Sự kiện & Bình luận

TRƯỜNG SA, nơi lòng ta lay động

Bút ký phóng sự
09:36 | 23/02/2024
Bẵng đi một năm tròn, tôi lại được trải nghiệm hải trình Trường Sa trên con tàu trắng KN 290. Chỉ có điều, bây giờ đang được thư thả, bình yên ngồi nơi hành lang tầng 4, cảm nhận một chút đung đưa nhè nhẹ của con tàu đang lướt đi trên mặt nước xanh biếc, ngắm nhìn mặt trời đang lặn trên biển, ánh nắng chiều đang nhạt dần trên nền trời xanh thẳm, những cồn mây trắng xếp lớp nối nhau đùn lên trên đường chân trời và bờ bãi đất liền đang xa dần, mờ dần, tím dần về phía hoàng hôn. Còn năm trước thì khác hẳn
aa

Bẵng đi một năm tròn, tôi lại được trải nghiệm hải trình Trường Sa trên con tàu trắng KN 290. Chỉ có điều, bây giờ đang được thư thả, bình yên ngồi nơi hành lang tầng 4, cảm nhận một chút đung đưa nhè nhẹ của con tàu đang lướt đi trên mặt nước xanh biếc, ngắm nhìn mặt trời đang lặn trên biển, ánh nắng chiều đang nhạt dần trên nền trời xanh thẳm, những cồn mây trắng xếp lớp nối nhau đùn lên trên đường chân trời và bờ bãi đất liền đang xa dần, mờ dần, tím dần về phía hoàng hôn. Còn năm trước thì khác hẳn.

Năm trước, ở vào thời khắc này đã trở thành là ấn tượng khó phai. Trước khi xuất phát, thời tiết đã không chiều lòng người. Một cơn áp thấp nhiệt đới tràn vào Biển Đông gây nên gió cấp 6, cấp 7, biển động mạnh, sóng biển cao 2 đến 5 mét. Đã có ý kiến lùi chuyến đi lại ít ngày. Nhưng lùi đến bao giờ? Vả lại, theo dự báo, đang có một áp thấp nhiệt đới mới đã hình thành ở phía đông đảo Luzon, Philippine và sẽ tiến vào Biển Đông trong ít ngày tới. Vậy nên có vẻ không có đường lùi. Còn tinh thần vì Trường Sa thân yêu nữa! Và hải trình Trường Sa năm trước đã vẫn diễn ra theo đúng như kế hoạch ban đầu. Tất nhiên là say sóng, là nằm bẹp gí xuống giường, là trời đất quay cuồng, mọi thứ trong gan ruột đều muốn lộn trái ra ngoài, là bỏ ăn, là thử thách lớn rồi. Nhưng cũng là trải nghiệm đặc biệt mà chẳng dễ gì trong đời có được với nhiều người, nhất là dân “nội địa”, bàn giấy như tôi, cả đời chỉ biết có đất dưới chân.

Bây giờ đây, đúng là trời yên, biển lặng, hợp với câu phương ngôn từ bao đời của dân ta “tháng ba bà già đi biển”.

Đi Trường Sa là kỷ niệm đặc biệt, chẳng dễ gì trong đời có được với nhiều người, nhất là dân “nội địa”, chỉ biết có đất dưới chân. Ảnh: Mỹ Trà

Ra khỏi cửa sông, con tàu nhằm hướng đông bắc thẳng tiến đến mục tiêu đầu tiên, hòn đảo phía cực bắc của quần đảo Trường Sa - đảo Song Tử Tây. Qua một đêm thức dậy, xung quanh bốn bề đã là biển nước mênh mông xanh thăm thẳm. Những cánh hải âu chao lượn, lúc vờn trên mặt sóng, lúc lại bay vượt lên ngang trên mũi tàu. Đám cá chuồn thấy động, phóng lên mặt nước như những mũi tên bay. Trong tầm mắt, bắt gặp những con tàu đại dương nổi hình trên mặt biển. Có những con tàu nhìn thấy khá gần, trông giống như những toà nhà 5-7 tầng, lừng lững trôi. Có những tàu chở container nổi lên như khối trụ đá góc cạnh, xám sẫm, như bất động. Lại có những con tàu trông như những con thiên nga trắng đang bồng bềnh, lơ lửng trên mặt sóng. Chân trời vẽ thành một vòng tròn khổng lồ với ranh giới nét căng giữa biển xanh thẫm một màu với vòm trời cao vòi vọi, bồng bềnh mây trắng. Chẳng thế mà ngày xưa, các cụ tổ tiên nhà ta tưởng tượng trời tròn, đất vuông, rồi làm bánh dầy tròn, bánh trưng vuông, tượng trưng cho trời, cho đất, thể hiện chí khí tung hoành ngang dọc, mong muốn chinh phục không gian sống rộng dài, xây dựng đất nước to lớn, hùng mạnh, phồn vinh, muôn đời bền vững.

