Sáng tác

Những ngày không sách - Tản văn của nhà văn Phùng Ký Tài

Phùng Ký Tài / Châu Hải Đường dịch
Văn học nước ngoài
06:00 | 30/09/2024
Baovannghe.vn - Đọc sách là thưởng thức người khác. Viết sách là đào xới chính mình. Đọc sách là được người khác tắm gội cho mình, còn viết sách là một kiểu tự mình gột sạch cho mình. Hai con mắt của người ta là để nhìn người khác, nhưng còn cần thêm một con mắt để nhìn lại chính mình, thường xuyên quan sát linh hồn ẩn sâu trong bản thân mình.
aa

Bạn đi du lịch xa nhà, ở một quán trọ nhỏ trong một thị trấn nhỏ vắng vẻ nào đó, gặp đúng ngày trời mưa tầm tã, và cơn mưa triền miên đáng ghét ấy nhốt chặt bạn trong phòng. Mở khóa ba lô ra, ôi chao, thật đen đủi: Cuốn sách bạn dự định mang theo bên mình lại quên mất ở nhà rồi! Đó là cảm giác đáng tiếc mà những người hay phải đi xa nhà vẫn thường gặp phải. Bạn phải làm thế nào? Thân ở quê người, xa lạ không bè bạn, trong tay không có sách, một mình ngồi đối diện với màn mưa ngoài cửa sổ, cảm giác buồn tẻ khi ấy không biết là đến thế nào! Nhưng với tôi thì, ồ, tôi tự có cách của mình!

Trước khi nói ra cách của tôi là gì, trước hết xin để tôi nói cho các bạn hay từ đâu mà tôi có nó.

Trong thời kỳ Văn cách, nhà tôi bị cướp phá sạch trơn. Tàng thư với hơn ngàn cuốn sách, bị những kẻ phản cách mạng xé, hủy, phóng hỏa đốt rụi. Sau khi bị lục phá nhà rồi, lúc nhặt nhạnh thu dọn lại những đồ dùng gia dụng sứt mẻ vỡ nát, những cuốn sách tàn và những tờ giấy trang sách lẻ tẻ rời rạc vương vãi khắp nơi tôi cũng trân trọng tiếc nuối mà không quản ngại gom nhặt lại, chỉnh lý, khâu đóng, những chỗ rách rời đều dán bằng giấy kính. Những cuốn hoàn chỉnh chẳng có bao nhiêu, mà quyển rách giấy rời thì cả một bao to. Gặp lúc buồn tình rảnh rỗi, thì tôi lại lấy ra đọc. Đọc sách cũng như nghe nhạc, một khi đã đắm chìm vào đó thì tựa hồ được bước vào một thế giới khác: lúc thì như sống trong thời hoang sơ viễn cổ, khi thì như dạo bước nơi dị quốc khác tục, lúc thì đứng trước cảnh chiều hôm mây ráng, khi thì thâm nhập vào cuộc sống muôn màu. Khoảnh khắc, bao nhiêu phiền não khốn đốn trong lòng cho đến cảnh tường đổ cửa long bốn xung quanh đều biến mất cả. Thế giới trong sách và thế giới trong lòng hòa với nhau làm một - những buồn khổ của nhân vật đuổi hết những buồn khổ của mình, những căng thẳng trong câu chuyện thay thế cho những căng thẳng trong hiện thực, ngay cả những tình cảm đau thương buồn tủi cũng thay hình đổi dạng. Nghệ thuật thẩm mỹ hóa tất cả mọi thứ, xấu cũng là một kiểu đẹp, trong nghệ thuật “thẩm xú” cũng là “thẩm mỹ”, cũng là một sự thưởng thức.

Nhưng, tôi trước nay chưa từng coi sách là một người bạn chơi nhàn cùng giết thời gian với mình, mà nhận định rõ đó là một người bạn chân chính giúp tôi mạnh mẽ và sâu sắc hơn. Bạn đọc sách, đặc biệt là những danh tác, thì ấy chính là bạn đang được giao tiếp trò chuyện với một hiền nhân, một trí giả kiệt xuất trong lịch sử nhân loại! Những bậc hiền nhân trí giả ấy viết sách, hoặc là để tìm kiếm sự thấu hiểu của người khác; hoặc là để tìm kiếm con đường nhân thế và chân lý cuộc đời. Bất luận châm ngôn của họ có liên hệ được với kinh nghiệm cuộc đời của bạn hay không, thì cảm nhận về sự thông tuệ của họ cũng thúc đẩy ngộ tính của bạn, hay là tài hoa và tư tưởng thiên tài của họ lập tức soi rọi thông suốt cho đầu óc mông lung hỗn độn của bạn - trong óc bạn dường như bỗng nhiên biến thành một bóng đèn phát sáng nhờ có luồng điện chạy qua - họ chẳng phải là người bạn tinh thần quý báu nhất của bạn hay sao?

