Multimedia

Trăng tràn khe lá. Truyện ngắn dự thi của Đào Quốc Vịnh

Đọc truyện
10:46 | 12/11/2023
Nàng tiễn người đàn bà chừng ngoài năm mươi tuổi có khuôn mặt trái xoan, đôi mắt đẹp và sáng dễ hút hồn cánh mày râu háo sắc, ra mãi tận ngoài phố. Cả hai người đứng thật lâu trên bãi đậu xe khách xuôi Hà Nội.
aa

TẬP ĐOÀN THACO HÂN HẠNH TÀI TRỢ CUỘC THI TRUYỆN NGẮN BÁO VĂN NGHỆ 2022-2024

Nàng tiễn người đàn bà chừng ngoài năm mươi tuổi có khuôn mặt trái xoan, đôi mắt đẹp và sáng dễ hút hồn cánh mày râu háo sắc, ra mãi tận ngoài phố. Cả hai người đứng thật lâu trên bãi đậu xe khách xuôi Hà Nội.

- Em đội ơn cô hết kiếp này không trả được, cô Bảy ạ! – Người đàn bà đưa hai bàn tay nắm chặt lấy tay nàng, lắc mạnh: - Cha sinh không bằng mẹ dưỡng. Nó sẽ mãi mãi là con của cô giáo. Em là loại người bỏ đi… Chỉ cần biết nó còn sống, khỏe mạnh, lại được cô giáo nuôi dạy nên người là em mãn nguyện rồi!

- Không ai chọn được cha mẹ đâu chị ạ. Cháu nó hiểu hết. Rồi tôi sẽ nói cháu… nó nhất định sẽ về với chị, chị ạ…

Minh hoạ: Ngô Xuân Khôi

Người đàn bà gạt nước mắt, bước vội lên chiếc xe khách màu vàng phủ đầy bụi đường, đoạn đứng quay mặt về phía nàng vẫy tay tạm biệt. Chiếc xe rồ máy phả vào khoảng không những cuộn khói đen khét lẹt rồi lao nhanh về xuôi. Nàng nhìn theo chiếc xe xa dần, mất hút ở tận cuối con đường cuốn đầy bụi đỏ, rồi quay lại, lặng lẽ ngồi trong căn phòng ngủ của hai vợ chồng, trong tâm trạng đầy cảm xúc, nửa vui, nửa buồn lẫn lộn.

Học hết năm thứ nhất ở trường cao đẳng sư phạm tỉnh thì cha nàng chết trong một vụ tai nạn vì nổ mìn khai thác đá. Nàng đành bỏ học về quê đi làm phụ việc cho một đội xây dựng của xã bên. Lúc thì làm phụ hồ, khi thì làm phó nhỏ cho mấy ông thợ mộc.

Tháng tám năm ấy, nàng theo hai người thợ về thị trấn Đăm này chỉnh trang trường tiểu học và trung học cơ sở chuẩn bị cho năm học mới. Nàng cùng những người thợ sửa chữa những chiếc bàn học và đóng lại những chiếc ghế băng đã lủng liểng sắp gãy rời chân ra khỏi ghế. Trong lúc hai người thợ chính đang lấy những tấm cót ép thưng vào những lỗ thủng trên các bức vách của lớp học, thì nàng loay hoay với chiếc cưa gỗ. Hai tay mỏi nhừ, cố đẩy đi kéo lại, mãi mà lưỡi cưa không cắn sâu vào thanh gỗ nơi nàng đã kẻ một vạch bút chì thật đậm trên đó. Nàng đặt ngón tay cái vào mớm vạch bút chì trên thanh gỗ, dùng hết sức đưa tay phải đẩy ngược lưỡi cưa lên phía trước. Những chiếc răng cưa cứng đầu không chịu ăn sâu vào đường kẻ trên thanh gỗ mà nhảy lập bập rồi trượt mạnh sang ngang, đè lên đúng ngón tay cái. Nàng khẽ kêu lên rồi lấy tay phải nắm chặt vết thương đầy máu, nhăn mặt lại vì đau buốt. Vừa lúc ấy một người thanh niên, là giáo viên của trường vội vã chạy lại, rút chiếc khăn mùi xoa từ trong túi quần, vội vàng chạy ra ngay góc vườn cách chừng năm sáu bước chân. Đưa tay tuốt vội một nắm lá chuối khô, tống vào miệng nhai trệu trạo, rồi ào đến bên cạnh nàng, nhanh như cắt, lôi nắm lá chuối khô đã nhai dập đắp vào vết thương rồi lấy chiếc khăn mùi xoa còn thơm mùi xà phòng ngoại băng chặt lại. Nàng rơm rớm nước mắt nhìn người thanh niên, giọng run run:

- Em cảm ơn anh…

- Có gì đâu em! Anh là giáo viên trường này mà.

