Nhà xuất bản Ukiyoto của Canada vừa cho ra mắt tập thơ của nhà thơ Đặng Nguyệt Anh với nhan đề Trái tim không biết quỳ. Tập thơ được in song ngữ Việt – Anh, gồm 60 bài thơ được tác giả tâm huyết gửi tới đông đảo bạn đọc trong nước và quốc tế…
Nhà thơ Đặng Nguyệt Anh |
Tôi gặp nhà thơ Đặng Nguyệt Anh trong một ngày đẹp trời tại Hà Nội hơn một năm về trước. Ấn tượng sâu sắc khó phai trong lần gặp gỡ ấy là sự đôn hậu lan tỏa cho bất cứ ai xung quanh. Thật ngạc nhiên khi biết bà là một thi sĩ ở cái tuổi cổ lai hy từ lâu song tâm hồn lại trong trẻo như hạt sương mai đầu xuân. Nụ cười hồn nhiên, tiếng nói nhẹ nhàng, dáng người mảnh mai như muốn thách thức thời gian, chẳng thể làm tâm hồn thư thái và an yên hơn thế với người đối diện! Sau này, khi đã quen bà đủ lâu, nhân duyên đủ ngấm, tôi may mắn được bà lựa chọn là dịch giả cho tập thơ gồm 60 bài để chuyển ngữ và xuất bản tại Canada. Thấy mình thật may mắn biết bao!
Với tôi, dịch truyện và dịch thơ cũng là sáng tác. Bởi nếu chỉ dịch thuật thì rất dễ, nhưng dịch văn học yêu cầu phải có “đôi cánh bay bổng” hay thậm chí “mộng du” đôi khi “phù du”, thế nên tốt nhất dịch giả văn học nên là nhà văn/nhà thơ. Hoặc ít nhất là người đã từng viết truyện, làm thơ thì dễ cảm thụ hơn.
Hẳn là Đặng Nguyệt Anh cũng đồng cảm như thế, nên bà đã gửi gắm tác phẩm của mình để tôi chuyển ngữ. Tôi hiểu, không phải bà không nhờ được ai dịch, mà bà có sự đồng cảm với tôi, việc dịch thuật có lẽ vì vậy mà thuận lợi hơn.
Cảm động hơn khi biết bà là một trong số hiếm hoi những nhà thơ tâm huyết với mong muốn kết nối giao lưu, quảng bá văn học Việt Nam ra nước ngoài để bạn văn thơ quốc tế có thể phần nào cùng chiêm nghiệm, thưởng thức thơ ca của các tác giả Việt Nam. Thơ ca là nghệ thuật ngôn từ. Con người nói chung và nhà thơ nói riêng giao tiếp được với nhau nhờ có ngôn ngữ, nhưng khi ngôn ngữ bất đồng thì chính nó lại cản trở giao tiếp. Mặc dù vậy, sự giao tiếp thơ ca giữa các quốc gia vẫn diễn ra, một phần quan trọng là nhờ một công việc được gọi tên là dịch thuật…
Quay trở lại câu chuyện thơ ca trong 60 bài của tập sách song ngữ này. Ai cũng có thể chê, có thể trách, có thể xét nét. Bởi, ai cũng có lý lẽ riêng của mình. Giống như câu chuyện về cái đẹp, mỗi người một “khẩu vị” cho nên, rốt cuộc thì “cái đẹp nằm ở con mắt kẻ si tình”. Nếu tâm trạng vui, người ta sẽ thấy bản dịch văn học đó hay, còn nếu đang phiền muộn về vấn đề tài chính, thì bản dịch đó bỗng dưng muốn đem ra “mổ xẻ” hoặc “bới lông tìm vết”. Riêng tôi, những câu thơ của nữ sĩ Đặng Nguyệt Anh làm trí tưởng tượng của tôi có dịp được bay xa, bay cao, bay trở về miền ký ức xa xưa mà mình từng được xem qua màn ảnh nhỏ cũng như hồi nhớ lại những câu chuyện kể của ba mẹ thời thơ ấu.
Tôi sinh ra và lớn lên ở Hà Nội nên đâu biết thế nào là “Ổ rơm”, nhưng qua hồn thơ của nữ sĩ, bỗng chốc khơi lên nỗi niềm da diết thương cảm, trìu mến hình ảnh quê hương Việt Nam đến thế.
“Ổ rơm hơi ấm quê nhà
Tôi mang thơm thảo thật thà ra đi
Đường đời gềnh thác lắm khi...
Nhớ quê da diết - thèm về ổ rơm”
(Ổ rơm).
Trên tất cả mọi tình cảm, thi sĩ dành cho tình yêu quê hương quá đỗi sâu nặng. Những câu thơ cứ thế nhẹ nhàng mà êm ái đi vào lòng người:
“Ta về gối tóc vào sông
Nghe trên đồng bãi
Mênh mông quê nhà
Con cò bay lả bay la
Bà ơi thương quá, tiếng bà
ru xưa!...”
(Bà ơi thương quá).
Hình ảnh người bà, người mẹ cứ mềm mại như thế qua áng thơ bình dị, làm xao xuyến bồi hồi bất cứ ai chạm phải:
“Con cò mày đi ăn đêm
Mẹ ta chân cứng đá mềm cò ơi
Chín mươi bảy năm cuộc đời
Mẹ ta lặn lội ngược xuôi
giống cò!...”