Nửa cuốn Jean Christophe(1) tưởng chừng tôi đã đọc nát, những tờ rời rạc của những cuốn thơ ca trong và ngoài nước cũng đều thuộc nằm lòng. Nhưng, đọc những cuốn tàn thư không đầu không cuối lại có một nếm trải riêng, giống như khi đối diện với bức tượng thần Vệ Nữ bị cụt mất cánh tay, bạn sẽ tự nhiên dùng trí tưởng tượng đẹp nhất của mình để lắp đặt thêm vào cho nó trở nên hoàn thiện. Số phận của những nhân vật trong sách, vì mất trang, thiếu chương, không biết kết cục thế nào, nhưng tôi không cảm thấy khó chịu, mà ngược lại dùng trí tưởng tượng của mình mà tiếp tục phát triển nó, hoàn thành nó. Tôi chiếu theo ý chí của chính mình mà giả tưởng ra diễn biến thân phận và kết cục tất nhiên của họ. Tôi cảm thấy như mình là một vị thần vận mệnh sắp đặt nên lịch trình đầy ý vị của từng cuộc đời nhân vật. Khi ấy, số phận tôi thì bị người khác nắm giữ, còn tôi thì lại nắm giữ số phận của một số “nhân vật” khác. Việc trước là đau khổ, việc sau là hạnh phúc.

Thường mỗi nhân vật được tôi thiết kế cho mấy kiểu kết cục. Trong tiểu thuyết, nhân vật có kết cục rồi mới được coi là hoàn thành. Đương nhiên tôi không biết trong tác phẩm gốc, những nhân vật ấy có kết cục như thế nào, vì thế tôi bèn đem những phần viết tiếp của mình kể cho những bạn bè khác nhau nghe mỗi người một cách. Phàm cái kết cục nào khiến bạn bè cảm động thì tôi bèn nhận rằng trong nguyên tác nhất định là như thế, tựa hồ viết như tôi thế mới là bản chuẩn, những người bạn được nghe tôi kể tất nhiên cũng đều tin chắc như vậy chẳng chút nghi ngờ.

Sau Văn cách, sách vở đều được xuất bản lại. Thường có những người bạn nói với tôi rằng: “Cuốn truyện anh kể gần đây tôi đọc rồi, nhân vật ấy đâu có chết! Kết thúc câu chuyện cũng không giống như anh kể...” Họ đến tìm tôi để “tính sổ”, nhưng cũng có những người bạn, nhìn khuôn mặt chỉ cười mà không đáp lời của tôi, nói: “Nhưng, kết thúc câu chuyện như anh kể cũng không tệ...”

Lúc đầu, việc viết nốt những câu chuyện dở dang trong những quyển sách tàn ấy được tôi thực hiện rất hăng say, bởi vì trong quá trình viết tiếp ấy, tôi tự nhiên phải sử dụng kinh nghiệm cuộc sống của mình, vận dụng ra những chi tiết quý báu nhất, độc đáo nhất, sinh động nhất trong cuộc sống của mình, phát huy hết trí tưởng tượng nghệ thuật của mình. Mà, hưởng thụ trí tưởng tượng của mình mới là say mê nhất. Đó là một thứ hưởng thụ riêng có của những người sáng tạo nghệ thuật. Sau này, lại rất tự nhiên, tôi thoát ly ra khỏi quỹ đạo câu chuyện của người khác, mà tự mình bước đi. Trên thế giới đáng yêu nhất là giấy. Chỉ có giấy là vô cùng vô tận, nó là khoảng trời không giới hạn, không kết thúc, cho văn học tung hoành. Tôi bắt đầu trải từng trang từng trang giấy trắng tinh khôi không tì vết lên mặt bàn, viết ra những câu chuyện riêng mình mình có mà tôi không thể giấu nổi nó trong lòng nữa.

Viết sách hạnh phúc hơn nhiều so với đọc sách.

Đọc sách là thưởng thức người khác. Viết sách là đào xới chính mình. Đọc sách là được người khác tắm gội cho mình, còn viết sách là một kiểu tự mình gột sạch cho mình. Hai con mắt của người ta là để nhìn người khác, nhưng còn cần thêm một con mắt để nhìn lại chính mình, thường xuyên quan sát linh hồn ẩn sâu trong bản thân mình. Cùng với việc suy xét thế giới, thì bạn cũng phải suy xét chính mình giống như vậy. Viết lách có thể khiến cho bạn càng ngày càng công minh, càng nghiêm khắc, càng rộng lượng, càng thiện lương hơn. Ích lợi trước hết tôi nhận được từ văn học là sự tái tạo linh hồn, tự mình làm mới mình như vậy. Nếu không thì từ đâu mà bạn có được sự chân thành mà văn học bắt buộc cần phải có?