Chúng tôi lên Song Tử Tây đúng vào lúc bình minh một ngày mới. Ngay bên bờ đảo, tôi gặp trung úy Lê Ngọc Sang chỉ huy một phân đội đang trực chiến. Sang đã có gần 10 năm tuổi quân, đã đóng quân gần 2 năm ở Trường Sa lớn và mới chuyển đến Song Tử Tây được nửa năm. Quê anh ở xã Kỳ Tiến, huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh. Sang khoe với tôi, vợ anh đang có bầu, hai vợ chồng đang chờ đón đứa con đầu lòng. “Thế Sang có nhớ nhà, nhớ vợ không?” - Tôi hỏi. Sang cười bẽn lẽn: “Nhớ thì nhớ lắm, nhưng nhiệm vụ là nhiệm vụ. Lính đảo chúng em đã xác định rồi, càng nhớ nhà càng phải cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ!”. Câu trả lời rất thật thà nhưng đậm chất lính đảo - chân thành, thẳng thắn và kiên quyết.

Ngoài hình ảnh những sĩ quan, chiến sĩ đang thực hiện nhiệm vụ trực chiến sẵn sàng bảo vệ đảo, cuộc sống trên đảo Song Tử Tây thật thanh bình. Ở đây mọi thứ đều ngăn nắp, nề nếp và gần gũi, nhất là ở khu trung tâm của đảo. Có cảm giác như ta đang ở một thị trấn có phần xưa cũ của một vùng quê đâu đó trên đất liền. Đường đi, lối lại rợp bóng cây xanh. Chùa làng, trường học, tượng đài, nhà khách, bệnh xá... và cả những cột điện gió, mang lại những hình ảnh thật thân thuộc, gần gũi. Thỉnh thoảng lại bắt gặp những vườn rau xanh tươi với nhiều loại rau, rau muống, rau cải, rau ngót, rau mồng tơi... và cả ớt. Để bảo vệ rau xanh khỏi nắng gió, vườn rau nào cũng được che chắn xung quanh. Có nơi, bộ đội còn dùng vải lưới sẫm màu lợp thành mái che. Cùng với rau xanh tự túc, những người lính đảo còn tìm ra và chăm chút cho mình những thứ rau quả, gia vị độc nhất vô nhị. Ví như cây tra, một loài cây có sức sống mạnh mẽ trên đất đảo, vừa cho lá non để quấn món thịt lợn ba chỉ khoái khẩu, vừa cho những trái cây chín mọng, màu tím rịm, khi ăn có hương vị như quả nho. Hay như lá cây nhàu có vị đắng nhằng nhặng, đem thái ra xào với thịt đẻn biển thì ngon hết chê.

Trên đảo cũng có những công trình cũ kỹ, ghi dấu ấn thời gian lâu dài mà ít ai không thăm khi đến đây. Đó là cây cột mốc xám màu rêu phong ghi dòng chữ: “Quần đảo Trường Sa trực thuộc tỉnh Phước Tuy, Phái bộ quân sự thị sát nghiên cứu đến viếng quần đảo này ngày 22 tháng 8 năm 1956 được sự hướng dẫn của Hải quân Việt Nam”. Trên thân của đỉnh tháp còn ghi: “Việt Nam Cộng hòa, Quần đảo Trường Sa, đảo Song Tử Tây” và 2 dòng chữ số ghi tọa độ của đảo đã mờ, không thể đọc rõ.

