sát rất tỉ mỉ và diễn tả rất sinh động, hóm hỉnh.

Năm 1954, miền Bắc nước ta được giải phóng, bước vào xây dựng đất nước trong hoà bình. Trong đời sống văn học nổi lên một đề tài thu hút nhiều cây bút: ca ngợi phong trào cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng. Cùng một cảm hứng với bản trường ca Ba mươi năm đời ta có Đảng (1960) của Tố Hữu, có cả một phong trào viết tiểu thuyết về lịch sử cách mạng, thường bắt đầu từ Mặt trận dân chủ đến phong trào Việt Minh và kết thúc là cuộc khởi nghĩa tháng Tám thắng lợi.

Đó là thời kỳ Nguyễn Công Hoan viết Tranh tối, tranh sáng (1956), Hỗn canh hỗn cư (1961), Nguyễn Đình Thi viết Vỡ bờ (1962 – 1970), Nguyên Hồng viết Cửa biển (1961-1976). Mười năm của Tô Hoài, ra đời năm 1957, cũng nằm trong phong trào này. Cần lưu ý: nói chung, đây là những cuốn tiểu thuyết viết theo cảm hứng dân tộc - lịch sử, bút pháp sử thi, nhưng không phải tiểu thuyết lịch sử theo đúng nghĩa của nó, vì là những tác phẩm hoàn toàn hư cấu, không có một nhân vật nào có thật trong lịch sử được tái hiện(1) (Riêng Mười năm của Tô Hoài có lối viết khác sẽ nói sau).

Quê nhà, tác phẩm mở đầu bộ tiểu thuyết lại được viết sau cùng (1978). Với tác phẩm này. Tô Hoài có ý thức rõ rệt viết một cuốn tiểu thuyết lịch sử. Để chứng minh tính xác thực lịch sử của những điều mình thuật kể, tác giả cung cấp cho người đọc, ở cuối tác phẩm, những sử liệu cụ thể xảy ra vào cuối thế kỷ XIX khi thực dân Pháp đánh thành Hà Nội - những sử liệu ứng với nội dung Quê nhà.

Điều đáng lưu ý là Tô Hoài đã ghép hai cuốn Quê ngườiMười năm vào với Quê nhà theo trình tự thời gian lịch sử (thực dân Pháp hạ thành Hà Nội (Quê nhà), đất nước hoàn toàn dưới ách thực dân, đời sống bần cùng, xóm làng xơ xác (Quê người) phong trào cách mạng do Đảng cộng sản lãnh đạo dẫn đến thắng lợi của Cách mạng tháng Tám 1945 (Mười năm). Làm như vậy hẳn là ông muốn tập truyện của mình trở thành một bộ tiểu thuyết lịch sử. Sự lắp ghép này, ở một cây bút nào khác, chắc sẽ hết sức khiên cưỡng, khó chấp nhận. Nhưng ở trường hợp Tô Hoài, người ta vẫn cảm thấy tự nhiên, thông thuận, nhất quán.

Trước hết, đó là do tính chất tự truyện vốn là đặc điểm chung của các tác phẩm Tô Hoài. Vì thế cả ba cuốn truyện đều thống nhất gắn với những kỷ niệm riêng của nhà văn, với những quan sát trực tiếp theo cách nhìn riêng về thế giới, và quan niệm riêng về hiện thực và con người của tác giả, Đồng thời cùng xoay quanh một vùng đất Quê nhà của Tô Hoài (Kẻ Bưởi, Nghĩa Đô, phủ Hoài Đức, quê ngoại của nhà văn, nơi ông sinh ra và lớn lên).