Đọc sách là hưởng thụ thành quả sáng tạo của người khác. Còn viết sách là tự mình sáng tạo ra để cung cấp cho người khác hưởng thụ. Bản chất của văn học là từ không đến có. Văn học loại bỏ không dung thứ đối với sự bắt chước. Từ nhân vật, đề tài, cho đến hình thức, phương pháp, chưa cần nói là của người khác, thậm chí ngay cả một tỷ dụ khéo léo nào mà chính mình đã từng sử dụng, cũng không cho phép lại một lần nữa xuất hiện dưới ngòi bút của bạn. Khi tất cả các tế bào của nó đều là mới sinh ra, thì mới có thể nói là bạn đã sáng tạo ra một sinh mệnh mới. Như thế, bạn mới cung cấp cho thế giới này một nhân vật mới đầy sức hấp dẫn và có giá trị nhận thức, nó chưa từng thực sự sống một ngày nào trên thế gian này, nhưng lại có họ, có tên, có máu, có thịt, và trở thành hình tượng tồn tại một cách sâu sắc trong tâm hồn biết bao nhiêu độc giả. Một số người từ con người nhân vật ấy mà phát hiện ra người ở bên cạnh mình; Một số người từ cá tính của nhân vật ấy mà phát hiện ra bản thân mình. Mọi người từ trong đó ấn chứng chính mình, phản tỉnh sai lầm, tìm kiếm chỉ bảo, phát hiện giá trị của sinh tồn và triết lý cuộc sống. Còn nữa, tất cả mọi sự vật trên thế giới được tái hiện lại trong sáng tác của bạn, đều mang đầy màu sắc, mang đầy thanh âm, mang đầy hơi thở của sự sống và tình cảm của bạn. Và tất cả những điều ấy lại đều được ra đời trên cái bàn viết nhỏ hai, ba thước. Viết sách là một công việc khiến người ta say mê biết bao nhiêu!

Trong những ngày không có sách, thì tôi lại vừa bị bắt buộc, vừa bằng lòng tình nguyện bước lên con đường ấy: đó chính là viết sách.

Không sách thì viết sách. Mất mà lại được. Cuộc sống luôn để cho bạn mất đi thì ít, mà thu lại được thì nhiều.

Chà, chà, đây chính là điều mà tôi muốn nói: Mỗi dịp đi xa khỏi nhà, trong tay không sách, tôi sẽ tìm mấy tờ giấy trải ra trên bàn. Đâu sợ gì trời mưa liền cả mười hôm hay nửa tháng, tôi vẫn như thế, tràn đầy sinh lực, hai mắt sáng ngời, thần thái không giảm, mà ngồi lì trong phòng được. Nhưng tôi không hề coi việc viết lách ấy như một trò tiêu khiển. Mà tôi đang làm công việc thượng đế đã làm, ấy là: Sáng tạo sinh mệnh!


1.Tiểu thuyết của Romain Rolland.

Châu Hải Đường
dịch từ nguyên bản Trung văn

------------

Bài viết cùng chuyên mục:

Viết cho Esmé Với tình yêu và tiếng thét Tượng thi hào - Truyện ngắn của Slawomir Mrozek Konstantin Simonov - Hai diện mạo trong một cuộc đời Củ cải trên ngọn cây - Truyện ngắn của nhà văn Mark Twain Bên lề bản thảo - Tản văn của nhà văn Giả Bình Ao
Bài viết của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm về "Chống lãng phí"

Bài viết của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm về "Chống lãng phí"

Baovannghe.vn - Trong mọi giai đoạn cách mạng, Đảng, Nhà nước ta luôn đặc biệt quan tâm công tác phòng, chống lãng phí, đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, kết luận về vấn đề này và lãnh đạo cả hệ thống chính trị, toàn dân tổ chức thực hiện đạt nhiều kết quả. Văn nghệ điện tử trân trọng giới thiệu nội dung bài viết “Chống lãng phí” của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Tô Lâm.
Khéo dư nước mắt. Tạp bút của Đông Trình

Khéo dư nước mắt. Tạp bút của Đông Trình

Baovannghe.vn - Con đường ấy mang tên "Đông - Tây". Đơn giản là nó nối hai phương của một thành phố. Con đường lớn, đẹp, lối đi hai chiều.
Kiến trúc Hà Nội - 70 năm Giải phóng Thủ đô (1954-2024)

Kiến trúc Hà Nội - 70 năm Giải phóng Thủ đô (1954-2024)

Baovannghe.vn - Kiến trúc Hà Nội - 70 năm Giải phóng Thủ đô (1954-2024) là cuốn sách có giá trị tổng quan và sâu sắc về các chặng đường phát triển của kiến trúc, đô thị Hà Nội.
Trầm ngâm quê nhà- Thơ Nguyễn Văn Hòa

Trầm ngâm quê nhà- Thơ Nguyễn Văn Hòa

Baovannghe.vn- Tôi từ thương nhớ mà đi/ Vọng trong ngày cũ xanh rì chiêm bao/ Nam non ướt ngọn mưa rào/ Nồm già nứt vách chênh chao nếp nhà
Chiều đã Chạp - Thơ Nguyên Hậu

Chiều đã Chạp - Thơ Nguyên Hậu

Baovannghe.vn- Chầm chậm nhé trời chiều nay đã Chạp/ Người tha hương đã kịp về đâu/ Ai rửa phèn chua nhàu nhĩ áo nâu/ Rơi giấc phố tiếng dế ngày xa lắc