Nàng nhìn theo bàn tay người thày giáo, đôi mắt còn vương những giọt lệ trong veo lấp lánh ánh nắng chiều li ti trên hai hàng mi cong vút, ấp úng:

- Em tên là Bảy, còn anh?

- Anh tên là Nhượng…!

Đêm ấy, nằm trên chiếc giường sắt nhỏ trong một căn phòng đơn sơ, nàng cứ trăn trở mãi không sao chợp mắt được. Đôi mắt Nhượng cứ như rực sáng trong đêm, từ trên đình màn nhìn như rọi vào mắt nàng, như muốn nuốt chửng lấy nàng. Hình như đó là người con trai đầu tiên trên đời làm trái tim nàng rung động. Tiếng gió thổi làm tấm cót ép không đóng chặt đinh bập bà bập bùng nghe đơn điệu và khô khốc. Nàng cảm thấy cô độc trong căn phòng chật hẹp. Nàng vùng dậy. Búi vội mái tóc rồi rờ rẫm tìm công tắc bật đèn…

Cánh cửa phòng nàng mở toang. Ánh sáng điện vàng ủng hắt ra ngoài khoảng sân mênh mang đầy gió. Nàng ngóng về phía dãy nhà bên kia. Cả dãy nhà chìm trong ánh trăng đêm sáng bạc. Không! Còn căn phòng đầu hồi giáp chỗ lúc ban chiều nàng ngồi cưa miếng gỗ vẫn còn ánh đèn. Nàng rón rén đi men theo dãy nhà mình đang ở rồi tiến sát lại ngay bậu cửa căn phòng ấy. Nàng hé mắt nhìn qua khe cửa. Nhượng vẫn đang ngồi hí hoáy viết lách trên bàn làm việc. Tim nàng rộn lên như trống làng ngày hội. Nàng cũng không thể lý giải được tại sao mình lại liều lĩnh đến bên căn phòng này giữa đêm hôm khuya khoắt. Bàn tay nàng rờ rẫm, như muốn gõ gõ vào cánh cửa căn phòng, nhưng nàng không đủ sức để nhấc bàn tay. Cơ thể nàng nóng ran lên. Một thứ ma lực nào đó níu giữ chân nàng lại. “Anh Nhượng ơi!” Nàng thì thầm. Không biết là tiếng thì thầm của nàng hay là tiếng thì thầm của con tim thiếu nữ trong nàng đã vang lên trong vô thức. Nàng cảm thấy cổ họng như khô cháy. Cơn khát đốt nóng toàn thân thể nàng. Đốt nóng từng lỗ chân lông trên da thịt nàng. Bất giác, nàng nghiêng mình tựa mạnh vào cánh cửa căn phòng. Cánh cửa không chốt bên trong bật ra. Nàng hoảng hốt thốt lên: “Anh!” Nhượng bật đứng dậy, lao người về phía nàng. Người nàng nóng như hòn than, nhũn ra nằm gọn trong lòng Nhượng. “Trời ơi, cô sốt cao quá. Nằm tạm vào đây để tôi đi lo thuốc thang xem thế nào…”

Đêm ấy Nhượng ngồi bên, ngắm nhìn khuôn mặt xinh đẹp nhợt nhạt của nàng, ngắm nhìn đôi mắt có hàng mi cong vút khép hờ vương lệ lấp lánh trong ánh điện vàng vọt từ trần nhà hắt xuống và khuôn ngực căng tròn phập phồng theo mỗi nhịp thở, với một tâm trạng vừa cảm thấy gần gũi, ấm áp vì mùi thơm mồ hôi con gái từ nàng phả đầy căn phòng chật hẹp… Sáng hôm sau tỉnh dậy, nàng giật mình sợ hãi, không còn nhớ vì sao mình lại ngủ qua đêm trong căn phòng của người con trai ấy. Nhượng giải thích và thanh minh mãi, nàng mới dần dần nhớ lại một cách mơ hồ.