*

Trên đường từ đảo Đá Nam đi đảo Đá Thị, tôi thức giấc lúc mới 3 giờ sáng. Biển đang rất êm. Con tàu đang đi cũng rất êm. Nhìn qua cửa sổ, bắt gặp vầng trăng hạ huyền treo chênh chếch trên nền trời xanh thăm thẳm. Ánh trăng giãi ra mặt biển thứ ánh sáng bàng bạc, lung linh xao động theo những làn sóng tỏa ra từ thân tàu. Nhìn về xa xăm, bầu trời với mặt biển như hòa lẫn vào nhau. Đâu đó hiện lên những chùm sáng đèn từ những con tàu trông như những chòm sao nổi bồng bềnh trên mặt nước. Trăng trên biển đêm thật đẹp đến huyền ảo, ngỡ ngàng. Làm sao ở phố thị tôi có thể được thấy vẻ đẹp của một đêm trăng như thế này!

Bộ đội hải quân ở Trường Sa. Ảnh: Mỹ Trà

Ngắm trăng một hồi, rồi nằm xuống giường trằn trọc mãi mà giấc ngủ không trở lại, tôi mở cửa ra hành lang, leo lên tầng trên cùng của đài chỉ huy. Gặp đúng lúc Thuyền trưởng Thiếu tá Quách Hữu Quang đang trực chỉ huy tàu. Quang với tôi là “người quen năm cũ”, bởi cũng chính trên con tàu này, tôi đã trải nghiệm hải trình sóng gió năm trước. Và cũng bởi hải trình sóng gió đó mà tôi biết ít nhiều về vị truyền trưởng này khi anh hàng ngày vẫn đến phòng tôi hỏi han, trao đổi để giúp tôi vượt qua thử thách sóng gió. 34 tuổi, quê Hà Tĩnh, có kinh nghiệm 5 năm thuyền trưởng. Từ ngày ra trường, Quang đã gắn bó với những con tàu, những hải trình trên những vùng biển đảo của đất nước. Chính những hải trình cùng những thử thách trên hàng vạn dặm biển đã mang lại cho anh sự hiểu biết phong phú về biển cả với sóng gió, tôi luyện nên ở anh bản lĩnh vững vàng của một người thuyền trưởng. Và tự lúc nào không biết, con tàu cùng biển đảo đã gắn bó với anh như một tình cảm tự nhiên, một duyên nợ nhân sinh. Thuyền trưởng Quang cũng là một cây văn nghệ, một giọng ca vàng của tàu, với giọng trầm ấm mà rất khỏe. Tôi nói đùa: “Đẹp trai, hát hay như Quang đáng lẽ phải đi văn công mới phải!”. Quang cười hiền khô: “Hát cho vui thôi, văn công gì em!”.

Quang chỉ trên màn huỳnh quang giải thích cho tôi đường đi của con tàu, độ nông sâu của biển, tín hiệu của những con tàu đang di chuyển, vị trí của những hòn đảo mà con tàu đang đi qua. Có cảm giác như anh thông thuộc cái quần đảo rộng lớn này như thông thuộc đường đi, lối lại của làng quê nơi mình sinh ra và lớn dậy. Tôi cứ nghĩ, những hải trình phức tạp như Trường Sa rất cần những người thuyền trưởng tin cậy như Quang. Và thật tự hào về những lớp người kế tục cha anh với những người như Quang và cả ê-kíp thủy thủ trên con tàu KN 290, những người vừa giỏi chuyên môn nghề nghiệp, lại ý thức sâu sắc về trách nhiệm của mình với công việc, với chủ quyền biển đảo, với quần đảo Trường Sa thân yêu. Đó là những điều giản dị mà thiêng liêng, bắt nguồn từ một tình yêu thiết tha đối với gia đình, người thân, mái nhà, đồng ruộng, mảnh đất quê hương mình mà mở ra, vươn đến một tình yêu rộng lớn, cao cả, tình yêu đối với dân tộc và nhân dân, tình yêu đối với đất nước và Tổ quốc.

