Ca khúc này lắng đọng trong lòng thế hệ của tôi và mỗi lần bên tai văng vẳng giai điệu Surriento, lòng man mác nhớ quê hương và nhớ lại thời gian đã mất. Nhạc sĩ Phạm Duy đã đặt lời Việt cho bài hát này rất phổ biến.
Thời sự trong nước thời gian vừa qua có nhiều tín hiệu khác lạ gây chú ý cho mọi người. Và chính những tín hiệu khác lạ ấy khiến cho văng vẳng bên tai tôi giai điệu Trở về Surriento. Tôi muốn nói đến việc chính thức coi kinh tế tư nhân là động lực quan trọng nhất của nền kinh tế. Tôi không bao giờ quên hình ảnh những xí nghiệp tư nhân mà tôi từng chứng kiến thời niên thiếu và tuổi thanh xuân. Những năm 40 thế kỷ trước, thành phố Đồng Hới nổi tiếng với một loại nước mắm đặc biệt. Khoảng năm 1946, một người bà con đi Đồng Hới về, tặng cho gia đình tôi một chai nước mắm sản xuất ở thành phố đó. Đến bữa ăn trưa, mẹ tôi trịnh trọng rót cho mỗi người trong nhà một tí nước mắm để cùng thưởng thức hương vị mới. Tôi cũng được mẹ cho một ít, và khi tôi đưa mấy giọt nước mắm vào miệng, thì xuất hiện một cảm xúc chưa từng thấy về hương vị của sản phẩm này. Gần mười năm sau, vào dịp nghỉ hè, tôi từ Hà Nội về Đồng Hới thăm gia đình tập kết ra Bắc đang tạm trú tại xứ Tam Toà, thị xã Đồng Hới trước khi ra ở lâu dài tại Hà Nội. Dịp đó, tôi được chứng kiến xí nghiệp nước mắm Đồng Hới tận mắt và có ấn tượng mạnh về cách làm ăn của xí nghiệp này. Cách chỗ chúng tôi ở vài trăm mét có mấy cột khá cao chống đỡ một chiếc bồn cực kỳ lớn lơ lửng giữa trời. Đó là bồn đựng các thứ hải sản làm nước mắm. Các buổi chiều hằng ngày, hàng trăm thuyền của ngư dân Đồng Hới đưa những gì mình đánh bắt được trong ngày đổ vào bồn. Sau đó, những chiếc thuyền chở đầy muối cũng liên tiếp đổ vào bồn. Mỗi thời vụ đánh cá chỉ diễn ra trong vòng năm sáu tháng rồi sau đó là mùa mưa bão, không làm được gì nữa. Trong khi các ngư dân nghỉ ngơi thì những công nhân làm nước mắm hằng ngày liên tiếp cho nước mắm vào thùng vào chai và phân phát đi các chợ. Điều tôi thấy khá thú vị là xí nghiệp trả tiền cho ngư dân theo thời vụ không có sổ sách gì hết, chỉ nhìn người quen mặt mà tính số tiền. Những chủ đại lý nhận các thùng chai nước mắm cứ việc đến lấy rồi sau đó tuỳ việc buôn bán ra sao mà đưa lại tiền cho xí nghiệp, cũng không cần sổ sách gì. Các xí nghiệp tư nhân ngày nay chắc chắn phải có cách làm ăn hiện đại, khoa học chứ không phải đơn giản như ngày xưa nữa, nhưng trong lòng tôi, cách làm ăn ngày xưa đó là một bài thơ chứ không phải là một bài toán khô khan.