Khi tất cả những công việc tu sửa chỉnh trang trường học đã kết thúc, nàng định bụng trở về tiếp tục đi làm cùng đội công trình, thì cô giáo Lài hiệu trưởng mời nàng ở lại làm trợ giảng giúp nhà trường. Làm trợ giảng cũng là đi làm, mà lại làm việc theo chuyên môn mà mình ưa thích thì còn gì bằng. Có lẽ đây là cơ may để nàng thực hiện ước mơ làm cô giáo của mình. Nàng chấp thuận ở lại trường và tìm gặp Nhượng cám ơn vì đã được anh giúp đỡ. Nhượng nhìn nàng cười, thì thầm: “Anh phải cám ơn em mới đúng chứ!”

Những ngày đầu các cô giáo chủ nhiệm giao cho nàng quản lý mấy em học sinh đặc biệt. Các em dường như là mắc một chứng bệnh gì đó về thần kinh, nàng nghĩ vậy mà không dám hé răng nói ra điều mình nghĩ, sợ bị đánh giá này nọ. Bởi vì ở đây, hầu hết mọi người coi các em ấy hay quậy phá chỉ đơn thuần là những học sinh hư. Nhưng Nhượng nói với nàng, các em là những học sinh khó khăn về học tập, giao tiếp, cần phải được dạy dỗ theo một phương pháp đặc biệt. Anh hứa sẽ cùng nàng làm những công việc khó khăn này.

Ngay từ buổi tiếp xúc đầu tiên với bốn em học sinh đặc biệt ấy, nàng đã thấy oải. Nhìn bốn cô cậu học trò, và hướng về con đường phía trước còn xa tít mới hết năm học, lòng nàng không khỏi hoang mang. Vừa mới vào lớp, thấy thằng Đức Minh nhảy như con choi choi. Nàng gọi tên nó, yêu cầu nó ngồi xuống. Nàng đã bất ngờ bị nó nhẩy cẫng lên nhổ một bãi nước bọt mùi thum thủm vào mặt. Nàng đưa tay lên lau mặt, bất giác nhìn thấy cô giáo chủ nhiệm của lớp bên cạnh đi qua nhìn xéo sang nàng một cái rồi che miệng cười khùng khục. Chưa hết, còn con bé cái Tín thì cả ngày đóng bỉm, cơ thể bốc lên một thứ mùi thôi thối chua chua kinh hãi đến ói mửa. Thằng Quang Hải thì lầm lì, cả ngày không nói một câu. Nhìn nét mặt lầm lì của nó mà nàng sởn gai ốc vì sợ hãi. Chân tay nó múp míp, nói dại nhỡ nó nổi cơn khùng thì chẳng biết sẽ ra sao. Thằng Khả Tin thì chậm nói. Cô hỏi mãi mới bập bà bập bẹ phát âm được vài tiếng, khi thì nghe như có cảm giác hụt hơi, khi lại nghe như đầy lưỡi. Dạy những học sinh như vậy phát âm, học viết và ghép vần đọc thành tiếng theo đúng chương trình thật là khó khăn bội phần, may mà cô Lài quy định không dồn cả bốn em vào một nhóm, mà dạy theo cách kèm từng em một theo ca. Thỉnh thoảng có tiết trống, Nhượng lại về bên cạnh giúp nàng. Có Nhượng ở bên, nàng cảm thấy ấm áp và tự tin hơn. Có những buổi Nhượng bận không đến, nàng thấy trống vắng. Căn phòng như rộng ra, thiếu vắng một cái gì ấm áp và gần gũi đến lạ.

