Sáng tác

Tự do của con cá nhỏ

Dino Buzzati (Italia)
Văn học nước ngoài
11:00 | 27/10/2024
Baovannghe.vn- Dino Buzzati (1906-1972) là nhà văn lớn của Italia, xứng đáng được coi là một trong những trụ cột của nền văn học đất nước hình chiếc ủng ở nửa cuối của thế kỷ XX. Xin được giới thiệu với bạn đọc Văn nghệ truyện ngắn dưới đây của ông.
aa
Tự do của con cá nhỏ
Nhà văn Dino Buzzati (1906-1972). Ảnh: Internet

Một hôm tôi ra chợ mua được con cá cảnh bé xíu mầu đỏ, đựng trong chiếc bình thủy tinh. Chiếc bình nhỏ tin hin, nên chưa nói tới chuyện bơi lội, con cá tội nghiệp quay trở đầu đuôi cũng đã bị va đập búa xua rồi. Nhìn nó bất lực, tôi thấy xót xa trong lòng. Sau nhiều lần cố gắng thoát ra tự do bất thành, nó vẫn chưa tin việc làm của mình là vô ích.

Cảm thương hoàn cảnh tù túng của con cá bé bỏng, tôi quyết định tạo dựng cho nó chỗ cư trú khác, đàng hoàng thoải mái hơn. Tôi ra vườn đào hẳn một cái hố tròn, đường kính cỡ 3,5m, sâu ngang đầu gối. Bơm nước lạnh đầy hố xong, tôi định thả cá vào, nhưng chợt nghĩ, nó có thể bị lạnh đột ngột chăng? Để đề phòng bất trắc, tôi đặt cả chiếc bình lẫn cá bên trong xuống đáy hố. Giải pháp đơn giản này có hai lợi thế: Thứ nhất con vật sẽ thích nghi dần với việc thay đổi nhiệt độ môi trường; thứ hai, biết đâu trong lúc xoay trở, một điều kỳ diệu nào đó sẽ xảy ra, khi mà nó nhận ra bên ngoài “ngục tù” cũng có nước, nghĩa là biển cả đang trong tầm tay nó.

Thế rồi điều sau đã xảy ra. Lúc đầu con cá vẫn tiếp tục va đập vào xung quanh bình thủy tinh, nhưng khi bỗng nhiên vô tình bơi ngược lên miệng bình, thì (ồ, lạ chưa!) nó thấy phía trên vẫn còn nước, bèn dướn mình, lưỡng lự đôi chút, rồi bơi vọt ra ngoài. Thấy không có gì cản trở, nó tung tẩy hết bơi dọc lại bơi ngang hố nước, tận hưởng niềm khoái lạc tự do đem lại.

Tôi để mặc cho cô nàng tung tẩy hai ngày, sang ngày thứ ba mới quyết định ra thăm. Ồ, ngạc nhiên chưa, con cá lại trở về trong chiếc bình cũ mà tôi quên chưa lấy ra khỏi hố nước. Chỉ có điều nó không còn va đập vào bình thủy tinh nữa, mà chỉ lửng lửng lơ lơ điềm tĩnh ở khoảng giữa bình gì đó.

“Cô nàng hồi tâm, suy nghĩ lại rồi đây” – tôi nghĩ thế. “Ngay cả những tù nhân khổ sai được trả tự do, vẫn thường muốn ghé qua chốc lát, thăm lại nơi chốn đã bị cách ly hoàn toàn nhiều năm với xã hội bên ngoài”.

Nhưng, tôi đã lầm. Chiều đến, như hôm trước, cô ả lại thong thả rời khỏi nơi trú ẩn của mình. Vài ngày như thế lại trôi qua. Một hôm không kìm nén được nữa, tôi nói với ả:

- Này, cô em thân mến, xin lỗi cô, tôi thấy cô hơi quá đáng đấy! Tôi bỏ ra khá nhiều tiền, tạo điều kiện cho cô thỏa sức bơi lội, vùng vẫy đâu để chua xót thấy cảnh cô ru rú trong chiếc bình chật hẹp tồi tàn này. Sao cô cam phận trong đó mãi, chẳng chịu ló mặt ra ngoài, vẻ như không đoái hoài gì tới tự do tìm được à? Rõ thật làm phúc phải tội, cô làm tôi rầu ruột quá!