(Mẹ ta)
Sau này, khi gửi thơ đã chuyển ngữ cho bạn văn thơ quốc tế thẩm định và biên tập, họ từng nhận xét “Đó là những áng thơ giúp tôi hiểu hơn về Tổ quốc Việt Nam, về những con người chịu thương chịu khó, về những nét bình dị nhưng vô cùng đẹp, khắc họa nên một Việt Nam yêu chuộng hòa bình… Câu thơ ngắn gọn, xúc tích và tôi rất thích…”. Còn gì hạnh phúc hơn cho tác giả, dịch giả và những người làm cầu nối hòa kết cây cầu văn chương hơn lời nhận xét ấy? Khoan nói đến sứ mệnh to tát, khoan bàn chuyện ước muốn lớn lao, chỉ chừng ấy thôi, chỉ làm bạn văn thơ quốc tế cảm động chừng ấy thôi, cũng đủ tác thành niềm hạnh phúc của những ước mơ.
Trong những áng thơ ca ngợi về quê hương, đất nước, Đặng Nguyệt Anh không quên nhắc tới những đại thi hào tiền bối như Nguyễn Du: “Nguyễn Du - xin được khóc người/ Hậu sinh nước mắt đẫm trời Nghi Xuân!!!”, bà Huyện Thanh Quan: “Đèo Ngang muôn thuở thương bà Huyện/ Cuốc cuốc năm canh vẫn khóc bà!”; Cụ Tú Xương: “Giờ trên Cõi Ấy xa xôi/ Hồn thơm cụ Tú - rạng ngời Thành Nam!” - Tất cả như một bức tranh dẫu chỉ là một phần nhỏ, nhưng đã chạm tới niềm tự hào dân tộc, như nhắc nhở, như gợi lên nét buồn đẹp lộng lẫy trong thơ ca Việt Nam.
Trong số những bài thơ này, có nhiều bài thơ miên man về những địa danh, khung cảnh đất trời, thiên nhiên bao la mà qua đó, người đọc như tự nhiên bị “dẫn dụ” dung dăng cùng thưởng ngoạn với tâm hồn thi sĩ. Người đọc như quên hết mọi sầu lo, phiền muộn, chỉ muốn thăng hoa cùng những câu chữ để rồi một lúc nào đó mới “giật mình” sực tỉnh “hẳn là tác giả với sự trải nghiệm sâu sắc của mình cùng với trái tim đa cảm mới có thể truyền cảm một cách tự nhiên thú vị đến thế!”.
Những bài thơ khi lục bát, khi tự do, khi hào hùng như trường ca không làm thi sĩ bị lệ thuộc vào chữ nghĩa mà đặc biệt xúc động, gây xao xuyến, thậm chí có lúc thổn thức, day dứt về phận đời nói chung và phận người phụ nữ nói riêng:
“Đêm bàng hoàng
Người đàn bà choáng váng
Nỗi cô đơn vực nàng dậy
Người đàn bà im lặng
Tựa vào đêm...”
(Người đàn bà)
Bên cạnh đó, lại có những ý thơ khá mạnh gây ấn tượng “Người về nhắn nhủ cùng ai/ Bén duyên-xin đợi một vài trăm năm!” (Xin đợi một vài trăm năm). Thi sĩ đã giúp trí tưởng tượng của người thẩm thơ được ngút ngàn ngụp lặn, trầm lắng trong nghiền ngẫm để tìm cho mình câu trả lời huyền ảo. Phải chăng, đó là điều mà thi sĩ muốn độc giả cùng phiêu du mình?
Những loài hoa bình dị như thạch thảo, bạch mẫu đơn, cẩm chướng…cũng được dành cho tình cảm hết sức thi vị… Mượn hoa để nói tình một cách tinh tế, dịu dàng và khiêm nhường:
“Một chút tình riêng khó nói
Gửi vào những cánh hoa tươi
Biết đâu chẳng là tri ngộ
Nhận hoa
Xin cám ơn người!”
(Hoa Cẩm chướng).
60 bài thơ trong tập thơ Trái tim không biết quỳ, phần nào giúp cho người đọc, cả trong và ngoài nước, hiểu thêm về nội tâm của một nhà thơ không nhiều tham vọng, không có mưu cầu danh lợi, mà chỉ âm thầm tận tụy gắn bó với thơ, chắt chiu từng khoảnh khắc đẹp giữa đời thường để dâng hiến cho người đọc. Không chói lọi, lung linh mà nhẹ nhàng, dẫn dắt, chinh phục độc giả… Thật trân quý biết bao một trái tim nồng ấm, yêu thương giữa thăng trầm bụi bặm nhân gian này! Bằng tất cả sự ngưỡng mộ thầm kín, tôi mạn phép xin nói lời cảm ơn nhà thơ Đặng Nguyệt Anh về sự tin cậy và hồn nhiên khi bà giao phó để tôi có điều kiện đào sâu vào từng câu chữ, từng vần thơ để nâng niu truyền đạt lại cho bạn bè quốc tế cùng chiêm nghiệm…
Khánh Phương
Nguồn Văn nghệ số 10/2023