Dù đã lựa chọn phương án dạy kèm theo ca cho từng em, hàng ngày còn có Nhượng giúp đỡ, nhưng mỗi giờ dạy kèm thằng Đức Minh vẫn vất vả vô cùng. Nàng lo từ lúc chuẩn bị sang lớp một nằm ở dãy nhà bên kia đón nó, đến lúc ngồi dạy nó đọc từng âm, từng tiếng, từng vần và từng từ. Rồi khó nữa là dạy nó viết. Trong dạ nó như có lửa đốt, không thể ngồi yên được quá năm phút. Đã vậy, nó lại hay làm nũng. Mỗi khi làm nũng, mắt nó cứ trân trân nhìn vào mắt nàng, miệng lảm nhảm những lời mà nàng không hiểu. Đôi lúc nó rúc đầu vào ngực nàng như một chú bê con rúc đầu vào vú mẹ, dũi dũi cái mũi vào bầu vú nhỏ, rắn tròn căng của nàng mà hít hít, khiến nàng nóng ran cả người vì ngượng. Lần đầu tiên nó làm thế, nàng tru tréo hét lên rồi lấy hai tay đẩy nó ra, khiến nó nổi khùng tát nàng một cái vào mặt. Nàng đã phải tâm sự chuyện ấy với mẹ nó và được biết, Đức Minh từ bé chỉ sống với mẹ. Bố em làm nghề buôn hàng từ bên kia biên giới về giao cho mấy cơ sở dưới Hà Nội, ngay khi biết em sinh ra không được bình thường đã lẳng lặng bỏ hai mẹ con em đi suốt mấy năm nay không trở lại nhận vợ, nhận con nữa. Những ngày trái gió trở trời chứng tăng động, quậy phá lại bùng phát. Mỗi lần như vậy mẹ lại ôm lấy nó vào lòng, cho nó vục đầu vào ngực và nhè nhẹ hát cho nó nghe một bài đồng dao. Nó hít hít cái mùi thơm của mẹ, tai vểnh lên nghe bài đồng dao mẹ hát và tính khí hung hăng phá phách bỗng dịu dàng trở lại.

Nghe mẹ Đức Minh kể mà lòng nàng se lại. Mỗi con người sinh ra trên thế gian này dường như phải gánh chịu một cái gì đó mà người đời hay gọi là nghiệp chướng. Nàng nhìn vào đôi mắt mẹ Đức Minh. Đôi mắt đẹp đến hút hồn, nhưng thẳm sâu trong đôi mắt ấy là một đại dương bao la ẩn chứa bao nhiêu là nghiệt ngã của số phận. Đôi mắt ấy đã làm trái tim non nớt của nàng rung động và cảm thông đến khôn cùng. Nàng thấy không còn sợ thằng Đức Minh mỗi khi nó lên những cơn khùng điên phá phách nữa.

Cái ngày Nhượng quyết định đi học trên đại học chuyên ngành tâm lý lâm sàng cũng là ngày anh làm thủ tục giúp nàng nàng học tiếp ngành sư phạm tiểu học, chuyên ngành giáo dục đặc biệt. Nàng cảm nhận được niềm hạnh phúc lớn lao mà Nhượng dành cho mình. Những kiến thức về rối loạn ngôn ngữ, về hội chứng tự kỷ, về rối loạn tăng động giảm chú ý và về những biểu hiện của trẻ em chậm phát triển tâm thần dần dần được nàng thu thập từ các tài liệu mà trường sư phạm cung cấp, đã hỗ trợ nàng trong dạy học, can thiệp hàng ngày cho từng học sinh. Nhượng còn giúp nàng làm quen với các chuyên gia có kinh nghiệm trong việc điều trị cho các em học sinh bằng thuốc. Cái buổi gặp nhau ban đầu vào một ngày cuối tháng tám, nàng bị lưỡi cưa làm hỏng mất một đốt ngón tay cái ấy như là một ngày định mệnh. Nàng đã bị tiếng sét ái tình từ Nhượng làm gục ngã và bị chinh phục hoàn toàn. Và Nhượng cũng vậy. Anh đã ngỏ lời yêu nàng. Và nàng cũng đã yêu anh…

