Sáng tác

Chim ngọc trai - Tản văn của nhà văn Phùng Ký Tài

Phùng Ký Tài / Châu Hải Đường dịch
Văn học nước ngoài
06:00 | 29/09/2024
Baovannghe.vn - Ngòi bút của tôi chợt chuyển động, tuôn ra cảm nhận tức thời khi ấy: Tin cậy luôn tạo ra được những cảnh giới đẹp đẽ tuyệt vời.
aa

Thích quá! Một người bạn tặng tôi một đôi chim ngọc trai, trong một cái lồng trúc giản dị. Trong lồng còn có một cái ổ bằng cỏ khô - đó là cái tổ ấm áp và thư thái cho những con chim nhỏ.

Có người bảo, đây là loài chim sợ người.

Tôi treo chúng ở trước cửa sổ. Ở đó còn có một chậu lan dây Pháp vô cùng xanh tốt. Tôi bèn dùng những dây lan dây buông dài với những chiếc lá nhỏ xanh xâu thành chuỗi để trùm lên lồng chim, khiến chúng thấy an toàn tựa như được ẩn náu trong rừng rậm thâm u. Tiếng hót lảnh lót vang ngân giống như tiếng sáo từ trong đó vọng ra, cũng trở nên nhẹ nhõm tự tại khác thường.

Ánh nắng mặt trời từ ngoài cửa sổ rọi vào, xuyên qua đó, vô số chiếc lá nhỏ giống như những cái móng tay của những nhánh lan dây ấy, một nửa bị che khuất, một nửa bị ánh nắng thấu qua, tựa như những mảnh ngọc bích, lốm đốm phát quang, tràn trề sức sống. Bóng dáng đôi chim nhỏ di động ẩn hiện trong đó, chẳng nhìn được trọn. Có lúc ngay cả cái lồng cũng không nhìn ra được, chỉ thấy cái mỏ nhỏ bé tươi hồng đáng yêu của chúng thò ra giữa tán lá xanh.

Rất hiếm khi tôi rẽ những dây lá xanh ra để nhìn chúng, nên dần dà chúng bèn bạo dạn vươn hẳn những cái đầu nhỏ bé ra ngó nhìn tôi. Chúng tôi đã trở nên quen thuộc từng chút từng chút một như thế.

Ba tháng sau, trong đám dây lan ngày càng xanh tươi rậm rạp ấy, phát ra một tiếng kêu nhỏ bé và non nớt. Tôi đoán, chúng đã có chim con rồi! Nhưng tôi thì vẫn tuyệt đối không hề vén những chiếc lá ra để nhìn vào bên trong bao giờ, ngay cả khi cho thêm thức ăn nước uống cho chúng tôi cũng không cố mở to con mắt hiếu kỳ của mình để khiến chúng phải kinh sợ. Không bao lâu sau, bỗng nhiên có một chiếc đầu nhỏ nhô ra ngoài tán lá. Một cái đầu nhỏ hơn thường, là con chim non! Chính là cu cậu này!

Nó còn nhỏ nên có thể dễ dàng chui ra ngoài những chiếc nan thưa của lồng chim. Nhìn xem! Nó mới giống chim mẹ biết bao! Mỏ hồng, chân hồng, bộ lông xanh xám, chỉ có điều sau lưng còn chưa có những chấm trắng tròn tròn giống như những hạt ngọc trai mà thôi. Nó thật mập mạp, thân hình y như một quả cầu bông mịn.

Chim ngọc trai - Tản văn của nhà văn Phùng Ký Tài
Tranh của Tề Bạch Thạch.

Đầu tiên, cu cậu ấy chỉ nhảy nhót quanh trong lồng, sau rồi nó bắt đầu bay qua bay lại trong phòng, một chốc thì đậu xuống nóc tủ, một chốc lại đường hoàng đứng trên giá sách, mổ vào tên họ những đại văn hào in trên gáy sách, một chốc lại va vào dây bóng đèn khiến nó lắc lư chao đảo, rồi tiếp theo nó liền nhảy lên trên cái khung tranh. Nhưng chỉ cần bố mẹ nó trong lồng kêu lên một tiếng vẻ tức giận, là nó lập tức bay về lồng ngay.

Tôi cứ mặc kệ nó. Như vậy lâu ngày rồi, dẫu tôi có mở cửa sổ thì nhiều nhất nó cũng chỉ đậu lên chấn song cửa số một lát, chứ tuyệt không bay ra khỏi đó.

Dần dà nó trở nên bạo dạn hơn, đậu hẳn lên bàn sách của tôi.

Mới đầu nó còn đậu cách tôi khá xa, thấy tôi chẳng gây tổn hại gì cho nó, nó bèn từng chút từng chút một tiến lại gần hơn, cuối cùng thì nhảy hẳn lên cái cốc của tôi, cúi đầu xuống uống trà trong cốc, lại còn nghiêng nghiêng cái mặt ngó nhìn xem phản ứng của tôi thế nào. Tôi chỉ mỉm cười thật khẽ, rồi vẫn viết lách như cũ. Nó bèn bạo gan nhảy hẳn lên bản thảo của tôi, nhảy qua nhảy lại quanh ngòi bút của tôi, những cái móng chân hồng nho nhỏ di chuyển trên mặt giấy phát ra những âm thanh lạo xạo.