Tô Hoài và một cách viết tiểu thuyết lịch sử
Ảnh internet

Đặc điểm trên đã chi phối cách viết tiểu thuyết lịch sử rất riêng của tác giả Quê nhà: truyện lịch sử mà các vai chính không phải là những nhân vật lịch sử, nghĩa là những tên tuổi được ghi trong sử sách. Những tổng đốc Hoàng Diệu, thống đốc Hoàng Kế Viên, lãnh binh Lê Trực... hay quan ba Gạc Nhe (Francis Gamier), lái buôn Du bi (Jean Dupuis)... tuy cũng có nói đến, nhưng chỉ thấp thoáng qua những dòng thông tin vắn tắt. Nổi lên đậm nét như những nhân vật chính là đám đông dân thường, là nhân dân lao động, dù có tên hay không tên thì đời cũng không hề biết đến. Họ làm ra lịch sử nhưng trước hết phải làm ăn, phải kiếm sống, ngày ngày vẫn con trâu, cái cày ra đồng, vẫn cấy lúa, trồng ngô, nuôi tầm ươm tơ, làng Bưởi thì dệt lĩnh, La Mỗ thì dệt lụa, Hồ Khẩu Yên Thái thì giã dó làm giấy, làng Thụy, làng Võng thì nấu rượu, dân ven Hồ Tây thì chài lưới bắt tôm, bắt cá... Hàng ngày họ vẫn phải gồng gánh buôn ngược bán xuôi, đi về các chợ Canh, chợ Diễn, chợ Phùng, chợ Cáo... Ở đấy lịch sử không đi bằng ngựa xe rầm rộ trên đường cái quan, trên những đại lộ (vua quan, tướng lĩnh đã tự thủ tiêu vau trò lịch sử của mình rồi) mà đi bộ, chân đất, luồn lỏi trong những đường làng, ngõ xóm, lối tắt đồng, bờ ruộng, chân đê..., với những gồng gánh cồng kềnh, những bồ, những sọt ủ lá cọ, những bị, những đẫy, những tay nải cắp nách, vác vai... Nhưng ai biết được, đựng trong đó chỉ có củ nâu, song mây, khoai, sắn, trầu vỏ, cau khô, bó tơ, tấm lụa v.v... hay còn có mã tấu, dao găm bọc lá chuối khô? Địa điểm liên lạc, nơi bắt mối, giao quân của những ông Xuất, ông Lãnh (tự người dân cứ đặt chức, phong tước nhau lên như thế để hội quân) là những quán nước, hàng thịt chó, nhà trọ dựng nơi chân đê, đầu đồng khuất nẻo, trông xa như những cây rơm lớn hay những lều ép mía... Ở đây người ta bày mẹo đánh Tây người ta phổ biến kinh nghiệm giết Tây cứ như là đi chợ mua con chó về làm thịt, bằng đủ cách không hề ghi trong sách vở binh thư, binh pháp nào, như dìm sông, móc hàm, bóp cổ, thả rắn độc v.v...

Tóm lại, người ta làm việc nước, nhưng không bỏ việc nhà, lịch sử gắn chặt với sinh hoạt đời thường, đi trên đê nhìn xuống các làng mạc, chỉ thấy những bờ tre, những xóm ngõ im lìm. Thực ra nhà nào cũng thủ một con dao, một mũi mác gác sẵn lên mái tranh chờ khi dùng đến. Và hằng ngày, ngoài chuyện làm ăn sinh sống, người ta vẫn lo chuyện Tết nhất, giỗ chạp, cưới xin, ma chay, ngày xuân thì tảo mộ, lễ chùa, đi hội vv... Nhưng hễ nghe thằng Tây kéo đến đâu, có ai gọi, là lập tức vất bỏ mọi công việc đấy, vác giáo mác đi ngay...

Thành ra truyện lịch sử hoà lẫn một cách rất tự nhiên với truyện thế sự đời thường, và khó phân biệt với truyện phong tục vốn là cảm hứng chủ đạo Quê người.