Một ngày hè, anh theo nàng về thăm mẹ. Nhìn người con trai thị xã có khuôn mặt trắng, đôi mắt đen nhanh nhẹn và mỗi khi nói chuyện cặp môi mỏng và đỏ như môi con gái lúc nào cũng ướt, mẹ lại nhìn nàng cố nén tiếng thở dài lo lắng cho mối tình của nàng. Đêm ấy cả hai người xin phép mẹ đi dạo quanh bản. Họ đã dừng lại trong rừng quế lao xao gió hát. Hương quế hay hương thơm mùi con gái của nàng đã mê hoặc Nhượng? Nàng ngả mình nằm gọn trong lòng anh. Đôi mắt long lanh. Thứ ánh sáng của đôi mắt thiếu nữ kỳ ảo như bừng sáng cả một khoảng đồi quế đang reo lên khúc hát và ngào ngạt hương thơm trong thẫm đen đêm cuối tháng. Anh đã dội lên nàng những cơn mưa dồn dập của ái tình, của những nụ hôn. Nàng lịm đi trong đê mê hạnh phúc khi lần đầu tiên đôi môi đàn ông run rẩy đặt lên hai bầu vú căng tròn trắng ngần của nàng. Dường như cỏ cây, rừng quế đảo ngược lên trời, và tiếng rì rầm của gió ướt đẫm sương đêm làm nàng thiếp đi…

Mẹ ngồi nhà chờ đến lúc trăng cuối tháng cong như một cái lưỡi hái đã mòn trơn chênh vênh treo trên đỉnh núi vẫn không thấy hai đứa về. Mẹ lồng lên, chạy theo con đường dẫn lên đỉnh đồi, khum hai tay vào miệng hốt hoảng gào to đến khản giọng, gọi hai tiếng “Bảy ơi”, làm cả hai người giật mình vùng dậy, chạy theo lối tắt về nhà. Từ lúc đó đến sáng mẹ thức trắng để canh chừng nàng…

Ngày Nhượng bảo vệ xong luận văn thạc sỹ chuyên ngành tâm lý lâm sàng cũng là ngày nàng thi tốt nghiệp xong môn cuối cùng. Ai cũng bảo trường Đăm rồi sẽ thành lập một trung tâm giáo dục đặc biệt để đón các em học sinh. Bố mẹ các em không phải đi dưới thành phố thuê nhà, thuê cửa cho con học can thiệp nữa. Riêng nàng, ngoài niềm vui về chuyên môn, về nghề nghiệp, nàng vui trong sự hồi hộp đợi chờ ngày nàng được Nhượng đưa về ra mắt cha mẹ, họ hàng. Nàng mơ được sống bên Nhượng một đời vợ chồng…

Mùa thu năm ấy, khi những cánh rừng lốm đốm những tán cây đã ngả màu vàng, đón ánh nắng ban chiều lấp lánh rực rỡ, và những đàn chim nháo nhác gọi bầy chao liệng đổ bóng xuống thảm cỏ xanh trước mặt, nàng ngóng đợi Nhượng. Hai người gặp nhau và tối ấy ngồi bên nhau đến tận quá khuya. Anh quàng tay ôm thật chặt lấy nàng thì thầm, anh sẽ về thị xã làm việc và muốn nàng về dưới đó cùng anh. Cha mẹ anh không muốn để nàng làm cái công việc dạy trẻ tự kỷ vất vả mà chả danh giá gì này. Về thị xã rồi làm việc khác. Dạy trẻ tự kỷ, nói dại nhỡ nó ám vào mình, sau này ảnh hưởng đến sinh nở thì khổ cả hai vợ chồng.

Nàng cảm thấy bị tổn thương. Anh bỏ về thị xã. Nàng theo anh bỏ nghề. Vậy lũ trẻ này bỏ cho ai. Đã trót theo cái nghề dạy học thì làm gì, kể cả việc cưới hỏi hay sinh con cũng phải tính sao cho hợp lý để không ảnh hưởng tới việc học của trẻ con. Nỡ lòng nào dứt áo ra đi…

Nàng vùng ra khỏi vòng tay anh, vội vàng cài lại những chiếc khuy trên ngực áo. Cả hai đã cãi vã với nhau rất nhiều về đi hay ở. Đi thì có anh. Ở thì thôi, không cưới xin gì hết. Chao ôi, tình yêu của nàng với anh sao lại mong manh đến thế. Mới chỉ một khoảnh khắc trước đó thôi vẫn là những hương vị ngọt ngào của tình yêu. Vậy mà ngay sau đó đã là sự ngã giá sòng phẳng đến lạnh lùng như thế! Người ta sao lại nỡ dứt bỏ một tình yêu chóng vánh và tàn nhẫn đến vậy, Nhượng ơi…