*

Sáng sớm một ngày đẹp trời, tàu dừng lại thả neo bên thềm đảo Len Đao. Cả đoàn tập hợp nơi bãi đậu trực thăng để làm lễ tưởng niệm những anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống vì sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển đảo của đất nước, trong đó có trận đánh khốc liệt ngày 14-3-1988, 4 sĩ quan, chiến sĩ hải quân đã ngã xuống nơi đây, hiến dâng cuộc đời mình cho Tổ quốc. Trời đang chang chang nắng bỗng dưng tối sầm lại. Quầng mây xám không rõ từ đâu kéo tới vần vụ trên đỉnh đầu. Và cơn mưa bất chợt. Trong khi người sĩ quan hải quân bắt đầu đọc diễn văn kỷ niệm, những giọt mưa cũng bắt đầu rơi xuống mau dần, mau dần. Đoàn người đứng lặng phắc, lắng nghe tiếng người sĩ quan hải quân trầm đều, xúc động, lắng nghe tiếng mưa rơi lộp độp trên mũ cứng mà tưởng như những âm thanh từ xa lắc vọng về. Trước khi bàn thờ và lễ vật được thả xuống biển, bát hương bốc cháy, khói lửa nghi ngút. Ai đó xuýt xoa: “Linh thiêng các anh! Linh thiêng những linh hồn liệt sĩ!”.

Tôi còn nhớ như in, đúng ngày này năm trước khi con tàu của chúng tôi dừng lại bên cạnh đảo Cô Lin để làm lễ tưởng niệm thả hoa tưởng nhớ các anh hùng, liệt sĩ đã hi sinh trong trận đánh năm 1988 ở vùng biển đó, trời cũng đổ mưa. Nhiều người đã rất ngạc nhiên thấy những giọt mưa rơi xuống ngày càng mau hơn đang khi trời quang, mây tạnh. Hầu như đã có sự thấu hiểu, kết nối nào đó giữa người sống và người đã khuất, sự linh thiêng ứng nghiệm của những linh hồn liệt sĩ gửi tới những người đang sống hôm nay. Nếu sự ứng nghiệm ấy là có thật, chắc các anh cũng rất yên lòng. Bởi những thế hệ hậu sinh mãi ghi lòng tạc dạ về sự hi sinh cao cả của các anh, luôn tự hào về các anh, đã và đang tiếp bước các anh, không chỉ bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo của Tổ quốc, mà còn xây đắp, chăm chút cho quần đảo ngày càng tươi đẹp hơn, mạnh mẽ hơn và vững bền hơn.

Và như có một sức hút vô hình, kỳ diệu, những bông hoa, những con hạc giấy và cả cái bàn gỗ đựng lễ vật cứ từ từ trôi dần về phía đảo, cho dù gió vẫn nhè nhẹ thổi theo chiều ngược lại!

*

Từ đảo Đá Tây hành trình về đảo Trường Sa, thủ phủ của quần đảo, con tàu đi trên mặt biển phẳng lặng hiền hòa. Có cảm giác, biển như bà mẹ dịu dàng bao dung, đang nhè nhẹ vỗ về con tàu, đứa con bé bỏng của mình. Biển trải ra bao la, hiền hòa, lăn tăn gợn sóng, hắt lên một màu bàng bạc dưới ánh nắng trời chói lói. Bầu trời trong xanh thăm thẳm, cao vòi vọi, không thấy một sợi mây. Gió thổi hiu hiu, nhưng cũng không làm cho dịu bớt cái nắng gắt gay như đổ lửa và cái nóng oi ả đến ngột ngạt của khí trời.

Đầu giờ chiều một ngày nắng chói chang, tàu cập cảng Trường Sa - Lần đầu tiên trên hải trình Trường Sa, chúng tôi rời tàu mà không phải mặc áo phao, không phải tăng-bo trên ca nô. Chỉ vài bước đi thôi, bàn chân đã vững vàng trên cầu tàu. Trường Sa là đây - trái tim của quần đảo, thủ phủ của huyện đảo nơi cuối trời đông của Tổ quốc. Trường Sa là đây - cái tên mà mỗi lần cất lên đều khiến con tim của mỗi người Việt Nam trào dâng cảm xúc yêu thương tha thiết. Trường Sa là đây - mảnh đất được gửi gắm và giữ gìn những công trình, kỷ vật không chỉ mang hình ảnh tượng trưng, mà còn chứa đựng những giá trị văn hóa, lối sống từ đất mẹ thân yêu. Đó là ngôi chùa mái ngói đỏ cong cong trong bóng rợp cây xanh, thấp thoáng bóng nâu sồng của nhà sư trụ trì; là những mái ngói đỏ tươi của những ngôi nhà xinh xắn, khang trang của người dân; là tiếng trẻ đọc bài ê a lan xa hòa cùng tiếng gió reo trên rặng dương; là đền thờ Bác Hồ linh nghiêm lúc nào cũng nghi ngút khói hương; là Nhà khách Hà Nội vẫn được người trên đảo gọi là “khách sạn”, như sự hiện diện và gửi gắm niềm tin yêu của Thủ đô dành cho Trường Sa; là âu tàu san sát hàng trăm con tàu đánh cá của ngư dân vẫn ra vào và đỗ lại hàng ngày để nghỉ ngơi, tiếp dầu, tiếp nước, trao đổi sản phẩm...