Mười năm, như trên đã nói, nằm trong phong trào tiểu thuyết viết về lịch sử cách mạng, khởi lên từ khoảng trước sau năm 1960. Nhưng không giống với tác phẩm của những cây bút khác thường viết theo cảm hứng sử thi, đặt nhân vật cách mạng lên cao để ngợi ca bằng giọng văn trang nghiêm, đầy tinh thần ngưỡng mộ. Mười năm của Tô Hoài vẫn đậm chất tiểu thuyết, vẫn đặt nhân vật trong quan hệ đời tư, đời thường, gần gũi, vẫn thuật kể bằng một giọng văn đều đều, thủng thẳng, ẩn giấu một nụ cười hóm hỉnh, tinh quái rất Tô Hoài. Đặc biệt, những nhân vật cách mạng đều được mô tả như những con người bình thường, có cả ưu lẫn khuyết, có mặt cao cả, có mặt tầm thường, có hăng hái dũng cảm và cũng có chất tả khuynh, liều lĩnh với những ao ước ngây thơ những mơ mộng hão huyền... Và cứ để ý mà xem, có điều này cũng rất phổ biến ở tiểu thuyết Tô Hoài nhân vật của ông đặc biệt là phái nữ, người nào cũng gan góc, dũng cảm, đồng thời đa tình, và có máu lẳng lơ, như cô Ngát, cô Gái trong Quê nhà, như cô Ngây, cô Bướm trong Quê người, như cô Nhàn, cô Gạch, chị Hai Tâm trong Mười năm...

Thành ra, Mười năm đặt nối tiếp liền mạch với Quê nhà, Quê người, gọi là tiểu thuyết phong tục cũng được, mà gọi là tiểu thuyết lịch sử cũng không sai. Nhưng là một dạng tiểu thuyết lịch sử kiểu Tô Hoài. Lịch sử được phản ánh qua sinh hoạt đời thường, lịch sử của đám đông quần chúng vô danh, lịch sử được viết trên tinh thần dân chủ sâu sắc, triệt để vốn cũng là đặc điểm chung của tiểu thuyết Tô Hoài.

-------------

(1). Tiểu thuyết lịch sử tuy cũng có những chi tiết hay nhân vật hư cấu, nhưng nhân vật chính và sự kiện chính thì được sáng tạo trên các sử liệu xác thực trong lịch sử. Từ điển thuật ngữ văn học. Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi soạn. Nxb Giáo dục, 1992, trang 205.

Văn nghệ, số 28/2012
Khởi động Cuộc thi hội họa về Di sản văn hóa Việt Nam mùa 2

Khởi động Cuộc thi hội họa về Di sản văn hóa Việt Nam mùa 2

Baovannghe.vn - Ngày 16/5, tại Trường ĐH Mỹ thuật TP.HCM, đã diễn ra lễ công bố Cuộc thi vẽ tranh “Di sản văn hóa Việt Nam qua hội họa lần thứ II - năm 2025” với thời hạn nhận tác phẩm đến hết ngày 30/9/2025.
Trao giải cuộc thi “Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình mới” lần thứ 4

Trao giải cuộc thi “Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình mới” lần thứ 4

Baovannghe.vn - Cuộc thi viết "Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình mới" lần thứ Tư đã trao 30 giải cho các tác phẩm xuất sắc gồm: 3 giải A, 6 giải B, 9 giải C và 12 giải Khuyến khích.
10 tác phẩm xuất sắc vào chung khảo “Giải thưởng Thiếu nhi Dế Mèn” 2025

10 tác phẩm xuất sắc vào chung khảo “Giải thưởng Thiếu nhi Dế Mèn” 2025

Baovannghe.vn - Ngày 15/5, báo Thể thao và Văn hóa (Thông tấn xã Việt Nam) chính thức công bố 10 tác phẩm xuất sắc lọt vào chung khảo Giải thưởng Thiếu nhi Dế Mèn lần 6-2025. Trong đó, có 1 tập truyện tranh, 1 tuyển tập nhạc, 1 bộ tranh, 2 tập thơ cùng 6 tác phẩm văn xuôi.
Tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh

Tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh

Baovannghe.vn - Kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, từ 16-19/5/2025, thành phố Hà Nội tổ chức triển lãm, biểu diễn nghệ thuật và nhiều hoạt động VH- NT ý nghĩa bày tỏ lòng tri ân, kính yêu vô hạn đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị lãnh tụ vĩ đại, anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa kiệt xuất
Lời niệm - Thơ Mai Quỳnh Nam

Lời niệm - Thơ Mai Quỳnh Nam

Baovannghe.vn- Nước thánh không rũ sạch bụi trần/ vẫn là nước thánh