Nàng đã ở lại với trường Đăm. Bao nhiêu đêm, bao nhiêu tháng, bao nhiêu ngày nhìn cánh rừng sau ô cửa sổ thẫm đen ngả bóng trong đêm, xào xạc gió vờn, và cũng bao nhiêu đêm trăng tràn xuống những tán lá, nhảy nhót ùa thứ ánh sáng lung linh vào căn phòng nhỏ của nàng, nghe tiếng nàng nức nở… Khi thiếp đi, nàng như đắm mình vào một không gian huyền ảo. Thằng Đức Minh vục đầu vào ngực nàng hít lấy hít để cái mùi mồ hôi của mẹ nó từ cái áo con nàng mặc đóng thế; cái Tín lúc sinh ra không có hậu môn, phải phẫu thuật làm một cái hậu môn giả, giờ lớn lên, thuốc thang, được nàng chăm sóc đã kiềm chế được việc đi vệ sinh; thằng Quang Hải, cả hai bố mẹ đều đi tù vì buôn hàng cấm, mẹ nó đẻ nó xong được sáu tháng thì nhờ ông ngoại nuôi, rồi vào nhà tù thi hành án, lầm lì là thế, bây giờ cũng biết giao tiếp, biết buồn vui và biết cảm nhận được những yêu thương. Thằng Đức Minh ôm choàng lấy nàng mà khóc, gọi nàng là mẹ Bảy…

Nàng giật mình tỉnh giấc. Ngoài kia những giọt trăng đêm vẫn sáng lung linh trên mỗi nhánh lá rừng “Không, mình không đi đâu cả…”. Nàng lẩm nhẩm một mình rồi lại chìm vào trong giấc ngủ. Hai dòng nước mắt ứa ra chảy xuống tận mang tai giấu mình trong giấc ngủ của nàng.

Sau mối tình ấy, nàng đã định ở vậy suốt đời, chấp nhận sự an bài của số phận. Nhưng rồi các anh các chị trên phòng giáo dục huyện mai mối để nàng gặp anh Huyên bảo vệ cơ quan. Anh Huyên từng làm giáo viên dạy toán cấp hai, đi bộ đội lên biên giới. Nghe kể anh tham gia trận đánh ở Vị Xuyên, bị thương, bị địch bắt tra tấn dã man đến thành người tàn phế, ngẩn ngơ, nên khi xuất ngũ, phòng giáo dục đã bố trí để anh làm bảo vệ cơ quan. Lúc đầu cũng chỉ là chuyện gán ghép của mọi người vì thấy cả hai đều đã lớn tuổi mà vẫn chưa lập gia đình. Huyên hơn nàng một giáp. Tiếp xúc với anh nàng thấy thương anh hơn. “Người ta bảo chúng mình lấy nhau thì hợp, vậy Bảy có thương tôi không?”. “Thương thì làm được gì!”. Nàng nửa đùa nửa thật hỏi lại. Cứ ngúng nga ngúng ngẩy như thế, rồi hai người đến với nhau lúc nào không rõ nữa.

Đêm tân hôn khi nàng đã mệt bã bời vì cả tuần vừa dạy học, vừa chạy đôn chạy đáo lo cho ngày cưới nên vào buồng ngủ trước, mặc cho anh còn trò chuyện với mọi người ngoài sân. Mãi tới tận khuya, nàng giật mình tỉnh dậy khi nghe tiếng cánh cửa buồng bằng tre kêu “két” một tiếng khô khốc, mới thấy anh rờ rẫm hai tay đi trong bóng đêm đặc quánh tiến đến và nhẹ nhàng ngồi xuống thành giường.

- Nghỉ đi anh, kẻo mệt! – Nàng thì thào.