Tôi cứ thản nhiên viết, lặng lẽ hưởng thụ tình ý thân mật của cu cậu ấy. Thế là, nó hoàn toàn yên tâm rồi, một mực dùng cái mỏ sừng nhỏ màu hồng tựa như được bôi sáp, mổ lách tách vào đầu ngòi bút đang di động của tôi. Tôi đưa tay vuốt vuốt nhẹ nhàng lớp lông mịn màng của nó, nó cũng không sợ, ngược lại còn mổ mổ vào ngón tay tôi đầy thân thiện.

Có một bận, nó còn nhảy hẳn vào trong cốc trà để không của tôi, đứng trong đó ngó nhìn tôi qua thành cốc thủy tinh thấu sáng. Nó không hề sợ tôi bỗng nhiên bịt chặt mất miệng cốc. Phải rồi, tôi sẽ chẳng làm vậy.

Ban ngày, nó cứ tinh nghịch bầu bạn với tôi như thế. Khi trời đã xẩm tối, sau khi chim bố chim mẹ đã gọi đi gọi lại mấy lần nó mới bay về lồng, lách thân hình tròn trịa chen qua những nhánh lá xanh mà chui vào.

Một hôm, khi tôi đang cúi mình trên bàn viết, nó đã đậu xuống vai tôi. Cây bút trong tay tôi bất giác ngừng lại, sợ rằng làm nó kinh động bay đi. Đợi một lúc, tôi ngoái đầu lại nhìn, thì cu cậu ấy đã nằm ngủ trên vai tôi tự bao giờ rồi, mí mắt màu xám bạc đã khép chặt, đôi chân hồng nho nhỏ vừa vặn được lớp lông tơ dài trên ngực che kín. Tôi hơi rung nhẹ vai mình, nhưng nó vẫn không tỉnh dậy. Ngủ đến là say! Lại còn lích chích cái mỏ, nhẽ nào nó đang ngủ mơ?!

Ngòi bút của tôi chợt chuyển động, tuôn ra cảm nhận tức thời khi ấy: Tin cậy luôn tạo ra được những cảnh giới đẹp đẽ tuyệt vời.

Châu Hải Đường
dịch từ nguyên bản Trung văn

------------

Bài viết cùng chuyên mục:

Bên lề bản thảo - Tản văn của nhà văn Giả Bình Ao Viết cho Esmé Với tình yêu và tiếng thét Tượng thi hào - Truyện ngắn của Slawomir Mrozek Konstantin Simonov - Hai diện mạo trong một cuộc đời Củ cải trên ngọn cây - Truyện ngắn của nhà văn Mark Twain
Từ Đền Hùng còn vang vọng mãi lời Bác dạy

Từ Đền Hùng còn vang vọng mãi lời Bác dạy

Baovannghe.vn - Trong chín lần về Phú Thọ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hai lần tới thăm Đền Hùng.
Bài viết của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm về "Chống lãng phí"

Bài viết của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm về "Chống lãng phí"

Baovannghe.vn - Trong mọi giai đoạn cách mạng, Đảng, Nhà nước ta luôn đặc biệt quan tâm công tác phòng, chống lãng phí, đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, kết luận về vấn đề này và lãnh đạo cả hệ thống chính trị, toàn dân tổ chức thực hiện đạt nhiều kết quả. Văn nghệ điện tử trân trọng giới thiệu nội dung bài viết “Chống lãng phí” của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Tô Lâm.
Khéo dư nước mắt. Tạp bút của Đông Trình

Khéo dư nước mắt. Tạp bút của Đông Trình

Baovannghe.vn - Con đường ấy mang tên "Đông - Tây". Đơn giản là nó nối hai phương của một thành phố. Con đường lớn, đẹp, lối đi hai chiều.
Kiến trúc Hà Nội - 70 năm Giải phóng Thủ đô (1954-2024)

Kiến trúc Hà Nội - 70 năm Giải phóng Thủ đô (1954-2024)

Baovannghe.vn - Kiến trúc Hà Nội - 70 năm Giải phóng Thủ đô (1954-2024) là cuốn sách có giá trị tổng quan và sâu sắc về các chặng đường phát triển của kiến trúc, đô thị Hà Nội.
Trầm ngâm quê nhà- Thơ Nguyễn Văn Hòa

Trầm ngâm quê nhà- Thơ Nguyễn Văn Hòa

Baovannghe.vn- Tôi từ thương nhớ mà đi/ Vọng trong ngày cũ xanh rì chiêm bao/ Nam non ướt ngọn mưa rào/ Nồm già nứt vách chênh chao nếp nhà