Một xí nghiệp tư khác mà tôi chứng kiến khi tôi đang làm việc ở tỉnh Thanh Hoá khoảng cuối những năm 50 thế kỷ trước. Tôi muốn nói đến một cơ sở sản xuất chum vại ở tỉnh này mà tôi có dịp tham quan. Mọi người đều biết chum vại là những dụng cụ hết sức quan trọng để bảo quản lương thực thực phẩm và những thứ quý giá khác đối với mọi gia đình Việt Nam ngày trước, khi chưa có những công cụ hiện đại như tủ lạnh ra đời. Xí nghiệp chum vại chiếm một mặt bằng làm việc khá lớn với những sân rộng đầy ắp chum vại mới được làm xong chưa nung. Một kíp công nhân khoảng bảy tám người chuyên việc đưa các chum vại thô vào lò nung và điều cực kỳ khó khăn là đưa các chum đã nung xong ra ngoài với một lò nung luôn rực lửa không bao giờ tắt. Ta cũng hình dung được những con người ấy có sức chịu đựng như thế nào, vì vậy họ được hưởng một chế độ khá đặc biệt. Lương hằng tháng của giáo viên cấp ba như bản thân tôi được ba mươi hai đồng, công nhân trong kíp chum vại đặc biệt này được trả tám mươi lăm đồng hằng tháng. Ngoài các bữa ăn thường, họ có hai “bữa xế” đặc biệt, một bữa vào mười giờ sáng và một bữa vào bốn giờ chiều. Chúng tôi tò mò muốn biết họ ăn gì thì thấy thường buổi sáng họ dùng xôi trắng với vịt quay, buổi chiều họ dùng gà tơ ninh với hạt sen. Thức uống của họ không phải là nước chè bình thường mà là nước gạo nếp hoặc sữa đậu nành. Ta suy đoán ngay là khi xí nghiệp vào khuôn khổ quản lý nhà nước thì những chế độ đãi ngộ như vậy sẽ không còn tồn tại.
Qua những trải nghiệm về kinh tế tư nhân nhỏ bé đó, tôi thấy được sức mạnh của loại kinh tế này là sự phóng khoáng, tự do và quan hệ thân thiết giữa những con người với một lòng tin cậy không bao giờ phai nhạt.
![]() |
Cô giáo và học trò. Ảnh trên AD Ảnh đẹp.com |
Thời sự trong nước vừa qua thấp thoáng thấy ý tưởng của nhiều vị có thẩm quyền về giáo dục. Có ý tưởng cho rằng, sắp tới, các cấp học từ tiểu học đến phổ thông trung học, học sinh được miễn phí hoàn toàn, học một ngày hai buổi, không còn thi cử ở cấp tiểu học và phổ thông cơ sở, việc thi tốt nghiệp phổ thông trung học sẽ giao cho các trường tự lo liệu. Ngoài ra, các trường cần khôi phục các chế độ nội trú, bán trú, ăn trưa cho học sinh, tạo điều kiện cho học sinh có thời gian vui chơi giải trí, tìm hiểu thiên nhiên, tham gia các hành vi sáng tạo. Những ý tưởng ấy khiến tôi suy nghĩ về cội nguồn của nền giáo dục nước ta hơn thế kỷ qua. Người Pháp đô hộ nước ta từ cuối thế kỷ XIX đến giữa thế kỷ XX. Họ đưa nguyên xi nền giáo dục của họ vào nước ta, từ cả những tình tiết nhỏ như trò chơi nhảy lò cò của trẻ em (La Marelle) cho đến hình dáng các giảng đường đại học (Giảng đường I của Đại học Hà Nội ngày xưa là bản sao của Giảng đường IX của Đại học Sorbonne). Trong tiểu thuyết Người tình (đã được dựng thành phim), nữ văn sĩ Marguerite Duras mô tả tỉ mỉ trường tiểu học Sa Đéc do thân mẫu của bà làm hiệu trưởng vào thời Nam Kỳ thuộc Pháp. Trường tiểu học đó tuy ở một nơi heo hút nhưng phản ánh đúng hai dấu mốc quan trọng của nền giáo dục Pháp.