Anh đưa tay kéo tuột tấm chăn mỏng đắp trên thân thể nàng. “Anh…!”. Nàng khẽ thu mình, thốt lên. Anh đứng ngẩn người trước một lâu đài thu nhỏ mà tạo hóa đã ban cho nàng và đêm nay anh được hạnh phúc chiêm ngưỡng vẻ đẹp kỳ bí của lâu đài ấy trong một căn phòng trật trội, tối đen như mực. Dường như bóng đêm càng tối đen bao nhiêu thì thân thể nàng càng phát lộ, rực rỡ đến lung linh huyền ảo và kỳ bí, quyến rũ hơn. Anh chồm lên, vồ lấy thân thể nàng. Hai bàn tay thô ráp, những vết chai sạn rờ rẫm, chà sát lên cặp thiên nhũ hồng phấn roi rói màu trinh nguyên của nàng. Đôi môi dày cứng của anh dũi dũi hôn lên cổ, lên mặt, lên hai mắt, lên sống mũi rồi trượt xuống môi nàng. Nàng chìm đi trong tiếng thở dồn dập, gấp gáp của anh… Cả tấm thân to, rộng của anh phủ lên thân thể nàng. Không hiểu sức mạnh nào từ anh đã làm nàng mất hoàn toàn bản năng chống đỡ. Nàng thả lỏng cơ thể, mở lòng đón lấy những bão dông mà anh dồn dập đổ lên thân thể nàng. Bỗng nàng thấy anh thở thật dốc, thân thể to khỏe của anh đổ sập xuống giường. Nàng quay người lại ôm chặt lấy anh. Thân thể anh lạnh toát. “Anh sao vậy?” Nàng hốt hoảng với tay lấy chiếc khăn bông trên đầu giường, ngồi dậy lau mồ hôi cho anh, rồi kéo tấm vỏ chăn đắp kín người anh lại. “Tại anh yêu em quá… Tại anh…” – Anh cố nén tiếng thở hồng hộc thật sâu trong lồng ngực, thì thào đứt quãng. Nàng nhẹ nhàng đưa bàn tay che lấy miệng anh. “Thôi, anh không cần nói nữa, anh hãy nghỉ ngơi đi, kẻo ốm thì khổ”. Nàng đứng dậy đưa hai bàn tay vuốt nhẹ lên thân thể mình. Mồ hôi anh trộn lẫn mồ hôi nàng nhớp nháp trên da thịt. Nàng cố nén một cái thở dài, khoác vội tấm áo ngủ, bật đèn, pha cho anh một cốc nước đường gừng nóng…

Đêm ấy cả hai người không sao chợp mắt được. Anh ôm chặt lấy nàng và nàng gục đầu vào ngực anh. Không ai nói với ai câu nào. Nhưng anh khóc. Tiếng khóc của người đàn ông trong đêm tân hôn dội vào lòng nàng, khiến nàng đau đớn đến tận đáy tâm can. Chua xót, đau đớn không sao nói được thành lời. Hai người cứ ôm nhau như thế. Bờ vai anh rung lên. Có lẽ không có gì xấu hổ hơn, bẽ bàng hơn khi anh trở thành một kẻ bất lực như thế. Nàng thì thầm động viên anh. Trên đời này đâu phải cứ nhất thiết có chuyện ấy người ta mới hạnh phúc. Anh thương yêu em là đã quá đủ rồi, là em hạnh phúc lắm rồi. Nàng nói nhiều cốt để trấn an anh, cốt để tự mình mạnh mẽ hơn mà đứng dậy, nhưng lòng thì tê tái một nỗi buồn trinh nữ man mác gần gặn ngay đây mà lại xa xăm.

Đêm ấy, nỗi buồn ấy, chỉ có gió reo trên những lớp lá cây, chỉ có những giọt trăng li ti nhấp nháy khi trời đã ngả dần về sáng rơi đầy vào căn phòng đêm tân hôn của hai người là hiểu hết, nhưng chúng, những giọt trăng trinh nữ lung linh ấy sẽ chẳng bao giờ hé răng nói ra cho những tia sáng lấp ló của bình minh ban mai biết được đâu!

