Triển lãm do Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám cùng PGS.TS Trang Thanh Hiền, nhà thiết kế thời trang Nguyễn Thị Ngọc Lan (thương hiệu LanV.Designs) và các nghệ nhân Nguyễn Tiến Đạt, Phạm Tiến Thanh (thương hiệu Gốm sứ Phúc Lai Thành) phối hợp tổ chức.
Cửu đỉnh là một trong những di sản văn hóa đặc biệt của triều Nguyễn, năm 2012 đã được xếp hạng là Bảo vật quốc gia; năm 2024, những bản đúc nổi trên Cửu đỉnh đã chính thức được UNESCO ghi danh Di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Lấy cảm hứng từ những hình ảnh mang tính biểu tượng (thiên tượng, linh vật, lãnh hải, sông núi, cầm thú, côn trùng, thảo mộc, kiến trúc, xe kiệu, thuyền bè, vũ khí...) được đúc chạm trên Cửu đỉnh, triển lãm đã giới thiệu tới công chúng những tác phẩm được thể hiện sáng tạo trên các chất liệu tranh gỗ, gốm và họa tiết thêu trên nhung...
|
Cửu đỉnh là một trong những di sản văn hóa đặc biệt của triều Nguyễn - Ảnh: Flickr |
Phát biểu tại Lễ khai mạc Triển lãm, TS Lê Thị Minh Lý - Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam nhận định, triển lãm mang tới những sáng tạo dựa trên nghệ thuật truyền thống, công chúng được sống trong dòng chảy văn hóa Việt, cảm nhận sâu sắc về quê hương qua những gì thân thuộc nhất...
Theo ông Lê Xuân Kiêu - Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám, đây là một trong những sự kiện dần đưa Văn Miếu - Quốc Tử Giám trở thành không gian sáng tạo của Thủ đô. Ông cũng hy vọng triển lãm sẽ góp phần bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, từ đó phát huy, sáng tạo những sản phẩm văn hóa đương đại có bản sắc, tính ứng dụng cao.
"Triển lãm không dừng lại ở việc chuyển thể hình mẫu của những bức tranh khắc đúc đồng thành những tác phẩm mới trên các chất liệu mới, mà còn hướng đến sự sáng tạo phát triển, tạo nên sự tiếp cận mới đậm giá trị đương đại. Thay vì xem Cửu đỉnh là một di sản văn hóa gắn với một thời đại đã qua, thông qua nghệ thuật làm tranh khắc gỗ, nghệ thuật gốm sứ và nghệ thuật thêu thùa, những người thực hiện dự án mong muốn tiếp thị Cửu đỉnh bằng các hình thức mới, nhằm quảng bá một di sản đặc biệt của lịch sử văn hóa Việt Nam", PGS.TS Trang Thanh Hiền - Chủ nhiệm Dự án chia sẻ.
Một số hình ảnh tại Triển lãm:
|
PGS.TS Trang Thanh Hiền cùng các cộng sự phát biểu khai mạc Triển lãm |
|
TS Lê Thị Minh Lý - Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam phát biểu tại Lễ khai mạc |
|
Ông Lê Xuân Kiêu - Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám phát biểu tại Lễ khai mạc |
|
Trình diễn thời trang áo dài tại Lễ khai mạc Triển lãm |
|
Các du khách tham quan Triển lãm |
|
Hình ảnh từ Cửu đỉnh triều Nguyễn được tôn vinh trên sản phẩm gốm sứ |
|
Tác phẩm "Đa sách thuyền" và "Nhiên xà" tại Triển lãm - Ảnh: Di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám |
Triển lãm Âm vọng - Từ cửu đỉnh triều Nguyễn đến sáng tạo đương đại diễn ra từ ngày 8/12 đến ngày 20/12/2024 tại nhà Thái Học, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hà Nội. |
Cao Anh | Báo Văn nghệ