Và lần thứ hai trong đời mình, tôi lại được dự cuộc mít tinh kỷ niệm ngày giải phóng quần đảo Trường Sa. Đó là một cuộc mít tinh thật đặc biệt, thật xúc động, được tổ chức ngay trên quảng trường nhỏ cạnh đường băng sân bay. Những người dân Trường Sa, từ người lớn đến các em thiếu nhi, cũng đứng xếp thành hàng lối bên đội ngũ trang nghiêm của bộ đội các quân chủng, binh chủng, những người lính đảo da sạm màu nắng gió. Nắng vốn là một “đặc sản” của biển đảo Trường Sa, cuối chiều rồi mà vẫn không bớt gay gắt. Trong lồng lộng gió trời cảm như có vị mặn của muối làm cho da nhơm nhớm mồ hôi. Tiếng ông Chủ tịch huyện đảo đọc diễn văn kỷ niệm vang lên trên loa phóng thanh nghe ồm ồm, vọng đi trong mênh mang biển trời: “Rạng sáng ngày 14 tháng Tư, quân ta giải phóng đảo Song Tử Tây. 3 giờ sáng ngày 25 tháng Tư, ta làm chủ đảo Sơn Ca. 11 giờ 30 phút ngày 27 tháng Tư, ta giải phóng đảo Nam Yết. 10 giờ 20 phút ngày 28 tháng Tư, quân ta làm chủ hoàn toàn đảo Sinh Tồn. 9 giờ sáng ngày 29 tháng Tư, cờ giải phóng tung bay trên đảo Trường Sa, hòn đảo lớn nhất và là hòn đảo thứ năm trong quần đảo...”

Tôi lắng nghe bài diễn văn của ông Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Trường Sa kể về những trận đánh của bộ đội hải quân Việt Nam anh hùng giải phóng Trường Sa mà tưởng như thấy nhịp điệu và âm hưởng của bản hùng văn Đại cáo bình Ngô: “Ngày mười tám trận Chi Lăng, Liễu Thăng thất thế/ Ngày hai mươi, trận Mã Yên, Liễu Thăng cụt đầu/ Ngày hai mươi lăm, Bá tước Lương Minh đại bại tử vong/ Ngày hai mươi tám, Thượng thư Lý Khánh cùng kế tự vẫn...”. Kỳ diệu thay, chỉ bằng những ngôn từ giản dị và giọng đọc mộc mạc của một cán bộ nơi huyện đảo Trường Sa mà mang lại cả sự hào sảng, xúc động thiêng liêng đến vậy. Tôi cứ nghĩ, không phải vẻ đẹp của ngôn từ làm nên sự hào sảng và tình cảm thiêng liêng ấy. Chính là sự hào hùng của sự kiện lịch sử với những chiến công oanh liệt của của bộ đội hải quân, của Quân đội nhân dân Việt Nam, của nhân dân anh hùng của chúng ta trong những ngày Mùa xuân lịch sử năm 1975 đã mang lại vẻ đẹp cho ngôn từ, đã làm nên nhịp điệu ấy, âm hưởng ấy và cả niềm xúc động thiêng liêng ấy.