Nàng đã đưa anh đi xuống Hà Nội, tìm những thày thuốc giỏi nhất để chạy chữa cho anh, nhưng đều không kết quả. Nhìn vào đôi mắt anh buồn thăm thẳm, nàng thấy thương anh bao nhiêu lại thương mình bấy nhiêu. “Em chỉ cần có anh ở bên là đủ”. Nàng ôm lấy anh vừa như an ủi anh lại cũng như an ủi, động viên chính nàng…

Ngày thứ hai đầu tuần đáng nhớ ấy, cả trường xôn xao khi nghe tin ông ngoại thằng Quang Hải mất, nó trở thành một đứa trẻ không gia đình. Nàng đón nó về nhà mình. Chẳng cần tính toán lâu dài, chỉ cần cưu mang giúp nó được lúc nào thì hay lúc ấy. Cốt là để nó không phải bỏ học, lang thang bụi đời. Thấy nàng đã quyết, anh cũng gật đầu, mặc cho những lời bàn tán xì xào về cha, mẹ nó…

Nàng ngả lưng xuống giường, đắm mình trong suy nghĩ. Ngay từ khi đón nó về nuôi, nàng và anh đã biết, có một ngày hai vợ chồng nàng phải xa nó. Nhưng làm sao khác được. Máu mủ ruột già, làm sao một đứa con tử tế, có ăn có học lại có thể dứt bỏ được người đã sinh thành ra nó… Ngần ấy năm nuôi dưỡng và lo cho nó ăn học, cả anh và nàng đã coi Quang Hải như một đứa con. Nàng dạy nó từ lúc nó còn bập bẹ chưa biết nói, lầm lì, không muốn giao tiếp với ai, đến khi nó trưởng thành, thi đỗ vào học ngành mỹ thuật mãi dưới Hà Nội. Không phải là con đẻ, vậy mà thật kỳ lạ, nó luôn là sợi dây tình cảm lớn nhất để gắn kết anh với nàng.

Đêm ấy nàng cứ thao thức mãi. Nàng nhớ tới người đàn bà, mẹ đẻ Quang Hải đã đến găp nàng chiều nay, rồi nhớ tới lời nó bảo với nàng, nó sẽ vẽ tặng mẹ Bảy một bức tranh về mẹ. Nàng ôm lấy nó và cảm nhận hạnh phúc được làm mẹ. Nàng khẽ mỉm cười, thì thầm hát những câu đồng dao nàng đã từng hát cho Hải và bao nhiêu lớp học trò nghe suốt mấy chục năm qua. Ngoài kia gió vẫn reo trên những tán lá và trăng vẫn sáng lung linh, huyền ảo. Những giọt trăng trinh nữ lấp lánh lăn qua kẽ lá long lanh như dát bạc vương đầy căn phòng của nàng.

Truyện ngắn dự thi của Đào Quốc Vịnh

Nguồn Văn nghệ số 44/2023


Khai mạc: Hội nghị về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam

Khai mạc: Hội nghị về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam

Baovannghe.vn - Trong hai ngày 21 và 22/11, tại thành phố Đà Nẵng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức Hội nghị triển khai Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam.
Trượt - Thơ Vũ Thanh Hoa

Trượt - Thơ Vũ Thanh Hoa

Baovannghe.vn- Đám mây chiều sũng nước/ trùm lên thành phố
Bài thơ "Không nói" của Nguyễn Đình Thi

Bài thơ "Không nói" của Nguyễn Đình Thi

Baovannghe.vn - Nhà thơ Nguyễn Đình Thi - gương mặt thơ tiêu biểu của thơ ca kháng chiến, từng để lại ấn tượng đáng quý trong bạn đọc yêu thơ về sự cách tân, tìm tòi và sáng tạo cho thơ ca hiện đại...
Bài thơ “Chợ chim” của Hữu Thỉnh

Bài thơ “Chợ chim” của Hữu Thỉnh

Baovannghe.vn - Nói đến Chợ chim là nói đến chim và chợ. Đây là cuộc họp mặt ăn tiệc rộn ràng của họ hàng nhà chim tại cái chợ của chúng - chợ theo cách hiểu của tác giả bài thơ...
Thời tiết ngày 22/11: Bắc Bộ duy trì lạnh về đêm và sáng, ngày nắng hanh

Thời tiết ngày 22/11: Bắc Bộ duy trì lạnh về đêm và sáng, ngày nắng hanh

Baovannghe.vn - Theo Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, thời tiết ngày 22/11: Bắc Bộ đêm và sáng sớm trời rét, ngày nắng hanh.