Nghe vậy cô ả liền đáp:

- Úi chà chà, người hỡi, người ơi, xin lỗi, tôi là cứ nói thẳng, sao người thiển cận thế và sao người hiểu tự do một chiều như vậy. Vấn đề là ở chỗ, thông thường người ta vẫn phí phạm quyền tự do của mình một cách dung tục và thiếu suy nghĩ. Tự do tự nó không hề có giá trị đích thực, mà sự nhận thức được sự tồn tại của nó và khả năng sử dụng nó mới là chính yếu. Tinh tế là ở chỗ đấy. Tôi yêu mến cái bình thân thiết, ấm cúng này bởi nó tạo cho tôi những suy nghĩ biệt lập, trong khi vẫn biết, bất cứ lúc nào cũng có thể thoát ra bên ngoài giới hạn của nó, tha hồ bơi lội thoải mái trong hố nước (về điều này thì tôi hết sức biết ơn người). Chỉ khác nhau ở chỗ, lúc trước chiếc bình hạn chế quyền tự do của tôi, giờ thì không thế. Còn một điều nữa. Khi ở trong chiếc bình này, tôi được hoàn toàn sống lại những ngày tháng bất hạnh, mất quyền tự do, chính điều đó cho phép tôi tận hưởng đầy đủ những ân huệ mà mình được ban phát, đồng thời nó cũng nhắc nhở tôi không được quên quá khứ buồn đau. Mỗi lần thay đổi vị trí trong và ngoài bình là tôi lại vui sướng trong lòng, nhưng đồng thời tôi cũng không dám liều quá lạm dụng quyền tự do đó để tránh cảnh “cả thèm chóng chán”. Bởi, dù sao tôi vẫn là tù nhân, nhưng cửa ngục thất không đóng và phía ngoài là cả một thế giới bao la. Điều này gieo cho tôi sự tự tin và bình thản trong lòng. Tuy nhiên, nếu tôi lao vào hưởng lợi vô hạn định và suốt ngày hết bơi dọc rồi lại bơi ngang không ngưng nghỉ, thì sớm hay muộn rồi cũng chán phè. Như thế có còn gì là vui thú nữa. Hẳn khi đó tôi sẽ mơ về những vùng biển bao la, những đại dương mênh mông, sâu thẳm, những vòm trời bát ngát... cao xa hơn, khó bề thành hiện thực. Thế là lại rơi vào cảnh tù đày, bất hạnh mới. Giờ thì chắc người hiểu, không ai như tôi biết tận hưởng quyền tự do tuyệt đối một cách si mê như thế. Vậy, nếu người mong muốn đem lại cho tôi những điều tốt lành, thì hãy để cho tôi được độc diễn một cách biệt lập.

Nghe cá giãi bày đến đó, tôi cảm thấy chính mình gây ra chuyện rắc rối ỏm tỏi này, nên vừa lí nhí nói lời xin lỗi vừa lui gót.

Tự do của con cá nhỏ
Tranh của Dino Buzzati.

Đỗ Quyên (VN8/2016)

Dịch theo bản tiếng Nga của LGZ.RU

-------------

Bài viết cùng chuyên mục:

Chim ngọc trai - Tản văn của nhà văn Phùng Ký Tài Những ngày không sách - Tản văn của nhà văn Phùng Ký Tài Sửa quy định để minh bạch hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục Chiếc mũ cói trôi sông Đọc truyện: Thuyền rồng. Truyện ngắn dự thi của Tống Ngọc Hân
Sàn thương mại điện tử xuyên biên giới Temu và câu chuyện bảo vệ hàng nội địa

Sàn thương mại điện tử xuyên biên giới Temu và câu chuyện bảo vệ hàng nội địa

Baovannghe.vn - Sàn thương mại điện tử Temu, Taobao và 1688 hoạt động tại Việt Nam với sự đa dạng mặt hàng, giá rẻ. Đã và đang đe dọa sản xuất trong nước.
Chính thức xây dựng Nhà hát Kịch Việt Nam cơ sở 2

Chính thức xây dựng Nhà hát Kịch Việt Nam cơ sở 2

Baovannghe.vn - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Bộ VHTT&DL) vừa ban hành quyết định số 3117/QĐ-BVHTTDL về việc xây dựng cơ sở thứ 2 cho Nhà hát Kịch Việt Nam.
Ghế ngồi cứng. Truyện ngắn của Vân Hạ

Ghế ngồi cứng. Truyện ngắn của Vân Hạ

Baovannghe.vn- Bên ghế đối diện mới chỉ có một hành khách, một phụ nữ khoảng ngoài 40. Chị ta chiếm luôn phần ghế trống để nằm, hai chân bắt chéo gác lên mặt chiếc bàn ăn nhỏ.
Giọt long lanh. Tạp bút của Hoàng Vinh

Giọt long lanh. Tạp bút của Hoàng Vinh

Baovannghe.vn - Bàn tay em mềm mại, bé nhỏ. Không biết khi đó trông tôi thế nào, chỉ thấy em quay nghiêng người, cố xòa mái tóc che nụ cười tinh nghịch.
Chuyện kể từ chiếc bánh cắt

Chuyện kể từ chiếc bánh cắt

Baovannghe.vn - Có lẽ tôi nên bắt đầu bài viết này từ câu chuyện về chiếc bánh cắt của một họa sĩ nổi tiếng, được nhiều người yêu quý.