Mốc thứ nhất là dưới triều đại Charlemagne (768-814), trường học kiểu mới được hình thành. Tuy trường vẫn thuộc về giáo hội nhưng buộc phải nhận con em các tầng lớp dân chúng rộng rãi ngoài con em tầng lớp quyền quý. Trường có nhiều lớp theo từng trình độ người học, hoạt động mỗi tuần năm ngày, nghỉ ngày chủ nhật và ngày thứ năm, mỗi ngày học hai buổi. Mỗi lớp có một thầy giáo phụ trách, trường phải dạy đủ các môn học biết được từ thời đó, tuỳ theo tính quan trọng từng môn mà phân bố thời gian. Giữa các buổi học sáng chiều có giờ ra chơi khoảng mười lăm phút. Mỗi trường học phải có sân trước và sân sau. Sân trước là nơi học sinh xếp hàng để vào lớp, sân sau là nơi dành cho vui chơi giải trí, thể dục thể thao và các hoạt động ngoại khoá khác.
Mốc thứ hai là những phương châm nổi tiếng của Jules Ferry (1832-1893), Bộ trưởng giáo dục Pháp. Phương châm đầu: giáo dục phổ thông miễn phí, cưỡng bách, thế tục. Theo phương châm này, việc giáo dục do nhà nước đảm nhiệm hoàn toàn, nhân dân không phải đóng góp. Trẻ đến tuổi phải đi học, không cho phép được trốn tránh việc học. Thế tục tức là giáo dục không thuộc về một tôn giáo nào, mà là sản phẩm chung của nước Cộng hoà. Phương châm thứ hai: trường chỉ dạy những điều mà học sinh không thể không biết. Phương châm này có ý nghĩa là chương trình học phải tinh gọn, thiết thực, không ai được lợi dụng trường học để truyền bá những ý tưởng tản mạn không cần thiết chẳng hạn bậc phổ thông không cần biết đến những điều như văn tự cổ Ai Cập, các tín ngưỡng ở các nước châu Phi hay Ấn Độ.
Năm 1919, vua Thành Thái ra chỉ dụ xoá bỏ việc thi cử theo lối cũ (thi Hương, thi Hội, thi Đình) và coi như gián tiếp xoá bỏ dần lối học dùi mài kinh sử ngày xưa. Thay vào đó, triều đình mở trường Quốc học ở Huế, nền tảng đầu tiên của giáo dục mới Việt Nam do người Việt phụ trách. Trường Quốc học dạy các môn hiện đại, có môn bằng tiếng Pháp, có môn bằng tiếng Việt, thông qua chữ Quốc ngữ chứ không theo Hán Nôm như trước. Từ việc hình thành trường Quốc học, dần dà xuất hiện những mốc giáo dục tầm cỡ quốc gia. Đáng kể nhất là sự ra đời của bộ Quốc văn giáo khoa thư và bộ Luân lý giáo khoa thư của nhóm học giả danh tiếng Trần Trọng Kim, Nguyễn Văn Ngọc, Đặng Đình Phúc và Đỗ Thận biên soạn. Hai bộ sách giáo khoa này gây dấu ấn sâu đậm cho rất nhiều thế hệ học sinh và ảnh hưởng của nó còn tồn tại cho đến ngày nay. Một mốc giáo dục đáng kể khác là năm 1945 ra đời Chương trình Hoàng Xuân Hãn, một chương trình thuần Việt thay thế chương trình Pháp Việt trước đó. Chương trình được áp dụng cho các vùng do chính quyền Cách mạng kiểm soát, trước năm 1950, trong các vùng Pháp kiểm soát cũng như ở miền Nam trước 1975.
Nền giáo dục Việt Nam cũng có những nhà giáo lỗi lạc ở cả hai miền Nam Bắc, một số học giả có đóng góp nhiều cho giáo dục. Ở miền Nam có Nguyễn Hiến Lê, Nguyễn Duy Cần. Ở miền Bắc có Tạ Quang Bửu, Đặng Thai Mai, Phan Ngọc, Hoàng Tuỵ.
Để xây dựng một nền giáo dục khoáng đạt, có chất lượng cao, phù hợp với thời cuộc, nhất thiết phải kế thừa những công trình trong quá khứ, những công trình đã được thử thách qua thời gian.
Ngay giờ đây văng vẳng bên tai tôi giai điệu thống thiết: Người ơi, lại về đây khi mái tóc còn xanh xanh.