*

Cuộc chia tay với Trường Sa thật xúc động và lưu luyến. Bộ đội và nhân dân đứng chật cả cầu tàu. Và tiếng hát. Tiếng hát bắt đầu cất lên từ trong hàng ngũ bộ đội rồi lan ra, vang lên trên khắp cầu tàu. Cả phụ nữ và các em thiếu nhi cũng vừa vỗ tay vừa hát say sưa. Rồi tiếng hát được bắt nhịp, hòa giọng từ tất cả chúng tôi, những người đứng chật kín trên các hành lang các tầng của con tàu. Bài hát tiếp theo bài hát. Hát về biển đảo Trường Sa thân yêu, về tiếng đọc bài ê a của trẻ thơ, về những người lính đang ngày đêm gìn giữ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc và cuộc sống bình yên của người dân nơi đây... Tiếng hát như lời nhắn gửi tin cậy bộ đội và nhân dân Trường Sa gửi về đất liền yêu dấu. Tiếng hát như niềm tin cậy, thương yêu tha thiết của những người sắp trở về “phố thị” gửi gắm cho những người thân yêu ruột thịt ở lại Trường Sa. Tiếng hát nói thay lòng người, nói thay rất nhiều điều mà những lời nói bình thường không thể biểu đạt hết.

Con tàu trắng KN 290 rời bến Trường Sa vào lúc trước nửa đêm để kịp đưa chúng tôi đến thăm Nhà giàn DK1/19 cụm Dịch vụ Kinh tế - Khoa học kỹ thuật khu vực bãi Quế Đường vào sáng hôm sau, và tiếp theo còn cả một hải trình trở về “phố thị”. Trong suốt chặng đường trở về, trong tôi cứ ngân nga lời hát - “Trường Sa ơi, mai tàu rời bến/ Ta lại về phố thị thân thương/ Vòng tay ấm bao chuyện buồn vui/ Biển vẫn yên, lòng ta lay động...”. Tôi cứ nghĩ, khi chưa đến Trường Sa một lần, lòng ta như mang một món nợ đến day dứt, đến với Trường Sa một lần rồi, lòng ta sẽ còn lay động mãi không thôi!

Trường Sa - Hà Nội mùa biển lặng

GS.TS. Tạ Ngọc Tấn

Nguồn Văn nghệ số 8/2024


Quà tặng của chiến tranh - Truyện ngắn của Hoài Hương

Quà tặng của chiến tranh - Truyện ngắn của Hoài Hương

Baovannghe.vn - Chiến dịch thần tốc như một cơn lốc không ngày không đêm, đơn vị vừa đánh vừa hành quân gần như xuyên dọc theo Quốc lộ 13 hướng về Sài Gòn mỗi ngày một gần thêm.
Lĩnh vực báo chí cần có những ưu đãi về thuế

Lĩnh vực báo chí cần có những ưu đãi về thuế

Baovannghe.vn - Quốc hội tiếp tục chương trình làm việc ngày 22/11 với phiên thảo luận tổ về dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) và dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi).
Trôi giữa hương sen nghịch mùa - Truyện ngắn của Đinh Thành Trung

Trôi giữa hương sen nghịch mùa - Truyện ngắn của Đinh Thành Trung

Baovannghe.vn - Mây đen tan. Nắng nhẹ. Hương sen còn sót hòa cùng hương bùn đánh dạt mùi khói xe, đưa nụ cười của hai người đàn ông lấp đầy mi mắt đang nhìn về phía mặt trời.
Nhà thơ Anh Ngọc bình thơ "Thề non nước"

Nhà thơ Anh Ngọc bình thơ "Thề non nước"

Baovannghe.vn - Bài thơ Thề non nước không chỉ là lời tự tình đằm thắm của một tâm hồn thủy chung, tin cậy mà còn cất giấu trong mình một bức tranh thiên nhiên tráng lệ và quyến rũ mê hồn vì một vẻ đẹp như sinh ra bởi con người và cũng chỉ dành để cho con người.
Nhà văn Nguyễn Chí Trung

Nhà văn Nguyễn Chí Trung

Baovannghe.vn - Nhà văn Nguyễn Chí Trung trưởng thành từ thiếu sinh quân. Đi lính từ bé và làm cán bộ đại đội từ trẻ - ngày nền nông nghiệp của ta xứng danh với cái tên “nghèo nàn và lạc hậu” thì ông hòa nhập vào lớp thanh niên “vượt lên hàng đầu, vượt là vượt như tên bay”...